http://vanviet.info/van-de-hom-nay/tnh-thay-tr-v-su-nghiep-gio-duc/
Lê Học Lãnh Vân
Tôi có mười lăm năm đầu đời là nhà giáo nên có nhiều bạn trong ngành giáo dục. Ngày Nhà Giáo Việt Nam, các bạn tôi vui mừng với học trò, sinh viên quây quần chúc tụng. Nhìn nét mặt các bạn rạng rỡ, tôi vui lây, trân trọng niềm vui của các nhà giáo tâm huyết và lương thiện. Các bạn xứng đáng với niềm vui đó vì đã trọn đời làm việc tận tâm với nghề giáo.
Cuộc đời làm việc đưa tôi đi nhiều nơi trên nước Việt với tần suất cao. Những nơi đã tới cho tôi thấy, khác với điểm làm việc của các bạn tôi nơi đô thị lớn, bộ mặt chung của ngành giáo dục Việt có nhiều điều đáng lo, nhất là về mặt tổ chức, quản trị và giá trị đạo đức của ngành.
Bài này được viết từ góc nhìn đó và xin kính gởi các nhà giáo thực tâm như một lời tâm sự…
1) Tình Thầy Trò là truyền thống và tình tự đẹp từ xưa.
Người Việt có cách thể hiện tình Thầy Trò riêng, trong đó Tình đậm, Lễ trọng mà chân thành. Nói tới Tình Thầy Trò không chỉ nói quan hệ giữa thầy và trò mà rộng hơn là tình cảm, sự trân quý của xã hội dành cho người Thầy. Tình Thầy Trò Việt là nền tảng môi trường giáo dục Việt, là một nhân tố thành công rất quan trọng của sự nghiệp giáo dục nước nhà!
Theo với thời gian, tình Thầy Trò Việt diễn biến thích nghi với đời sống hiện nay. Từ khi Pháp tới, sự giao lưu văn hoá khiến Tình Thầy Trò của ông Chu Văn An mang thêm nét tình Thầy Trò của ông Carnot mà tấm gương được kể lại trong bài Học Trò Biết Ơn Thầy, Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tất cả hoà quyện trong Tình Thầy Trò của gia đình, làng xóm, cộng đồng… Sự diễn biến đó có tốc độ phù hợp với đà tiến của cuộc sống, do đó Tình Thầy Trò vừa mặc chiếc áo mới vừa giữ được hồn ông cha.
Người viết xuất thân Miền Nam nên những dòng trên đi từ quan sát Tình Thầy Trò của Miền Nam (Việt Nam Cộng Hoà) cho tới năm 1975!
2) Cuộc đổi đời sau năm 1975 thực khốc liệt.
Người Miền Nam không bảo thủ, họ hy vọng một làn gió mới tiến hoá, nhưng không ngờ cơn bão ập tới.
Sau năm 1975, Tình Thầy Trò Miền Nam đứng trước những cơn bão khốc liệt. Đồng lương xã hội trân trọng đền đáp Thầy, Cô dần dần trở thành đồng lương chết đói, và tới bây giờ là đồng lương bóc lột tàn nhẫn công sức, tấm lòng Thầy, Cô. Từng mắt thấy những đứa trẻ áo quần luộm thuộm đi bộ năm, bảy cây số đường lầy lội tới trường. Từng so đũa với thầy cô trong những bữa cơm chan nước mắt của gia đình giáo chức. Từng chứng kiến Thầy, Cô khúm núm trước hiệu trưởng hay một quan chức giáo dục địa phương hãnh tiến… Khi công quyền xem nhẹ vai trò, vị trí thầy, cô, Tình Thầy Trò còn được bao nhiêu trong xã hội, trong mỗi gia đình, cá nhân?
Tất cả những cảnh trên hiển hiện cạnh hình ảnh tham nhũng không cần che giấu: biệt phủ xa hoa, xe hơi hiệu sang, con cái quan chức xa bay du học và mua nhà và mua quốc tịch trời Tây! Số tiền tham nhũng, dù chỉ dựa trên tuyên bố công khai, phải chăng cũng đủ lo cho nền giáo dục quốc gia thoát khỏi cảnh tồi tàn như trên?
Góp phần không nhỏ trong việc đẩy đạo đức giáo dục vào suy đồi là những vị Bộ trưởng Bộ Giáo Dục tiếp theo nhau mà nhiều người nhận xét là quá kém về năng lực, tác phong lẫn đạo đức!
Trong hoàn cảnh đó, bài viết này cảm nhận sự vô cảm trong khẩu hiệu ra rả Tôn Sư Trọng Đạo. Tình Thầy Trò truyền thống được đem làm bung xung cho một xã hội mà môi trường giáo dục bị xâm thực bởi đầy rẫy tệ nạn khiến bốn chữ cao đẹp Tôn Sư Trọng Đạo trở nên sáo rỗng và quá mỉa mai!
3) Tình Thầy Trò của người Việt, dù bị tàn phá bao năm, vẫn còn nền tảng trong dân chúng.
Bài viết này chỉ mong “tàn dư” tốt đẹp đó nếu không được xiển dương thì đừng bị tàn phá thêm nữa! Xin đối xử với Tình Thầy Trò bằng lòng Tôn trọng. Tôn trọng vai trò Giáo dục trong sự phát triển quốc gia.
Để vậy:
Xin đối xử với môi trường Giáo dục bằng Thực chất. Trước mắt là đồng lương thực chất cho thầy cô. Kế đó là giảng dạy thực, thi cử thực, bằng cấp thực. Chương trình giảng dạy trao truyền kiến thức thực chất để người học có thể sử dụng và thích nghi với thế giới thực bên ngoài! Các môn dạy vô ích phải được bỏ đi!
Xin đối xử với môi trường Giáo dục bằng sự thông thoáng, tự chủ. Môi trường giáo dục là nơi Thầy Cô là chủ thể đào tạo và sáng tạo, không phải là nông trường cao su đầu thế kỷ trước nên không cần cặp rằng dưới bất cứ dạng nào. Bỏ ngay tất cả các ràng buộc phản giáo dục đối với Thầy Cô. Bỏ tất cả những khuôn mẫu vô cảm kìm hãm sáng tạo, chặn đường khai phóng!
Xin đối xử với Tình Thầy Trò bằng lòng Trung thực. Bỏ thành tích giả dối, màu mè; bỏ dùng hội phụ huynh hình thức để ép buộc gia đình học sinh đóng góp đầu năm…
4) Tình Thầy Trò Việt do người dân Việt tạo ra đã thành truyền thống quý giá nên người dân Việt đủ sức nuôi dưỡng và phát triển.
Phải chăng bất kỳ ý muốn nào nhằm kiểm soát, cai trị, bắt giáo dục phục vụ quyền lợi phe phái riêng đều chỉ nhấn Tình Thầy Trò Việt và môi trường giáo dục Việt sâu hơn vào khủng hoảng, băng hoại như đã chứng kiến mấy chục năm qua!
Vì sự nghiệp phát triển quốc gia, xin trả lại Tình Thầy Trò môi trường giáo dục chân thành, trung thực, yêu thương. Xin kết thúc bài viết bằng câu nói của bí thư Nguyễn Văn Nên “Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất”.
Ngày 18 tháng 11 năm 2022
Views: 0