Đức Ông Richard Antall
Lm. Phanxico Xavie Lê Văn Nhạc chuyển ngữ
Cuộc sống của Chân Phước sắp được phong thánh Charles de Foucauld thách đố ý tưởng thành công của chúng ta. (ĐGM. Richard Antall)
Cách nay 53 năm, khi tôi đang học lớp Tám thì lần đầu tiên đọc được cuốn sách “Những vị anh hùng của Chúa” do Henri Daniel-Rops viết về Cha Charles de Foucauld. Cuốn sách này viết về 10 ông và 1 bà – được tác giả gọi là “những nhà mạo hiểm của Chúa”; họ đã sống… đã đau khổ… đã chết để gấp rút hoàn thành – càng nhiều càng tốt trên mặt đất này – điều nguyện ước của mọi Kitô hữu ngỏ cùng Cha trên trời: “Xin cho Nước Cha trị đến”.
Daniel-Rops quả là đã đạt được đích điểm tốt (tiếng Tây Ban Nha gọi là “buena punteria”). 3 trong 5 vị anh hùng – chưa được phong thánh vào thời tác giả viết sách này – đã được nâng lên tôn kính trên bàn thờ: Thánh Junipero Serra, Thánh Đamiêng ở đảo Molokai, và giờ đây Chân phước Charles de Foucauld mà ngày phong thánh đã được thông báo là 15 tháng 5 năm 2022.*
Trong tất cả các vị anh hùng được viết trong cuốn sách ấy, có lẽ từ tước Charles de Foucauld là người có một cuộc sống kỳ lạ nhất. Anh được sinh ra tại Strasbourg, nước Pháp, trong một gia đình có mối liên hệ lịch sử với Thánh nữ Gioanna thành Arc và Thánh Lu-y, cũng như mối liên hệ với những vị đã chết vì đức tin vào thời Cách mạng Pháp.
Tuy nhiên, con đường lên thiên đàng của anh gặp nhiều nẻo ngoằn ngèo và khúc ngoặt. Mẹ của anh là một tín hữu Công giáo đạo đức, nhưng đã qua đời khi Foucauld mới lên 8 tuổi, vài tháng trước cái chết của người cha. Anh được bà ngoại nuôi dưỡng; bà rất chiều chuộng anh và em gái của anh.
Sự chiều chuộng ấy đã trở thành yếu đuối, bởi vì cháu trai của bà đã trở thành một người đàn ông hết sức bướng bỉnh, ngay cả trong quân đội Pháp, là nơi anh đã trở nên giàu có và, như Daniel-Rops viết, “một trung úy khoác lác, biếng nhác và ăn chơi trác táng”. Chàng đã mất đức tin khi ở “tuổi teen” và mất ông ngoại không bao lâu sau khi được thừa kế một gia tài to lớn.
Trong “Nặc danh Tửu đình” có câu: “sức mạnh của bạn cũng chính là sự yếu đuối của bạn” – và ngược lại. Tôi nghĩ rằng Foucauld là một ví dụ điển hình cho điều đó. Anh dung dưỡng bản thân mình đến cực độ, nổi tiếng vì kêu những món thịt béo rượu ngon khi chàng ở trường kỵ binh và bị các bạn sinh viên đồng liêu đặt cho cái tên là “con heo”. Một trong các anh em họ của chàng nhớ lại: chàng Charles bụ bẫm đã là người gây khiếp sợ ở bàn ăn tráng miệng tại buổi tiệc gia đình.
Nhưng chàng trẻ tuổi này – hết sức thông minh mà lại biếng nhác đến mức bị xếp hạng học lực yếu kém – đã được Chúa hoán cải cách lạ lùng. Bị thuyên chuyển đến Sahara, và luôn gây rối với lối sống xấu xa tai tiếng, Foucauld đem lòng yêu thương một cô gái Bắc Phi, khi tham chiến chống lại cuộc nổi dậy ở Algeria, thuộc địa của Pháp.
Chàng âm thầm thám hiểm Morocco, cải trang như một rabbi Do thái, đã ghi chép và xuất bản một bài tường thuật khiến chàng được giải thưởng và trở nên nổi tiếng trong số các nhà địa lý ở Pháp. Tuy nhiên, cuộc giao tiếp với Do thái giáo và Hồi giáo – trong các chuyến du hành ấy – đã ghi dấu ấn trên bản thân chàng suốt đời.
Sau một thời gian ở Paris, chàng trở lại phục vụ tại Châu Phi, rồi vỡ mộng với quân đội vì vấn đề chính trị. Thiên Chúa đã có chàng khi Ngài cần đến chàng. Sau này, chàng hết sức kinh ngạc trước cách thức Chúa sử dụng “nỗi cô đơn, cảm xúc, ốm đau bất ngờ của những người thân yêu, những cảm giác sâu đậm mãnh liệt và cuộc trở về Paris thật tình cờ khi một biến cố đáng ngạc nhiên xảy ra.”
Qua lời cầu nguyện, gương sáng và sự thúc đẩy của cô em họ Marie de Bondis yêu dấu, Foucauld đã trở lại với đức tin. Cô em họ này đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ với cha Henri Huvelin ở nhà thờ Thánh Augutinô tại Paris. Foucauld đã đến ‘bàn luận’ về sự mất đức tin của chàng và cha Huvelin đã bảo chàng, “Hãy quỳ xuống và xưng tội!”
“Nhưng con không có đức tin”, “hối nhân” trả lời.
Vị linh mục vẫn chỉ nói: “Hãy xưng tội”. Và chàng trai đã làm theo.
Cha Huvelin hỏi tiếp: “Anh đã ăn sáng chưa?” Chàng trả lời: “Dạ chưa!” – “Vậy thì hãy đi vào nhà thờ ngay lập tức. Thánh lễ đang bắt đầu và hãy rước lễ.” Đấy là điều mà Foucauld gọi là “rước lễ lần đầu thứ hai của anh”.
Cuộc hành hương kỳ lạ của anh tiếp tục. Phương châm dòng họ quý tộc của anh là “không bao giờ lùi bước”, và Foucauld đã không bao giờ lùi bước trong cuôc tìm kiếm những gì Thiên Chúa muốn anh làm. Chính nỗi niềm không bao giờ thỏa mãn – đã đưa anh vào một lối sống hoang phí và thường là vô luân trước đây – thì nay cũng rõ ràng như thế khi anh lựa chọn sống đến tận cùng ơn gọi tu trì của mình.
Anh không bao giờ mãn nguyện với những hy sinh đã làm cho Chúa Kitô. Tên lính xuất ngũ ấy đã vào tu viện Trappist Đức Bà Xuống Tuyết. Sau đó, vẫn khao khát tìm một cách sống khổ hạnh nhiều hơn nữa, anh chuyển sang một đan viện khác ở Syria tại Akbès.
Rồi tâm hồn anh vẫn chưa nghỉ yên ở Syria. Anh muốn sống cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu ở Nadarét. Anh đã tìm được việc làm ở Dòng các Chị Clara khó nghèo ngay tại Nadarét, trở thành anh làm vườn cho các nữ đan sĩ và dành nhiều giờ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Tiếp theo, vẫn chưa được bình an, anh lại trở về Pháp, theo học để lãnh nhận tác vụ linh mục, và đã thụ phong linh mục. Sau đó, Cha Foucauld quyết định trở về châu Phi “như một tuyên úy” cho các binh sĩ Pháp.
Tôi nói “như một tuyên úy”, nhưng không đơn giản chỉ như thế. Cha ước muốn làm một vị ẩn tu giống như các Tổ Phụ Ai Cập trong sa mạc. Nhờ đời sống cầu nguyện và tình huynh đệ ẩn dật tại Beni-Abbès, cha làm chứng cho người Hồi giáo và thầm lặng rao giảng Tin Mừng, chỉ rao giảng bằng sự hiện diện và tình bác ái của Cha. Cha đã mơ ước thành lập một dòng tu “Các Tiểu đệ Thánh Tâm”.
Nhưng ngay cả Béni-Abbès cũng chưa đủ. Một người bạn đã đề nghị với Cha một địa điểm còn hẻo lánh và nghèo khó hơn nữa, đó là Tamanrasset, nơi cha có thể làm quen với bộ lạc Tuareg. Cha đã xây dựng một nơi ẩn tu tại đó và bắt đầu học ngôn ngữ của người Touareg, dịch Tin Mừng ra ngôn ngữ của họ và làm công việc của một học giả biên soạn một từ điển song ngữ và một sách văn phạm, rồi còn làm một bộ sưu tập thi ca bản xứ mà sau này đã được xuất bản.
Năng khiếu ngôn ngữ của Cha thật là phi thường, nhưng đặc sủng của Cha đã làm cho ngay cả những người Hồi giáo cũng kính trọng ơn gọi của Cha: Họ đã bắt đầu gọi cha là “marabout (vị thánh)” của họ. Cha tin rằng cầu nguyện tôn thờ là nền tảng cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong sa mạc.
Khi Thế Chiến I bùng nổ, vài bộ lạc tuyên bố thánh chiến chống lại người Pháp. Quân đội đã thuyết phục cha Foucauld di tản khỏi nơi ẩn tu của cha đến một pháo đài nhỏ, ở đó cha sống một mình nhưng cũng có chỗ ẩn nấp cho những dân làng khác trong trường hợp bị tấn công. Cha đã bị giết chết ở đó do một nhóm lính đến bắt cóc cha, vào ngày 1-12-1916.
Cha chưa bao giờ có được một ai gia nhập cộng đoàn tu trì do Cha đề nghị. Cha cũng chưa bao giờ hoán cải được bất kỳ một ai trong làng trở lại Kitô giáo. Cho dù nổi tiếng với những bài viết về chiêm niệm và suy tư, vào lúc sinh thời cha chưa bao giờ thấy một bài viết đời tu nào của mình được xuất bản: “Dự án” của cha đã thất bại.
Thật tạ ơn Chúa, khi những thất bại thánh thiện thường lại là những hạt mầm của thành công. Sau khi qua đời, Cha Foucauld mới thấy được các môn sinh của mình. Một cuốn tiểu sử đã được René Bazin viết năm 1921 khiến người ta chú ý đến cuộc sống của vị ẩn sĩ sa mạc này, và cuối cùng nhiều cuốn tiểu sử khác nữa về Cha Foucauld đã được xuất bản.
Một chủng sinh tên là René Voillaume đã đọc cuốn tiểu sử này và xúc động. Cuối cùng Voillaume đã thành lập Cộng đoàn các Tiểu đệ Thánh Tâm và sau đó lập Cộng đoàn Tiểu đệ Tin Mừng. Các nữ môn sinh cũng đã thành lập Cộng đoàn các Tiểu muội Thánh Tâm và Cộng đoàn các Tiểu muội Tin Mừng, là một nhóm tôi đã từng quen biết ở El Salvador.
Mẹ Têrêsa Calcutta có lần đã nói rằng: Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để ta đạt được thành công, nhưng để ta trở thành người có niềm tin. Tôi muốn nói thêm rằng: niềm tin sẽ mang đến thành công thiêng liêng. Giáo hội cần có thêm những thất bại, tương tự như thất bại của Chân Phước Charles de Foucauld, để tất cả chúng ta có thể vững tin nhiều hơn.
__________
*Ngày phong thánh do người dịch hiệu đính.
Views: 0