Elizabeth Nguyễn
Bất cứ cuộc trở về nào cũng có một dấu ấn âm thầm từ Trời cao.
Bé Augustinô sinh ngày 13.11. 354, là con trai một gia đình trung lưu ở Tagaste xứ Numidien, bắc Phi Châu (Algerie). Càng lớn cậu bé càng chứng tỏ mình thông minh lanh lợi, học giỏi nhất vùng Tagaste, năng động nhưng sống vô kỷ luật, cùng với các bạn phá làng phá xóm (hái trộm trái cây, phá vườn cây v.v…). Bố Patrizius, người ngoại giáo, sống phóng túng, bài bạc, rươu chè… làm khổ mẹ Monika rất nhiều, bà là một Kitô hữu, cá tính mạnh mẽ, đức tin kiên cường nên rất âm thầm đau khổ về chồng và con trai.
Năm 17 tuổi, Augustino học đại học tại Karthago, một thành phố lớn trong năm thành phố lớn nhất của đế quốc Roma, quy tụ nhiều thành phần trí thức, các triết gia, các giáo phái v.v… kẻ vô đạo, người có đạo, đầy đủ thành phần từ quý tộc giàu sang, đến thường dân lam lũ. Karthago trù phú về mọi khía cạnh văn hóa, văn chương, đủ mọi mầu sắc văn học, tôn giáo, nghệ thuật. Nơi đây đã từng có các vị tử đạo ra trước tòa án năm 180, song nơi đây cũng không thiếu nhiều nhà chứa và đĩ điếm cùng những con hẻm nhỏ, những xóm nghèo lam lũ.
Môi trường phức tạp nơi này thật xứng hợp với tâm tưởng của Augustinô. Chàng thoải mái cặp bồ với Melanie và năm 18 tuổi, chàng có con trai, tên Adeotatus. Sống đời hôn nhân không bí tích, không hôn thú. Mối tình kéo dài 10 năm, cùng lúc chàng và đám bạn sống phóng túng đam mê xác thịt.
Mẹ Monika rất đau khổ về chồng, nay lại khổ vì con trai. Bà muốn chàng lập gia đình tử tế đàng hoàng có phép đạo vì thế luôn hối thúc chàng theo đạo. Nhưng Augustino nghĩ, cuộc hôn nhân mình đang sống không có tội lỗi gì cả, trong khi chàng thỉnh thoảng nghĩ lại khi chàng và lũ bạn phá làng phá xóm, gây thiệt hại cho bà con khi hái trộm trái cây thì lại cắn rứt lương tâm vì cho là mình đang làm điều bất chính!?.
Khi đọc tác phẩm „HORTENSIUS“ của triết gia ngoại giáo CICÊRÔ, chàng trẻ tuổi thắc mắc rất nhiều về vũ trụ đến từ đâu, và vì sao nó hiện hữu!? Chàng thắc mắc thêm, ai là người có thể trả lời được những thắc mắc bí hiểm này!? Thế là chàng tìm đến Manikê, một giáo phái đáp ứng được những thắc mắc của tuổi trẻ thông minh, hiểu biết, chàng nghĩ thế. Người sáng lập giáo phái Manikê, tên Mani, người Iran, dạy rằng: từ đời đời đã có một nguyên lý xấu (Chúa xấu) hiện hữu song hành với nguyên lý tốt (Chúa tốt) ; hai nguyên lý này chống nhau kịch liệt. Mani khẳng định, con người chỉ có thể tự cứu bằng cuộc sống tiết dục, nhờ đó sẽ tách ra khỏi „Chúa xấu“. Mani không chấp nhận Chúa Kitô là Chúa, không tin Đức Kitô nhập thể trong lòng Mẹ Maria, Giêsu không có thân xác như mọi người, không chết trên thập giá, không sống lại từ cõi chết, không lên trời với xác phàm (Theo Bernard Gui). Điều này cũng không thỏa mãn chàng được cho nên ở trong giáo phái này 9 năm mà chàng không tiến lên được một bước nào!
Mẹ Monika giận con, không những về hôn nhân mà còn về sự theo tà giáo này nên cấm cửa, không cho về nhà. Chàng tỉnh bơ đến trọ tại nhà bạn, càng thích, tha hồ mà đấu lý và phá phách với bạn bè. Nhưng ngó vậy mà không phải vậy; chàng trai cảm nhận mình đang mất bình an, vì làm mẹ đau khổ khi không cho mình bước vào nhà. Chàng đến nhà bạn với nỗi bất an trong tâm hồn, Augustino lững thững đi ra vườn cây, nằm dưới một gốc cổ thụ, thả hồn theo mây gió với tràn ngập suy tư trong lòng… bỗng chàng nghe một lời hát trong trẻo của một em nhỏ tuổi: „Hãy cầm lấy mà đọc đi!“ … Hãy cầm lấy mà đọc đi!“ Augustinô đứng phắt dậy đi vào nhà cầm Sách Thánh, mở ra, hàng chữ đập vào mắt chàng: „Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đúng d5ắn như người đang sống giữa ban ngày; không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông . Nhưng anh em hãy mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính đam mê xác thịt mà thỏa mãn dục vọng”(Rm 13, 12-14). Augustinô gấp sách lại. (chắc chắn lúc này chàng ta bị cú sốc dữ dội. Gấp sách lại cách lẳng lặng mà sắc mặt biến đổi từ tái xanh sang màu đỏ. Thật không ngờ có một Đấng thấu suốt tâm can, cả khi con đứng con ngồi, con ăn con ngủ, con suy con nghĩ… Ngài biết tất tần tật.) Chàng nhẹ nhàng, từ từ gấp sách lại, còn có nghĩa là cứ để đấy! Sẽ tính sau!!!
Năm 21 tuổi, Augustinô lập một trường hùng biện tại Karthago. Lúc này mẹ Monika chạy theo con, đốc thúc con theo đạo. Muốn tránh mẹ, chàng đến nước Ý đem theo Melanie và Adeotatus. Nơi đây Manikê lo cho chàng chức giáo sư ở Đại Học Milano. Vừa đến Milano thì mẹ Monika cũng đã đến, bà hối chàng cưới vợ và bắt chàng bỏ Melanie và bé Adeotatus. Nhưng trớ trêu, cô gái bà đem đến gán cho Augustino chưa đủ tuổi kết hôn. Chàng liền cặp bồ mới.
Một hôm chàng vào nhà thờ chính tòa để nghe Ambrosio, một nhà thuyết giảng nổi danh để xem thử ông này giảng ra sao…ông ấy nói cái gì??? Chàng kết luận, ừ, cũng hay, thuyết phục khiến chàng suy gẫm trong tâm hồn. Augustinô đâu ngờ rằng, những lời giảng đó là những hạt mầm mà Ambrosio đã gieo vào tiềm thức Augustino, đang được nước mắt yêu thương của Mẹ Monika tưới tẩm, đang âm thầm lớn lên trong thinh lặng trong trí tâm thân chàng.
Cuộc sống mới:
Sau nhiều ngày tháng giằng co trong nội tâm, chàng cầm lại Sách Thánh và đọc với một trái tim mới, chàng tìm đến với giám mục Ambrosio học giáo lý và nhận phép Thánh Tẩy năm 32 tuổi. Năm 391 được thụ phong linh mục và năm 395 được tấn phong giám mục.
Chúa Thánh Thần đã đốt cháy con tim của Augustinô thật mãnh liệt. Chàng trai trẻ bỏ hẳn cuộc sống theo bản năng của xác thịt, dứt khoát từ bỏ đòi hỏi của nhục dục, dù chỉ là một ý nghĩ thoáng đến, không nghĩ đến hôn nhân, tình nhân, bạn gái nữa.
Augustinô sống trong một dòng đan tu, dứt khoát hướng về chân trời mới, nhất định trở thành một Kitô hữu thánh thiện, không chỉ là tin suông mà phải hiểu thông suốt đến nơi đến chốn những gì mình tin mà không để mất sự khả tín những gì lý trí chưa chiếu sáng được. Ông sống nhiệm nhặt với chính mình, cầu nguyện, viết sách, nghiên cứu thần học, triết học, viết nhiều sách, nhiều bài giảng, để lại cho Giáo Hội Công Giáo và cho nhân loại một kho tàng văn học giá trị cả về đức tin và về đời sống nhân ái.
Tác phẩm „Confessiones“, rất nổi tiếng về cuộc trở lại của ông, giúp rất nhiều tín hữu noi gương sống thành thật và khiêm nhường, nhất là về đức tin, phải xác tín, khả tín điều mình tin với lời văn thật đẹp: „vừa đọc xong câu đó, hồn tôi bỗng sáng lên và vững tin, và mọi bóng đêm ngờ vực tan biến“. Trong lúc lòng còn náo động Augustinô viết thêm: „Sương mù dâng lên từ vũng lầy ham muốn xác thịt và từ nhựa sống căng trào của tuổi thanh niên, chúng như mây che kín tâm tôi“. Chỗ khác, chàng viết: „Kẻ thù kìm hãm ý chí tôi, nó như một dây xích cuốn chặt lấy tôi. Bởi ngược lại ý chí là đòi hỏi nhục dục, đáp ứng nó, nó trở thành thói quen, không chống lại, nó trở thành trói buộc“.
Một thời gian sau khi ông qua đời, đan viện bị hỏa hoạn, đốt cháy rất nhiều sách và bản văn của ông, nhưng cũng còn lưu lại cả trăm cuốn sách, trong đó có cuốn „Quốc Gia Thiên Chúa“ (De civitate Die), ông viết sau trận cướp phá Roma của quân Alarich năm 410 để trả lời việc dân Roma tố cáo tín hữu Kitô đã tạo ra biến cố đó vì sự vô thần của họ, và khoảng 500 bài giảng. Ông được Giáo Hội tôn phong Hiển Thánh qua tay ĐGH Bonifacio VIII và đưa lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh.
Elisabeth Nguyễn
Views: 0