TÔN GIÁO

Hồi Ký Hành Trình Tìm Về Dấu Chân Chúa: Kỷ niệm cuộc hành hương Đất Thánh, Mùa Chay 2019 – 5 (Tiếp)

Trần Mỹ Duyệt

 

4.HÀNH TRÌNH RAO GIẢNG TIN MỪNG

Capernaum

“Dời Nazareth, Ngài đi tới và sống tại Capernaum, bên bờ Biển Galilee. Rồi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng.” (Matt 4:13,17) Theo thánh sử Matthêu, Capernaum lúc bấy giờ thuộc địa hạt Zebulun và Naphtali (Mt 4:13).

Có thể nói, Capernaum là nơi Chúa đã dùng để rao giảng Tin Mừng nước trời. Nói tới Capernaum là nói tới hội đường tại đây, tới nhà của Phêrô, Andrê, tới phép lạ Chúa chữa lành nhạc mẫu của Phêrô…

Theo Lm. Jerome Murphy-O’Connor, O.P, (1935-2013), giáo sư Tân Ước tại Ecole Biblique ở Jerusalem, Phêrô và Andrê là những người tính toán về tiền bạc. Hai ông đã rời gia đình và tới thành phố mới sinh sống để tránh thuế. Nhà của họ ở Bethsaida (John 1:44), nhưng họ sinh sống tại Capernaum. Khoảng cách giữa hai thành phố chỉ vỏn vẹn 5 dặm, nhưng ở hai hướng khác nhau. Bethsaida ở phía đông sông Jordan, thuộc địa hạt Hero Philip, trong khi Capernaum ở bờ tây thuộc địa hạt Hero Antipas.

Bài giảng đầu tiên của Chúa tại hội đường Capernaum vào buổi Sabbat hôm đó đã gây một tiếng vang lớn nhưng cũng bị đồng hương xúc phạm không ít, đến độ Ngài phải nói: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: không có tiên tri nào được sùng mộ nơi quê quán mình!” (Luca 4:24) Lời trách cứ của Ngài không thức tỉnh họ, ngược lại còn bị họ giận dữ “đứng dậy họ đưổi Ngài ra ngoài thành, và điệu Ngài lên tận triền núi nơi thành họ đã được xây cất, có ý xô Ngài xuống.” (29) Đây là một nơi cao, những tảng đá lớn nhỏ còn ngổn ngang như một chứng tích lịch sử. Đứng đó khách hành hương có thể nhìn xuống thành phố chạy dài dưới chân. Tôi đã đến nơi này vào một buổi chiều lộng gió, rất lạnh. Đứng ở đó, tôi nghĩ đến Chúa Giêsu nếu bị xô xuống thật thì với thân phận con người chắc là chết không toàn thân. Nhưng Thánh Kinh đã ghi lại, “Ngài đã ngang qua giữa họ mà đi.” (30)

Hội đường mà Chúa Giêsu rao giảng, ngôi nhà của Phêrô chỉ còn lại những tảng đá, những hố sâu chứng tỏ đã trải qua nhiều cuộc nghiên cứu, đào bới, khai quật. Nhưng lùi về quá khứ, với trí tưởng tượng, tôi như thấy Chúa Giêsu đang ở đâu đây, và như thấy Phêrô cũng đang ở đâu đây. Ông đang vui với nghề chài lưới, và xem như ông và em ông rất thành công. Nhưng rồi theo Thầy, với tiếng gọi “Hãy theo ta, ta sẽ biến các anh thành kẻ chài lưới người” (Mt 4:19). Hai ông đã bỏ lại tất cả để theo Chúa. Đây là một niềm tin tuyệt đối trước khi nó được xác tín để thành đức tin. Tin vào Chúa để dám từ bỏ tất cả. Ngoại trừ một lần Phúc Âm nhắc đến Chúa chữa lành nhạc mẫu của Phêrô, còn lại không thấy nói đến vợ con, tài sản, và những gì ông có. Đúng như lời ông đã thưa với Chúa sau khi Ngài sống lại, khi Chúa hỏi ông có yêu Chúa không, ông đã thổn thức có một chút khó chịu thưa với Ngài: “Lạy Thầy, Thầy biết tất cả. Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Gioan 21:17)

Biển hồ Galilee

Chúa Giêsu khởi nghiệp truyền giảng Tin Mừng của Ngài trên bờ biển Galilee. Ngài bắt đầu với việc kêu gọi 12 Tông Đồ, người đầu tiên là Simon sau này Ngài đổi tên cho là Phêrô, em ông là Andrê, tiếp đến là Giacôbê và em ông là Gioan. Họ đều là những người sống bằng nghề chài lưới.

Những khách hành hương đến Đất Thánh ngoài Nazareth, Bethlehem, Giêrusalem, sông Jordan thì nơi mà mọi người đều mong mỏi thăm viếng là Biển Hồ Galilee. Ngoài tên thông thường đó ra, nó còn được biết đến như Bahr Tubariya, Ginnosar, Hồ Galilee, Hồ Gennesaret, Hồ  Gennesar, Biển Chinnereth, Biển Chinneroth, Biển Kinnereth, Biển Tiberias, Biển Tiberias, Hồ Gennesaret, Yam Kinneret. Gọi là biển vì hồ này như một biển nhỏ. Mặt hồ rộng 64 dặm (166 Km vuông), chiều sâu 157 feet (48 m) phía đông bắc. Kéo dài 13 dăm (21 Km) từ bắc xuống nam, và 7 dặm (11 Km) từ đông sang tây. Hồ có hình dạng như một trái lê, cách mặt nước biển 686 feet (209 m). Qua nhiều thập niên, mức độ nước là 6.5 tới 13 feet (2 tới 4 m) dưới mức thông thường. Hồ đón nước từ sông Jordan chảy vào.

Sinh hoạt quanh hồ là nghề chài lưới. Nếu may mắn khách hành hương có dịp còn nhìn thấy những ngư phủ thả lưới ngoài khơi với những chiếc thuyền theo cách thức cổ truyền. Phái đoàn hành hương chúng tôi đã có cái may mắn này. Nhìn những chiếc thuyền ấy, tôi bỗng nhớ lại hình ảnh trước đó hơn 2.000 một thanh niên đi dọc trên bờ biển, lên tiếng mời gọi những người cùng chí hướng. Hôm nay, con người đó cũng vẫn còn dong duổi trên mọi nẻo đường lên tiếng mời gọi, nhưng cũng như năm xưa, số người nghe và theo Ngài vẫn chỉ là con số ít ỏi. Đạo lý Ngài tốt, phần thưởng trọng hậu, sự giải thoát Ngài đem lại giúp con người khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, của Satan và sự chết. Chỉ có điều là nó đi ngược lại với những gì mà con người, thế gian đang tìm kiếm. Nó đã biến thành khó nghe, không lọt lỗ tai nhiều người: “Chúa Giêsu giảng dạy những điều này trong hội đường ở Capernaum. Nghe vậy, nhiều môn đệ của Ngài đã nói, “Đây là một lời giảng khó nghe. Ai chấp nhận được” (Gioan 6:59-60).

Biển Hồ Galilee cũng là nơi Chúa dùng để huấn luyện đức tin cho các Tông Đồ. Lần đầu Chúa đi trên biển để đến với các ông vào canh ba, các ông đã hoảng hốt tưởng là ma (Mat 14:22-26; Mark 6:45-52). Phêrô đã xin với Chúa cho mình đi trên nước để đến với Ngài, nhưng ông đã chìm lỉm khi vừa bước ra khỏi thuyền (Mat 14:28-29). Lần thứ hai lúc Ngài ngủ trên thuyền các ông giữa lúc thuyền gặp phong ba tưởng chừng chìm. Các ông cũng đã sợ hãi kêu cầu Ngài: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con. Chúng con chết mất” (Mt 8:25). Ngài đã dậy, truyền cho sóng gió im, rồi nói với các ông: “Sao hèn tin thế” (Mt 8:26). Có Chúa ở trong thuyền lo gì phải chết?!

– Nhà thờ Tối Thượng Quyền: Tới thăm Biển Hồ Galilee, không phải chỉ để di dọc theo bờ biển, nhìn ngắm những chiếc thuyền, các ngư phủ đang thả lưới xa xa, hoặc du thuyền trên biển. Tới đây, du khách cần phải viếng thăm nhà thờ Tối Thượng Quyền, tại đây Chúa Giêsu đã trao quyền điều khiển Giáo Hội của Ngài cho Phêrô. Theo Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu đã sát hạch lòng trung thành của Phêrô đến 3 lần và lần nào Ngài cũng hỏi ông một câu hỏi duy nhất: “Simon con Gioan, con có yêu mến Ta không?” Tại sao lại 3 lần, theo một số những nhà cắt nghĩa Thánh Kinh thì 3 lần hỏi ấy tượng trưng cho 3 lần ông đã bị hỏi tại dinh thượng tế, và ông đã chối Thầy. Theo Đức Bênêđictô XVI, thì ba lần hỏi và ba lần thưa của Phêrô còn diễn tả tình yêu và sự trung thành của ông. Hai lần đầu ông trả lời : “Dạ có. Thầy biết con yêu Thầy”, chỉ là để nói lên tình yêu con người, tình yêu bình thường mà con người đối với nhau. Nhưng như vậy chưa đủ. Tình yêu của người môn đệ đối với Chúa phải là tình yêu đến chết, một tình yêu hy hiến, và dám thí mạng. “Chúa Giêsu hỏi lại lần thứ ba, “Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô thấy buồn rầu vì Chúa Giêsu đã hỏi ông lần thứ ba, “Con có yêu mến Thầy không”. Ông đã đáp lại, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa” (Gioan 21:17). Và chỉ sau câu trả lời đó, Chúa mới trao toàn quyền điều khiển cho ông. Ngài nói với ông, “Hãy chăn dắt chiên Thầy” (21). Đó là tình yêu mà Chúa Giêsu đang muốn tìm thấy nơi Phêrô cũng như tất cả những ai xưng mình là Kitô hữu, là những môn đệ của Ngài.

 -Tảng đá Chúa dùng ăn sáng với các Tông Đồ sau phục sinh: Bên trong nhà thờ Tối Thượng Quyền có tảng đá mà chính trên đó, Chúa Giêsu đã ngồi dùng bữa sáng với các Tông Đồ sau khi Ngài sống lại. Tảng đá tượng trưng cho sự vĩnh cửu, và bền bỉ. Và vì thế, Phêrô (đá) cũng đã được Chúa dùng xây dựng Giáo Hội. Qua bao thăng trầm đổi thay, bao bắt bớ vùi dập, Giáo Hội Chúa vẫn trường tồn.

Theo một nguồn tin, khi viếng thăm Biển Hồ Galilee và ngôi thánh đường này, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã quì cầu nguyện bên phiến đá này, trong lúc cầu nguyện, ngài đã ngã xuống và ôm choàng lấy phiến đá.    

-Cá Thánh Phêrô: Đã đến Biển Hồ Galilee thì nhất định phải ăn cá Thánh Phêrô. Có ba loại cá mà các ngư phủ thường đánh bắt ở đây, đó là Sardines giống hai con cá em bé có trong phép lạ Chúa hóa bánh và cá nuôi 5.000 người. Barbels có 2 ngạnh bên mép như cá trê, cá ba sa ở Việt Nam, và sau cùng là “musht”, tiếng Ả Rập gọi là cái lược, giống cá rô phi. Cá này chính là “cá Thánh Phêrô” có con dài đến 1.5 feet (156.21 Centimeter), cân nặng 3.3 lbs. (1360.776 gram) tương đương hơn 1,3 Kg. Có thể đây cũng là loại cá mà có lần Chúa Giêsu đã bảo Phêrô: “Hãy ra biển, thả câu và khi câu được con cá đầu tiên hãy mở miệng nó ra, con sẽ thấy một đồng xu 4-drachma. Hãy lấy nó mang nộp thuế cho con và cho Thầy” (Mat 17:27).

Nazareth nước lã thành rượu

Những bước khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu còn ghi dấu đặc biệt là phép lạ đầu tiên tại Cana. Cana ngày nay gọi là Kfar Kanna, thuộc Galilee, khoảng 5.3 dặm đông bắc Nazareth.

Thánh Kinh ghi rõ, Ngài, Mẹ Ngài, và các môn đệ được mời dự tiệc.  Tiệc mới bắt đầu mà rượu đã hết. Làm sao đây trong khi gia chủ và cả đôi tân hôn đều không ai biết, ngoại trừ Đức Maria. Và Mẹ đã phải ra tay can thiệp. Nhưng ngoài Chúa Giêsu ra thì ai sẽ giúp cho đôi tân hôn bây giờ, vì Mẹ biết rất rõ chỉ có Chúa Giêsu mới làm được việc này. Câu chuyện đã dẫn đến kết quả tốt khi Chúa biến 6 chum nước lã thành rượu ngon (Gioan 2:1-11). Trong nguyện đường Cana, ngày nay các tu sỹ Phanxicô còn giữ được một trong những chum đá này.

Ý nghĩa của câu truyện không chỉ dừng lại ở 6 chum rượu ngon, mà phải nhìn nó qua mục đích của cuộc sống và ơn gọi hôn nhân, gia đình. Ơn gọi hôn nhân, tự nó đem lại hạnh phúc cho đôi vợ chồng, thực hiện đầy đủ và duy trì được sứ mạng bảo tồn nòi giống, phát triển nhân loại. Nhưng hạnh phúc và sứ mạng cao cả ấy không thể hoàn thành được nếu thiếu tình yêu. Tình yêu ở đây được tượng trưng cho sự nồng nàn, say đắm của những ly rượu ngày cưới. Hết rượu tiệc cưới sẽ tàn, tình yêu sẽ gặp thử thách.

Nhiều cặp hôn nhân khi đến với thánh đường tiệc cưới Cana đều mong ước được lặp lại lời hôn ước của mình chính tại nơi đã xảy ra phép lạ nước lã thành rượu ngon. Điều này dẫn tới một kết luận là trong hôn nhân, tình yêu chỉ triển nở và phát triển khi nó có Chúa và Đức Mẹ ở giữa. Chính Đức Mẹ là người biết khi lúc nào chúng ta “hết rượu”, và chỉ có Chúa Giêsu mới là người có thể biến nước lã thành rượu ngon. Ngài sẽ làm cho những nhàm chán, khó nhọc, thử thách của cuộc sống hôn nhân thành hương vị tình yêu khiến say đắm lòng người.

Chúa xuống trần để cứu độ con người. Trong môi trường con người, Ngài đã cứu vãn sự đổ vỡ của đời sống hôn nhân trước, vì Ngài biết gia đình là nền tảng của Giáo Hội, của xã hội. Ngài đã đến với nhân loại qua cửa ngõ gia đình.

 

(Còn tiếp)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.