Hạt Cát
Chúng ta đang sống trong ‘thời điểm’ của Thánh Cả Giuse: Tháng Ba: Tháng Thánh Cả Giuse; ngày 19.3: Lễ trọng kính Thánh Cả; năm 2021: Nhân ngày lễ Thánh Cả Giuse Quan Thày Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội đã dâng năm cho Thánh Cả (08.12.2020 – 08.12.2021). Do đó, đây là dịp để chúng ta dành thời giờ học hỏi, suy niệm về gương mẫu sáng ngời nhất về mọi nhân đức của Thánh Cả chỉ sau Đức Mẹ Maria.
Là gia trưởng trong một gia đình cao trọng và quyền năng, là “hình bóng của Chúa Cha”, “Đấng bảo vệ Đấng Cứu Thế”, là “Đấng Công Chính”… Do đó, lẽ ra Thánh Danh Giuse cùng đồng hành với Thánh Danh Giesu và Maria trong Phúc Âm. Nhưng cũng như Đức Mẹ Maria, thánh nhân yêu qúi sự khiêm hạ, ẩn dật và thinh lặng. Phải chăng vì thế, Thánh Cả Giuse đã trở nên ít quan trọng đối với chúng ta, và thường được gọi bằng danh xưng cũng bình thường như các vị thánh khác: Thánh Giuse? Phải chăng vì thế mà Thánh Danh Giuse ít được chúng ta kêu cầu hơn, ngay cả so với một số vị thánh khác, trong khi Thánh Danh Giuse làm cho ma qủi khiếp sợ nhất sau Thánh Danh Giesu, Maria? Và phải chăng vì thế mà những hình ảnh vẽ về Thánh Cả thường là dưới dạng một vị đã đứng tuổi, râu tóc bạc phơ, ẵm bồng Chúa Hài Đồng, hiền lành với cành Huệ trắng trên tay, đầu đội triều thiên được kết bằng hoa đủ màu?
Thực ra, từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã vẽ lên một Giuse khôi ngô, tuấn tú, tài đức vẹn toàn, mà theo các Giáo Phụ, đó chính là hình bóng chỉ về Thánh Cả Giuse: Giuse có nghĩa là “Người lớn lên”. Ý nghĩa này thật đúng cho Giuse, vì sau này, giòng dõi Giuse sẽ sinh sôi nảy nở và trở nên hùng mạnh trên đất Ai-Cập. Giuse sẽ trở nên một tổ phụ lớn. Viễn ảnh tươi sáng này đã được tỏ rõ trong những giấc mơ kỳ lạ báo trước tương lai của cậu. Tình thương yêu đặc biệt của cha là tổ phụ Gia-cóp dành cho cậu, cũng như những giấc mơ cậu kể, đã làm cho các anh vô cùng ghen tức, và định bụng sẽ tìm dịp giết Giuse!
Thời cơ đã đến khi Giuse đem cơm cho các anh đang làm việc ở ngoài đồng xa. Các anh đã đem bán Giuse cho những người lái buôn Ismael trên đường đi Ai Cập. Tới Ai Cập, Giuse bị bán cho một vị quan giữ chức nội giám, cai quản các thị vệ vua Pharao. Với tính tình đoan trang, khuôn mặt tuấn tú, cùng tai ba, lanh lợi, Giuse đã thu phục được sự tín nhiệm, tin tưởng nơi quan nội giám. Ông đã trao phó cho Giuse trông coi toàn bộ gia sản của ông.
Và rồi Giuse đã lọt mắt xanh của bà chủ, vợ quan. Nhiều lần bà dụ dỗ Giuse thông dâm với bà, nhưng đều bị Giuse thẳng thắn cự tuyệt khiến bà vừa bẽ bàng, vừa tức giận, nên đã tố ngược lại với chồng là Giuse đã dụ dỗ bà. Vị quan vì tin vợ, nên ra lệnh tống giam Giuse vào ngục thất.
Nhưng Javê đã không bỏ đầy tớ trung trực của Ngài, và Javê càng ban cho Giuse sự khôn ngoan, minh mẫn. Trong tù, Giuse đã giải mộng cho hai vị quan cùng bị giam với lời xin: Khi nào được ra khỏi đây, xin đừng quên tôi.
Một hôm, vua Pharao mơ thấy một hiện tượng lạ. Vua cho truyền các thày bói cùng những nhà thông thái tới giải mộng cho vua. Nhưng tất cả đều không giải được. Sau cùng, vị quan lúc trước bị tù với Giuse liền tâu vua về tài trí khôn ngoan của Giuse. Nhà vua cho gọi Giuse tới. Nghe nhà vua kể mộng xong, Giuse đã cho lời giải chí lý khiến nhà vua rất hài lòng và đã trọng dụng Giuse, phong Giuse chức phó vương Ai Cập. Câu nói của vua Pharao với dân chúng: “Hãy đến cùng Giuse” đã trở thành câu bất hủ, được ám chỉ về quyền thế của Thánh Cả Giuse trước mặt Thiên Chúa.
Là gia trưởng của Thánh Gia là thay mặt Chúa Cha để chu toàn cho Hài Nhi Giêsu giáng trần, là thay mặt Chúa Thánh Thần để bảo vệ, chăm sóc cho Đức Mẹ. Trách nhiệm này đòi hỏi nơi Thánh Cả sự thánh thiện, trí khôn ngoan, và tính kiên định hơn biết bao, so với chức phó vương Ai cập.
Là gia trưởng của Thánh Gia là chấp nhận đi đầu trong thử thách, đối diện với cam go, vì Thánh Gia sẽ là gương mẫu cho các gia đình. Vì thế, đòi hỏi Thánh Cả phải có lòng mến mênh mông, tinh thần phó thác, đức tuân phục trọn hảo, và một đức tin vững như núi non.
Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy Thánh Cả Giuse đã phải chạm trán đau khổ, thử thách ngay từ giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân với Đức Mẹ.
Lập gia đình với Đức Mẹ là do thiên ý, để chuẩn bị cho Ngôi Lời nhập thể. Tất nhiên lúc đó Thánh Cả Giuse chưa hiểu đươc màu nhiệm này. Cho nên, vào thời kỳ hứa hôn, sau khi Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Isave ba tháng trở về, Thánh Cả Giuse nhận ra Maria bạn Ngài đã có thai! Bào thai cứ mỗi ngày lớn dần, không thể chối cãi! Bầu không trung đang trong sáng bỗng trở nên u ám. Giông bão bỗng ào ào kéo về. Vì chưa hiểu được việc Đức Mẹ Maria chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần, cho nên lòng Thánh Cả ngổn ngang trăm bề! Một mặt, biết Đức Mẹ Maria nết na vẹn toàn. Nhưng thực tế lại cho những sự kiện mà với Thánh Cả lúc đó là không thể hiểu được.
Sự hiểu lầm hay không thể hiểu được này đã đưa tới một quyết định đau đớn nhưng ôn hòa, êm đẹp:
“Giuse chồng bà, vì là người công chính và không muốn tố giác bà, thì định âm thầm ly dị. Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì này, Thiên thần Chúa hiện ra với ông trong mộng, bảo rằng: ‘Giuse con David, chớ sợ lấy Maria vợ ông, vì Thai Nhi trong lòng Bà là bởi Thánh Linh. Bà sẽ sinh con, và ông sẽ đặt tên Ngài là Giesu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội’. Vả mọi việc này xảy ra, hầu ứng nghiệm Lời Chúa đã phán bởi tiên tri rằng: ‘Kìa gái đồng trinh sẽ thụ thai, sanh con trai, và gọi là Emmanuel: Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta.
“Khi Giuse tỉnh dậy, bèn làm theo lời Thiên Sứ của Chúa mà rước vợ về nhà.” (Mt. I, 19-24)
Với lời giải thích của Thiên Thần, Thánh Cả Giuse được cởi mở tâm hồn, vì Thánh Cả hoàn toàn tin tưởng vào sự an bài của Thiên Chúa. Tình yêu và lòng kính trọng dành cho Đức Mẹ của Thánh Cả càng trở nên đậm đà, sâu thẳm. Không nói chúng ta cũng có thể hiểu lòng hai Đấng, sau khi được giải tỏa khúc mắc, hân hoan, sung sướng đến mức nào!
Thánh Cả Giuse dù nghèo túng, nhưng Ngài cũng lo chuẩn bị mọi sự chu đáo để đón tiếp Ngôi Lời Nhập thể. Thánh Cả cũng chăm lo dọn lòng để được xứng đáng phần nào với thiên chức cha nuôi Con Thiên Chúa. Nhưng đoạn đường gian truân còn dài. Những gian nan thử thách đang chờ Thánh Cả. Biến cố về quê để kê khai dân số xảy ra bất ngờ vào thời điểm Đức Mẹ gần sanh đã gây biết bao lo âu cho Thánh Cả và Đức Mẹ. Tới Belem nhưng vì nghèo, nên không ai chấp nhận cho trọ đêm. Cuối cùng, Thánh Cả đành dẫn Đức Mẹ ra ngoài đồng để tạm trú nơi hang dành cho bò lừa. Và nơi đây, Đức Mẹ đã hạ sinh Chúa Giesu; Sự kiện Herode đòi giết các hài nhi, khiến Thánh Cả đang đêm phải thức giấc đem Đức Mẹ và Hài Nhi Giesu trốn sang Ai Cập; Tỵ nạn ở Ai Cập được vài năm, khi mọi sinh hoạt bắt đầu đi vào nề nếp, thì Thánh Cả lại được lệnh hồi hương; Biến cố lạc mất Chúa, khiến Đức Mẹ và Thánh Cả vô cùng lo âu, sầu khổ. Ba ngày dài như ba năm!
Mặc dù với bao thăng trầm của cuộc sống, Thánh Cả luôn chu toàn bổn phận của người gia trưởng một cách thật tuyệt vời. Và Thánh Cả luôn duy trì nếp sống ẩn dật, khiêm hạ.
Sau khi Chúa sống lại và lên trời, Giáo Hội sơ khai được thành lập, người ta bắt đầu nói đến tên Vị Dưỡng Phụ Đấng Cứu Thế. Khi các Giáo Phụ ra đời, các ngài bắt đầu tôn vinh Ngài, nổi bật nhất là lời quả quyết của Gregorio Nigianian: “Như mặt trời làm nơi hội tụ của mọi nguồn sáng. Thiên Chúa đã kết hợp trong Thánh Cả Giuse tất cả huy hoàng và vinh hiển của mọi chư thánh.”
Từ thế kỷ thứ 12 trở đi, địa vị của Thánh Cả càng ngày càng được đề cao. Nhiều đấng thánh tin tưởng rằng, Thiên Chúa đã cho Thánh Cả lên trời cả hồn và xác. Trong lịch sử Giáo Hội, một số vị thánh đã được Thiên Chúa giữ gìn thân xác không bị hư thối sau khi chết, thì không lý gì Chúa Giseu lại để thân xác Dưỡng Phụ yêu dấu của Ngài phải chịu số phận hư nát dưới lòng đất!
Trong số những vị thánh biệt tôn Thánh Cả Giuse, phải kể tới thánh nữ Teresa Avila Tiến Sỹ Hội Thánh. Thánh nữ được tôn là “Tông Đồ của Thánh Cả Giuse”. Ngài khuyên: “Ai muốn đạt tới mức cầu nguyện cao siêu, hãy đến cùng Thày Giuse!”
Đức Thánh Cha Pio IX đã long trọng tôn phong Thánh Cả Giuse làm Đấng Bảo Trợ toàn thể Giáo Hội và đặt ngày lễ kính19/3 lên hàng lễ trọng. Đức Thánh Cha Leo XIII dâng trọn tháng Ba làm tháng kính Thánh Cả Giuse. Năm 1955, Đức Thánh Cha Pio XII quyết định dâng ngày 1-5 để kính nhớ “Thánh Giuse Lao Động” và tôn Ngài làm quan thày giới lao động.
Riêng nước Việt Nam vào năm 1678 Đức Thánh Cha Innocent II tôn Thánh Cả Giuse làm Đấng Bảo Trợ nước Việt Nam. Ngoài ra, Giáo Hội còn đặt Ngài làm quan thày các kẻ hấp hối, Đấng Bảo Trợ các Linh Hồn trong Luyện Ngục.
Cành Huệ trắng hay Cánh Đại Bàng!
Một Phượng Hoàng vĩ đại ngậm cành Huệ trắng, sải cánh uy lực tung bay về hướng Mặt Trời Cao Cả!
Hạt Cát
Views: 0