TÔN GIÁO

Ai có bổn phận phải lau chân ?

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

 

Ngày nay, nhiều lễ hội rửa chân mang danh nghĩa gọi là báo hiếu, nhưng lại bắt các bé chưa hiểu gì chuyện đời phải cúi xuống rửa chân cho cha mẹ. Dạy về báo hiếu là tốt, nhưng với tuổi thơ thì các em cần được chăm sóc của cha mẹ hơn là phải chăm sóc cha mẹ. Các em cần đuợc nhìn thấy sự ân cần phục vụ nơi cha mẹ,  từ đó mới hình thành nơi các em lòng tri ân báo hiếu về công ơn sinh thành dưỡng nuôi của hai đấng sinh thành. Vì vậy, với tuổi thơ nên chăng chỉ đòi các em thảo hiếu qua việc vâng lời là đủ? Người trưởng thành thì mới cần báo hiếu cha mẹ qua việc phụ giúp kinh tế, chăm sóc cha mẹ khi đau yếu và già nua.  Do đó, cha mẹ còn khỏe mạnh, trẻ trung lại bắt trẻ con phục vụ thì vô tình lại phản giáo dục! Với cảnh các em tuổi còn rất bé đã phải phục vụ người lớn, sẽ dẫn đến lớn lên, ra đời cứ thằng lớn bắt thằng bé rửa chân. Kẻ mạnh luôn được phục vụ và kẻ yếu luôn phải cúi mình phục vụ.

Thực ra, rửa chân tự bản chất là việc chăm sóc phục vụ của người lớn dành cho trẻ nhỏ, của lương y dành cho bệnh nhân, của con cái chăm sóc cha mẹ khi già yếu bệnh tật. Từ xưa dân gian đã có cách nói: “rửa chân trước khi ngủ, tốt hơn uống thuốc bổ”. Người xưa cho rằng, rửa chân có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.  Nâng niu chà rửa bảo vệ bàn chân giúp cơ thể phòng tránh nhiều loại bệnh. Chân có sạch- người mới khỏe-tâm mới sáng.

Chúa Giê-su cúi xuống rửa chân như hình ảnh người cha ,người mẹ rửa chân cho con cái mỗi ngày. Việc rửa chân ấy muốn nói lên trách nhiệm của người lớn phải gìn giữ bảo vệ bề dưới khỏi mọi vết nhơ của bụi trần, phải dám lau đi những cái xấu đang bám vào thân thể và có khi làm hoen ố tâm hồn những người mình coi sóc. Việc làm cao cả đầy trách nhiệm ấy khiến Phê-rô không hiểu nên mới nói: “không đời nào Thầy lại rửa chân cho con”, nhưng Chúa Giê-su đã nói với Phê-rô : “việc của Thầy làm giờ này các con không hiểu nhưng sau này sẽ hiểu”. Bởi theo lẽ thường thì người có quyền, có tiền luôn đòi người khác phục vụ, và có khi chính lối sống tội lỗi của họ lại gây gương mù, gương xấu và làm hoen ô tâm hồn người dưới.  Vì thế, khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, Ngài cũng muốn nói với các người có chức quyền còn phải có bổn phận trông nom, bảo vệ, thậm chí cúi mình khiêm hạ để rửa chân cho người thuộc hạ nhằm bảo vệ họ khỏi mọi vết nhơ của sự dữ, phải cúi xuống lau đi những bợn nhơ đang làm hoen ố hình ảnh Chúa nơi những người mình có bổn phận trông nom.

Bài học của ngày Thứ Năm Tuần Thánh là bài học của tinh thần trách nhiệm và lòng hy sinh quên mình. Trách nhiệm của bề trên phải bảo vệ bề dưới khỏi sự dữ. Trách nhiệm của từng người là phải góp công, góp sức mình để kiến tạo thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

Chúa Giê-su khi rửa chân cho các môn đệ cũng nhắc đến người làm lớn phải có bổn phận phụcvụ. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (Mt 20,28)

Hôm nay thứ năm Tuần Thánh, Chúa đang hỏi tôi đã thực sự quan tâm chăm sóc những người dưới bằng việc phục vụ và nhất là luôn bảo vệ họ khỏi nhiễm thói xấu ở đời, bằng việc lau đi những cái bợn nhơ của thói hư tật xấu, và bằng tính thương quan tâm giúp nhau luôn thanh cao, trong sáng để giữ mãi hình ảnh đẹp nơi con người là họa ảnh của Thiên Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

https://www.youtube.com/watch?v=0YdZdowvl9w

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.