TÔN GIÁO

Hồi Ký Hành Trình Tìm Về Dấu Chân Chúa: Kỷ Niệm Cuộc Hành Hương Đất Thánh, Mùa Chay 2019- 5 (tiếp)

Trần Mỹ Duyệt

 

4.HÀNH TRÌNH RAO GIẢNG TIN MỪNG (Tiếp)

Bêthania ngôi làng thân thương

Bethany ngày nay tọa lạc trên một sườn đồi tiếng Ả Rập gọi là al-Eizariya, nơi ba chị em Mattha, Maria, và Lazarô sinh sống. Đây cũng là quê quán của Simon tật phong, vào khoảng 1.5 dặm (2.4 Km) phía đông Giêrusalem, trên sườn đông nam của núi Cây Dầu. Thánh Gioan ghi lại trong Phúc Âm của ông: “Bethany gần Giêrusalem, ngắn hơn khoảng 2 dặm” (Gioan 11: 18). Không biết Bethany thời Chúa Giêsu như thế nào, ngày nay lối vào tuy nhỏ nhưng đẹp, có những tàn cây rủ bóng hai bên đường. Một ngôi thánh đường đã được dựng lên trên nơi trước đây là nhà của ba chị em do các tu sỹ dòng Phanxicô điều hành. Khách hành hương còn thấy trong sân khuôn viên thánh đường Bethany có cây “cải”, một thứ cây mà Chúa Giêsu đã dùng làm dụ ngôn khi nói về nước trời. Không xa là mộ của Lazarô, người đã được Chúa cho sống lại mặc dù đã chết 4 ngày.

Tín hữu Việt Nam khi đọc Thánh Kinh đến chỗ nói về “cây cải” thường nghĩ rằng đó là một trong những loại cải như cải ngọt, cải bẹ, cải cay…nhưng khi đến Do Thái mới hiểu ra rằng nó không giống bất cứ loại cải nào mà chúng ta vẫn thường thấy ở Việt Nam. Đó là một loại cây như cây khế, cây chanh, cây lựu… Và điều này giải thích tại sao Chúa nói là chim trời có thể làm tổ trên cành của nó. Nó cũng nêu lên câu hỏi là không biết căn cứ vào đâu mà các bản dịch Việt ngữ lại dùng từ “cải” trong khi thực tế không hề có một sự so sánh nào với những cây được gọi là cải tại Việt Nam.

Nhưng nhắc đến Bêthania là nhắc đến một tình bạn, tình thầy trò mà từ đó đặt nền tảng cho một niềm tin vào Thiên Chúa Nhập Thể. Thánh sử Gioan viết về mối tình này: “Đức Giêsu quí mến Mattha, cùng hai người em là Maria và Lazarô” (Gioan 11:5). Ngài gọi Lazarô là bạn: “Lazarô, bạn của chúng ta đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây” (11:11) khi nói về cái chết của ông. Qua câu truyện về cái chết của Lazarô, cũng như qua những trao đổi giữa ba chị em đối với Chúa, chúng ta nhận ra rằng, Chúa thật sự yêu thương họ. Ngài đã xao xuyến, thổn thức khi thấy hai bà khóc thương em mình đã chết: “… Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến” (11:33).  Đúng ra “Đức Giêsu liền khóc” (11:35).

Tình yêu của Mattha, Maria, và Lazarô đối với Chúa không chỉ là tình bạn, mà còn là tình thầy trò, tình Chúa.  Suy về mối thân tình của gia đình này với Chúa đã mở ra một cái nhìn mới về tương quan giữa Chúa và tôi. Điều khám phá thích thú ở đây là với Chúa, Mattha có thể giận dỗi, khó chịu và nũng nựu: “Lạy Thầy, Thầy không thấy là em con để con phục vụ một mình sao? Hãy bảo nó giúp con.” (Luca 10:40)  Và Chúa có thể sửa dạy bà một cách tự nhiên: “Martha, Martha, con lo lắng và bối rối về nhiều chuyện quá” (10:41). Còn Maria thì có thể thanh thản ngồi dưới chân nghe Chúa nói.

Nhiều khi chúng ta nhìn Chúa, đối xử với Ngài như một Thiên Chúa chỉ biết thưởng phạt, một ông vua quyền uy, một quan tòa nghiêm khắc, một chủ nhân ông hà khắc không biết cảm thông với thân phận, với những yếu đuối con người của mình. Nhìn Chúa như vậy, nghĩ về Chúa như vậy rồi chúng ta lại quay ra phiền trách Chúa, nhưng lại không biết rằng Chúa là người cha nhân lành, người bạn thân có trái tim rung động, có những giọt nước mắt sẵn sàng để rơi xuống với những nỗi xót thương của chúng ta. Và trên hết, Ngài muốn chúng ta thanh thản đến ngồi dưới chân Ngài, tâm sự và nghe Ngài tâm sự với chúng ta. Đến với Chúa, yêu mến Chúa như một người con, người em, và người bạn tâm giao.

Cây sung và Giakêu

Trên con đường đi Jericho, ngày nay khách hành hương còn có dịp dừng lại trước cây sung, nơi mà trước đây Ông Giakêu đã trèo lên để nhìn cho được Chúa Giêsu, lý do vì ông quá lùn không hy vọng nhìn được Chúa khi chen chúc giữa đám đông.  Cây sung hiện nay trên đường đi Jericho cũng lớn, nhưng chắc chắn nó không phải là cây sung cách đây hơn 2.000 năm. Có thể cây sung này thuộc đời cháu, chắt hoặc những đời sau rất xa của cây sung mà Giakêu đã leo lên.

Giakêu được mô tả là một trưởng ty quan thuế ở vùng Jericho. Vì dính dáng đến tiền bạc, nên ông bị nghi ngờ gian lận, biển thủ, tống tiền và nhất là tay sai của bọn đế quốc Roma. Dĩ nhiên, ông thuộc loại giầu có trong vùng. Căn cứ vào những mô tả của Thánh sử Luca, ta có thể hiểu là ông rất giầu, sự giầu của ông đến từ những nguồn lợi không minh bạch. Chính ông sau khi được đón tiếp Chúa tại nhà cũng tự xác nhận điều này.

Có thể là vì tò mò, và cũng có thể là vì yêu mến, nên khi hay tin Chúa Giêsu đi ngang qua đó, ông đã nhanh trí chạy vội về phía trước, leo lên một cây sung với ý định là được nhìn thấy Chúa. Nhưng Chúa đã hiểu được lòng dạ ông, nên khi vừa đến dưới góc cây, chính Ngài đã lên tiếng gọi ông. Ngài còn nói rõ, Ngài muốn lưu lại nhà ông hôm đó: “Giakêu, xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi” (Luca 19:6). Cuộc hội ngộ đã chuyển hóa Giakêu (Luca 19:1-10).

Đây là ý nghĩa nhất mà người đời sau có thể học hỏi từ câu truyện hiếm hoi này. Nó nằm ở lời tuyên bố của ông trước mặt Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, tôi sẽ phân chia một nửa gia tài tôi cho người nghèo khó, và nếu tôi có gian lận ai, tôi sẽ đền trả gấp bốn” (19:8).

Từ lời tuyên bố ấy, ta có thể hiểu là ông giầu đến cỡ nào? Nhưng nếu sự giầu có ấy đến từ những đồng tiền không trong sạch thì tội ông cũng rất lớn. Tuy nhiên, ông chính lại là người “giầu có” mà chiếm được thiên đàng. Ông đã hiểu được giá trị của tiền bạc, và ông không ngần ngại dùng của phi nghĩa mua lấy nước trời. Ông đã hành động một cách anh hùng, can đảm, và đầy niềm tin vào Thiên Chúa. Hành động ông vừa có ý nghĩa xưng thú tội lỗi, và cũng vừa mang ý nghĩa thống hối, đền trả thật lòng. Trước thái độ ấy của ông, Chúa Giêsu không còn biết làm gì hơn là tuyên bố một câu khiến cho Giakêu cũng như những tội nhân sau này được tin tưởng và an ủi: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này, bởi vì người này cũng là con cái Abraham. Vì Con Người đến để kiếm tìm và cứu chữa những gì đã mất” (19:9-10).  Mỗi tội nhân đều có một quá khứ, và mỗi thánh nhân đều có một tương lai. Nếu người tội nhân biết nhìn nhận quá khứ tội lỗi mà thống hối thì tương lai lành thánh sẽ thuộc về họ.

Quán trọ bên đường

Cũng con đường từ Giêrusalem đi Jericho lại xảy ra một câu truyện nói về lòng thương xót. Câu truyện được Thánh sử Luca kể về một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người luật sỹ trẻ về những giới răn trong đạo Do Thái. Trong sách Đệ Nhị Luật, Maisen có ghi đến 613 luật thì biết luật nào trọng hơn luật nào? Vả lại đã là luật thì dù trọng hay không trọng cũng phải giữ. Hỏi luật nào trọng hơn luật nào là một cách bắt bí và thử thách người bị hỏi. Nhất là đối với Chúa Giêsu, Đấng “đến để kiện toàn lề luật” (Mat 5:17) thì luật nào cũng là luật quan trong. Tuy nhiên, Ngài đã bao gồm ý nghĩa của những luật ấy thành 2: Mến Chúa và yêu người. Không mến Chúa không thể yêu người được. Ngược lại, không yêu người thì lòng mến chỉ là hời hợt, giả tạo, giữ luật cho có lệ, bôi bác.

Câu truyện người lữ hành bị cướp đánh nửa sống nửa chết trên đường từ Giêrusalem xuống Jericho và được một người Samarita giúp đỡ (Luca 10:25-37) mà Chúa Giêsu dùng để cắt nghĩa về mối tương quan, cận thân giữa người với người là một câu truyện áp dụng thực hành đối với những ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không quan tâm đến anh chị em mình. Dù người đó là ai? Thượng tế, Lêvi hay bất cứ ai tự nhận mình hiểu biết lề luật, vì những người này được cho là những người hiểu và có trách nhiệm với lề luật. Nhưng nếu họ, khi nhìn thấy sự khó khăn, nỗi thống khổ, sự đau xót của anh chị em mình mà quay mặt làm ngơ thì không thể gọi là những người giữ trọn lề luật. Và nếu họ không giữ thì ai sẽ làm việc này?  Chúa Giêsu qua câu truyện đã cho chúng ta câu trả lời. Những người ấy là những người không quan tâm đến lý thuyết và kiến thức luật, nhưng thực hành lề luật.

Chúng tôi không được dịp ghé thăm quán trọ bên đường ấy, nơi cho rằng ở đó có mộ của Maisen, nhưng khi xe chạy qua, tôi cũng dừng lại trong trí tưởng tượng hình ảnh một người bị cướp đánh, bị bỏ rơi đang mong chờ sự giúp đỡ của một ai đó. Và người tốt bụng kia chính là người mà nạn nhân không ngờ, chỉ là một người ngoại, một người Samarita vô tình đi ngang qua. Hành động giúp đỡ ấy là việc làm bác ái được Chúa Giêsu đề cao. Ngài đã nói với người luật sỹ vặn hỏi Ngài về luật, về cách thể hiện luật rằng: “Ông hãy đi và làm như vậy” (Luca 10:37). Đơn giản chỉ có thế, không cần lý luận, phân tích luật nào là luật trọng, và luật nào là luật trọng nhất. Đối với Chúa Giêsu, chỉ có mến Chúa và yêu người là luật trọng hơn cả.

Núi Bát Phúc

Hiến chương nước trời được Chúa Giêsu thiết lập dựa trên 8 phúc đức, tiếng Việt dịch là Tám Mối Phúc Thật. Đây là những lời hứa trang trọng cho những ai muốn đi theo Chúa. Ngài muốn nói cho họ biết trước để sau này không phàn nàn, hoặc thắc mắc như Phêrô đã có lần hỏi Chúa: “Chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì chúng tôi được gì?” (Mt 19:27; Mc 10:28). Tám lời hứa dành cho những ai theo Ngài gồm:

– Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó / vì Nước Trời là của họ.

– Phúc thay ai hiền lành / vì Chúa dành đất hứa cho họ.

– Phúc thay ai khóc than / vì sẽ được an ủi.

– Phúc thay ai khao khát sống đời chính trực / vì sẽ được thỏa dạ no lòng.

– Phúc thay ai biết xót thương người / vì chính mình sẽ được xót thương.

– Phúc thay ai có lòng trong sạch / vì sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.

– Phúc thay ai xây dựng hòa bình / vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa .

– Phúc thay ai bị người đời ngược đãi, mà vẫn sống chính trực ngay lành / vì Nước trời đã dành cho họ. (Mt 5:1-12)

Theo Thánh Kinh, Chúa đã giảng những điều này trên núi Bát Phúc cũng còn được biết đến như núi Eremos nằm giữa Capernaum và Tabgha, một trong những địa thế đẹp của Đất Thánh. Nó nhìn tổng quát ra tây bắc bờ biển Galilee. Từ đây, khách hành hương được nhìn một phần phía bắc của hồ qua những dốc đá của Đồi Golan ở bên kia núi. Hiện nay các tu sỹ Phanxicô đang điều hành nơi này. Núi Bát Phúc cũng được biết đến là nơi Chúa Giêsu gặp gỡ các Tông Đồ sau khi sống lại, và là nơi mà Chúa sai các ông “đi rao giảng cho muôn dân” (Mat 28:16-20).

Tại sao Chúa đưa ra những phúc này? Sao Ngài không hứa ban những gì thực tế hơn như tiền, tài, danh, phận, thông minh, sức khỏe, sắc đẹp, hoặc tuổi thọ? Thưa, đó là những cái thuộc về đất, về vật chất, những thứ không đem lại hạnh phúc, bình an thật, không giúp chiếm hữu được nước trời. Ngoài ra, những tâm hồn khiêm nhu, hiền lành, đơn sợ, trong sạch thông thường là đối tượng của cám dỗ, của chống đối, thử thách, thù hằn, của đối xử bất công trước mắt thế gian. Vì thế cho nên Ngài không muốn con người hoang mang, thất vọng, nghi ngơ và hoài nghi, nhưng biết tín thác vào lòng yêu thương của Thiên Chúa. Tám Mối Phúc Thật, chính là lộ trình an toàn cho nhân loại trên đường về vĩnh cửu.

Trên Núi Bát Phúc hôm nay, tôi có cảm tưởng như mình đang ngồi chung với đoàn người trên thảm cỏ và nghe tiếng Ngài vang lên trong gió: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó…”

Trên núi Tabor

Núi Tabor nằm ở cuối phía đông thung lũng Jezreel, 11 dặm (17 Km) phía tây của Biển Hồ Galilee. Nó cao 1,843 feet (575 m).  Trong Thánh Kinh nó là biểu tượng của sự hùng vỹ. Các Giáo Phụ xưa như Cyril thành Jerusalem (348 A.D.), Epiphanius, và Jerome tin rằng Chúa Giêsu đã biến hình trên núi này.

Không biết Chúa Giêsu ngày xưa đã lên núi này bằng đường nào, nhưng ngày nay muốn lên núi, khách hành hương phải lên bằng những xe chở khách loại nhỏ. Từ dưới chân núi lên, đường đèo giống như đèo Hải Vân. Ngồi trên xe nhìn xuống thung lũng phía dưới và qua những khúc quẹo gắt người yếu tim cũng cảm thấy toát mồ hôi. Trên đỉnh núi là một vương cung thánh đường do các tu sỹ Phanxicô đảm trách. Một khung cảnh yên tịnh, thanh bình với làn gió mát nhẹ rất dễ đưa con người lạc vào thiên thai. Cảnh vật hữu tình, cộng thêm thấy Thầy biến hình sáng láng có Maisen và Êlia hiện ra đàm đạo, Phêrô đã sung sướng thưa với Chúa: “Lạy Thầy, ở đây tốt lắm. Nếu Thầy muốn, tôi sẽ dựng ba lều – một cho Thầy, một cho Maisen, và một cho Êlia” (Mat 17:4).

Dựng lều là ở lại với Chúa, là hạnh phúc quên đường về. Nhưng cao điểm của biến cố biến hình không phải là Chúa cho Phêrô, Giacôbê, và Gioan thấy vinh quang của Ngài, mà để chuẩn bị cho các ông sẽ là chứng nhân cho cuộc khổ nạn và phục sinh sau này của Ngài. Thánh sử Matthêu viết: “Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.” (17:9)

Không như ba Tông Đồ, từ trên núi xuống, tôi chẳng có gì để nói với những người khác ngoại trừ tôi đã được lên nơi xưa Chúa đã biến hình. Và tôi có thể kể cho những người khác về dấu chứng lịch sử này, về niềm xác tín vào Chúa Giêsu bằng chính đời sống chứng nhân của mình.

SUY NIỆM

Ba năm dong duổi khắp xứ Giuđêa rao giảng Tin Mừng cứu độ, thực hiện các phép lạ. Chúa Giêsu chỉ có một điều mong ước là thấy nhân loại đón nhận lời Ngài. Sống và thực hành những gì Ngài giảng dạy để được giải thoát khỏi tội lỗi, trở về vai trò con cái Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã thưa với Chúa: “Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Gioan 6:68).

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.