TÔN GIÁO

Hồi Ký Hành Trình Tìm Về Dấu Chân Chúa: Kỷ niệm cuộc hành hương Đất Thánh, Mùa Chay 2019 – 3

Trần Mỹ Duyệt

 

“Nơi đây Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể.”

2.EMMANUEL: THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Dõi theo dấu chân Chúa khởi đầu từ căn phòng nhỏ bé tại Nazareth, nơi người thôn nữ khiêm hạ đó nhận lời truyền tin của Tổng Thần Gabriel để làm mẹ Thiên Chúa. Cũng tại nơi này, qua lời xin vâng (fiat) của Đức Maria, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đến giữa nhân loại.

Sau khi từ bỏ ngai trời nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc thăm viếng qua chuyến viếng thăm của thân mẫu với chị họ Elizabeth, người vừa được Thiên Chúa cất cho nỗi nhục vô sinh: “Người mà thiên hạ gọi là son sẻ thì nay đã mang thai được sáu tháng”. Thật ra, Chúa Cứu Thế mới là chủ điểm của cuộc viếng thăm này. Ngài đã đến không chỉ đem niềm vui mà còn để giải thoát cho Gioan. Thánh Kinh ghi: “Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện” (Luca 1:44).

Rồi sau lần thăm viếng đó là hành trình trở về cố hương Bethlehem khai sổ, và tiếp theo là Chúa Giêsu hạ sinh trong hang bò lừa, Ba Vua đến thờ lạy, gia đình chạy trốn qua Ai Cập.

Truyền Tin Ngôi Lời Nhập Thể

Thánh Sử Luca (Luca 1:26-38) đã diễn tả chi tiết về biến cố Truyền Tin. Người được Thiên Chúa sai xuống đem tin vui là Tổng Thần Gabirel. Người đón nhận tin vui ấy là trinh nữ Maria. Nơi chốn xảy ra biến cố truyền tin là căn phòng nhỏ trong căn nhà ở Nazareth, thuộc xứ Galilêa.

Nếu chỉ đọc lướt qua câu truyện Truyền Tin có thể sẽ chẳng mấy ai cảm thấy xúc động, cảm thấy biết ơn Thiên Chúa, và hiểu tại sao nó lại quan trọng đến thế đối với toàn thể nhân loại và riêng cho mỗi người. Điều này cũng đã xảy ra cho tôi, cho đến khi được đến tận nơi ghi dấu Tổng Thần Gabriel đã đến và đã nói với Đức Maria: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ. Trinh nữ có phúc hơn mọi người nữ”. Tại sao? Tại sao lại có một món quà thần linh to đớn, quí giá như thế được Tổng Thần mang đến nhân danh Chúa các đạo binh cho người thôn nữ đơn sơ, nghèo nàn như Đức Maria? Lý do gì đây? Thưa chính là lời đề nghị tiếp sau của Thiên Chúa: “Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.”

Thiên Chúa Ngôi Con từ trời xuống thế qua tiếng “xin vâng” của Đức Maria.

Nếu ai có dịp viếng thăm ngôi đền thờ Truyền Tin sẽ thấy căn phòng rất nhỏ bé được bao quanh bằng hàng song sắt kiên cố và chỉ đủ để mấy khách hành hương dừng lại chiêm ngắm, cầu nguyện một phút. Nơi đây NGÔI LỜI ĐÃ HÓA THÀNH NHỤC THỂ, nơi xảy ra biến cố truyền tin. Chúng tôi đã hân hạnh được dâng lễ tại đây. Và tôi nghe văng vẳng lời kinh Tin Kính: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Không đâu và không thời khắc nào xác tín lại niềm tin đó đã khiến con tim bị xúc động bằng chính nơi biến cố Truyền Tin đã xảy ra mới hơn 2.000 năm trước.

Hàn Mặc Tử chỉ ở trong trại cùi Qui Hòa, Qui Nhơn. Ông không đến nơi Thiên sứ truyền tin, nhưng ông như được nhiệm hiệp, ngụp lặn trong ánh hào quang rực rỡ của giây phút Truyền Tin khi thưa lên lời cầu với Thánh Nữ Đồng Trinh:

Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung-hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh,

Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhânđdức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một vạn hào quang…

Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ,
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả,
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới…
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen.
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, – bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?

Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh.
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý,
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh

Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,
Khói nghiêm trang sẽ dân lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không,
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước…

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm,
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu,
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chung Mẹ Sầu Bi
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?

(Ave Maria – Hàn Mặc Tử)

Đền thờ Truyền Tin to lớn, bao trùm căn phòng nhỏ bé, và trong hầm thánh đường, khách hành hương còn được nhìn lại căn phòng làm việc của thánh Giuse, giếng nước nơi Đức Maria đã từng ra kín nước để lo việc nội trợ, giặt giũ cho gia đình. Gần đó là xưởng thợ của Giuse. Bức tượng đồng của thánh Giuse trước nhà đã bị khách hành hương xoa mòn hai đầu gối. Tội nghiệp hai đầu gối ấy chắc là nhức mỏi lắm.

Toàn cảnh đền thờ Truyền Tin, căn phòng Truyền Tin, xưởng thợ của Giuse, đã làm sống lại hình ảnh ngôi nhà nhỏ bé mà ở đó một cặp vợ chồng nghèo, và một cuộc sống nghèo nhưng rất thánh thiện, giầu ơn phúc. Nơi khởi đầu biến cố cứu độ của Thiên Chúa. Cũng trong khuôn viên đền thờ Truyền Tin, khách hành hương Việt Nam còn được nhìn ngắm một bức ảnh Mẹ Việt Nam theo nét vẽ của họa sĩ Văn Nhân.

Lên đường thăm Elizabeth    

“Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elizabeth. Và khi bà Elizabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. (Luca 1:39-45)

Lời chào của Elizabeth đã là khởi đầu Kinh Kính Mừng mà chúng ta vẫn thường ngày đọc để dâng lên Đức Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.”

Con đường từ Nazareth đến Giuđêa nơi nhà của vợ chồng Giacaria và Elizabeth, thuộc miền đồi núi Giuđêa, theo truyền thống gọi là Ein Karem, phía tây của bờ rìa Giêrusalem. Đường xa khoảng chừng 91 dặm (miles) theo đường chim bay. Trong trường hợp thai nghén, việc đi lại khó khăn, Đức Maria ước tính phải đi mất từ 9 đến 10 ngày. Thời đó cũng như bây giờ đây chính là miền đồi núi thực sự. Đường đi gập ghềnh, sỏi đá. Lúc xuống dốc, khi lên đồi. Riêng thánh đường Thăm Viếng, cách không xa nhà của Giacaria, và là nơi sinh của Gioan Tiền Hô, để lên đó, khách hành hương phải leo 70 bậc tam cấp bằng đá đi rất mệt mỏi và khó khăn.

Do những khó khăn đi lại như vậy, liệu thánh Giuse có thể để Mẹ Maria đi một mình không? Nhất nữa Maria là hiền thê, là người vợ vừa mới hứa hôn của Giuse. Tôi tin chắc là cuộc hành trình này có bóng dáng của Giuse. Tuy nhiên, để làm nổi bật ý nghĩa thăm viếng, một cuộc thăm viếng giữa trời và đất của Con Thiên Chúa, giữa Đấng Cứu Thế và người Tiền Hô, và giữa người đã khám phá ra kho báu Cứu Độ trong lòng Đức Maria là Elizabeth, nên hình ảnh của Giuse không được nhắc tới trong chuyến đi này như đã được nhắc tới trong chuyến trở về Bethlehem, trên con đường sang Ai Cập và trở lại Nazareth.

Điểm nổi bật trong cuộc hội ngộ giữa hai chị em còn để lại một kinh nguyện do chính Đức Maria đã cảm hứng từ những nguồn Cựu Ước, Bài Ca Ngợi Khen (Magnificat), một bài ca nói lên quyền năng của Thiên Chúa, tình thương và lời hứa của Ngài với các Tổ Phụ, cũng như ân huệ mà Ngài đã ban tặng cho riêng Đức Mẹ.

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không.Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”. (Luca 1:46-55)

Đồng quê Bethlehem

 Từ nhà bà Elezabeth trở về, sau 3 tháng ở lại giúp đỡ chị mình, cộng với quãng đường dài đi về, người ta có lý do để nói đến cái “bụng bầu” của Đức Mẹ. Giuse nghĩ thế nào? Và Đức Maria giải thích ra sao? Đó là việc làm của Thiên Chúa, và tôi sẽ chia sẻ cảm nghiệm này khi nói đến Giuse trong cuộc đời thầm lặng của Ngài. Ở đây, tôi muốn thả hồn về lại Bethlehem nơi Chúa Cứu Thế được sinh ra.

Lần theo Thánh Kinh của Luca ghi về biến cố này, thì Chúa Giêsu đã sinh ra trong một hang bò lừa, tại đồng quê hẻo lánh.

1 Trong những ngày ấy, Hoàng đế Augustô ra sắc chỉ ban hành lịnh kiểm tra toàn thể thiên hạ. 2 Việc kiểm tra này đã thi hành lần đầu, thời Quiriniô trấn nhiệm xứ Syri. 3 Và mọi người đều đi đăng tên sổ bộ, ai về thành nấy. 4 Ông Yuse thuộc xứ Galilê cũng từ thành Nazaret lên xứ Yuđê, tới thành của Ðavit, gọi là Bêlem vì ông thuộc về nhà và dòng họ Ðavit – 5 để đăng tên sổ bộ với Maria, đã đính hôn với ông, và hiện đang thai nghén, 6 Xảy ra là đang khi ông bà ở đó, thì đã mãn những ngày thai nghén, đến buổi lâm bồn, 7 và bà đã sinh con đầu lòng, và lấy tã vấn con và đặt nằm trong máng cỏ, bởi vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ.

8 Trong vùng ấy, có mục đồng đóng ở ngoài trời và đêm khuya thức canh để giữ đàn cừu. 9 Thiên thần Chúa bỗng hiện đến bên họ và vinh quang Chúa rạng ngời bao quanh họ, làm họ kinh khiếp hãi hùng. 10 Nhưng thiên thần nói với họ: “Ðừng sợ! Này ta đem tin mừng cho các ngươi về một niềm vui to tát, tức là niềm vui cho toàn dân: 11 là hôm nay, đã sinh ra cho các ngươi vì Cứu Chúa, tức là Ðức Kitô Chúa, trong thành của Ðavit. 12 Và sự này làm dấu cho các ngươi: các ngươi sẽ gặp thấy một hài nhi mình vấn tã, đặt nằm trong máng cỏ”.

13 Và bỗng đâu đến hợp đoàn với thiên thần, có đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa rằng:14 “Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm và dưới đất bình an cho kẻ Người thương!” 15 Và khi các thiên thần đã từ giã họ mà về trời, mục đồng bảo nhau: “Chúng ta hãy qua Bêlem mà xem điều đã xảy ra, và Chúa đã khấng tỏ cho ta biết”. 16 Họ hối hả đi đến và đã gặp Maria và Yuse cùng hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy rồi, họ nói ra cho biết điều họ đã được phán dạy về Hài nhi. 18 Và mọi người nghe đều kinh ngạc về các điều mục đồng đã thuật lại cho mình. 19 Còn Maria thì bà giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các kẻ mục đồng lui về tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được nghe và thấy, chiếu theo lời đã phán dạy họ.

Khoảng cách từ Nazareth đến Bethlehem là 80 dặm. Vì lúc đó Maria đang mang thai và phải cỡi lừa nên hai Đấng đã phải đi mất ít nhất là 4 ngày. Sau này trong khi lạc mất Chúa Giêsu, Thánh Kinh đã ghi lại hai ông bà đã đi được một ngày đường, tức là cũng đi được một phần tư đoạn đường, và khi dừng lại điểm hẹn mới biết họ đã lạc Chúa.

Hang bò lừa chính xác nơi Chúa hạ sinh thì không còn, chỉ còn lại nơi mà được tin rằng chính ở đó Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần. Để vào được nơi này, mọi người phải nhẫn nại, xếp hàng, và chờ đợi. Tôi đã để lòng mình chìm vào suy niệm với một niềm bình an sâu thẳm khi cúi xuống hôn nơi cực thánh này. Và tôi thấy những khách hành hương ai ai cũng đều cảm xúc, nức nở trong dòng lệ khi cúi xuống hôn nơi ấy.

Bên cạnh thánh đường Giáng Sinh là thánh đường Cách Đồng Chiên. Nơi đó các mục đồng đã ngủ để canh giữ đoàn chiên của họ. Những hang sâu trong lòng đất, những dấu tích còn để lại cho thấy sinh hoạt của các mục đồng lúc bấy giờ. Họ là những tâm hồn hiền lành, đơn sơ, và chất phát. Họ đáng được tuyển chọn để làm chứng nhân cho mầu nhiệm Giáng Sinh, vì qua họ không ai dám nghi ngờ rằng họ đã bịa chuyện, hoặc thêu dệt những gì mà họ tưởng tượng. Ngày nay tại Do Thái, khách du lịch cũng còn nhìn thấy cảnh này khi băng qua những vùng đồi núi, hoặc những cánh đồng ở đó họ nhìn thấy đoàn chiên, cừu được chăn nuôi bởi những mục đồng. Hình ảnh lịch sử lại hiện về, khách hành hương còn được nhìn hang đá nơi Thánh Giêrônimô tu hành để suy niệm và dịch Thánh Kinh. Nhất là cảm động khi nhìn ngắm ngôi mộ tập thể được ghi nhận là nơi chôn cất các Thánh Anh Hài, những trẻ thơ đã chết thay cho Chúa Hài Nhi khi bị Hêrôđê trút đổ cơn giận dữ của ông vì bị ba vua phương Đông gạt.

Trên đường tỵ nạn Ai Cập

Dựa vào Phúc Âm của Luca, gia đình Thánh Gia còn lưu lại Giêrusalem ít nhất là sau lễ Cắt Bì tám ngày sau đó cho Chúa Giêsu, và 40 ngày sau lễ thanh tẩy cho Đức Mẹ. Rồi thời gian đón tiếp Ba Vua. Như vậy, có thể là Thánh Gia phải chạy nạn qua Ai Cập lúc Chúa khoảng chừng trên dưới 2 tuổi. Thánh sử Matthêu ghi lại chi tiết cuộc triều bái Chúa Hài Nhi của Ba Vua và việc Thánh Gia trốn chạy như sau:

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem,2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:6 “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. 13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.” (Chương 2: 1-17)

Khi được thiên thần báo mộng, thánh Giuse đã vội vã đưa Thánh Gia đi vào một hành trình vô định mà chỉ có Chúa mới là Đấng dẫn dắt. Đường dài bao xa khi Giuse đưa Maria và Hài Nhi từ Bethlehem qua tới Ai Cập. Theo một tài liệu khảo cứu thì đó là quãng đường dài 8.000 Km tương đương với 5.000 dặm.

Tuy nhiên, một cuộc khảo cứu khác lại cho rằng, cuộc hành trình này có thể khởi hành từ Bethlehem – khoảng ít dặm phía nam Giêrusalem – đến một thành phố không tên nào ở Ai Cập. Thành phố lớn nhất Ai Cập lúc bấy giờ là Alexandria, và nếu dùng thước đo bản đồ thì khoảng cách giữa hai thành này chừng 320 dặm (512 Km). Từ đó, khoảng cách ước tính cho cuộc hành trình sẽ là 300-350 dặm. Một cuộc hành trình dài nhất thời bấy giờ.

Nhưng điều ghi nhớ là Thánh Gia trốn qua Ai Cập, gia đình không dừng chân ở một nơi hoặc được sống yên ổn một chỗ. Trong lịch trình trốn chạy, các nhà nghiên cứu Thánh Kinh đã cho thấy Thánh Gia đã phải đổi chỗ ở 21 lần chỉ trong 3 năm, 11 tháng lưu lạc bên Ai Cập. Tại sao? Bởi vì Hêrôđê không thể ăn ngon, ngủ yên khi ông chưa chắc rằng mình đã giết được “Vua dân Do Thái”. Và vì thế, ông đã sai các thám tử lùng sục mọi nơi tìm kiếm những dấu hiệu của Ấu Chúa. Trong trường hợp này, Thánh Giuse mới chứng minh được tài lèo lái gia đình, lòng dũng cảm bao bọc cho gia đình, và sự thương yêu cao cả mà ngài đã dành cho Đức Maria và Chúa Giêsu.

 

SUY NIỆM

Con Chúa hạ sinh làm người. Ngài đã sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha mẹ, họ hàng đều là những người hiền lành, đơn sơ và trong sạch. Ngài cũng đã chọn những chứng nhân nhỏ bé để loan báo mầu nhiệm Giáng Trần của mình là các mục đồng và cả Ba Vua. Ngài muốn mặc khải tình yêu, ơn cứu độ của Ngài cho muôn dân.

Nhưng đã hơn 2.000 năm qua, nhân loại vẫn làm ngơ, nhiều người vẫn chưa nghe biết đến Ngài. Tuy không xứng đáng, nhưng khi suy về tình yêu bao la của Ngài, con muốn thưa với Chúa: “Lạy Chúa xin hãy sai tôi đi”. Sai con đi loan báo Tin Mừng cho những người thân yêu trong gia đình, cho những bạn bè quen biết, và cho những người mà Chúa muốn gửi đến cho con trong cuộc đời, và muốn con trở nên nhân chứng cho Ngài.

(Còn tiếp)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.