TÔN GIÁO

Hồi Ký Hành Trình Tìm Về Dấu Chân Chúa: Kỷ niệm cuộc hành hương Đất Thánh, Mùa Chay 2019 – 4

Trần Mỹ Duyệt

 

Lm. Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Tuần và Lm. Phạm Đình Nhu hồi đó có thể chưa sang Đất Thánh nhưng đã sáng tác bài “Giuse Xóm Nhỏ” với những lời lẽ rất phù hợp với bối cảnh hiện nay của miền quê Nazareth: “Giu-se trong xóm nhỏ khó nghèo thuở xưa, miền Na-za-rét Thánh Gia Người vui sống. Nêu gương cho tất cả gia đình cần lao, tình yêu tha thiết với cảnh đời đơn nghèo.”

Nazareth ngày xưa khi Giuse, Maria, và Giêsu sống chắc cũng không khác hơn Nazareth hiện nay là một thành phố nghèo, heo hút và gập ghềnh sỏi đá. Nhưng trong cái xóm nhỏ bình dị đó lại có một căn nhà có lẽ còn nhỏ và bình dị hơn, bởi vì Thánh Gia được mô tả là một gia đình nghèo. Nghèo tiền của nhưng giầu phúc đức. Trong nhà đó là Giuse, người công chính, Maria, Mẹ Thiên Chúa và mẹ nhân loại, và Giêsu, Thiên Chúa nhập thể, Đấng đến để cứu độ trần gian.

 

III. CUỘC ĐỜI ẨN DẬT

Nazareth xóm nhỏ

Như đã vừa trình bày, thành phố Nazareth ngày nay vẫn là một thành phố nghèo, đường đi chật chội, gập ghềnh sỏi đá, nhà cửa không gì mấy khang trang. Khách hành hương đến đó có cảm tưởng như đang ở giữa một thành phố nghèo của Việt Nam, Lào, Cao Mên, một nước nào đó bên Phi Châu, Mễ hay những nước kém mở mang. Thành phố gồm những căn nhà nhỏ bé, những hẻm đường với những cửa hàng buôn bán bày ra cả lối đi. Đường vào thánh đường Cana hẹp, khó đi, luồn lách qua các ngõ hẻm.

Nhưng nơi đây lại là nơi Thánh Gia lập nghiệp và định cư, nơi Con Thiên Chúa ẩn dật, che dấu thân phận Thiên Chúa của Ngài cho đến khi xuất hiện công khai năm lên 30 tuổi. Gần ba mươi năm sống trong thôn làng nhỏ bé này, chắc Chúa rành rẽ đường đi, nước bước. Và vì có dịp làm quen với những người nghèo, nếp sống nghèo nên sau này Chúa thường dùng những ví dụ thực tế, dễ hiểu của đời thường để nói về những mầu nhiệm nước trời. Thí dụ, dụ ngôn người gieo giống, hạt cải, cây vả, cây nho… ngay cả đến hình ảnh của một người con phung phá, ông phú hộ.

Nghèo và những người ở đây cũng chân phát đến nỗi chính Nathanael khi được Philip mời gia nhập đoàn với các tông đồ, đã tỏ ra hoài nghi về Chúa Giêsu vì Ngài xuất thân từ Nazareth: “Ở Nazareth có gì hay ho đâu” (Gioan 1:46). Ý ông nói: “Đất sỏi làm gì có chạch vàng?”. Vỹ nhân làm sao xuất thân từ nơi khỉ ho cò gáy như thế? Không chỉ có Nathanael là người Bethsaida đồng quê với Phêrô và Andrê, ngay trong dân làng Nazareth họ cũng tỏ dấu nghi ngờ Chúa Giêsu khi họ nghe Chúa giảng dậy và làm những phép lạ: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?” (Máccô 6:2).

Tuy nhiên, khi nghĩ đến Nazareth là nghĩ đến đền thờ Truyền Tin, đến căn phòng Truyền Tin, đến giếng nước nơi Đức Mẹ thường ngày ra kín lo cơm nước, giặt giũ cho gia đình, đến xưởng thợ của Giuse, và cả những hình ảnh lưu giữ về quá khứ thơ ấu của Chúa Giêsu. Không xa lắm, là thánh đường Cana, nơi xưa tiệc cưới Cana đã diễn ra mà Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các Tông Đồ là khách mời. Cũng nơi đây phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu được Chúa Giêsu làm để tỏ vinh quang cho các Tông Đồ. Hiện nay, thánh đường này là điểm hẹn mơ ước cho các cặp vợ chồng muốn đến đây để lập lại lời hôn ước của họ. Khách hành hương còn nhìn thấy một trong những chiếc chum đựng nước mà Chúa Giêsu đã hóa thành rượu hơn 2.000 năm trước.

Nhưng nơi xóm nhỏ điêu tàn thưở xưa và hôm nay còn có gì để khiến ta suy nghĩ?

Xưởng thợ Giuse

Xưởng mộc của Giuse. Thánh Kinh đã ghi rõ Giuse làm nghề thợ mộc. Là thợ mộc, nên ông cần phải có một xưởng mộc. Cái nghề thợ mộc của ông sau này đã bị người ta đem ra dè bửu khi nói về Chúa Giêsu: “Họ hỏi, đây chẳng phải là Giêsu con ông Giuse, người mà chúng ta biết cả cha lẫn mẹ sao” (Gioan 4:42).  “Đây chẳng phải là con bác phó mộc sao?” (Mt 13:55).

Trước xưởng mộc của Thánh Giuse ở Nazareth, là một tượng đồng của ngài. Dáng vẻ suy tư trầm ngâm nhưng hiền dịu, trong tay có cằm một cây gậy nở hoa. Bức tượng diễn tả đúng với con người của Giuse, người mà Thánh Kinh gọi là công chính: “Giuse chồng bà là người công chính” (Mt 1:19). Khách hành hương với lòng sốt sắng, yêu mến đã xoa vào hai đầu gối bức tượng khiến mòn đi. Họ làm vậy như có ngụ ý trút bỏ những gánh nặng nề trên bước đường dương thế cho thánh nhân, và nhờ ngài ra tay nâng đỡ. Tôi có cảm tưởng như những gánh nặng mà khách hành hương đã trút bỏ lên hai đầu gối kia nhiều lắm.

Và Giuse là ai?

Không có một tài liệu nào nói rõ ràng, đầy đủ về thánh Giuse. Thánh Kinh cũng chỉ nhắc đến ông thuộc hoàng tộc David, “Giuse là con vua David”, nhưng từ David đến Chúa Giêsu đã 28 đời. Theo thánh sử Matthêu: “Từ David đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời” (Mt 1:17). Cho nên có thể nói rằng nếu Giuse sống bằng nghề thợ mộc thì cũng không gì khó hiểu, vì cái gốc gác hoàng tộc ấy đến ông cũng đã quá xa.

Trong cuộc hôn nhân giữa ông và Đức Maria thì Ngụy Kinh (Apocryphal Gospel) của Giacôbê có ghi lại, khi Maria đến tuổi dậy thì, các thượng tế đã nghĩ đến chuyện lập gia đình cho Maria, vì sợ rằng với tuổi ấy những chuyện không tốt có thể xảy đến cho Đức Maria và liên quan đến đền thờ. Câu chuyện bắt đầu bằng việc các thượng tế kêu gọi những trai tráng có đủ điều kiện mỗi người phải mang một nhánh cây hoặc một cây gậy lên Đền Thờ cầu nguyện. Nếu nhánh cây hoặc gậy của người nào có dấu hiệu lạ xảy ra, người đó sẽ là chồng của Maria. Cuộc hôn nhân này được tác thành bởi các thượng tế vì Maria đã được cha mẹ là Gioankim và Anna gửi vào Đền Thờ lúc còn rất trẻ.

Giữa những cây gậy, nhánh cây của các thanh niên, trai tráng mang đến, gậy của Giuse bỗng nở hoa. Giuse đã được chọn làm chồng của Maria. Và đó cũng là lý do tại sao trong các ảnh vẽ, các tượng của thánh Giuse sau này đều có cằm một cây gậy nở hoa. Nó cũng là dấu hiệu đời sống thánh thiện, trinh khiết của ngài khi kết nghĩa với Đức Nữ Trinh Maria.

Nhằm tỏ sự tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, các dịch giả hoặc trước tác Việt Nam cố gắng tránh danh từ “chồng” của Giuse đối với Đức Maria, thay vào đó dịch là “bạn” bạn trăm năm, bạn thanh sạch của Đức Mẹ, và danh từ “cha” của ngài đối với Chúa Giêsu được dịch là “bõ nuôi”, “cha nuôi”. Nhưng chính Đức Maria đã cải chính và sửa lại quan niệm này. Mẹ không ngần ngại nhận Giuse là chồng, và là bố của Giêsu. Thánh Kinh ghi lại điều này khi gia đình lạc nhau lúc Chúa Giêsu lên 12 tuổi. Trong đền thờ: “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Luca 2:48).

Dĩ nhiên, người chồng và người cha ở đây không chỉ hiểu theo một nghĩa thông thường, và Giuse cũng không phải người bình thường bởi vì Đức Maria là Trinh Nữ rất thánh, đồng trinh trước, đang, và sau khi sinh con. Giuse cũng đã phải đối diện với vấn nạn này và ông quyết tâm ly dị người hôn phu của mình vì nàng có thai mà không biết tại sao? Suy nghĩ của ông phải cần đến sự can thiệp của Thiên Chúa. Ngài đã mặc khải cho ông về ý định của Ngài như sau: “Nhưng khi ông đang suy nghĩ về những chuyện này, thiên thần Chúa xuất hiện với ông trong giấc ngủ và bảo, “Giuse con David, đừng sợ nhận Maria làm vợ: vì người con trong lòng bà là bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông đặt tên người là Giêsu” (Mt 1:20-21). Người con ấy là do Chúa Thánh Thần, tên là Giêsu cũng là người con của ông, vì ông là người đặt tên cho người con đó. Ngoài ông ra, ai có quyền đặt tên cho đứa trẻ? Và người mà đặt tên cho con, đương nhiên phải là người cha.

Cha mẹ Ngài gặp lại Ngài

Chuyện lạc nhau trong chuyến trở về Thánh Đô của gia đình lúc Chúa Giêsu lên 12 tuổi là câu truyện của những ai đã có dịp hành hương đây đó. Nó cũng đã xảy ra cho chính bản thân tôi khi bị thất lạc tại phi trường Istanbul trong chuyến bay trở lại Hoa Kỳ. Nhưng Chúa thất lạc vì có lý do. Ngài muốn nhân cơ hội này tiết lộ cho một số nhân vật trí thức, nhất là các kinh sư, và các thầy thượng tế biết sơ qua về thân thế của Ngài, để sau này họ không có lý do bào chữa vì nhầm lẫn khi hô “đóng đinh” Ngài. Ngài là Thiên Chúa mặc xác phàm. Ngài đến thế gian với mục đích giải thoát nhân loại tội tình, và đưa nhân loại về với Thiên Chúa. Lý do ấy, Ngài nói với ông bà: “Sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Luca 2:49).  Nhưng xem ra vì quá mừng rỡ gặp lại Ngài, hoặc quá xúc động nên cả Đức Mẹ, thánh Giuse lúc đó không chú trọng đủ hoặc chưa suy thấu đủ. Thánh Kinh ghi: “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. (Luca 2:50). Nói thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn theo cha mẹ mình về lại Nazareth, sống vâng phục, và âm thầm cho đến ngày công khai rao giảng Tin Mừng.

Một gia đình nghèo, một cuộc sống nghèo, nhưng là một cuộc sống tuân theo Thánh Ý Chúa Cha. Thánh Gia đã nên gương sáng cho những ai sống trong ơn gọi hôn nhân được noi theo. Ý nghĩa ơn gọi hôn nhân gia đình là ở chỗ cha mẹ, con cái, vợ chồng biết yêu thương, chấp nhận nhau để giúp nhau chu toàn sứ mạng của mỗi người. Tôi muốn lặp lại lời cầu xin với Thánh Giuse khi hồi nghĩ lại những gì mà mình đã thấy nơi thôn làng Nazareth nhỏ bé:

“Giu-se trong xóm nhỏ khó nghèo thuở xưa, miền Na-za-rét Thánh Gia Người vui sống. Nêu gương cho tất cả gia đình cần lao, tình yêu tha thiết với cảnh đời đơn nghèo.”

SUY NIỆM

Ba mươi năm ẩn dật của Con Chúa. Cuộc sống nghèo nhưng thanh khiết. Gia đình Nazareth cũng có những hiểu lầm giữa các phần tử, nhưng tất cả đã tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa để chấp nhận, hòa giải và để sống theo thánh ý đó. “Lạy Thánh Gia, xin cho gia đình chúng con trở thành một gia đình Nazareth mới. Nơi mà bình an, hoan lạc và yêu thương ngự trị.” (St. Teresa Calcutta).

(Còn tiếp)

Lưu ý: Để tiếp tục theo dõi loạt Hồi Ký HÀNH TRÌNH TÌM VỀ DẤU CHÂN CHÚA, xin vào thăm facebook Duyệt Trần, hoặc theo dõi trên trang nhà www.giadinhnazareth.org

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.