Dr. Lương Huỳnh Ngân
Chúng ta quen nghe một tên gọi duy nhất là “bệnh trầm cảm”, nhưng các BS thường gọi là “Hội Chứng Lo Âu và Trầm Cảm”, vì sao thế?
Vì bệnh này rất đa dạng. Ít có người mắc bệnh này giống bệnh nhân khác về các triệu chứng. Trong khuôn khổ bài này, tôi cố gắng khai triển cách dễ hiểu, và thực tiễn qua ba khía cạnh: Nguyên do từ đâu? – Có dấu hiệu nào để biết? – Cách chữa trị?
Nguyên do trầm cảm?
Rất nhiều giả thuyết trong lịch sử y khoa cho rằng lý do phát xuất từ hai yếu tố chính:
-Những lý do tâm lý và thể lý: Giáo dục gia đình và nhà trường từ thuở bé, quá khứ trong đời sống xã hội vv…
– Trầm cảm do stress (căng thẳng thần kinh): Chẳng hạn như khi mất việc làm, những mâu thuẫn trong sở làm hoặc gia đình, con cái hư hỏng, thất bại trong hôn nhân, thất bại trong công việc, bị sụp đổ lòng tin hoặc có người thân chết đột ngột…
– Trầm cảm do các bệnh thực tổn: Sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não hoặc xơ vữa động mạch não, các bệnh nan y như ung thư, lao, phong…
– Những lý do thể lý: Bẩm sinh, bộ não, rối loạn các tiết thần kinh…
Không một giả thuyết nào hoàn toàn được minh chứng. Sự thật có lẽ có nhiều nguyên nhân và cũng có lẽ có nhiều bệnh khác nhau chưa được phân định rõ ràng mà chúng ta qui vào một cái tên là bệnh trầm cảm.
Vì những lý do thực tiễn hầu có thể dẫn đến phương pháp chữa trị hiệu quả, tôi đề nghị độc giả tạm chấp nhận nguyên do chính yếu là rối loạn thần kinh, kết hợp với các nguyên do tâm lý, xã hội… dĩ nhiên ắt phải có. Và cũng để cho dễ hiểu, xin tạm chấp nhận tất cả các “bệnh trầm cảm” khác nhau như chỉ có một loại trầm cảm, nặng hay nhẹ thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Dù sao cũng nên cảnh giác là bất cứ bệnh trầm cảm nào cũng có nguy cơ, ít hay nhiều dẫn đến tử vong do tự sát, không ai có thể đoán trước chính xác được.
Triệu chứng bệnh «Trầm cảm »:
Mặc dù thường gặp từ 18 đến 45 tuổi nhưng có thể xảy ra bất cứ tuổi nào, nhất là người lớn tuổi. Theo thống kê người sống có đức tin ít mắc bệnh này hơn nhưng cũng có thể xảy đến cho các nam nữ tu sĩ, hay linh mục…
– Mất ngủ thường xuyên là triệu chứng hay gặp nhất. Có ba loại mất ngủ: loại thứ hai (b/) sau đây là thường gặp nhất và triệu chứng giúp sớm chẩn đoán bệnh:
a/- Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ),
b/- Giữa giấc (đầu hôm, mệt nhoài lăn ra ngủ nhưng ít thời gian sau đang ngủ tỉnh dậy, sau đó rất khó ngủ lại).
c/- Kết hợp hai loại trên làm chứng mất ngủ là triệu chứng trội hẳn nơi bệnh nhân.
A/ Các triệu chứng thường do thân nhân nhận xét:
– Mất mọi quan tâm, thích thú trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí. Các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
– Cảm giác buồn rầu, hoặc bực bội, khó chịu, nét mặt bệnh nhân luôn rầu rĩ, không có cách nào làm bệnh nhân vui lên được.
– Bệnh nhân luôn cáu gắt với mọi người vì những lý do không đâu.
– Thường xuyên có các rối loạn như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi…
B/ Các triệu chứng do chính bệnh nhân cảm nhận:
– Một triệu chứng khó diễn tả là tình cảm đau khổ nội tâm, và có cảm tưởng không ai có thể hiểu mình, thông cảm với mình, dẫn tới thái độ ít nói, không còn muốn chia sẻ với ai vì không ai có thể cảm thông với mình được. (Vì thế câu sau đây người thân không bao giờ nên nói với bệnh nhân trầm cảm: « Chị (anh) có bao nhiêu điều kiện để sống hạnh phúc sao chị (anh) buồn như thế này? ». Dù phát xuất từ thực tế khách quan nhưng nghe như thế bệnh nhân càng xác tín, ngay cả người thân cũng không thông cảm nỗi đau khổ nội tâm của mình…)
– Bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, đặc biệt là về buổi sáng. Buổi chiều cảm giác mệt mỏi có giảm đi nhưng vẫn còn rất rõ rệt. Chính mệt mỏi là nguyên nhân gây giảm sút khả năng cầu nguyện, học tập ở bệnh nhân.
– Khó khăn khi tập trung vào một việc gì đó như đọc sách, nghe giảng, xem ti-vi…
– Ý nghĩ chán nản, buông xuôi mọi thứ, bệnh nhân hay cho mình là vô dụng, bất xứng: là mẹ bất xứng, là cha bất xứng, là con bất xứng…
Chính do các triệu chứng kể trên, bệnh nhân từng có ý định muốn chết hoặc có hành vi tự sát, bệnh nhân bi quan, chán nản, muốn chết đi cho nhẹ gánh, nhẹ gánh cho mình, cho thân nhân…. Chúng ta không được coi thường triệu chứng này vì bệnh nhân có thể chết do tự tử, hay ít nhất cuộc sống chìm trong đau khổ âm thầm.
Điều trị:
Không nên trông chờ bệnh sẽ tự nhiên khỏi với thời gian, vì diễn biến không ai có thể tiên đoán, và nếu có trường hợp khỏi tự nhiên thì thời gian khỏi bệnh không biết là bao lâu. Thuốc vẫn là phương pháp chữa trị hữu hiệu chính yếu, kết hợp với nhiều phương pháp hỗ trợ khác.
A- Thuốc:
Nếu dùng đúng thuốc, đúng liều trong 6 đến 8 tuần lễ, 7 bệnh nhân trên 10 có thể khỏe hẳn, tức là không còn các triệu chứng kể trên. Tuy nhiên phải tiếp tục dùng cho đủ ít nhất 6 tháng mới có thể ngưng. Nguy cơ thường gặp là một khi cảm thấy khỏe, bệnh nhân ngưng thuốc. Trong trường hợp này gần như 100% bị tái phát, nhưng thường chỉ một thời gian sau khi ngưng thuốc, làm cho bệnh không ý thức bệnh trầm cảm tái phát, lầm tưởng một nguyên nhân mới trong cuộc sống làm bệnh trở lại.
Vài lưu ý cần thiết:
-Thuốc « an thần » không phải thuốc trị trầm cảm. Thuốc an thần chẳng những không cần trong bệnh trầm cảm mà khi dùng thuốc này lâu ngày cũng có thể gây ra trầm cảm.
– Thuốc trị trầm cảm có thể gây ra phản ứng phụ nhẹ, như buồn ngủ, táo bón… thường chóng qua sau một thời gian từ vài ngày đến vài tuần, nhưng không hề như tin đồn làm mất trí nhớ hoặc làm bệnh nhân « ghiền » không thể bỏ.
– Tác dụng chính mong muốn chỉ xuất hiện sau một thời gian ít nhất 3-4 tuần, hãy kiên trì dùng ít nhất 4 đến 6 tuần rồi hãy tái khám. Lúc ấy nếu không may bệnh nhân thuộc 3/10 trường hợp không hiệu nghiệm, bác sĩ sẽ đề nghị loại thuốc khác, lần này cũng sẽ có cơ may 7/10 trường hợp hữu hiệu với thuốc mới v v…
B- Kết hợp các phương pháp khác:
– Cầu nguyện: chẳng những cầu nguyện với cộng đồng, năng nhận các Bí Tích mà phải biết kết hợp với tâm nguyện, nếu không biết, cứ tập « nói chuyện thân tình với Chúa ».
– Linh hướng, nếu có thể xin gặp một linh mục, có thể nhờ một người bạn hay thành viên trong cộng đồng xin một linh hướng, linh mục hoặc nam nữ tu sĩ hay một giáo dân được đào tạo. Thường chúng ta không nghĩ hay không dám nghĩ đến giải pháp này. Mặc dù các ngài rất bận rộn nhưng ít khi nghe nói một vị linh hướng từ chối.
– Sử dụng các liệu pháp vật lý trị liệu, tập thể dục tập thể, Yoga, châm cứu, điện chẩn, xoa bóp…
– Kết hợp với các phương pháp điều trị tâm lý.
Views: 0