Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Có một câu chuyện kể rằng: một cậu con trai tuổi dậy thì, sau một trận cãi vã kịch liệt với ba, cậu bé đùng đùng bỏ nhà ra đi. Tuy giận dữ và đau lòng, nhưng người cha biết rằng con mình rất cần sự uốn nắn và dạy dỗ để trưởng thành. Vậy nên ông đã bôn ba khắp nơi để tìm kiếm đứa bé nổi loạn ấy. Cuối cùng, khi tới thành phố, trong nỗ lực cuối cùng của mình, ông cho đăng một thông cáo trên báo: “X thương yêu, hãy đến gặp cha chiều mai trước cửa tòa soạn. Mọi tội lỗi đều được tha thứ. Cha yêu con. Cha của con”.
Chiều hôm đó, người cha đến tòa soạn thật sớm vì ông không muốn trễ giây phút nào để gặp đứa con thân yêu của mình. Và điều bất ngờ là, tới đó, ông đã gặp… 10 cậu bé tên X. Cả 10 cậu bé này đều đã bỏ nhà ra đi và đều đang mong đợi sẽ gặp được người cha rộng lượng của mình ở đó với vòng tay dang rộng yêu thương.
Vâng, đôi lúc có những người chúng ta yêu thương lại làm tổn thương khiến chúng ta rất đau lòng. Và còn đau lòng hơn khi họ không nói lời xin lỗi. Không có chút biểu lộ sự ân hận, Lúc đó chúng ta tổn thương biết bao!
Có lẽ những người làm cho chúng ta tổn thương họ biết chúng ta đau lòng. Có thể họ cũng có chút ân hận. Nhưng vì lòng tự ái quá cao nên không đủ khiêm tốn nhận lỗi, và vì cũng không tin mình sẽ được tha thứ nên họ không dám ngỏ lời.
Vâng, lòng tha thứ phải đi trước. Lòng tha thứ là một trong nhân đức mà Đức ái ky-tô giáo mời gọi chúng ta phải sống. Thánh Phao-lo đã dạy: ‘Đức ái thì bao dung, nhân hậu, không ghen tương. Đức ái thì nhẫn nại, thi hy sinh. . .” Và ngài đúc kết rằng: “anh em đừng mắc nợ nhau điều gì “ngoài đức bác ái yêu thương”.
Thực ra, ai cũng có thiếu sót. Sống với nhau cần phải học bài học tha thứ. Tha thứ là đón nhận nhau. Tha thứ là tạo cho nhau cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Tha thứ là sống tình yêu bao dung như Chúa Giê-su để xót thương kẻ tội lỗi và cả những kẻ có lỗi với mình.
Trong nhật ký của thánh nữ Faustina có đoạn viết rằng: “Hôm nay con hãy dâng lên cho Cha toàn thể nhân loại, cách riêng là tất cả các tội nhân, rồi dìm họ vào đại dương thương xót của Cha. Như vậy con sẽ an ủi Cha trong cơn sầu não vì sự trầm luân của các tội nhân đã gây ra cho Cha”. (1210 – NK LTX)
Lòng Thương Xót của Chúa luôn đi bước trước đến với tội nhân. Lòng Thương xót của Chúa luôn sẵn lòng xóa đi những yếu đuối, vấp ngã của con người. Phúc âm kể rằng sau khi Chúa Giê-su sống lại, Ngài không bận tâm tới quá khứ của những người làm hại hay bỏ rơi Chúa. Chúa không hề nhắc tới những lỗi lầm của các môn đệ. Nơi Phêrô kẻ chối Chúa ba lần. Nơi các môn đệ hèn nhát bỏ chạy trong đêm tối vườn Cây Dầu. Nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng theo lý luận thuần túy nhân loại. Dường như Chúa đã quên hết và còn ban bình an cho các ông. Nếu Chúa sống lại nhưng không tha thứ cho các ông thì đời các ông sẽ ra sao? Chúa đã sống lại và ban ơn tha thứ cho các tông đồ để từ đây các ngài sẽ ra đi rao giảng về Lòng Thương xót Chúa.
Chúa nhật 2 Phục sinh cũng là ngày kính nhớ “Lòng Thương Xót” của Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta: hãy sám hối ăn năn vì những thiếu sót và lầm lỗi của mình. Hãy tin vào tình thương tha thứ của Chúa để sửa đổi bản thân nên hoàn thiện hơn như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Xin đừng tiếp tục xúc phạm đến lòng thương xót của Chúa. Xin đừng lợi dụng lòng thương xót của Chúa để tiếp tục sống buông thả trong những đam mê lầm lạc, những quan hệ bất chính, những thói đời gian dối hại người.
Một cách đặc biệt là hãy dâng những hy sinh, lời cầu nguyện cho các tội nhân được ơn trở về cùng Chúa. Và chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina để thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, con xin phó thác cuộc đời con, gia đình con và nhân loại hôm nay nơi lòng thương xót của Chúa. Chúng con xin dâng những hy sinh, lời cầu nguyện để bù cho những tội lỗi nhân gian”. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=g3LFRzPHt48
Views: 0