Đức cha Erik Varden, vị Giám Mục có tên trong thư mục vụ của các Giám Mục Bắc Âu về tính dục con người, nói về Tuần Thánh
Vu Van An05/Apr/2023
VietCatholic News
Theo Luke Copen của trang mạng trực tuyến The Pillar, sau sự tĩnh lặng ảm đạm của Mùa Chay, Giáo hội bùng nổ hoạt động trong Tuần Thánh. Các biến cố lớn xảy ra: Chúa nhật Lễ Lá, Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa, Thứ Sáu Tuần Thánh – và đột nhiên chúng ta đang đứng trong một nhà thờ được chiếu sáng trong Đêm Vọng Phục sinh.
Làm thế nào chúng ta tạo được ý nghĩa cho sự khởi đầu phụng vụ vĩ đại này? Làm thế nào chúng ta có thể tự chuẩn bị và chúng ta nên chú ý điều gì?
The Pillar đã hỏi Đức Giám Mục Erik Varden, tu sĩ Trappist, dòng của Thomas Merton, người phục vụ trong tư cách Giám mục giáo phận Trondheim ở Na Uy. Trong một cuộc phỏng vấn qua email, ngài suy nghĩ về hành trình tuyệt vời từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật Phục Sinh.
Tuần Thánh bắt đầu vào Chúa Nhật Lễ Lá, ám chỉ việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Tuy nhiên, bài Tin Mừng dài trong Thánh lễ hôm đó đưa chúng ta vượt xa biến cố đó, mô tả Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Tại sao Giáo hội kể toàn bộ câu chuyện (ngoại trừ sự Phục sinh) ngay hôm nay, tất cả cùng một lúc?
Về cơ bản, Đức Cha cho hay: Giáo hội cố gắng giúp chúng ta luôn sống trong toàn bộ câu chuyện, vượt ra ngoài quan niệm tuyến tính đơn thuần về thời gian. Tuân theo phụng vụ là phát triển khả năng đồng thời [synchronicity], khả năng gần nhất mà chúng ta có được, bên này của cõi vĩnh hằng, để trải nghiệm cuộc sống vượt thời gian.
Hãy nghĩ tới Thánh Lễ Nửa Đêm vào Lễ Giáng Sinh. Người ta vừa nghe Tin Mừng Giáng Sinh. Vị linh mục vừa đưa ra một bài giảng nhỏ vui nhộn. Rồi thình lình, máng cỏ bị che khuất bởi đồi Canvê: “Ngày trước khi chịu khổ nạn, Người đã cầm lấy bánh…” Hài nhi Bêlem giờ đây là Chiên Thiên Chúa.
Tâm trí bối rối về điều này, đó là lý do tại sao Giáo hội bằng mọi cách cho chúng ta thấy rằng, nếu chúng ta bị giam cầm trong những quan niệm đơn thuần có tính trải nghiệm của mình, chúng ta sẽ bỏ lỡ trọng điểm, bởi vì chúng ta sẽ thu gọn Thiên Chúa vào câu chuyện của chúng ta thay vì lớn lên trong việc đi vào trong Người. Trong Tuần Thánh, chúng ta liên tục bị thách thức để hiểu và sống từng phần riêng lẻ trong quan điểm tổng thể.
Đôi khi, Tuần Thánh xem ra quá phong phú về ý nghĩa, quá choáng ngợp để đánh giá đúng mức. Đâu là điều tốt nhất để tập trung vào khi chúng ta tuân giữ nó?
Đức Cha cho hay: Há điều tốt nhất để làm không phải là đừng đưa ra quá nhiều kế hoạch hay sao? Chỉ đơn giản là bước từng bước một trong Tuần Thánh, như chúng ta làm khi cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá, hiện diện mãnh liệt trước mỗi chặng đường. Cầu nguyện trong khi chúng ta đi bộ, “Lạy Chúa, xin mở mắt con, mở lòng con cho những gì con cần thấy.” Sau đó, chú ý lắng nghe.
Một số người Công Giáo thích xem một bộ phim đặc thù trong Tuần Thánh, chẳng hạn như ‘Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô’, hoặc nghe một bản nhạc như ‘Cuộc Khổ nạn trong Tin Mừng Matthêu’ của Bach. Nghệ thuật có hữu ích vào thời điểm này hay chúng ta nên dành tất cả thời gian rảnh của mình để cầu nguyện?
Đức Cha Varden: Tôi nghĩ nghệ thuật có thể là một hình thức cầu nguyện. Không phải tất cả nghệ thuật. Nhưng những thí dụ bạn liệt kê đủ điều kiện. Tôi luôn lắng nghe, nếu có thể, “Cuộc Khổ nạn trong Tin Mừng Matthêu” vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh.
Đó là một tác phẩm có chiều sâu đến mức bất cứ điều gì tôi muốn nói về nó nghe có vẻ hời hợt. Nhưng đối với tôi, một phần thiết yếu là đoạn ngâm thơ trầm ngay ở cuối, “Am Abend, da es kühle war.” [Vào buổi tối khi trời mát mẻ.]
Nó đặt cường độ của tất cả những gì trước nó không thể chịu đựng được vào viễn ảnh. Và cho chúng ta ở đây và bây giờ, trong hoàn cảnh của chúng ta, một chìa khóa thông diễn để hiện hữu. Nó cho chúng ta biết rằng mọi thứ, kể cả tội lỗi, đều có thể được thực hiện để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa nếu chúng ta để nó làm điều đó.
Bạn có nhớ một câu trong Thánh vịnh 76, “cơn giận của con người sẽ ngợi khen Chúa” không? Giáo Hội cho phép chúng ta hát Thánh Vịnh đó trong các Đêm Canh Thức trong Tam Nhật Thánh. Những lời đó luôn làm tôi choáng váng. Ngay cả cơn giận cũng có thể trở thành lời khen ngợi.
Sau Chúa Nhật Lễ Lá là đến Thứ Hai Tuần Thánh, có liên hệ tới việc Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả, thanh tẩy Đền thờ và trả lời các câu hỏi về thẩm quyền của Người. Ngày nay, nó có còn quan trọng không, hay nó chỉ đánh dấu thời gian trước các biến cố chính của Tuần Thánh?
Đức Cha Varden: Mọi thứ đều có ý nghĩa.
Thánh Ephrem người Syria khôn sánh (một Tiến sĩ, đừng quên, của Giáo hội Latinh) có một quan điểm tuyệt vời về việc nguyền rủa cây vả. Ngài cho rằng bằng cách để nó khô héo, Chúa cho chúng ta thấy nó đã hoàn thành chức năng quan phòng của nó.
Hãy nhớ rằng Ađam và Evà đã che mình bằng lá vả sau khi sa ngã, để che giấu sự lõa lồ mà họ xấu hổ. Sau đó, Chúa Kitô, trong hy sinh cứu độ của Người, sẽ trả lại cho nhân loại Chiếc Áo Vinh Quang mà chúng ta đã đánh mất vì tội lỗi, vì vậy chúng ta sẽ không cần phải che giấu, che đậy bản thân bằng vật chất nữa.
Có một dụ ngôn về việc đó, mà vào đầu Tuần Thánh, chúng ta có thể dùng để xét mình. Mặt nạ và ngụy trang tôi đeo là gì? Đâu là những mánh khóe mà tôi dùng để che giấu sự thật về bản thân mình, mà trên thực tế lại cản trở tôi trở thành người mà nhờ ân sủng, tôi có khả năng trở thành? Vì vậy, mọi chi tiết của câu chuyện Kinh thánh và phụng vụ đều đáng được lưu ý. Mỗi chi tiết đều nói với chúng ta.
Còn Thứ Ba Tuần Thánh, theo truyền thống vốn tập chú vào Dụ ngôn Mười Trinh nữ thì sao?
Thánh Seraphim thành Sarov đã giải thích dụ ngôn này dưới ánh sáng của ơn Chúa Thánh Thần. Ngài nói, mục tiêu của cuộc hiện sinh Kitô hữu là có được Chúa Thánh Thần. Lượng dầu tương đối trong đèn của các Trinh nữ không phải là thước đo thành tích hay phẩm chất đạo đức, mà là sự đồng hình đồng dạng của họ với Chúa Thánh Thần.
Tất cả chúng ta đều nhận được Chúa Thánh Thần khi chịu phép rửa — một cách vô thức nếu chúng ta được rửa tội khi còn là trẻ sơ sinh; lúc đó chúng ta nói “có” với Chúa Thánh Thần lúc chịu phép Thêm Sức, quyết tâm trở thành những bình chứa của Người. Trong mỗi Thánh lễ, trong kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần [epiclesis] thứ hai, có thể nói như vậy, Chúa Thánh Thần được kêu gọi ngự xuống trên cộng đoàn với lời cầu nguyện để họ có thể trở nên một tinh thần, một thân thể.
Trước ngưỡng cửa Phục Sinh, điều quan hệ là đặt câu hỏi: Tôi có sống trọn vẹn như một chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô không? Nếu tôi đã tách mình ra khỏi nó bằng những quyết định hoặc hành động của mình, thì đây là thời điểm tốt để đền tội, để tìm kiếm sự tha thứ.
Thứ Tư Tuần Thánh còn được gọi là Thứ Tư Gián điệp [Spy Wednesday], liên quan đến bài đọc Tin Mừng trong ngày về sự phản bội của Giuđa đối với Chúa Kitô. Đức cha nghĩ gì về xu hướng đương thời bày tỏ sự thiện cảm với Giuđa?
Chữ “thiện cảm” về cơ bản có nghĩa là “chịu đựng với”. Chịu đau khổ với Giuđa là điều có ý nghĩa. Tôi dám nói rằng nhiều người trong chúng ta có khả năng nghĩ lại về những phản bội mà chúng ta đã phạm phải, những phản bội mà đối với chúng ta dường như là ngày tận thế.
Chỗ tôi phải lùi lại khỏi các xu hướng hiện đại là việc họ giải thích bằng cách bác bỏ các sự phản bội, hợp lý hóa chúng. Điển hình Giuđa nhắc nhở tôi rằng có một cách khác. Viễn ảnh bất trung, trong tất cả nỗi buồn của nó, kêu gọi tôi trung thành. Đó mới là điều quan trọng.
Theo truyền thống, Tam nhật thánh được đánh dấu bằng nghi thức Tenebrae, trong đó một loạt ngọn nến dần dần bị dập tắt, sau đó là strepitus, hoặc tiếng ồn lớn, trong bóng tối gần như hoàn toàn của nhà thờ. Đức cha nghĩ gì về những nỗ lực để hồi sinh nghi thức này?
Tôi nghĩ chúng rất tuyệt vời và tôi có thể nghĩ tới những nơi không cần phải hồi sinh Tenebrae vì nó chưa bao giờ ngừng hoạt động. Chúng ta sẽ có Tenebrae trong nhà thờ chính tòa ở Trondheim này, mặc dù lúc 8 giờ sáng, không phải vào ban đêm, nhưng không có nghi thức strepitus – tôi không chắc trong bối cảnh văn hóa của chúng ta có thể biểu diễn dấu hiệu này, vốn tự nó có ý nghĩa, với sự nghiêm túc tự phát, nhưng rất có thể trở thành một trò đùa. Điều đó có thể khác ở nơi khác.
Dù sao, phụng vụ Tuần Thánh sử dụng rất nhiều phương tiện khả giác giúp chúng ta đánh giá đúng thực tại trong đó chúng ta được ơn tham dự rộng lớn ra sao. Chúng nhằm mục đích để thông điệp thâm nhập dưới làn da của chúng ta…
Thứ Năm Tuần Thánh thường có hai buổi lễ: Thánh Lễ Truyền Dầu và Thánh Lễ Ban Chiều cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa. Thánh Lễ Truyền Dầu có nguồn gốc cổ xưa và được coi là một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm. Tại sao nó diễn ra ngay trước Tam Nhật Thánh?
Trong Thánh Lễ Truyền Dầu, các loại dầu thánh dùng để xức dầu của Giáo Hội được làm phép và thánh hiến. Bao gồm là dầu thánh được sử dụng để phong chức. Vì vậy, phong tục – một phong tục đẹp – đã phát triển để tập hợp các giáo sĩ giáo phận vào ngày này, để làm rõ sự hiệp nhất của linh mục đoàn xung quanh giám mục và để tạ ơn vì hồng ân linh mục.
Có một mối liên hệ mang tính thời sự giữa việc cử hành này và Thánh lễ Tiệc ly của Chúa vào buổi chiều, một trong những khía cạnh của nó là việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác.
Sau đó, có một sự kiện là các loại dầu truyền đạt sức mạnh xoa dịu, chữa lành, biến đổi của ân sủng bắt nguồn từ sự hy sinh trên đồi Canvê và từ sự Phục sinh thánh thiện của Chúa. Làm phép và thánh hiến các loại dầu trong Tuần Thánh nhắc nhở chúng ta về đặc tính Vượt Qua của mọi ân sủng – điều mà không ai trong chúng ta có quyền đòi hỏi, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi lãnh nhận đức tin Phục Sinh của Giáo Hội bằng cách tuyên xưng và sống nó.
Khi con trở thành một người Công Giáo, con đã ngạc nhiên khi nghe một người bạn mô tả Tam Nhật Thánh một cách đầy kinh ngạc. Cô ấy nói rằng trải nghiệm đầu tiên của con về nó sẽ không thể nào quên được. Cô ấy nói đúng. Đức Cha nghĩ tại sao nó lại mạnh mẽ như thế?
Một phần vì đó là một trải nghiệm bao trùm toàn diện, chạm đến chúng ta ở nhiều bình diện. Mặc dù, chủ yếu bởi vì nó có thực chất.
Tu sĩ Dòng thánh Brunô có phương châm, Stat crux dum volvitur orbis: nghĩa là trong khi thế giới xoay chuyển, cây thánh giá vẫn đứng vững. Trong Tam Nhật Thánh, chúng ta cảm nhận và hiểu một cách mơ hồ về điều này. Chúng ta trực giác rằng đúng, đây là tất cả những gì nói về nó; đây là điều làm mọi sự khác có ý nghĩa. Chúng ta thấy chính việc chúng ta là một phần của Giáo hội đã tiếp thêm sức mạnh cho tri nhận này. Toàn thể Thân Thể, mà chúng ta là chi thể, quỳ gối thờ lạy. Đó chỉ có thể là một trải nghiệm gây ấn tượng, thay đổi cuộc sống.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một cách tiếp cận đặc biệt đối với Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa. Thay vì rửa chân cho các linh mục trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ngài đã đến các nhà tù và trung tâm di cư. Ngài đã bao gồm cả phụ nữ và người Hồi giáo trong các nghi lễ rửa chân của ngài. Đức Cha có nghĩ rằng điều này đã giúp chiếu một ánh sáng mới lên hành động của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly không?
Tôi nghĩ rằng có. Nhưng ánh sáng cũ cũng quan trọng. Tôi không nghĩ chúng ta cần phải tương phản điều này với điều kia. Nghi thức đã trải qua một lịch sử phát triển lâu dài, từ việc là một nghi thức phục vụ trong gia hộ của các giám mục, với tiếng ồn và mùi của nhà bếp giám mục cách đó không xa, đã trở thành một nghi thức phụng vụ.
Việc chính thức hóa một cử chỉ không nhất thiết làm cho nó kém có thực chất hơn; đó là một cách phát biểu tính phổ quát của cử chỉ. Những ngày này, chúng ta tập trung vào việc hòa nhập, không bỏ rơi bất cứ ai, điều này tự nó không phải là một ý tưởng tồi, nhưng có nguy cơ có tính hạn chế, khi chúng ta tập chú vào chính mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng là nắm bắt được điều Thiên Chúa đang làm. Gần đây tôi phát hiện ra một cụm từ trong thư từ của Don Primo Mazzolari, một điều được viết cho ngài bởi một người ở xa Giáo hội: “Tôi rất muốn hét vào tai cha: Nhưng cha có hiểu cha đang làm gì không? Có lẽ cha chưa bao giờ thực sự hiểu nó: hành động này (Thiên Chúa quỳ xuống, trong tư cách tôi đòi, trước tạo vật của Người) hoàn toàn đảo lộn mọi sự, thế mà cha lại biến nó thành một nghi lễ vô hại?”
Tiêu chuẩn thực sự của việc hòa nhập không phải là liệu cộng đồng mà tôi cảm thấy là thành viên có được rửa chân đặc biệt hay không, mà là điều này: Tôi có nhận ra mức độ Chúa Kitô đã hạ mình vì tôi không? Và tôi có sống theo gương Chúa Kitô không?
Đức Cha đã nói rằng vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ‘Thánh giá thu hút toàn bộ sự chú ý của chúng ta.’ Chúng ta học được gì về Thánh giá vào ngày hôm đó?
Trước tiên, chúng ta coi nó như một công cụ của cái chết, một đối tượng tra tấn hạ thấp phẩm giá; sau đó như biểu tượng của chiến thắng. Quá trình chuyển tiếp được thực hiện khi, sau khi đọc Bài Thương Khó, thánh giá được rước trọng thể vào cung thánh và chúng ta quỳ gối trước thánh giá và hát bài Hagios: “Lạy Chúa chí thánh, bất tử, thánh thiện và mạnh mẽ, xin thương xót chúng con.”
Như thế, chúng ta là một phần của sự thay đổi mô hình đã được diễn hành, có khả năng nhìn thoáng qua sự thật của điều được Thánh Gioan nói đến – rằng Thập giá, mà sự đau khổ đang hiện diện một cách không thể chịu đựng được, dù sao cũng là một sự hiển linh của vinh quang. Đối diện với những thực tại này, chúng ta không thể nói nhiều. Nhưng nếu chúng ta tham gia trọn vẹn vào nghi thức, mắt của chúng ta, bên ngoài và bên trong, sẽ được mở ra.
Đêm Vọng Phục Sinh vào Thứ Bảy Tuần Thánh là một trải nghiệm khả giác phi thường, từ ngọn lửa Phục sinh đến ánh sáng của nhà thờ với tiếng chuông ngân, đến việc hát kinh Exsultet. Tại sao Giáo hội đưa ra hết các điểm dừng vào thời điểm này?
Tại sao không nên? Nếu có bao giờ tất cả các điểm dừng được gọi đến, thì đó là trong đêm nay, khi không có biểu hiện nào của con người sánh bằng những gì Chúa hoàn thành. Nó hết sức tuyệt vời. Chúng ta không nên đánh mất một khía cạnh nào của phương pháp mà Giáo hội, một nhà sư phạm khôn sánh, đã thực hiện để mở ra cho chúng ta những điều kỳ diệu.
Đức Cha đã nói rằng ‘Lễ Phục sinh thay đổi mọi sự.’ Nó làm được điều này như thế nào?
Có một cảnh trong tiểu thuyết hoán cải The Wild Orchid của Sigrid Undset mà tôi thường nghĩ đến. Nó mô tả nhân vật chính của cuốn sách, Paul Selmer, vào nhà thờ St. Olav ở Oslo rất muộn vào một đêm kia, sau một buổi tối sống không tốt. Anh tự coi mình là người bất khả tri nhưng được thông tri về niềm tin Công Giáo, vì anh là khách trọ của một gia đình Công Giáo.
Ngồi một mình trong bóng tối, anh thấy ánh sáng của cung thánh thấp thoáng đằng xa. Anh chợt nghĩ: nếu ngọn lửa nhỏ bé này nói lên sự thật, nghĩa là nếu Thiên Chúa thực sự hiện diện ở đây, thì cuộc sống cần phải được suy nghĩ lại hoàn toàn; thì không có gì như cách mà trước đây anh từng nghĩ nó có thể xảy ra.
Phục sinh là điều một tri nhận như thế khả hữu. Nó công bố rằng điều chúng ta nghĩ xác định được cuộc sống của chúng ta – sự nhất thời, cái chết, bất cứ vết thương nào – trên thực tế, không phải là cuối cùng; có một loại dầu thơm chữa bệnh gọi là dầu thơm Gilead giờ đây đang chữa lành cho chúng ta và xóa sạch một cách hữu hiệu tất cả những gì dường như phá hoại niềm vui. Vậy thì, thực tại đã được biến đổi, há bạn không nói thế hay sao? Chúng ta thấy mình đang bước vào một chiều kích hoàn toàn mới của hiện hữu, nếu chúng ta đủ can đảm vươn tới điều đó, và tình yêu.
Views: 0