Bác sỹ Lương Huỳnh Ngân, MD
LỜI TÒA SOẠN:
Bắt đầu từ số này, chúng tôi sẽ cho phổ biến những kiến thức tổng quát về y khoa để giúp các độc giả có thể tham khảo và tự chữa những căn bệnh thông thường gặp phải trong đời sống.
Đây là một công trình biên khảo tuy đơn giản, nhưng bao gồm những kiến thức và kinh nghiệm y khoa rất phù hợp với khoa học. Nó được soạn bởi Bác Sỹ Lương Huỳnh Ngân, một vị y khoa bác sỹ tốt nghiệp tại Paris. Ông chuyên về nội thương, nhưng cũng đã để ra nhiều năm tu nghiệp về tâm lý trị liệu và tâm bệnh lý. Ông đã hành nghề y khoa tại Pháp trên 30 năm. Hiện tại, ông đã về hưu và sống tại quê nhà. Ông dành thời giờ rảnh rỗi vào việc chữa trị, và giúp đỡ những bệnh nhân nghèo.
Độc giả có thể đọc, áp dụng, và nếu thấy hiệu quả, cứ việc phổ biến rộng rãi cho mọi người. Đây cũng là nguyện vọng của bác sỹ Ngân, vì ông mong mỏi có thể giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân mà vì những khó khăn tài chính không thể tìm được sự chữa trị tại các văn phòng y khoa hoặc bệnh viện khác.
Thay mặt cho những bệnh nhân sẽ dùng tài liệu này, chúng tôi chân thành cảm ơn bác sỹ Lương Huỳnh Ngân, và xin giới thiệu với toàn thể độc giả.
CÁCH HAY ĐỂ BÉ ĂN MÀ KHÔNG
PHẢI DỖ DÀNH, NẠT NỘ
Có rất nhiều bà mẹ băn khoăn, tại sao con người ta thì ăn uống dễ dàng, còn với con mình phải dùng đủ các biện pháp: dỗ dành, quát mắng, nạt nộ…
Nhiều bà mẹ cứ đến bữa ăn của con là dùng đủ mọi biện pháp từ dỗ dành đến việc lên tiếng quát mắng, ép buộc để trẻ ăn bằng được khẩu phần ăn mà mình đã đề ra trong ngày. Tuy nhiên theo một số chuyên gia dinh dưỡng, việc con bạn ăn ít hơn những đứa trẻ khác không đồng nghĩa với việc con bạn sẽ chậm lớn hơn. Đừng cố ép con ăn nhiều đúng bữa, ăn theo khẩu phần mà bạn đề ra vì điều đó càng làm cho trẻ không hề yêu thích các bữa ăn và tạo tính bướng bỉnh cho trẻ.
Để con bạn thực sự coi những bữa ăn là một điều thú vị mỗi khi bạn cho trẻ ăn, bạn nên:
Gợi ý cho trẻ ăn khi chúng đã đói
Với việc chia nhỏ những bữa ăn trong ngày giành cho trẻ, bạn đã khiến dạ dày của trẻ lúc nào cũng đầy những thức ăn. Chính vì điều đó khiến cho trẻ không có cảm giác thèm ăn, không muốn ăn. Bạn hãy thử trong vài ngày liên tiếp không ép buộc trẻ ăn theo đúng lịch của bạn, để cho trẻ tự mở lời đòi ăn khi chúng đói. Đảm bảo điều này sẽ làm cải thiện sự yêu thích những bữa ăn đối với trẻ.
Hãy giành thời gian quan sát để xác định thời gian đói của trẻ
Điều này sẽ giúp bạn lập được thời gian biểu cho bữa ăn của trẻ một cách chính xác nhất. Thay vì bạn ép buộc con ăn theo lịch trình mà bạn đề ra với mong muốn con mình sẽ bụ bẫm, tăng cân đều theo tiêu chuẩn… thì bạn nên quan sát thời gian trẻ đói, lúc này, bạn có thể lập được cho trẻ những bữa ăn cố định trong ngày. Có như vậy, bạn vừa giải quyết được cảnh con khóc, mẹ mắng vừa tập cho bé thói quen điều độ trong ăn uống từ mỗi bữa ăn của trẻ.
Giảm những bữa ăn, khẩu phần ăn cho trẻ.
Trên thực tế việc hấp thu và dung chứa thức ăn ở dạ dày của trẻ nhỏ hơn rất nhiều so với người lớn. Bạn không thể căn cứ theo cảm tính của mình để nhìn nhận rằng con đã no hay chưa. Bạn hãy để cho trẻ ăn khi chúng còn muốn ăn. Nếu cứ bắt trẻ ăn theo khẩu phần của bạn, bạn sẽ khiến trẻ cảm thấy bữa ăn là một cực hình.
Thay vì cho trẻ ăn đúng 5 bữa trong ngày, bạn có thể cắt giảm bớt các bữa ăn thay bằng việc cho trẻ ăn một vài thứ hoa quả mà trẻ yêu thích và chú ý là cho trẻ ăn nhẹ và ít để trẻ có cảm giác đói và ngon miệng khi đến bữa chính.
Nấu những món mà trẻ yêu thích và nên đa dạng các món ăn cho trẻ
Từ trước tới giờ bạn luôn là người sắp đặt con mình hôm nay sẽ ăn gì thay cho việc hỏi trẻ thích ăn gì trong bữa ăn đó. Điều này làm trẻ buộc phải ăn một cách khiên cưỡng những gì mà chúng không thích. Cũng có nhiều bà mẹ vì nóng lòng muốn con tăng cân mà ngày nào cũng lặp đi lặp lại những món ăn cũ khiến trẻ thực sự rất chán ngán.
Để trẻ không phải “đánh vật” với bữa ăn hằng ngày, bạn nên hỏi trẻ thích ăn món gì. Hãy thường xuyên thay đổi thực đơn cho trẻ. Kích thích sự thèm ăn của trẻ bằng việc bày ra trước mắt trẻ nhiều món ăn với nhiều màu sắc khác nhau để tạo sự tò mò rằng: “món ăn này có ngon không?” đối với trẻ. Chính điều này sẽ làm trẻ đón chờ đến bữa ăn hằng ngày hơn.
Không nên ép và cũng không nên cố tình dấu những món ăn mà trẻ không thích
Nếu bạn từng nghĩ rằng phải ép bằng được con ăn những thứ bạn tham khảo ở đâu đó để con được đủ chất, tăng cân thì bạn nên thay đổi thói quen đó. Thông thường trẻ sẽ không ăn những gì mà nó không thích. Vì vậy thay cho việc ép con ăn nhiều rau trong bữa ăn bạn có thể đổi thành thứ hoa quả nào đó mà nó yêu thích, chuyển từ thịt sang thành các loại cá, trứng, xúc xích… mà trẻ vẫn thích ăn hằng ngày.
Một số bà mẹ khi phát hiện rằng ngay từ khi biết ăn, trẻ đã không thích ăn thứ này, không thích ăn thứ kia thì bắt đầu cho trẻ ăn bằng cách giấu diếm trộn lẫn vào các thức ăn khác và bảo với chúng rằng đó không phải là thứ chúng không thích. Nếu điều này bị trẻ phát hiện ra thì tuyệt nhiên trẻ sẽ không ăn nữa và thường “cảnh giác” mỗi khi tới bữa. Để cải thiện tình hình sao bạn không thay việc cố tình giấu những thứ trẻ không thích ăn bằng việc bạn nên khuyến khích chúng thử ăn. Điều này sẽ làm trẻ không phải ghét cái món mà vốn chúng không thích.
Hãy để cho bé ăn cùng bàn ăn với gia đình và cho bé ăn chậm như nó thích
Nếu bạn có cảm giác ăn một mình thật là buồn chán thì con trẻ cũng vậy. Trong bữa ăn, nếu phải ăn một mình và ăn theo sự ép buộc thì không còn gì chán hơn. Vì vậy để tạo hứng thú cho trẻ trong bữa ăn, bạn hãy để con ngồi cùng bàn ăn với gia đình, để trẻ có thể chỉ trỏ và thử những món ăn mà chúng chưa từng được nếm tới. Không khí vui vẻ của bàn ăn gia đình cũng khiến cho trẻ quên cảm giác rằng nó đang phải ăn một bát cơm đầy.
Nếu bạn ép buộc con trẻ phải ăn thật nhanh trong bữa ăn thì bạn sẽ khiến trẻ bỏ qua những công đoạn cần thiết của việc tiêu hóa thức ăn. Trẻ sẽ ngay lập tức nuốt chửng thức ăn mà bạn vừa xúc cho vào miệng trẻ nếu bị thúc giục. Việc để trẻ ăn chậm theo sở thích của nó sẽ làm trẻ cảm thấy nhẹ nhàng mỗi khi ăn.
Ngoài ra để kích thích trẻ ăn ngon miệng hãy để trẻ cùng tham gia nấu nướng với mình. Trong bữa ăn, tuyệt đối các bà mẹ không nên để trẻ vừa ăn vừa uống.
Hà Ngô
https://afamily.vn/cach-hay-de-be-an-ma-khong-phai-do-danh-nat-no-20110104040945779.chn
Kỳ tới: VÀI THÀNH KIẾN SAI LẦM VỀ BỆNH GÚT
Views: 0