Trần Mỹ Duyệt
“Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (TĐCV 1:9)
Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu về trời. Chúa Giêsu thăng thiên. Chúa Giêsu được cất lên… Tất cả đều chỉ về một hiện tượng, một biến cố diễn tả niềm tin Kitô Giáo vào việc thân xác của Chúa Giêsu hiện đang ở trên thiên đàng. Lễ được Giáo Hội long trọng cử hành trong một chuỗi các lễ trọng của cuộc Thương Khó và Lễ Ngũ Tuần. Theo truyền thống, lễ này được cử hành vào ngày Thứ Năm, ngày thứ 40 sau Phục Sinh, nhưng tại nhiều quốc gia Giáo Hội đã cho phép dời vào ngày Chúa Nhật, Chúa Nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Một cách tương tự, Giáo Hội Hiệp Nhất Methodist cũng rời việc mừng lễ Thăng Thiên từ thứ Năm sang Chúa Nhật.
Tông Đồ Công Vụ (1:3), thuật lại Chúa Giêsu sau khi sống lại đã hiện ra với các Tông Đồ, các môn đệ trong vòng 40 ngày cho đến khi Ngài về trời. Chúa Giêsu về trời không chỉ là một niềm tin theo truyền thống, nhưng còn thuộc mầu nhiệm đức tin. Các Giáo Phụ của Công Đồng Đại Kết Đầu Tiên tại Nicaea, đã tuyên tín trong Kinh Tin Kính: “Người (Chúa Giêsu) lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và sẽ trở lại trong vinh quang, phán xét kẻ sống và kẻ chết; nước Người sẽ không bao giờ cùng”.
Theo Eusebius (nhà sử học, phiên dịch, và nhà thơ về Kitô giáo, người Hy Lạp. Năm 314, ngài trở thành Giám Mục Caesarea Maritima), Lễ Chúa Giêsu lên trời được bắt đầu từ thế kỷ thứ Tư. Những bài thánh ca về lễ này trong Sách Bình Ca Georgian (Georgian Chantbook of Jerusalem) có xuất sứ được sáng tác từ thế kỷ thứ 5.
Lễ Chúa Giêsu về trời cũng là một trong 12 lễ lớn trong phụng vụ của Chính Thống Giáo. Giáo Hội Đông Phương và Chính Thống Giáo Nguyên Thủy gọi lễ này là Analepsis theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nâng lên”, hoặc Episozomene nghĩa là “ơn cứu độ từ trên cao”, nhấn mạnh rằng do việc nâng lên trong vinh quang, Đức Kitô đã hoàn tất công việc cứu chuộc. Như vậy đối với các Kitô hữu hôm nay, Chúa Giêsu lên trời ngoài việc củng cố đức tin, còn tăng thêm niềm hy vọng về thiên đàng nơi Thiên Chúa ngự trị, và cũng là nơi mà những ai thành tâm yêu mến Ngài sẽ được đến.
Chúa lên trời không chỉ chấm dứt sứ mạng của Ngài trên dương thế, mà như lời Ngài đã nói là Ngài về trước để dọn chỗ cho các anh em mình: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Gioan 14:2).
Nhưng câu hỏi mà có lẽ nhiều người muốn biết, đó là: “Chúa về trời là về đâu? Ở chỗ nào trên bầu trời xanh kia hay một nơi nào trong không gian vô tận?” Câu trả lời được tìm thấy khi suy niệm những gì mà Tông Đồ Công Vụ đã ghi: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Tđcv 1:9). Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong bài giảng tại Monte Cassino ngày 24 tháng Năm, 2009, thì việc Chúa Giêsu được cất lên và một đám mây đã quyện lấy Ngài khiến các môn đệ không thấy Ngài đã diễn tả lại hình ảnh các đám mây được nhắc đến trong Cựu Ước. Chúng là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy có nghĩa là Chúa Giêsu được nâng lên để đi vào quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài không đi đâu xa nhưng vẫn ở giữa và ở với con cái loài người bằng một cách khác. Nếu thân xác chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, thì đám mây bao phủ đền thờ Thiên Chúa như hình ảnh trong Cựu Ước chính là Chúa Giêsu. Và việc Chúa tiến vào vinh quang thiên quốc là để bảo phủ và hiện diện giữa chúng ta. Điều này làm cho niềm ao ước của Ngài được mãn nguyện: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Trong Tân Ước nước trời nơi Chúa Giêsu từ đó xuống và đã lên lại, nơi mà Ngài hứa đem các bạn hữu của Ngài lên với Ngài. Giáo Hội đã dạy chúng ta luôn suy ngắm về nơi này trong những ngày tháng còn lưu lạc nơi trần thế: “Thứ Năm thì ngắm Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”.
a/Những hình ảnh chung quanh việc Chúa về trời:
-“Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (Tđcv 1:9)
-“Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.” (Marcô 16:19)
-“Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Luca 24:50-51)
-“Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Tđcv 1:10-11)
b/Thiên đàng nơi Chúa Giêsu từ đó xuống và trở về:
-“Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.” (Gioan 16:28)
-“Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là: Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển.” (1Timothy 3:16)
-Vậy, Ðức Giêsu bảo họ: “Tôi còn ở với các ông ít lâu nữa thôi, rồi tôi đi đến cùng Ðấng đã sai tôi.” (Gioan 7:33)
-“Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Gioan 14:12)
-“Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Gioan 6:62)
-“Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.” (Acts 2:33)
c/Lời hứa cho các môn đệ:
-“Ðức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.’” (Gioan 20:17)
-“Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” (Gioan 14:2)
Views: 0