TÔN GIÁO

Đức Giám Mục của người cùi

ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE

 

Bên cạnh Làng Cùi Di-Linh, tỉnh Lâm Ðồng, có ngôi mộ của Ðức Giám Mục Jean Cassaigne (Gioan Sanh,) vị sáng lập giáo xứ và làng cùi tại Di-Linh. Trên bia mộ Ðức Giám Mục De Cassaigne, có khắc hai dòng chữ sau đây:

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi”.

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi đã nêu gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi”.

Đức Cha Jean Cassaigne tên đầy đủ là Jean Pierre Marie Cassaigne.

30.01.1895 Sinh tại Grenade-sur-Adour (Pháp).

06.06.1925 Chịu chức Phó Tế cho Hội Thừa Sai Paris (MEP).

19.12.1925 Thụ phong Linh Mục.

05.05.1926 Đến Việt Nam, tàu cập bến Sài Gòn.

24.01.1927 Cha sở Di Linh.

20.02.1941 Được bổ nhiệm làm Giám mục Đại Diện Tông Toà Giáo Phận Sài Gòn, hiệu toà Gadara.

24.06.1941 Tấn phong Giám Mục tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, với khẩu hiệu “Caritas et Amor” (Bác ái và Tình yêu).

20.09.1955 Từ nhiệm Giám Mục Sài Gòn và quay trở lại phục vụ tại Di Linh.

31.10.1973 Qua đời tại trại phong Di Linh.

  

Đức Cha Jean Cassaigne là một trong số 25 gương chứng nhân truyền giáo, do Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo trực thuộc Bộ Loan Bao Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đề nghị như là mẫu gương về đức tin và về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các chứng nhân truyền giáo này là những người nam nữ, là các thánh hay các vị tử đạo – đã được tuyên thánh hoặc chưa được tuyên thánh – tại các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới.

Cha Cassaigne được thụ phong Linh Mục năm 1925 tại chủng viện Rue du Bac của Paris. Qua Sài Gòn ngay sau đó và nhận nhiệm sở thí điểm truyền giáo vùng ma thiêng nước độc Di Linh (DJIRING) năm 1927. Ngài đã yêu thương những người “Mọi cùi” đến độ đã sống giữa người cùi, tắm rửa, săn sóc cho những người cùi, đã thương yêu họ cho đến khi họ chết.

Đức Cha Jean Cassaigne tên đầy đủ là Jean Pierre Marie Cassaigne, sinh ngày 30 tháng 01 năm 1895. Là người con duy nhất trong gia đình Joseph Cassaigne, chủ buôn rượu nổi tiếng ở Grenade-sur-Adour, quận Landes thuộc địa phận Aire et Dax, nước Pháp.

Ngày 29 tháng 7 năm 1906, cậu bé Jean Cassaigne được rước Mình Thánh Chúa lần đầu. Ngày 26 tháng 5 năm 1907, cậu được chịu phép Thêm Sức.

Jean Cassaigne rất tinh nghịch, 12 tuổi được bố gửi vào trường nội trú của các sư huynh Lasan, trường Saint-Sébastien nổi tiếng là kỷ luật nghiêm ngặt.

Khi học ở trường, cậu Jean Cassaigne là người không ưa kỷ luật bao nhiêu, ham chơi hạng nhất, đứng đầu các môn thể thao và bất cứ vụ lộn xộn nào cũng có Jean Cassaigne cầm đầu. Tuy nhiên cậu rất thật thà không chối cãi, không bao giờ đổ lỗi cho ai.

Quyển sách mà cậu bé Jean Cassaigne thích nhất là quyển “Những cuộc hành trình truyền giáo” của Cha Đắc Lộ với những mẩu chuyện ở miền Á Đông đã lôi cuốn tính phiêu lưu của Jean Cassaigne, bên cạnh đó là sách “Hạnh Các Vị Tử Đạo Tiên Khởi Việt Nam”. Mầm mống ơn gọi thừa sai của cậu bé Jean Cassaigne đang chớm nở.

Đến kỳ mãn trường, bố cậu được mời lên nói chuyện với sư huynh giám đốc, có cả sư huynh giám thị. Khi tiễn cha con ra cổng, vị giám thị nhắc ông Joseph Cassaigne: “Ông để ý nhiều đến con, chứ như thế này thì chẳng làm nên trò trống gì đâu” (Il ne fera rien de bon).

Ông bố buồn rầu đưa con về. Sau bữa ăn, bình tĩnh lại, ông ôn tồn nói với con: “Các thầy không đuổi con nhưng không muốn nhận lại con nữa”.

Jean Cassaigne muốn đi tu, bố không cản nhưng chỉ muốn con tu ở gần vì nhà chỉ có mình cậu, ông không muốn xa con, nhưng Jean Cassaigne lại muốn đi thật xa để mở mang Nước Chúa. Đầu năm 1913, Jean Cassaigne xin vào Chủng viện truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris (La Société des Missions Étrangères de Paris – MEP).

Thượng tuần tháng 7 năm 1914, trận đại chiến Pháp-Đức bùng nổ, lệnh tổng động viên được ban hành, chủng viện phải tạm đóng cửa. Jean Cassaigne với tuổi 19, lòng yêu nước tràn ngập đã xin đầu quân và được bổ sung vào Đệ Lục Lữ Đoàn Long Kỵ Binh rồi được đưa ra mặt trận Noyon, cách Paris 80 cây số về hướng Bắc. Một thương binh bị cụt một chân và Jean Cassaigne cầu nguyện thế nầy : Ề Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy cất mạng sống con, con dâng mạng sống con cho Chúa. Nhưng nếu con còn sống, thì xin Chúa giữ cho con đôi chân để con có thể trở thành nhà thừa sai. Từ năm 1916, Jean làm công tác người đạp xe của bộ chỉ huy, với nhiệm vụ mang các chỉ thị vượt qua các chiến tuyến. Cậu sử dụng và làm hư cả thảy 11 chiếc xe đạp cho công tác nầy. Đó là một công tác đòi hỏi sự tháo vát và lì lợm. Cậu phải vượt qua giữa lằn đạn quân thù, trong một vùng bị chiến tranh tàn phá.

Theo thông lệ cứ 4 tháng, lính tiền tuyến được về nghỉ phép 6 ngày với gia đình. Jean Cassaigne vẫn tới giúp lễ và rước lễ như xưa. Cha sở hỏi: “Con vẫn cương quyết đi truyền giáo?” – “Vâng! Con không thay đổi, thưa Cha!”.

Ngày 14 tháng 7 năm 1918, chiến tranh Pháp-Đức kết thúc, Jean Cassaigne vui vẻ trở về làng với chiếc Huân Chương Bội Tinh đeo ở ngực. Bốn năm trong quân ngũ, đối diện với biết bao cam go khổ sở, không làm cho cậu Jean Cassaigne từ bỏ ý định truyền giáo. Ngày 26 tháng 9 năm 1918, sau khi xuất ngủ được 15 ngày, Jean Cassaigne dứt khoát với đời, trở lại Chủng viện truyền giáo Hội Thừa Sai Paris.

Thời gian trôi qua rất mau. Ngày 19 tháng 12 năm 1925, nhằm ngày Chúa nhật thứ IV mùa Vọng, thầy Jean Cassaigne được thụ phong linh mục cùng với 8 anh em tân thừa sai đồng lớp.

Với một tâm hồn còn đang say mê nồng nhiệt, lý tưởng hy sinh sung mãn tràn đầy, tân linh mục Jean Cassaigne luôn luôn sẵn sàng nhận bất cứ địa điểm nào và không chút so đo lựa chọn.

Chiều thứ Hai ngày 10 tháng 02 năm 1926, sau buổi hát Kinh Chiều và chầu Thánh Thể xong, một hồi chuông báo hiệu tập họp. Cha Delmas, Bề Trên Cả Hội Thừa Sai, trịnh trọng lật bảng danh sách ra. Cha Bề Trên dõng dạc tuyên bố: “Đi địa phận Sài Gòn, Việt Nam: Jean Cassaigne”.

Ngày 6 tháng 4 năm 1926, tàu D’Artagnan chuyển mình rời nước Pháp chở theo vị linh mục truyền giáo Jean Cassaigne. Sau một tháng lênh đênh trên biển cả, ngày 05 tháng 5 năm 1926, tàu D’Artagnan cập bến Sài Gòn.

Khi đến Việt Nam, sau 5 ngày trọ ở nhà quản lý Hội Thừa Sai tại Sài Gòn, Cha Jean Cassaigne được gởi xuống Cái Mơn ở với Cha Delignon để học tiếng Việt. Nhưng việc học tiếng Việt tại Cái Mơn phải kết thúc sớm.

Vì nhu cầu mục vụ, Cha Jean Cassaigne phải tức tốc trở về Sài Gòn để lãnh một nhiệm vụ đặc biệt: Làm Cha sở ở một thí điểm truyền giáo trên miền Cao Nguyên trung phần Việt Nam, một xứ mà cư dân toàn là người thiểu số Thượng và chưa có ai có đạo cả. Tên thí điểm truyền giáo ấy là DJIRING (Di Linh).

Cha Cassaigne đã kể một câu chuyện có lần Ngài giúp những người cùi thức ăn gồm có gạo, muối, và thịt nai. Có một bà cùi hàng tuần đến lấy phần ăn, nhưng tuần đó không thấy đến. Cha Cassaigne đến lều tranh tìm bà thì thấy bà ta sắp chết với mủ nhớt nhầy nhụa, mùi hôi thối không chịu được xông ra từ mảnh thân héo tàn đáng thương xót nàỵ. Cha vội lo dạy bà những điều về Thiên Chúa và hỏi bà ta có muốn Cha rửa sạch những tội lỗi để bà được lên Trời sau khi chết không? Người cùi đáng thương đồng ý được rửa tội và nói với Cha Cassaigne rằng: “Tôi sẽ nhớ Cha khi được ở trên Trời”.

Cái chết tội nghiệp nhưng tốt lành của bà Thượng cùi đã làm khích động thật sâu xa tâm hồn Tông Ðồ của vị Linh Mục Thừa Sai. Câu nói “Tôi sẽ nhớ Cha khi được ở trên Trời” là viên đá đầu tiên được đặt xuống để khởi đầu công cuộc thành lập làng cùi tại Di Linh.

Trong khoảng thời gian đó, ở miền Trung cũng như ở miền Nam nước Việt cũng có những trại cùi với số người bệnh tương đối ít. Trong khi ở vùng đất xa xôi có đến hàng trăm người cùi, lại không có chỗ cho họ ở. Theo lời Linh Mục Phùng Thanh Quang kể lại:

Một ngày cuối Thu năm 1928, trong chuyến đi thăm một làng Thượng xa, đang băng qua rừng vắng thì bỗng có tiếng chân nhiều người dồn dập từ trong vùng tối âm u, nhiều giọng la ú ớ kêu Ngài dừng lại. Những bóng dáng quái dị xuất hiện như một đoàn ma đói. Thân hình xác xơ, kẻ mất tay, người sức mũi, miệng chảy nước lòng thòng và tất cả hầu như què quặt. Họ mặc dù có người khập khiểng, có người vừa bò vừa lết, và đói, cố đuổi theo Cha bao vây lấy Ngài và tất cả đồng gào lên thảm thiết. Rồi tất cả sụp lạy Ngài và khóc rống. Cha Cassaingne vừa sợ hãi, vừa mủi lòng. Thì ra đây là nhóm người cùi bị xóm làng kinh tởm đuổi đi, họ tụ tập từng nhóm ngoài rừng xa, sống lây lất qua ngày để chờ chết. Có lẽ họ đã nghe lời đồn đãi về ông lớn làm thuốc và hay thương giúp người cùi này. Họ chờ Cha trên khúc đường vắng để nhờ Cha giúp đỡ. Vài ngày sau, đó, việc lập làng cùi Di Linh được xúc tiến ngay.

Trong bài thuyết trình của Cha Cassaigne tại Sài Gòn năm 1943 về bệnh cùi khủng khiếp như thế nào, Ngài viết:

“Ở xứ Thượng cũng như hầu hết các xứ vùng nhiệt đới, nơi mà sự ăn ở sạch sẽ và phương pháp vệ sinh ít được lưu ý, thì con số người mắc bệnh cùi khá cao. Khi mà có thể còn làm việc được thì người mắc bệnh cùi vẫn còn được sống chung với gia đình. Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm gì được nữa, nhất là khi các vết ung thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, mủ máu vấy đầy khiến những người chung quanh nhờm gớm kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết sao mặc kệ! Rồi yếu liệt cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi không còn sức làm gì nữa để kiếm ăn vì tay chân cụt mất rồi! Họ sẽ chết dần chết mòn một cách thảm khốc, sẽ gục ngã ở một xó kẹt nào đó rồi chết đi vì đói lạnh, mà chẵng có ai hay biết…”

Trước khi mắc bệnh, mỗi lần thuyết trình đến đây, cha Cassaigne không sao cầm được nước mắt, phần thì thấy thương những người xấu số, phần thì chắc Ngài cảm thấy lo âu sợ sệt như linh cảm thấy trước định mệnh sẽ đến, Ngài run sợ như chính mình đang mắc chứng bệnh nan y này.

Ngay trong buổi chiều đầu tiên đến vùng đất Di Linh, cha Cassaigne đã nhìn thấy những người dân tộc lặng lẽ nghi ngại đi ngang qua nhà ngài. Ngài đã nhìn thấy những anh chị em dân tộc được trao phó cho ngài, cả một cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang chờ đợi ngài. Để có thể gặp gỡ những người dân tộc rụt rè nhút nhát trước những người xa lạ, cha Cassaigne khởi sự bằng cách học nói tiếng của họ, một ngôn ngữ quá mới mẻ và không có chữ viết. Cha Cassaigne đã phải mày mò ký tự từng chữ trong ngôn ngữ của họ. Công việc này đã cuốn hút vị thừa sai trẻ đầy nhiệt huyết. Vì thế, vào tháng 12-1929 cha Cassaigne đã xuất bản Từ điển Pháp – Kơho – Việt, đây là cuốn từ điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Kơho, một công trình rất đáng trân trọng vì góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển cho người dân tộc Kơho.

Tháng 12-1937 cha Cassaigne xuất bản cuốn: Phong tục tập quán người dân tộc Kơho, đây cũng là một công trình đầu tiên nghiên cứu về người Kơho, một công trình giúp cho cha Cassaigne có thể hiểu và gặp gỡ được với những người dân tộc và từ đó nói về Chúa cho họ. Năm 1938 cha cho xuất bản tập Giáo lý cho người Kơho.

Chính nhờ việc hiểu được ngôn ngữ và phong tục tập quán Kơho, cha Cassaigne đã thực sự trở thành người khai phá, trở thành Ông tổ của công cuộc truyền giáo cho người dân tộc, và cha đã thành công trong việc đem Ơn Cứu Độ đến cho rất nhiều người dân tộc thuộc các buôn làng trong miền Cao nguyên Di Linh.

Hoa trái của công cuộc truyền giáo là vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 7-12-1927, cha Cassaigne đã rửa tội cho bà Ka Trut, một bệnh nhân phong cùi thường xuyên nhận sự giúp đỡ của cha. Bà Maria Ka Trut qua đời ngày 20-12-1927 và được an táng ngày 22-12-1927 tại nghĩa trang của người dân tộc Di Linh.

Ngày 17-2-1929, cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh nhân phong cùi và thành lập Trại Phong Di Linh. Ngài đã xây dựng Trại Phong thành một gia đình ấm cúng che chở những bệnh nhân phong cùi bất hạnh để cho cuộc đời của họ được yên ủi sớm tối có nhau. Tin Mừng của Chúa đã được người dân tộc đón nhận vì họ cảm nghiệm được tình yêu Chúa qua những hành vi bác ái yêu thương của cha Cassaigne. Họ đã thực sự nhận ra cha Cassaigne yêu thương họ qua việc ngài yêu thương đón nhận và nuôi dưỡng những anh chị em phong cùi của họ, những con người bất hạnh vì gia đình và buôn làng sợ hãi bị lây nhiễm đã xua đuổi họ vào trong những khu rừng vắng để họ chết dần chết mòn trong nỗi đau thể xác và tinh thần.

Giám mục cùi của người phong cùi

Nhưng cuộc sống của cha Cassaigne sắp thay đổi một cách bất ngờ. Ngày 20-2-1941, ngài nhận được một bức điện tín khiến ngài buồn bã. Thật là bất thường khi nhìn thấy ngài trong trạng thái này, đến nỗi người ta phải dò hỏi ngài! “Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm giám mục”, ngài càu nhàu trả lời. Quả thật, Đức Giám mục Sài Gòn vừa qua đời năm vừa rồi và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn này, tìm một người để kế vị và đã chọn vị linh mục của người phong cùi. Vị thừa sai phải rời bỏ Di Linh. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong cùi mất người cha của họ; vị linh mục phải xa con cái ngài. Dù vậy vị thừa sai không do dự vâng lời Tòa Thánh với đức tin và lòng can trường. “Tôi là kẻ từng mơ thành một thừa sai tầm thường. Tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành một hoàng tử của Giáo Hội. Nhưng, dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, song chẳng ai thay được con người chất phác nơi tôi”. Khẩu hiệu “Bác Ái và Yêu Thương” do ngài chọn đã nói lên điều đó rất nhiều.

Ngày 24-6-1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các nhà thờ Sài Gòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức Cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông ken dày: có những bạn bè đến từ khắp nơi… và những anh em Thượng đi thành đoàn đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ; họ làm khách tham dự thấy vui thích, mặc dù nhiều người An Nam tỏ ra khó chịu trước cảnh tượng ấy. Nghi lễ phụng vụ dài, quá dài đối với anh em Thượng. Họ liền rời chỗ để đi tham quan tháp chuông. Khi ra khỏi Nhà Thờ Chính Tòa và bị đám đông xô lấn khiến họ hoảng sợ, họ liền trèo lên cây cao để nhìn đám rước. Đức cha Cassaigne mỉm cười khi nhìn thấy họ.

Tân Giám mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa Giám mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sài Gòn. Ngài rong ruổi khắp địa phận rộng lớn của ngài.

Ngày 19-12-1954, vào dịp kỷ niệm thụ phong linh mục của ngài, Đức cha Cassaigne dâng Thánh Lễ Tạ Ơn. Nhưng trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài thấy trên mặt da mình, chỗ phía trên cổ tay một chút, có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi Thánh Lễ kết thúc, ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau! Ngài hiểu đó là bệnh phong cùi. “Linh mục dâng hiến tế Thánh Thể, cũng phải trở thành hy vật”, sau này ngài sẽ viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh phong cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác.

Đức cha Cassaigne giữ bí mật tin này, chỉ cho các bề trên của ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5-3-1955, ngài viết cho cha bề trên Hội Thừa sai Paris: “Tôi xin cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ”.

Lời cầu xin của ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục kế vị ngài, Đức cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, được tấn phong trong Nhà Thờ Chính Tòa của ngài, ngày 30-11-1955. Ngày 2-12-1955, Đức cha Cassaigne trở về Di Linh.

Từ đây, Đức cha dành trọn cuộc đời còn lại để sống giữa những người con cái để âm thầm yêu thương và phục vụ Trại Phong Di Linh.Mỗi buổi sáng, Đức Cha Jean Cassaigne đi từ lều này sang lều khác, lo cho sức khỏe và các nhu cầu của bệnh nhân. Cuối buổi sáng, Đức Cha dạy giáo lý cho trẻ nhỏ. Sau trưa, Đức Cha dừng lại trước các ngôi nhà và ghi lại những thứ cần mua ở tỉnh cho người cùi, và không khi nào quên mua thuốc điếu. Bất cứ trong trường hợp nào, Đức Cha cũng tỏ bày một lòng nhân ái không giới hạn. Đức Cha thường lặp đi lặp lại: “Chỉ có những sự được chia sẻ mới là tốt”.

Suốt cả cuộc đời, Đức Cha Jean Cassaigne là một bệnh nhân vĩ đại. Sự đau đớn phát xuất từ bệnh cùi của Đức Cha gần như hết chịu đựng nổi, vì cho dù trong trường hợp của Đức Cha, bệnh ít lộ ra ngoài da, thì nó lại tấn công các trung tâm hệ thần kinh. Năm 1970, các bệnh cũ của Đức Cha trở nặng: sốt rét, cột sống bị gặm nhấm và dạ dày “không chịu nổi được cả rượu lễ, thật đáng giận cho con trai của một nhà buôn rượu”, Đức Cha nói vậy. Cuối tháng 10 năm 1971, xương đùi Đức Cha bị gãy và buộc Đức Cha không rời khỏi giường được nữa.Tháng 2-1973 Đức cha bị ngã gẫy xương bên đùi phải, và chính vì vết thương này mà ngài phải trải qua gần 8 tháng liệt giường. Bên giường bệnh, Đức cha nói với người nữ tu chăm sóc ngài và một số bệnh nhân thay phiên trực: “Suốt 47 năm dài (1926–1973), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo…”

Thứ bảy ngày 20-10-1973, Đức cha bắt đầu trở bệnh nặng với những cơn đau khiến phải phải thốt lên: “Tôi đau đớn lắm, tôi đau đớn quá”. Mười ngày trôi qua, vào lúc 10g00 đêm ngày 30-10-1973, Đức cha lãnh nhận bí tích Xức dầu lần cuối do cha sở họ Di Linh và rạng sáng hôm sau Đức cha đã được Chúa gọi về hồi 1g25. Đức cha được an táng bên nhà nguyện Trại Phong ngày 5-11-1973.

Danh tiếng người của Thiên Chúa thật lớn. Ngay khi Ngài còn sống, người ta đã sưu tầm những chứng cớ về nhân đức của “ vị thánh giám mục”.

Tháng 10 / 1973 là thời điểm cận kề cái chết của Ngài. Đức Cha Cassaigne nói lớn : “Nếu cần phải làm lại từ đầu, thì tôi sẽ vẫn đi lại con đường nầy”. Trong bưu thiếp cuối đời đề ngày 12/10/1973. Ngài viết : “Tôi rất đau đớn. Chúa yêu thương tôi vô vàn”.

NGÀI TỪ TRẦN NGÀY 31/10/1973.

Người ta mặc cho Ngài áo lễ và đội cho Ngài mũ Giám-mục, như thể Ngài sắp cử hành thánh lễ cuối cùng. Một đoàn người đông đúc diễu hành trước quan tài. Trong 5 ngày 5 đêm, những bệnh nhân cùi còn khỏe mạnh mặc tang phục trắng – áo không có ống tay và bịt khăn tang – thay nhau canh thức thi hài của người cha của họ.

Ngày 5/11, lễ an táng hết sức long trọng. Một lễ đài được dựng lên ngoài trời. Những cổng chào dựng khắp con đường mới dẫn đến Trại Cùi được trải đá và nhựa đường cho dịp nầy. Người ta đến như khách hành hương đi viếng mộ một vị thánh. Hơn 3.000 người – cả người giàu lẫn kẻ nghèo, Công-giáo lẫn Phật-giáo – tham dự lễ an táng. Người ta đem “Ông Cố” về lòng đất ; nhưng những người cùi thì dẫn người cha của họ. Một người trong bọn họ, tên là K’Gil, đã làm chứng điều anh ta nói với người quá cố : “Cha đã chỉ cho chúng con con đường thật đi về Nước Trời. Cha đã dạy chúng con biết chịu đau khổ. Cha ơi, khi còn sống, Cha đã muốn nên giống hoàn toàn như chúng con, cha đã muốn bị phong cùi như chúng con : xin Cha hãy cầu nguyện cho chúng con”.

Ở Di-Linh luôn có người cùi. Họ cầu nguyện trên mộ Đức Cha Cassaigne. Họ nói chuyện với Đức Cha. Họ âu yếm gọi Ngài là Bác trên trời của họ. Ngày nay, trên mộ Ngài bao giờ cũng đầy hoa tươi. Rất đông người đến cầu nguyện xin ơn. Họ thường xuyên được nhận lời. Một nhà thờ ở Sàigòn chứa những bảng tạ ơn Ngài đã cầu bầu cùng Chúa cho họ. Người ta còn nói về cả những phép lạ nhờ lời Ngài cầu nguyện mà được ban.

Ba ước nguyện của Đức Cha Jean Cassaigne: “Đời tôi chỉ có ba ước nguyện”:

  1. Tôi ao ước được đau khổ vì Chúa và vì người anh em;
  2. Tôi ao ước được đau khổ như vậy lâu dài, suốt đời và được vững lòng chịu đựng;
  3. Tôi ao ước được an nghỉ giữa các con cái phong của tôi.

_______

Nguồn : Giáo Phận Đà Lạt

Thắc Mắc Công Giáo

July 27, 2023 at 9:09PM

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.