Nguyễn Ngọc Thể
Từ những năm tháng xa xưa, dưới thời kỳ quân chủ, mỗi khi có lệnh trên truyền xuống, nhà vua sắp ngự giá đến một nơi nào, dân chúng, người người lo chuẩn bị tiếp đón sao cho tươm tất và cẩn thận. Đến khi xa giá của vua đến, dân chúng không được chen lấn, la ó hay làm bất cứ điều gì gây nên sự bất kính đối với nhà vua. Nếu không, sẽ bị các quan tuần kiểm (nhân viên an ninh bây giờ), đem đi bỏ tù hay có thể đem đi chém đầu, ví đó là tội khi quân. Đây là việc hết sức hệ trọng đối với một ông vua. Vua là một “thiên tử”, là người do trời sai đến (?), nên dân chúng phải hết sức coi trọng, kính cẩn. Thế cho nên, mỗi khi có vua ngự đến thì “cây úa là vàng”, và dân chúng thì chỉ được coi như thứ “cỏ rác”. Nay, thời kỳ xa xưa đó, những ngày tháng đó, đã qua đi rồi.
Những ngày này, khắp cùng đó đây, người ta đang chuẩn bị theo dõi một biến cố vĩ đại, cả thể, sắp xảy đến cho toàn dân thiên hạ, không những cho một vùng nào, một quốc gia nào mà cho toàn thế giới. Tóm lại, khắp hang cùng ngỏ hẻm, người người, nhà nhà, dù cùng một niềm tin hay không, tất cả đều cũng chuẩn bị đón mừng ngày trọng đại đầy vui mừng sắp xảy đến. Vì thời gian này, là thời gian mong đợi, trông ngóng, như lời loan báo của một vị sứ giả, Gioan tiền hô, báo trước rằng: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.” (Isaia 40: 3-5).
Vậy, người ta mong đợi những ai, mong đợi một điều gì sắp xảy đến? Giờ vui mừng đang đến gần, và này xin cùng lắng nghe lời của vị Tông đồ Cả: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.”(1Thessalonica 5:16-17). Ngày Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng, chúng ta thấy gì nơi các thánh đường? Từ màu tím đổi sang màu hồng. Có ý nghĩa gì với màu hồng. Kìa Thiên Chúa sắp ngự đến. Muôn người hãy vui lên, vui lên hơn nữa để đón chào vị Cứu tinh đang đến với nhân loại khổ đau.
Cho đến giờ, dân Do thái vẫn mong chờ một Đấng Mesia đến với họ. Họ vẫn còn đợi trông, dù Đức Ki-tô Con Thiên Chúa, đã được sinh ra và đã đến với loài người, nhưng họ vẫn chưa tin, và họ đang còn trông mong. Theo thống kê mới nhất, đối với một số tôn giáo tại đất nước Do thái, thì số người theo Do thái giáo (Judaism), chiếm số đông, và có tất cả 4 hệ phái khác nhau, như hệ Hiloni, đông nhất: 33.1%. Tiếp theo là hệ Masorti: 24.3%. Hệ Dati: 8.8%. Cuối cùng là lệ Haredi: 7.3%. Tiếp đến là Hồi giáo: 18.1%. Còn những tín hữu tin vào Đức Ki-tô thì chì 1.9%. [1]
Ngược dòng thời gian, từ hơn hai ngàn năm trước, có một vị vua, sắp sinh ra, sắp đến với con người trần, không tìm được chỗ dừng chân nơi các quán trọ. Riêng Ông Bà thân sinh, vì theo lệnh trên, phải trở về quê cũ, để được khai sổ sách dân đinh. Maria, sắp tới ngày nở nhụy khai hoa, và cũng như bao lữ khách khác, Ông Bà đang cần tìm nơi trú ngụ qua đêm, vì đang là những ngày đông lạnh giá, rét buốt. Tìm mãi, không có được nơi ngụ trú, lại Ông Bà, vì thân phận nghèo hèn, đi đến nơi nào, cũng bị các chủ quán trọ từ chối, bởi họ nhận ra hai Ông Bà, giống như người “vô gia cư”, làm gì có tiền để thuê quán trọ. Giờ sinh sắp đến, vì Ông Bà không tìm được nơi trú, nên cùng đưa nhau tìm ra cánh đồng vắng, trú tạm nơi chuồng bò lừa.
Chính ngay đêm đó, Chúa Con Giêsu, Vua trời đất, đã được sinh ra! Ngoài kia, một cảnh tượng thật thê thảm, tuyết vẫn rơi, gió lạnh lùng vẫn thổi, làm rét run cho những ai đang sống cảnh tha hương. “Trời đông canh trường bên núi. Sương tuyết sa mịt mù dưới màn đêm tối…” [2] Rồi bỗng có tiếng em bé khóc oa oa nơi góc núi xa xa. Các chú mục đồng, đang canh giữ đàn chiên, thoáng nghe tiếng hát từ trên cao: “Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa. Hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương…” [3] Chuyện gì đang xảy ra giữa đêm khuya lạnh giá. Các mục đồng, như nửa tỉnh nửa mê, và họ cũng vội vàng chổi dậy, thì kìa tiếng truyền ra từ các thiên sứ trên không trung, nghe càng rõ hơn: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ đấu này mà nhận ra Người, anh em sẽ gặp một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Luca 2: 10-12).
Chúa Cả nay đã đến. Ngài đã được sinh ra nơi hang bò lừa, nơi chuồng chiên tăm tối. Đức Ki-tô là Vua Cả trời đất, không phải là hạng vua thế trần, nay còn mai mất, không phải là hạng vua, đã coi con dân như hàng thứ yếu, như loài cỏ rác. Thiên Chúa Ngôi Hai, nay đã giáng trần, đem nguồn vui cho muôn người đang sống nơi cõi lầm than, “nơi chốn khách đày.” Vì ông bà nguyên tổ đã phạm tội, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, nên đã khiến cho con cháu muôn đời sau phải khổ lụy, phải chết chóc, lầm than. Nay Đức Ki-tô đến, như một A-đam mới, Ngài là Đấng Cứu tinh, đến gian trần để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi. Ngài không coi con người như là những nô lệ đốn mạt, nhưng là những người con, là những bạn hữu thân tình.
Mỗi năm, dịp mừng kỷ niệm Chúa Giêsu giáng trần, ta hãy cùng nhau nghĩ suy, cuộc sống đạo năm nay của chúng ta có khác gì hơn với những năm trước? Chúng ta có sống đời kết hiệp, có sống gần gũi với Chúa Giêsu nhiều hơn? Sống gần gũi, sống kết hiệp, có nghĩa là nhìn xem Giêsu như là một Cứu Chúa, là Đấng Cứu độ, Đấng đang ở giữa chúng ta (Emmanuel), nơi cõi lòng, nơi phép Thánh Thể, nơi Nhà tạm, và một cách đặc biệt hơn, là Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta rước vào lòng mỗi ngày? Sống giữa đời hôm nay, với một cuộc sống vô cùng chao đảo, một cuộc sống đầy dẫy những lo lắng, những vô luân, những toan tính cho phần xác, mà không dành những phút giây cho tâm hồn. “Thôi hỡi trần gian, im tiếng đi mà cung kính. Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa. Tuy Chúa là Vua, muôn nước suy phục tôn kính. Chúa bởi cõi trời sinh xuống trần đêm nay…” [4]
Cũng nhân những ngày cuối năm và một năm nữa lại đến, chúng ta ai cũng lo lắng cho những gì sắp xảy ra trong một năm mới. Một năm mới với nhiều nỗi lo hơn năm cũ, với cuộc sống bấp bênh, và tuổi đời của mỗi người cũng sẽ cao hơn, sức khỏe yếu hơn. Cầu xin ơn Chúa luôn giữ gìn mỗi người chúng ta trong ân thánh của Người. Dịp cuối năm, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ lên Chúa vì chúng ta đã lãnh nhận bao nhiều ơn lành mà Chúa ban cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình chúng ta. “Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la…” Kính chúc quý độc giả một Mùa Giáng Sinh an lành, và Năm Mới được nhiều sức khỏe, khang an và tốt đẹp.
[1] Nguồn: Wikipedia
[2] Một ca khúc giáng sinh. Không rõ tác giả (?)
[3] và [4]Bài “Cao cung lên”. Tác giả: Nguyễn Khắc Xuyên và Hoài Đức.
Views: 0