Bác sĩ Trần xuân Ninh
Lúc còn rất bé nghe hóng chuyện người lớn nói không ngủ được, tôi thấy không thể nào hiểu nổi. Bởi vì tối nằm xuống là tôi ngủ rất say. Buổi sáng mẹ tôi đánh thức mà không muốn dậy. Cứ nằm nán. Nằm mơ mơ. Nhiều lần buồn tiểu và thế là đái dầm. Bị mẹ lôi ra khỏi giường, đem ra đàng sau, thay quần áo, vừa sối nước rửa vừa mắng “Con trai lớn hư đốn, lớn tồng ngồng mà còn đái dầm trôi giường trôi chiếu”. Lớn hơn đi học, tối bố bắt học bài đọc to thành tiếng cho tới khi thuộc rồi mới cho đi ngủ. Nhưng chỉ một lát chừng hơn 8 giờ là díp mắt. Bị củng vào đầu đau điếng thì cũng chỉ giật mình ê a đọc tiếp bài thêm chút đỉnh cho tới khi bị đánh nữa, nước mắt chẩy dầm dề, nhỏ xuống ướt sách. Sau cùng thì bố tôi chán mà cho đi ngủ, với câu mắng tiếp “Bé không chịu học thì lớn lên đi gắp cứt mà ăn con ạ”. Tôi không tin là có người ăn thứ đó, cho tới khi lớn thêm nữa, được cho về làng thăm ông bà nội mỗi dịp nghỉ hè. Mới thấy có người gánh hai cái thúng nhỏ ra ngoài đồng, cầm cái que dài để sêu (hay gắp) thứ đó lên tôi không nhớ, bỏ vào hai cái thúng. Hỏi ra mới biết rằng để về bón ruộng hay đem đi bán. Gắp đem bán hay đem bón ruộng thì cũng nhờ đó mà có ăn. Bố tôi mắng như thế là có căn cứ, chứ không phải là vì nóng giận mà sỉ nhục..
Cái giá trị của thứ này vẫn còn tồn tại tới sau ngày Việt Cộng (VC) chiếm miền Nam. Một người bạn tôi theo gia đình di cư vào Nam lúc còn bé, trước khi được đi sang Mỹ năm 1986 -87 gì đó, đã quyết định ra Bắc nhìn lại làng quê xưa lần chót. Lúc gặp tôi ở Mỹ anh kể cho tôi nghe rằng đến ga Hàng Cỏ, anh thấy có hàng chữ “cấm ăn cắp cứt” ở trên một bức tường. Đó là bài học đầu tiên trong đời về chủ trương Xanh (green) hóa môi trường và khuyến khích xử dụng thực phẩm hữu cơ (organic food) ở các nước đại văn minh và giầu có ngày nay. Tôi không chạy theo những khám phá chậm trễ này của các nước văn minh về giá trị thực phẩm hữu cơ. Vì một là các thực phẩm hữu cơ đắt đỏ, hai là chẳng chắc gì nó đã tốt lành hơn bao nhiêu. Trong cái đầu óc nghi ngờ khuyển nho (cynical) tạo nên bởi cuộc sống đủ dài để chiêm nghiệm cuộc đời ở cái nước nghèo đói lạc hậu Việt Nam (VN) nhiễu nhương đáng xót xa, sánh với cái nước tư bản tiêu thụ Hoa kỳ theo văn hóa Hollywood Do Thái Thiên chúa giáo, tôi cho rằng tất cả chỉ là một lý cớ tạ sự ra để kiếm tiền khai thác sự ham cái lạ cái mới, của giới doanh thương.
Ở cấp trung học và đại học, nhất là trường y khoa, ai cũng biết không thức khuya dậy sớm thì khó mà đậu. Nhưng tôi không thể nào thức quá 12 giờ đêm. Bởi sau đó là buồn nôn không chịu được. Khi bắt đầu phải trực gác bệnh viện thì tôi sợ nhất là trực gác. Mãi sau dần mới quen. Tóm lại tôi là người thường là ham ngủ, chứ không mất ngủ. Những ngày mất ngủ đầu tiên trong đời là tháng ba tháng tư 1975. Khi ban đêm Sài gòn ồn lên tiếng trực thăng Mỹ từng đợt đánh thức tôi dậy. Hết những tiếng trực thăng thì vọng lên nho nhỏ từ một cái nhà nào đó trong hẻm đàng sau chỗ tôi ở tiếng radio. Hết tiếng nhạc hiệu khó chịu của đài VOA, đến đài BBC, và đài VC của Mặt Trận Giải phóng miền Nam thì đến những tiếng xướng ngôn viên eo éo loan tin chiến sự và bình luận. Khi vào trong trại cải tạo Long Khánh, gặp những đồng tù, dần dần mới được họ cho biết là những tin giả. Vì họ là những người nghe tin thành phố họ trú đóng bị mất trong khi họ vẫn còn ở nguyên đơn vị và không hề có giao tranh. Nhưng sau đó thì cũng họ cũng phải từ từ rút lui trước những tin VC tiến lên đến xã này cây số nọ của đài ngoại quốc trong khi không nhận được lệnh gì từ cấp chỉ huy trên cao.
Vào những ngày cuối tháng tư mất ngủ đó, ban ngày Sài gòn vẫn xe cộ ào ào. Vào nhà thương thì cũng vẫn bệnh nhân đông đảo như thường lệ. Túi bụi làm việc. Nhưng không ai bàn đến việc chiến tranh, mà cũng chẳng trao đổi chuyện gì, vì tâm trạng ai cũng hoang mang. Trong đáy lòng âm thầm tôi nghĩ đến viễn cảnh VC chiếm Sài gòn. Nhưng lại tự nhủ thì cũng sẽ chẳng khác bao nhiêu năm 1954 chiếm Hà nội. Khổ thì tôi chẳng sợ vì đã sống những ngày nghèo khó thời chiến tranh chống Pháp, cơm không có mà ăn. Hay như hồi sống chui rúc trong căn nhà đổ một phần lúc mới về Hà nội, ăn cơm gạo mốc Sài gòn tiếp tế ra, hột trắng hột vàng lổn nhổn sâu trắng với mọt đen, hôi muốn tắc thở mà lúc đó người ta gọi là mùi “hôi bao”. Mở ngoặc xin nói ngay rằng sự tự nhủ an ủi này của tôi có phần là sai, khi trong trại cải tạo, tôi đã được ăn gạo đại mễ Trung Cộng (TC) mầu nâu của VC cung cấp cho dân cải tạo. Cũng hôi bao như thế, nhưng vì có lẽ gạo nâu Trung Quốc sản xuất ngon và bổ hơn gạo thực dân. Cho nên nó chứa tới 8 thứ vừa sâu vừa mọt khác nhau mà tôi đếm được và chiếm chỗ gần như một nửa tổng số gạo mà chúng tôi không nhặt xuể cho nên chỉ đổ nước ngoáy cho con nào nổi lên thì gạt đi rồi nấu cơm. Với niềm an ủi “thì cũng là một cách tiết kiệm”. Vì sâu mọt gì thì cũng từ gạo mà ra cho nên nó chứa chất đạm bổ dưỡng cho cơ thể. Ăn vào là một cách thay thế chỗ gạo mà sâu mọt đã chiếm chỗ, đem lại năng lượng cho cơ thể. Kết quả cụ thể là sau khi ăn xong, đôi khi thấy vướng kẽ răng lấy tăm cậy ra thì được cái đầu với hai cái càng mầu nâu của con sâu trắng.
Trở lại với giai đoạn tháng tư năm 1975, tuy không sợ khổ nhưng lo ngại những biện pháp trấn áp không biết ra sao mà VC sẽ áp dụng. Nhất là đối với những thành phần trí thức, và nhất là đối với tôi, là người đã đi du học đế quốc Mỹ trở về. Nhưng băn khoăn nhất là lo cho vợ tôi mới lấy nhau chưa được bốn năm, mà cách cư sử đã làm tôi khi thấy vợ tôi mệt lúc mang thai đã nghĩ rằng nếu không có vợ tôi thì làm sao tôi sống nổi. Còn hai đứa con gái ngoan và xinh đẹp chưa đầy hai và ba tuổi mà tôi biết là dưới chế độ VC sẽ không thể có đủ ăn nữa! Tuy vậy, tôi không biết sẽ phải làm gì. Tôi không muốn đến nhờ vả hay hỏi ý mấy bác sĩ Mỹ phụ trách chương trình của hội Bác sĩ Hoa kỳ (AMA) là cơ quan đã giúp trường đại học Y khoa Sàigòn cải thiện việc đào tạo và huấn luyện và cho tôi học bổng du học tu nghiệp. Lý do là tự ái. Khi học xong, thay vì như một số đồng nghiệp khác, tìm đủ cách ở lại Hoa kỳ, tôi đã chỉ tính về VN làm việc để phát triển khu giải phẫu tiểu nhi Bệnh viện Nhi đồng, muốn tổ chức cho Sài gòn có một khu tiểu nhi giải phẫu không thua gì thế giới. Lúc mãn khóa học, giáo sư Swenson là ông thầy của tôi đã hỏi ý tôi rằng nếu muốn trở thành một well-rounded pediatric surgeon (bác sĩ giải phẫu tiểu nhi rành rõi) thì ông sẽ nói với giáo sư trưởng khoa Cơ thể bệnh lý học (pathologic anatomy) là William Boggs cùng bệnh viện The Children’s Memorial Hospital cho tôi làm một năm fellowship. Tôi thoái thác từ chối, để trở về. Vì thế, khi mãn khóa, giáo sư Swenson đã giới thiệu tôi đến các trung tâm giải phẫu tiểu nhi nổi tiếng khác mà các giáo sư trưởng khoa ông quen biết. Ở Columbus Ohio, ở New York, Philadelphia, Boston, ở Great Ormond Street London, ở Paris, ở Lyon, ở Ý để quan sát học hỏi trao đổi. Bây giờ mà nhờ giúp qua Mỹ trở lại thì “quê”. Cho nên tôi cứ ì ra, tuy rằng là mất ngủ.
Bỗng một hôm có một người đến tìm tôi. Ông này tên là Nh. Làm thông ngôn cho Mỹ ở chiến dịch Phượng Hoàng. Chừng một năm trước đó, ông đã được một người bạn thân của tôi giới thiệu nhờ coi hộ ông một chuyện làm ông khó chịu khổ sở nhiều năm. Là móng ngón chân cái của ông bị quặp vào trong thịt làm đau nhức khó chịu, khi nhiều khi ít. Đã từng qua nhiều bác sĩ cho thuốc chữa chạy mà chỉ bớt phần nào rồi sau đó đâu hoàn đấy. Tôi đã khám cho ông và không lấy tiền. Vì tính tôi hễ có người tôi kể là bạn mà giới thiệu một người bạn đến khám bệnh thì tôi không lấy tiền được, vì xấu hổ. Tôi vốn có ít bạn. Cho nên hễ có người tôi coi là bạn được thì bạn của người này kể như bạn của tôi. Và tôi đã mổ cho ông bằng thuốc tê, sau đó tiệt nọc hết đau luôn. Cũng không tiền bạc gì cả. Bây giờ ông trở lại thì tôi hơi ngạc nhiên, nghĩ thầm chẳng lẽ là cách mổ của mình không xong, bệnh ông tái phát. Thì ông cho biết ngay rằng ông đến không phải là coi bệnh. Mà nói luôn rằng trong tình trạng này chắc chắn VC sẽ chiếm Sài gòn, tôi có tính gì không? Tôi nói không tính gì được cả (như tâm sự đã nói trên). Ông nói là ông nhất định sẽ phải ra khỏi Việt Nam, nhưng không theo đường Mỹ. Vì ông đã “chán” Mỹ rồi. Ông tính đi sang Úc, vì ông có một cái tàu đánh cá vừa đủ lớn để an toàn, đi về phía Nam, theo cái “lõng” biển Indonesia, không e ngại bão tố. Sang Úc sống đời nông dân, vì ở Úc có nhiều đất đai lắm, có thể khai thác tự mình bằng máy móc cũng đủ sống thoải mái. Tôi nói tôi không có tiền (vì thực tình là tôi chỉ dành thì giờ khám bệnh và mổ xẻ cho bệnh nhân ở nhà thương). Phòng mạch tôi mở ra là để cho có, hy vọng có bệnh nhân muốn mổ tư, nhưng không là bao nhiêu! Ông nói bác sĩ đừng ngại tôi biết bác sĩ cho nên mới đến mời bác sĩ. Bác sĩ không lo tiền bạc gì cả. Cùng đi trên chuyến tầu chỉ có thêm vài gia đình chí thiết của tôi. Tôi nghe thế thích quá. Vì tôi cũng chán Mỹ. Nhưng nói với ông rằng nếu ông cho tôi đi thì phải cho em trai và vợ nó mang thai với đứa con gái hai tuổi đi. Nó là thiếu tá thủy quân lục chiến, làm trưởng phòng huấn luyện trường Quân y, không mở phòng mạch, cho nên nghèo rách, tính không quỵ lụy cho nên đi làm bằng xe đạp. Hàng ngày buổi tối về bệnh viện Nhi đồng ngủ trên chiếc bàn ăn dài cho nội trú trong phòng nhà thương giành cho tôi vì tôi là bác sĩ kể như thường trú ở đó. Và cô em gái tôi. Tổng cộng ba anh em sống đùm dúm với nhau từ khi mẹ tôi chết lúc tôi mười tuổi và em gái tôi 2 tuổi thời chiến tranh chống Pháp. Ngoài ra thì tôi còn 4 đứa em cùng cha khác mẹ mà tôi thương không khác gì em ruột, cùng với bà mẹ kế. Ông cũng đồng ý. Và nói rằng không cần tiền bạc gì cả. Nhà đông người thế thì bác sĩ chỉ cần đem hai bao gạo gọi là cho có đóng góp. Đồ đạc thì đừng mang gì, chỉ đem theo những thứ thật sự cần thiết, để vào trong va li. Ra ngoại quốc có công ăn việc làm không thiếu gì thứ mua sắm. Trước khi chia tay, ông nói nếu mình đi thì chờ lúc VC cắt đường liên lạc Vũng Tầu Sài gòn ở cầu Cỏ May thì mới an toàn. Đi trước thì sẽ bị hải quân chặn bắt như bác sĩ đã biết. Ông cũng hẹn tôi đi ra Vũng Tầu xem tầu xem có an toàn không rồi quyết định. Quả là chuyện may trên trời rơi xuống.
(Mở ngoặc xin nói ở đây lúc viết ở trên “chán Mỹ” thì không phải là chán những người đồng nghiệp Mỹ đã quen biết thời du học. Cũng không phải là “chán” ông thầy Swenson là người mà tôi rất kính mến, vì rằng ông là người gốc Thụy điển, rất nhân bản, hiểu biết, khi hướng dẫn tôi, và về sau này khi tôi trở lại Mỹ. Khi người bạn đồng nghiệp cũng học ông trên tôi một năm báo cho ông biết tôi đã tới Mỹ, thì ông đã gửi cho tôi cái check 100 đô la, với một giòng viết tay ngắn ngủi: “Biết là anh mới đến Mỹ, mong số tiền này sẽ giúp anh chút đỉnh”. Người Mỹ quen biết mình và kể là thân khi sẵn lòng giúp thì luôn luôn chỉ nói “có cần gì không thì cho tôi biết”. Chứ không mấy ai tự nhiên đưa tiền như vậy. Nhờ thế tôi biết địa chỉ ông đã hồi hưu ở tiểu bang Maine. Sau khi hành nghề trở lại, nhân dịp con gái lớn tốt nghiệp trường Brown ở Rhode Island, tôi đã đem cả gia đình đến thăm ông ở Maine tại nhà lúc ông 95 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh sáng suốt. Sau đó liên lạc điện thoại đều đặn hàng năm vài lần những kỳ lễ tết, cho tới khi mất liên lạc. Rồi sau mới khám phá rằng ông mất năm 2012 lúc 103 tuổi).
Anh em chúng tôi ra Vũng Tầu làm ba đợt. Vợ chồng tôi và hai cháu gái đi trước nhất ngày 15 tháng 4. Rồi đến em gái tôi. Và sau cùng là gia đình em trai tôi, đi vào một ngày thứ bẩy. Chiếc tầu rộng rãi, vững chãi đậu ở phía Bãi trước. Trong khi chờ đợi nhổ neo, gia đình tôi ở trong một khách sạn nhỏ gần đó. Hàng ngày, vợ tôi ra bưu điện gọi điện thoại về cho ông bà nhạc còn ở lại Sài gòn, không muốn đi vì có chút nhà cửa và nghĩ là đã già rồi không cảm thấy có sự đe dọa nhiều. Thì được biết bà chị vợ tôi làm việc ở Liên hiệp quốc có liên lạc với mấy người bạn Mỹ ở cơ quan USAID làm giấy tờ cho ông bà già đi. Ông bà cũng nói là bà chị vợ đang làm giấy cho gia đình tôi đi máy bay luôn, vì đi đường thủy nguy hiểm và kêu trở lại Sàigòn chờ giấy. Tôi không tin, nhưng chiều vợ, cả gia đình trở về lại Sàigòn xem tình hình. Còn các em tôi ở lại đi chờ tầu thủy. Tối ngày 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức giao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Tôi tắt máy khi nghe câu “Tôi từ chức nhưng không đào ngũ” và lời hứa hẹn cùng binh sĩ tiếp tục chiến đấu. Tình hình thật sôi động. Vợ tôi ra USAID lấy được giấy đi Mỹ cho ông bà nhạc. Sau khi đưa ông bà ra taxi đi lên phi trường Tân Sơn Nhất, nhà tôi vài tiếng sau trở lại theo lời hẹn để gặp người làm giấy cho gia đình tôi. Nhưng văn phòng đã đóng cửa. Về đến nhà một lát thì cả hai ông bà nhạc trở lại nói là người chờ tràn ngập, có gíấy mà không vào được nên bỏ về.
“Tôi từ chức nhưng không đào ngũ” (!) “Tôi từ chức nhưng không đào ngũ” (!)
Tiếp theo là lù lù tất cả các em tôi trở lại Sài gòn. Thật là thất vọng hết nói! Ngày 27 tháng 4/1975, tôi nhờ ông Th. là ông nhạc của em trai tôi đi cùng với tôi lái xe ra Vũng Tầu để xem tầu bè ra sao. Định bụng rằng đến nơi tôi sẽ ở lại, điều đình giữ tầu lại để cho ông Thiệp lái xe về Sài gòn kéo cả gia đình ra trở lại để đi. Đến gần cầu Cỏ May thì thấy xe cộ ứ đọng lại. Vì VC đã chặn ở Cầu Cỏ May. Và cũng được biết rằng có một đơn vị Nhảy dù ở phía đó. Chờ cho đơn vị Dù giải tỏa mãi mà không nhúc nhích, im lặng như tờ, các xe đò quay trở lại Sài gòn. Tôi phải lái xe vào một cái nhà thờ gần đó, vào xin ông cha xứ cho tá túc qua đêm. Lại một đêm hoàn toàn mất ngủ. Không có tiếng súng đụng độ ở phía Cầu Cỏ May để mà hy vọng được giải tỏa. Tối khuya lâu lâu lại có những tiếng xe thiết giáp từ phía cầu Cỏ May nghiến trên mặt lộ đi về phía Sàigòn. Trong lòng cố hy vọng hão huyền là thiết giáp quân lực VNCH, nhưng thực sự chỉ là thiết giáp VC từ đâu đó trong rừng đi ra. Vài ba lần, có tiếng máy bay hỏa long C123 bắn như bò rống rồi im bặt.
Ngày 28 tháng 4 khoảng chín mười giờ sáng lác đác vài người lính dù từ phía Cầu Cỏ May đi về phía nhà thờ. Có vẻ như chờ đợi, loanh quanh ở đó, không đi xa hơn về phía Long Thành. Và tôi nghe tin rằng Long Thành đã bị VC chặn. Không có xe từ Sài gòn đến. Đường vắng teo. Trẻ con bắt đầu ra mặt nhựa chơi. Quá trưa, vài người lính vất súng xuống vệ ruộng, mặt thiểu não, đi về phía Long Thành. Có người cay đắng hát đi hát lại mấy câu của bài “Một mai giã từ võ khi” của Trịnh Lâm Ngân:
Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi
Ngoài con tim héo em ơi !
Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lổ châu mai với những địa lôi
Ðã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ!
Xế chiều, nhiều lính Dù hơn từ phía Cầu Cỏ May tới, đi thành đội hình, dưới ruộng trên đường Tôi ra đường quan sát. Thấy phía xa có người lính đeo máy truyền tin tôi nghĩ người chỉ huy phải quanh đó, nên tiến lại tìm cách hỏi tình hình. Thì gặp được người trung úy. Tôi tự giới thiệu là bác sĩ và nói đến tên những bạn tôi là bác sĩ ở đơn vị quân y sư đoàn Dù. Thì người này sẵn sàng trả lời những câu hỏi dè dặt của tôi. Và tôi được biết rằng tiểu đoàn của họ không thể nào liên lạc được với sư đoàn dù cũng như quân đoàn III. Long Thành bị VC chốt, Cầu Cỏ May bị chặn. Họ chỉ còn cách băng sông Cỏ May ra Vũng Tầu để về Gò Công rồi từ đó về Sàigòn. Tôi hiểu ngay tình trạng những con rắn mất đầu: Quân lính dật dờ từ sáng (hay đúng hơn là từ hôm qua ở Cầu Cỏ May). Vì Long thành VC đã chặn mà tình hình quân đội như tôi thấy sẽ không có hy vọng nào giải tỏa, tôi liền xin đi theo toán quân để hy vọng ra được Vũng Tầu mà về Sàigòn sớm. Người trung úy đồng ý cho tôi theo ngay. Nói với ông Th. thì ông quyết định ở lại nhà thờ và sẽ lái chiếc xe của tôi về Sàigòn khi thuận tiện. Ông đã từ Quảng Ngãi chạy vào cho nên thấy không cần vội vã đi đâu nữa.
Tôi bỏ lại đôi giày và xin ông linh mục một đôi dép cao su Nhật bản. Cầm theo một chai nước. Theo đoàn quân lội xuống ruộng. Cùng đoàn quân còn có rải rác chừng dăm bảy người dân có cả đàn bà. Một chốc thì trời tối, tôi không còn biết đâu là đường đất. Chỉ có cách là bám theo nhóm chỉ huy cách người trung úy một hai quân nhân. Đường khấp khểnh, gập ghềnh, chân bước cao bước thấp, nhưng luôn luôn sát gót người đi trước để khỏi lạc. Đó là lần đầu tiên tôi đi hành quân lội ruộng ban đêm, mà cũng là lần cuối cùng. Hồi mới ra trường được phái lên phục vụ ở trung đoàn 40, tuy có một lần hành quân đêm nhưng đi bằng xe jeep Hồng thập tự trong cả một đoàn xe theo quốc lộ 19 về Bồng Sơn. Nguy hiểm vì có thể bị đột kích ở khu đèo Mang Yang, nhưng không mệt. Đến trạm đóng quân ở An Lão ở trên núi thì cũng chỉ leo ban ngày. Kỳ này thật là kỳ khu. Nhưng sao không thấy mệt. Sau vài tiếng đồng hồ đi ruộng thì phải lội rạch. Không biết nông sâu và tôi không biết bơi, nhưng tự nhủ người trước đi được thì mình cứ tiếp bước. Đặt chân xuống bùn rồi thì lúc rút lên là cả một khó khăn. Một chốc một chiếc dép không kéo lên được và không thể cúi xuống để kéo nó lên vì không thể để người đi sau chờ, mà cũng không muốn mất dấu người đi trước. Vài bước nữa thì mất luôn chiếc dép thứ hai cũng trong hoàn cảnh tương tự. Lội chân thấy nhẹ nhàng nhưng nhiều lúc hơi rát. Nhưng mà cứ thế bước đi. Tất cả không có một tiếng nói. Những người dân chắc là ở lại cả phía ngoài. Thêm một thời gian nữa không biết lâu mau thì tới bờ sông Cỏ May. Những quân nhân đi đầu có một số đã lội sông. Một số khác phía sau đi lên lội tiếp. Đang cơn hăng tôi cũng lội xuống nước đi theo nhưng sau vài bước rồi mà tôi thấy người trung úy đã ngưng lại trên bờ thì tôi cũng dừng theo, quay trở lại ngồi ngay trong nhóm. Để chờ xem chuyện gì xẩy ra tiếp. Tôi cứ ngồi yên, không tiện hỏi người trung úy. Dần dần, thấy nước sông lên tràn bờ. Và tôi phải ngồi xổm, mà vẫn bị ướt mông.
Trong sự yên lặng hoang mang lúc đó bỗng có tiếng kêu từ phía mặt sông “Cứu tôi với”. Và cứ thế vài phút tiếng kêu cứu lại nhắc lạị. Dần dần tiếng kêu như vọng xa từ trên mặt nước. Tôi nghĩ rằng đó là tiếng một quân nhân vượt sông phải dừng lại đâu đó trong một cồn cát giữa giòng sông vì nước đã lên cao không thể lội đi tiếp và trời tối mịt. Nhưng mà nước tiếp tục lên cho tới miệng và truyền đi những tiếng kêu cứu cuối cùng của một kẻ tuyệt vọng. Chẳng mấy lúc, tiếng vọng kêu cứu mất hẳn. Yên lặng hoàn toàn. Ngay trong đám chúng tôi ngồi ướt đít trên bờ.
Thời gian cứ thế trôi. Tôi cứ ngồi như thế và đoán mọi người cũng không khác, vì không ai mà lại nằm trong nước. Về khuya, bỗng có tiếng thuyền máy chạy đi chạy lại trên sông với tiếng loa oang oang kêu gọi đầu hàng VC. Có lúc chạy rất gần như sát chúng tôi. Tôi nổi điên nghĩ bụng nếu có súng trong tay thì tôi đã lia một băng cho rồi đời chúng, tới đâu thì tới. Nhưng mà tất cả vẫn yên lặng. Về sau tôi mới hiểu rằng nếu có tiếng súng làm lộ chỗ chúng tôi thì đâu đó gần cầu Cỏ may đơn vị VC đã không ngại nã pháo. Và chúng tôi đã bỏ xác tại đó. Sau chót thì nước cũng dần dần rút xuống. Không còn ướt mông nữa. Rồi sáng tới. Cả đêm ngồi không ngủ nhưng không thấy mệt. Chỉ thấy tỉnh trước mặt sông rộng và thoáng, dưới trời xanh, mây trắng. Tôi nghĩ chắc sẽ ngồi mãi ở đây vì không có phương tiện vượt sông. Sau cùng khoảng buổi trưa thì có một chiếc thuyền máy với hai thanh niên trên đó phóng tới đi lòng vòng như dạo cảnh. Tôi đoán là chiếc thuyền tối hôm qua kêu gọi đầu hàng. Thì đột nhiên, toán quân nhân quanh tôi cùng với ngưới chỉ huy đứng vụt dậy, ra sát bờ nước, tất cả chĩa súng ra chiếc thuyến gọi phải ghé bờ. Thế là từ từ chiếc thuyền chậm lại, đi vào. Người trung úy ra lệnh chiếc thuyền cặp bờ. Để chúng tôi lên thuyền. Trong đầu tôi thầm vụt qua ý nghĩ không hiểu mình có được đi không và phải làm sao để khỏi bị bỏ lại. Và nếu bị bỏ lại thì làm sao biết đường trở lại nhà thờ. Nhưng người trung úy đã lên thuyền và mời tôi lên theo. Tôi lại nghĩ không biết bao nhiêu quân nhân sẽ bị bỏ lại. Thì nhìn lại thấy không có mấy ai trên bờ nữa, mới biết rằng trong đêm những người đi trước vượt sông thì đã có thể có người bơi giỏi thoát rồi, có người xẩy chân chìm lỉm không ai biết, hay có người chết rồi, mà tiếng kêu cứu tôi đã nghe thấy trong đêm. Những người đi sau tôi chắc đã quay trở lại trong đoạn đường đến bờ sông. Nhóm theo toán chỉ huy chẳng còn mấy ai, vừa đủ chỗ trên chiếc thuyền máy. Khi ra tới sông rộng, thì thấy đây đó có những con thuyền lớn nhỏ và có cả xà lan chở đầy người hướng ra phía biển, quần áo đủ màu sắc. Tôi không khỏi nhủ thầm sao mà họ may mắn thế. Biết là nhóm quân nhân Dù này sẽ đi về hướng Gò Công, tôi nói với người trung úy cho tôi lên bờ để có thể về quân y viện Vũng Tầu là nơi có các bạn tôi ở đó. Chạy một hồi, chiếc chuyền ghé vào một bãi cát, đàng trước là một dẫy nhà ở, và tôi được chỉ rằng đi thẳng về phía nhà ở là sẽ ra đường lộ kiếm xe về Quân y viện Vũng Tàu không xa.
Ra khỏi nước, đặt chân lên bãi cát nóng trên bờ biển một ngày nắng, tôi bỗng thấy hai bàn chân đau nhức vô cùng. Ngồi xuống nhìn thì thấy cả hai gàn bàn chân đã bị nhiều vết cắt và sước khi lội suối tối hôm qua sau khi mất dép vì đạp lên vỏ ngao vỏ sò hay gai góc. Tôi đã không cảm thấy gì vì trong người lúc đó chỉ còn có độc một thứ phản ứng sinh tồn giúp tôi lướt qua. Tôi đã phải khập khiễng rất lâu từng bước trên cát nóng để ra tới đường lộ vắng tanh, không bóng xe hơi. Chờ một lát, đón được một cái xe ôm về quân y viện Vũng Tầu. Quân y viện có vẻ im vắng lạ thường. Vào trạm gác cổng, tôi tự giới thiệu và nói muốn gặp bạn tôi là bác sỉ chỉ huy trưởng. Thì được biết ông không có mặt. Tôi hỏi gặp bác sĩ nào cũng được, định bụng để hỏi tình hình và tính xin tá túc. Thì chỉ có một bác sĩ mới ra trường mới về trình diện. Anh cho biết, quân y viện chẳng còn ai trừ có một mình anh. Biết không thể nhờ vả gì bao nhiêu, tôi từ biệt anh, ra kiếm xe ôm để về chỗ khách sạn mà tôi đã ở lúc chờ xuống tầu sang Úc. Cả khách sạn nhỏ sát bờ biển đó chỉ có một mình tôi. Nhìn ra xa là những chiếc tầu đang tiến ra khơi, phía những tàu lớn đậu. Được nằm ngủ một giấc ngon lành tuy thỉnh thoàng có bị tỉnh giấc vì những tiếng nổ súng lớn và những tràng liên thanh mà tôi chẳng cần quan tâm nữa.
Tôi tỉnh dậy vì những tiếng người ồn ào ngoài hành lang. Trời đã sáng rõ, nắng hắt qua cửa sổ vào phòng ngủ với chiếc giường nệm trắng và chiếc màn xanh da trời mà tôi không để ý khi mới tới chiều hôm trước, cho tôi thấy cái hạnh phúc của một cuộc sống bình thường đơn giản được ăn được nghỉ. Mở cửa bước ra, tôi thấy mấy quân nhân thủy quân lục chiến, trong đó có một người mang khẩu trung liên đang đi vào, bước lên cái cầu thang mở ngoài trời để lên nóc khách sạn bố trí. Một niềm vui nở ra trong tôi. Nhưng nỗi vui này không kéo dài, vì chỉ chừng mươi phút nửa giờ sau là những quân nhân này đi xuống, ra khỏi khách sạn. Những vết đau nhức ở hai bàn chân tôi đã giảm. Tôi đi ra ngoài phòng. Ngoài mặt lộ không có xe hơi, chỉ có tiếng xe gắn máy lâu lâu phóng qua, nổ ồn ào. Xuống bãi cát đi dọc quan sát. Suốt bãi trước chẳng có bóng thuyền bè. Đầu óc tôi trống rỗng. Thì Oàng! Một tiếng đạn lớn nổ ngay chỗ khách sạn. Rồi yên lặng. Tôi nghĩ thầm chắc trong số xe gắn máy chạy có những tên tiền sát thông báo cho đơn vị VC đâu đó rằng có mấy quân nhân Thủy quân lục chiến trên sân thượng khách sạn để chúng bắn tới.
Tà tà tôi trở lại khách sạn. Mở cửa phòng ra thì thấy cái màn lưới xanh mà tôi ngủ qua đêm lỗ chỗ những vết rách bởi mảnh và cát bụi từ ngoài cửa sổ bay vào vì sức nổ của quả đạn. Tự nhủ hôm trước mình không chết đuối vì tình cờ ngồi lại trên bờ sông Cỏ May. Hôm nay mình không chết cũng bởi tình cờ ra khỏi phòng. Tôi đi vào nhà trên của khách sạn thì thấy hai chị em bà chủ và đứa con gái đang ngồi chú ý nghe một chiếc radio xách tay. Thì ra đó là Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi ngưng chiến. Hết bài, họ không bàn tán gì. Một người hỏi tôi còn ở lại khách sạn nữa hay không. Tôi trả lời đại sẽ còn ở thêm ít bữa. Vì trong lòng không biết bao giờ thì đường Sài gòn thông thương trở lại. Và không khỏi lo lắng là làm sao không bị VC bắt lại trên đường về.
Những tiếng xe gắn máy trên đường không giảm. Loáng thoáng một vài chiếc có hai kẻ đèo nhau, cánh tay quàng miếng vải đỏ. Tôi chợt nhớ lại thời thơ ấu ở Vinh một ngày nào đó tháng 8 năm 1945 đang ở trong nhà bỗng thấy ồn ào người nói oang oang ngoài đường, tôi chạy vụt ra ngoài cửa để xem. Thì thấy hai thanh niên đạp xe đạp cầm loa kêu gọi đồng bào đến ngày chủ nhật ra sân vận động biểu tình giành độc lập. Rồi ba tôi đang làm phó ga xe lửa Vinh bị bắt bỏ tù. Đồ đạc trong nhà và một tủ sách của ba tôi cùng với chiếc xe đạp nhỏ của tôi phải bán đi để lấy tiền nộp xin tại ngoại hậu tra. Rồi cả gia đình tôi đi đường bộ về nhà ông nội ở miền Bắc. Về đến nhà được 10 ngày, thì mẹ tôi chết, người gầy khô như xác thiếu ăn ở Ethiopia. Trước khi chết vài ngày, mẹ tôi kêu người háo, ruột nóng như lửa đốt. Bảo tôi xuống bà ngoại cách chừng 5 cây số hỏi xem có bột sắn thì xin đem về cho mẹ uống. Đến nơi thì mới biết bà ngoại tôi ở một mình với anh Huy con thứ của bác Chánh, anh ruột mẹ tôi. Mọi người gọi là bác Chánh vì bác làm chánh tổng. Bác bị Việt Minh đem ra bắn vì tội làm Việt gian. Con gái lớn của bác hơn tôi ba bốn tuổi tôi rất quý vì chị nhanh nhẩu dễ thương hay thổi sôi cho tôi ăn mỗi khi tôi về ngoại thì không được gặp nữa. Hỏi ra mới biết chị đi sinh hoạt thiếu niên ít lâu rồi mang thai, bỏ nhà ra đi mất tăm. Bà ngoại lục mãi mới tìm được một gói bột sắn bằng chừng bát ăn cơm cho đem về. Bà yếu, lưng còng, mắt kém, không thể nào đi thăm mẹ tôi. Mẹ tôi uống bột sắn vào nói thấy khỏe ra. Nhưng chỉ vài ngày sau là yên lặng chết. Rồi Tây về làng càn quét, đốt nhà. Căn nhà gỗ lim năm gian của ông bà nội tôi bị cháy rụi cùng với cái hòm chân đựng lúa. May mà mẹ tôi chết rồi, chứ nếu không thì chết cháy, vì nằm liệt giường, sức đâu mà chạy đi. Ba tôi trong tình trạng dở ông dở thằng, không có cách gì sống, phải đi lên Cống Thần, Đồng Quan, Chợ Đạị đâu đó buôn lậu lặt vặt như thuốc tây, bút nguyên tử, vân cân… Trong công việc kiếm sống này tôi được giao cho nhiệm vụ ra ngồi ở mỗi phiên chợ bán lẻ đá lửa. Vốn mua hai đồng năm viên bán thành 2 đồng 4 viên. May mắn thì sau phiên chợ có đủ tiền cho bà nội tôi, để xin mua hai xóc cua đem về giã ra nấu canh rau muống trong một cái xanh lớn cho cả nhà sì sụp, đổi vị thường ngày miên viễn là rau muống luộc chấm tương cua. Đi buôn lậu như thế được vài lần thì ba tôi bị công an bắt tịch thu hết vốn. Cùng thế, ba tôi phải cùng ông nội đưa chúng tôi về tề (là Hà nội). Rồi di cư vào Nam. Đến nơi mới gặp Cậu Giáo, em ruột mẹ tôi, từ thập niên 1940 vào Sàigòn làm ở sở Ba son bị bắt đi tù Côn đảo, đến thời ông Diệm được thả về. Con trai trưởng của bác theo cậu Giáo vào Nam, đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Và tôi bây giờ…Hai đứa con gái của tôi sẽ lớn lên và đi sinh hoạt đoàn, đảng…Tôi không thể nghĩ tiếp. Nhìn ra ngoài biển, vẫn còn một chiếc tầu lớn có vẻ như đang chờ đợi.
Như trong một cơn mộng du, tôi tìm hai chị em bà chủ hỏi xin một cái can nhựa chứa săng và một sợi giây thừng. Một lúc, họ đưa ra cho tôi. Không hỏi tôi để làm gì. Có lẽ lúc đó mọi người đều trong tâm trạng không có gì để nói. Tôi dùng sợi giây chằng quanh chiếc can săng như buộc bánh. Những đầu sợi giây để dư ra sắp xếp làm những cái đai để buộc vào người như một cái ba lô. Vặn nút đóng can săng cho thật chặt. Bỏ hết y phục ra, chỉ mặc quần áo lót, tôi khoác nó sau lưng, buộc chằng vào người như người lính dù với chiếc dù sau lưng. Chiếc tầu vẫn còn trên biển, không xa. Sóng dạt vào bờ nhè nhẹ. Tôi đi từng bước một xuống biển, nghĩ bụng sẽ dùng cái can nhựa trên lưng như một cái phao bơi ra tầu. Tuy rằng khả năng biết bơi của tôi chỉ đủ cho tôi lội ngang cái áo nhỏ thả cá ở nhà bà ngoại cùng với anh Huy con bác Chánh bơi bên cạnh khuyến khích, mỗi khi được về quê thăm bà ngoại.
Nước không lạnh, nhiệt độ vừa phải. Tôi hướng về phía trước, tay quơ, chân đạp kiểu bơi nhái, từ từ để giữ sức. Trong không biết bao lâu, trời tuy sáng nhưng không còn ánh nắng. Nhìn ra phía trước không thấy chiếc tầu, và tôi hiểu là vì ngụp lặn trong nước không thể nhìn xa. Nhưng ngoảnh lại phía sau thì vẫn còn rõ mồn một nhà cửa trên bờ, và thấy mình đang bơi dọc bờ. Thì tôi hiểu ngay là mình đã làm một việc vô vọng: Không biết bơi mà tính lội có thể là cả mấy cây số để lên tầu, và không có cách gì để định hướng. Thế là tôi quay trở lại, vào bờ. Đứng trên bãi cát, nhìn ra biển thì chiếc tầu đã đi xa. Hai chị em bà chủ khách sạn ngồi ở cửa sau khách sạn thấy tôi ướt lướt thướt với chiếc can nhựa sau lưng chẳng nói gì. Tôi vào phòng lau mình mẩy, mặc lại quần áo cũ. Không tiện ở lại khách sạn, tôi quyết định tìm đến người bạn ngoài nghề ở khu cư xá Trương Công Định, anh Q, giáo sư dạy toán trường Thiếu sinh quân, tôi quen đã lâu qua một người bạn ngoài nghề khác. Anh và tôi chỉ gặp nhau vài lần. Nhưng đều thuộc loại “bạn của bạn là bạn”. Thấy tôi, anh vồn vã tiếp đón như thường lệ. Sau khi nghe tôi kể chuyện mấy ngày qua, anh không ngại ngùng cho tôi tá túc trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh, một cặp vợ chồng thầy giáo nghèo. Không ai trong chúng tôi bàn gì đến chuyện Dương Văn Minh đầu hàng. Anh chỉ cho tôi biết là trong cư xá, sau khi nghe bài diễn văn Dương Văn Minh, thì buổi chiều mới có một người thượng sĩ bắn tự tử. Ngày hôm sau, chúng tôi không đi đâu. Ngoài đường thỉnh thoảng có xe jeep treo cờ Mặt Trận giải phóng miền Nam với bộ đội dép râu nón cối. Nhiều xe gắn máy có những người tay quàng khăn đỏ. Tôi nghĩ là những tên nằm vùng. Sau mới biết là những bọn “ba mươi”. Tôi đã ra trình diện trong khu cư xá để có giấy tờ phòng xét hỏi khi về Sài gòn. Chẳng có gì khó khăn.
Trên xe đò về Sài gòn, khi đến khu cầu xa lộ, thấy không khí có mùi in ỉn, tuy nhìn không thấy xác chết. Trên đường phố, loáng thoáng là những bộ đội giép râu, nón tai bèo hay nón cối, đi từng cặp hai người, một trước một sau. Rải rác đó đây là súng đạn vất chẳng ai nhặt. Về đến nhà, vợ tôi chỉ nói “trông mặt mày anh hốc hác quá”. Rồi đi vào, mang ra chai eggnog đưa tôi xem rồi rót ra một cái ly, nói “Em biết anh thích món này. Thấy có một chai còn trong đám hàng chợ trời, em mua để dành cho anh”. Đúng là thứ nước uống tôi đã được nếm và thích từ khi có hàng PX Mỹ bán ở Sàigòn. Mùi thơm vẫn có, nhưng không nuốt nổi. Và không thể tả được cái vị ra sao. Vượt biển sống sót mùa bão, với đứa con trai nhỏ 30 tháng kiệt lực ngậm trong miệng thìa nước mưa đến quá chậm mà chết khát, từ ngày sang định cư ở Mỹ, tôi đã không bao giờ mua eggnog để uống, dù thấy đầy rẫy trong các siêu thị. Tôi không muốn nếm lại một thời thê thảm.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Views: 0