Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
1- Khi tỏ cho thấy Mẹ Maria như là một “trinh nữ”, Phúc Âm Thánh Luca còn thêm rằng Mẹ đã “được đính hôn với một người tên là Giuse thuộc giòng dõi Đavít” (Lk 1:27). Hai chi tiết này thoạt tiên chúng ta thấy có vẻ mâu thuẫn với nhau.
Cần phải để ý là tiếng Hy Lạp được dùng trong đoạn văn này không có ý nói đến trường hợp của một người phụ nữ đã có hôn ước và vì thế đang sống đời sống hôn nhân, mà là đến trường hợp của một người đính hôn. Tuy nhiên, không giống như những gì xẩy ra nơi các nền văn hóa tân tiến, tục lệ Do Thái xưa kia về việc đính hôn đã công nhận đó là một khế ước và bình thường đã có giá trị vĩnh viễn, tức là nó đã thực sự đưa con người đính ước vào đời sống hôn nhân, cho dù cuộc hôn nhân hoàn tất chỉ khi nào người nam đem người nữ về nhà mình.
Như thế, vào thời điểm Truyền Tin, Mẹ Maria đã ở trong tình trạng của một người đính hôn. Chúng ta có thể tự nghĩ là tại sao Mẹ lại chấp nhận đính hôn, vì Mẹ đã có ý định vĩnh viễn giữ mình đồng trinh cơ mà. Thánh Luca đã biết được vấn đề này, nhưng vẫn ghi lại sự kiện ấy mà không có một lời giải thích nào cả. Sự kiện mà vị Thánh Ký, trong khi nhấn mạnh đến chủ ý giữ mình đồng trinh của Mẹ Maria, đồng thời lại cho thấy Mẹ là hôn thê của Thánh Giuse, đã là một dấu chứng có tính cách khả tín của lịch sử về hai phần của sự kiện này.
2- Chúng ta có thể cho rằng, vào lúc đính hôn của mình, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã biết được dự định của nhau trong việc muốn sống đời trinh khiết. Vả lại, Chúa Thánh Thần, Đấng đã soi động cho Mẹ Maria có ý muốn giữ mình đồng trinh là tình trạng liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể, cũng là Đấng muốn Thánh Giuse thuộc về một đời sống gia đình xứng hợp với việc tăng trưởng của Con Trẻ, cũng rất có thể đã gợi lên lên nơi Thánh Giuse tư tưởng giữ mình đồng trinh nữa.
Thiên thần Chúa đã hiện ra trong giấc mộng mà bảo ngài rằng: “Hỡi Giuse, con Đavít, đừng sợ nhận Maria làm vợ, vì người đã thụ thai bởi Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20). Như thế là ngài đã nhận được lời xác nhận cho thấy rằng ngài đã được kêu gọi để sống cuộc sống hôn nhân của mình một cách hoàn toàn đặc biệt. Qua việc hiệp thông trinh khiết với một người nữ được chọn sinh ra Chúa Giêsu như thế, Thiên Chúa muốn kêu gọi thánh nhân hãy cộng tác vào việc thực hiện dự án cứu độ của Ngài.
Loại hôn nhân Chúa Thánh Thần đã kết hợp Mẹ Maria và Thánh Giuse lại với nhau chỉ có thể hiểu được trong tương quan với dự án cứu độ cũng như với một linh đạo cao vời. Sự kiện hiện thực cụ thể của mầu nhiệm Nhập Thể đòi phải có một cuộc hạ sinh trinh khiết vẹn tuyền, một cuộc hạ sinh làm nổi bật tính cách của một người con thần linh, và đồng thời cũng cần đến một gia đình có thể đáp ứng với việc phát triển bình thường nhân cách của Con Trẻ.
Thật vậy, đối với việc đóng góp của mình vào mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã được ơn sống cùng một lúc vừa đặc sủng đồng trinh lẫn tặng ân hôn nhân. Mối hiệp thông của Mẹ Maria và Thánh Giuse trong mối tình yêu trinh khiết, mặc dù là một trường hợp đặc biệt liên hệ đến việc hiện thực cụ thể mầu nhiệm Nhập Thể, cũng là một cuộc hôn nhân thực sự (x Tông Huấn Redemptoris Custos, 7).
Cái khó khăn trong việc chấp nhận mầu nhiệm hiệp thông phu phụ cao cả này của các vị đã làm cho một số, từ thế kỷ thứ hai, cho rằng Thánh Giuse đã già lão và coi ngài như vị bảo hộ của Mẹ hơn là hôn phu của Mẹ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lại cho rằng ngài không phải là một ông già vào lúc ấy, song sự trọn lành nội tâm của ngài, hoa trái của ân sủng, đã khiến ngài sống tương quan vợ chồng với Mẹ Maria bằng một mối tình trinh khiết.
3- Việc Thánh Giuse cộng tác vào mầu nhiệm Nhập Thể cũng bao gồm cả việc thực thi vai trò làm cha của Chúa Giêsu nữa. Vị thiên thần đã công nhận phận vụ này của ngài khi hiện ra trong giấc mộng và xin ngài đặt tên cho Con Trẻ: “Người sẽ hạ sinh một con trai và ngươi sẽ đặt tên cho Ngài là Giêsu, vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21).
Trong khi không dính dáng đến vấn đề truyền sinh về thể lý, thì vai trò làm cha của Thánh Giuse lại là một điều có thực chứ không phải chỉ bề ngoài vậy thôi. Phân tích giữa một người làm cha và một người thụ thai, có một bản văn cổ nói về đức đồng trinh của Mẹ Maria, đó là De Margarita (ở thế kỷ thứ bốn), như thế này: “Việc Trinh Nữ và Thánh Giuse dấn thân chấp nhận vai trò làm chồng và làm vợ khiến ngài có thể được gọi bằng danh xưng (cha) này; tuy nhiên là một người cha không truyền sinh”. Như thế, Thánh Giuse đã thi hành vai trò làm cha của Chúa Giêsu, thi hành một thứ quyền bính được Đấng Cứu Chuộc tự nguyện “vâng phục” (Lk 2:51), thi hành việc góp phần vào tình trạng tăng trưởng của Người cũng như vào những chỉ dẫn cho Người trong nghề thợ mộc.
Kitô hữu luôn luôn nhìn nhận Thánh Giuse là một người đã sống hiệp thông thân tình với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, họ cũng cho rằng cả trong giờ lâm chung, thánh nhân cũng được an ủi nơi sự hiện diện âu yếm của các ngài. Theo truyền thống Kitô hữu liên tục này, nhiều nơi đã tỏ lòng tôn sùng đặc biệt với Thánh Gia, cũng như với Thánh Giuse, Vị Bảo Hộ của Đấng Cứu Chuộc. Như mọi người đều biết, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã phú thác toàn thể Giáo Hội cho việc bảo hộ của thánh nhân.
(ĐTC Gioan Phaolô II, Thứ Tư 21/8/1996,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 28/8/1996)
Views: 0