Phạm Văn Bản
Thời đại kỹ nghệ (industrial age) mở đầu từ khi Isaac Newton (1641 – 1727) phát minh lý thuyết khoa học và vật lý học với nhiều công trình nghiên cứu, đặc biệt là ngành toán học vi phân tích (Calculus). Vương Quốc Anh ứng dụng lý thuyết Newton trở thành nước kỹ nghệ đầu tiên dùng sức kéo của động cơ hơi nước trong sản xuất nông nghiệp, chế tạo cơ giới, mở mang giao thông, khai thác mỏ quặng, biến chế thực phẩm… thay thế sức lao động của con người và sức kéo trâu bò.
Các nước Pháp, Đức, Ý cũng dùng thành quả khoa học Newton phát triển kinh tế, và là những quốc gia kỹ nghệ tạo đợt sóng văn minh thứ hai làm thay đổi toàn diện đời sống con người và cộng đồng xã hội từ chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, tôn giáo. Đợt sóng kỹ nghệ lan tràn nhanh chóng ra khắp Châu Âu, rồi tiến sang Bắc Mỹ và một số quốc gia Châu Á, Châu Úc trong ba thế kỷ vừa qua.
Kỹ nghệ là dùng máy móc thay thế sức lao động của thời đại nông nghiệp, sản xuất hàng loạt theo hệ thống giây chuyền, làm giảm nhân công và tăng lợi nhuận. Một quốc gia muốn kỹ nghệ hóa phải có cơ giới và thiết kế hãng xưởng, mở mang công nghiệp, khai thác luyện kim, chế tạo động cơ… xây dựng và phát triển đô thị kỹ nghệ và xóa bỏ ranh giới nông thôn.
Nhờ kỹ thuật cao ruộng đất thị trấn được xây thành đô thị nhanh chóng, vận chuyển và cung cấp lương thực từ nông thôn cho dân chúng tỉnh thành tiêu thụ dễ dàng, phương tiện lưu thông thuận lợi, mở mang đường xá, xây dựng cầu cống, đào vét sông ngòi. Sản xuất công nghệ càng ngày gia tăng, thì số lượng hàng hóa càng ra nhiều, càng giá rẻ, càng mới lạ.
Từ cuộc sống thịnh vượng có công ăn việc làm, sản phẩm mới xuất hiện liên tục, giá thành giảm hạ tạo ra cho tâm lý con người thích tiêu thụ, thích mua sắm, thích thời trang. Tiêu thụ giờ đây không còn là nhu cầu mà trở thành cái thú tiêu khiển hoặc bệnh ghiền thời trang.
Sinh hoạt xã hội nông nghiệp cũng được kỹ nghệ hóa. Ví dụ kỹ nghệ văn hóa giáo dục, kỹ nghệ quốc phòng, kỹ nghệ thực phẩm, kỹ nghệ ấn loát, kỹ nghệ truyền thông báo chí… và ngay cả các cơ sở tôn giáo cũng biến thành kỹ nghệ. Biểu tượng thời đại là cột khói nhà máy thay thế hình ảnh con trâu cái cày. Ông tổ là Newton. Nhu cầu kinh tế là công nhân và nhiên liệu, và nhu cầu chính trị là dân chủ.
– Kinh Tế Kỹ Nghệ
Kinh tế của thời đại kỹ nghệ là sản xuất các sản phẩm hàng loạt cho nên cần nhiều công nhân mức lương giá rẻ, có tay nghề tương đối sau khi thụ huấn vài khóa đào tạo ngắn hạn. Thời kỳ tiền kỹ nghệ thì việc mở rộng thành thị cho các khu công nghệ xí nghiệp là trọng điểm, bởi thế ruộng đất trong vùng ngoại ô được trưng dụng, giá thành nâng cao, xây dựng đô thị.
Người dân thì tập trung vào việc phát triển kinh tế quốc gia, trong khi quốc gia lại cần nguyên liệu sắt, thép, gỗ, hóa chất, xi măng, dầu khí… cho các nhà máy hoạt động. Sản phẩm làm ra lại cần thị trường tiêu thụ, cho nên chính quyền phải mở những xa cảng, hải cảng, phi cảng để vận chuyển và lưu thông hàng hóa đi khắp nơi.
Nhìn vào hệ thống kỹ nghệ, phải xét đến ngành hàng hải trước tiên, vì từ khi con người biết phát minh ra máy hơi nước thì tầu thủy cũng được trang bị và xuất hiện. Động cơ hơi nước cũng được dùng rộng rãi trong mọi hoạt động của hãng xưởng, công ty xí nghiệp, và trở thành động lực phát triển thời đại.
Trong giai đoạn tiền kỹ nghệ phát triển, quốc gia cần nhiên liệu cho việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, do đó nhiều nước kỹ nghệ trang bị lực lượng chiến binh hùng hậu để mang quân đi đánh chiếm những lãnh thổ của nước khác, làm thuộc địa, tìm thị trường và khai thác khoáng sản tài nguyên.
– Chính Trị Kỹ Nghệ
Tới thời hậu kỹ nghệ người ta lại chứng kiến một nền “chính trị hậu quốc gia.” Thời đại này thì khác biệt với nhu cầu của nông nghiệp là cần lãnh thổ, hay tài nguyên là nhu cầu của thời tiền kỹ nghệ, việc đi xâm chiếm các quốc gia làm thuộc địa thì không còn cần thiết trong thời hậu kỹ nghệ vì khả năng hoạt động cơ giới đã phát triển vượt bậc và làm thay đổi tư tưởng con người theo bảng giá trị thời đại.
Sức mạnh bắp thịt con người và súc vật cũng giảm dần trong việc sản xuất, đang khi hỏa lực vũ khí vật dụng do máy móc làm ra lại càng tăng thêm. Công nhân làm việc bằng chân tay cũng giảm số lượng nhưng lại đạt tiêu chuẩn. Vì con người phát minh ra nhiều phương tiện di chuyển thông tin liên lạc nhanh chóng, sản phẩm dư thừa với giá cả rẻ hơn cho nên các quốc gia lại có những mối liên quan mới.
Tương quan thế giới tạo ra nền chính trị hậu quốc gia và quyền lực quốc tế. Mỗi ngành nghề, mỗi lãnh vực, mỗi phương diện đời sống xã hội phát triển tạo nên những hệ thống quốc gia quốc tế và quyền lực riêng, khiến cho quốc gia khó hoặc không kiểm soát nổi. Bởi thế quyền lực quốc gia được phân quyền và tản quyền cho nhiều ban, nhiều ngành, nhiều cấp trách nhiệm.
Nhân viên làm việc công khai tiếp xúc trực diện với dân chúng khách hàng nhằm cải tiến sản phẩm, khuyếch trương hãng xưởng, cạnh tranh với các công ty xí nghiệp khác, trong khi có số nhân viên lại âm thầm làm việc cần nơi yên lặng kín đáo giúp đầu óc suy tư sáng tạo. Hai hình ảnh tương phản chìm – nổi đã phát sinh hình thức tổ chức và nguyên tắc thành lập ra đảng chính trị, gồm có đảng cầm quyền và đảng đối lập, lãnh đạo có chủ tịch nổi và lãnh tụ chìm trong hệ thống quyền lực quốc gia về mọi phương diện, kinh tế cũng như chính trị.
Dân chúng bình thường chỉ nhìn thấy quyền lực nổi, đang khi quyền lực chìm đã quyết định các vấn đề nội bộ sinh tồn của chế độ được ngụy trang dưới nhiều hình thức, hiện hình hay tàng hình. Tổ chức dù lớn hay nhỏ đều có những vấn đề quyết định, và những nhân vật điều hành ở cấp quốc gia phải lập ra Nhóm Quyết Định nhằm giải quyết cho cả một khối lượng quyết định. Xã hội càng rộng lớn, càng phức tạp thì quyết định lại càng nhiều và khó hơn, tạo ra khối phẩm và lượng quyết định.
Ở thời tiền kỹ nghệ phân chia lao động còn thô sơ, thay đổi chậm chạp, nên số lượng quyết định để điều hòa xã hội tương đối có ít. Vì có ít quyết định nên người khả năng trên trung bình, không đòi hỏi nhiều chuyên môn cũng có thể điều hành lãnh đạo và quyết định tất cả công việc của một công ty, một xí nghiệp, một quốc gia.
Nhưng khi kỹ nghệ bành trướng thành nhiều lãnh vực mang tầm vóc quốc gia quốc tế rộng lớn thì khối lượng quyết định tăng nhiều và đòi hỏi phân quyền, tản quyền xuống địa phương. Nhiều khi có những quyết định vượt ra ngoài khả năng của người cầm quyền, cho nên buộc chính quyền phải tuyển chọn nhân tài làm cố vấn giải quyết, từ đó lại phát sinh quyền lực chuyên viên. Và khi chính quyền đáp ứng quyền lực chuyên viên, thì dân chủ là vấn đề đương nhiên không phải do chọn lựa, mà là tiến hóa.
– Xã Hội Kỹ Nghệ
Xã hội kỹ nghệ đã tạo hệ thống sản xuất giây chuyền, do đó hệ thống cơ giới xí nghiệp cũng là giây chuyền và liên thuộc kỹ nghệ. Con người vào thời này bị ràng buộc bởi các tổ chức chính trị, càng văn minh thì lại càng bị ràng buộc trong các hệ thống chính trị nhiều hơn.
Bị ràng buộc trong các hệ thống cho nên mới đòi hỏi người lãnh đạo điều hành quản trị phải có đức tính liên thuộc, từ tầm nhìn cho tới cách giải quyết vấn đề đều có ảnh hưởng giây chuyền với các bộ phận trong nhiều hệ thống tổ chức. Cách tìm công thức giải pháp và quyết định có ý thức trách nhiệm liên đới, được gọi là dân chủ.
Hệ thống toàn cầu đã được xây dựng bằng những đơn vị quốc gia quốc tế. Liên thuộc có nghĩa là quốc gia A hành động, thì sẽ ảnh hưởng tốt/ xấu cho quốc gia B, C, D. Một quyết định ở Nhật Bản cũng gây ảnh hưởng tới Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Khi Hoa Kỳ xử dụng giây thủy tinh để dẫn điện thì gây ảnh hưởng cho Chile và Zambia là hai nước sản xuất đồng. Việc bảo vệ môi sinh ở Brazil gây ảnh hưởng ngay đến giá gỗ trên thế giới.
– Ý Niệm Tự Do
Đa số dân Tây phương là nông nô của các lãnh chúa trong những lãnh địa vào thời thế kỷ 17. Người dân cho rằng họ không phải là cá nhân, mà là thành phần của cộng đồng lớn hoặc bé. Lãnh chúa và trưởng tộc là những người có quyền sai khiến, dạy sao làm vậy, toàn dân không có bất cứ quyền hạn nào. Họ bị bắt buộc sinh sống trong lãnh địa, không được phép di chuyển, không được phép làm việc ngoài chỉ đạo, không được phép giữ tài sản tiền bạc hay vật dụng trao đổi, không được phép giáo huấn hay tư tưởng ngoài những lời truyền dạy của lãnh chúa trưởng tộc.
Nhưng khi kỹ nghệ phát triển có nhiều việc mới, ngành mới, nghề mới thì người dân không còn bị cột chặt vào ruộng đất để sinh sống như trước, không còn sự lãnh đạo của các chủ nhân ông, không còn cảnh tá điền bị đánh đập tra khảo vì thiếu nộp địa tô, và con người đã biết chọn lựa nghề nghiệp mưu kế sinh nhai.
Đó là tự do cá nhân đầu tiên của người nông nô và dẫn đến những tự do khác. Kết quả việc hành nghề thì có tiền, và nhờ tiền mọi người hưởng quyền tự do. Tự do hành nghề dẫn đến tự do kinh doanh, tự do chính trị.
Triết lý tự do chính trị và tự do kinh tế nhấn mạnh đến tự do cá nhân, bình đẳng, và cơ hội.
Trái lại, triết lý bảo thủ thì nhấn mạnh đến giai cấp, truyền thống, và quyền tư hữu.
Tự do chính trị đã làm thay đổi xã hội nhanh hơn bảo thủ. Ý nghĩa và trọng tâm của danh từ, hay chủ nghĩa tự do được thay đổi nhiều lần qua thời gian, nên khó mà có định nghĩa rõ ràng.
Tự do ở thuở ban đầu, được hiểu là quyền chống lại lãnh chúa, nhà cầm quyền, vì nhà cầm quyền hạn chế tự do cá nhân. Tự do cá nhân của chủ nghĩa tư bản là tự do lựa chọn tôn giáo, cách sống, người phối ngẫu, nghề nghiệp.
Người tự do chọn cách ít tốn kém về mọi vấn đề ảnh hưởng tới cuộc sống. Họ tiết kiệm tiền, sức lao động, trả giá dịch vụ, hàng hóa trên thị trường để được hưởng giá thị trường. Những việc trên tạo ra xã hội thị trường, kinh tế thị trường, và chính trị thị trường.
Những người tư bản đầu tiên đề cao tự do cá nhân, đề cao tự do kinh doanh và xã hội kinh doanh làm thay đổi bộ mặt xã hội. Xã hội lại cần có cấu trúc tổ chức chính trị điều hành quản trị. Từ đó mà có những cuộc cách mạng long trời lở đất ở Anh Quốc vào năm 1688, ở Hoa Kỳ vào năm 1775, ở Pháp Quốc vào năm 1789 đã dẫn đến những thể chế tự do, quốc gia tự do, thế giới tự do.
Người tự do đầu tiên tin tưởng rằng cai trị ít là cai trị tốt nhất, cá nhân sẽ được thuận lợi hơn nếu được chính quyền cho phép theo đuổi quyền lợi riêng tư. Họ cũng tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh, tự vận hành, tự kiểm soát nếu được tự do điều động theo quy tắc kinh tế tự nhiên.
Bởi thế nền kinh tế tự do dẫn tới kết luận là chính quyền không cần thiết can thiệp hay chỉ đạo trong việc điều hành kinh tế quốc dân. Tư tưởng tự do được kinh tế gia Adam Smith (1723-1790), người Anh hệ thống hóa và trình bày trong tác phẩm The Wealth of Nations: Sự Thịnh Vượng của các Quốc Gia, xuất bản vào năm 1776. Hệ thống này được gọi là chủ nghĩa tư bản hay tư do kinh doanh.
Quan niệm ban đầu của chủ nghĩa tư bản là sự phối hợp liên kết tự do kinh tế với tự do chính trị trong một quốc gia. Khoảng giữa thế kỷ 20, nhiều người tự do nghĩ đến việc phải bớt tự do và hạn chế tự do về kinh tế. Họ bị thuyết phục là hành động của chính quyền sẽ tạo điều kiện để cá nhân có thể phát triển tiềm năng và tôn trọng nhân quyền. Người dân bắt đầu ủng hộ những chương trình tạo an tòan kinh tế, an sinh xã hội, an dưỡng lao động, giảm bớt khổ đau cho mọi người như trợ cấp thất nghiệp, lương bổng tối thiểu, định tuổi hưu trí, bảo hiểm sức khỏe với nhiều biện pháp chống nghèo đói và bất công xã hội.
Người tự do cấp tiến vẫn giữ mối quan hệ với sự tự do kinh tế chính trị ban đầu, và cho rằng sự tự do cá nhân là quan trọng nhất và chính quyền phải hành động để tháo gỡ những chướng ngại giúp cho người dân được vui hưởng tự do đích thực. Về phương diện kinh tế và xã hội họ cũng thừa nhận tự do kinh doanh, nhưng kinh tế tư bản cần được cải tiến để trở thành kinh tế xã hội, chủ nghĩa xã hội.
Do đó chủ nghĩa xã hội của Âu Mỹ thì khác biệt với “xã hội chủ nghĩa” của khối quốc gia cộng sản mà chúng ta từng chứng kiến. Chính quyền “độc tài đảng trị” cộng sản là một thứ quyền lực chính trị tuyệt đối quản lý mọi thành quả của xã hội, và có thể vơ vét tài sản quốc gia làm của riêng cho giai cấp lãnh đạo. Bởi thế họ tạo ra bất công tham nhũng thối nát và bần cùng hóa nhân dân, vì họ đã lấy bất công đi chống bất công và tạo thêm bất công chồng chất. Đây là nguyên nhân và là điều kiện tiên quyết để “chống bất công xã hội” mà chúng ta cần tránh mắc phạm sai lầm này.
– Kinh Tế Tư Bản
Theo nền kinh tế tư bản thì thương gia tự do buôn bán, khách hàng tự do mua sắm, công nhân tự do chọn việc, chọn nghề, chọn chủ, và thị trường được tự do không có sự can thiệp của chính quyền. Nguyên tắc xây dựng thị trường tự do là để mặc tự nhiên – tự nhiên nảy sinh và tự nhiên phát triển. Cho dù sản xuất có nhiều thay đổi, giá cả hàng hóa lên xuống bất thường, phẩm lượng làm ra tốt xấu, nhân công hãng xưởng nhiều ít, nhưng nền kinh tế tư bản sẽ tự chỉnh như theo quan niệm của Adam Smith khởi xướng, cũng như cuộc cách mạng kinh tế tư bản được diễn ra trong cuốn sách của ông.
Nền kinh tế tư bản đặt trên sự tự do cá nhân. Mỗi người được tự do chọn lựa phương cách thương mại, để thỏa mãn những nhu cầu hoặc ước vọng của riêng mình. Cá nhân được tự do đem tham vọng vào thương trường, cạnh tranh với tham vọng của cá nhân khác bằng những hàng hóa tốt rẻ đẹp, đáp ứng đúng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, của thị trường, của xã hội.
Theo Adam Smith, tự do cạnh tranh là “bàn tay vô hình,” cơ giới an toàn và tự động giúp cho nền kinh tế điều chỉnh. Ngoài sự cạnh tranh giữa các thương gia với nhau, còn có sự cạnh tranh của thương gia khách hàng, hoặc thương gia công nhân.
Một trong những sáng tạo kỹ thuật mang lại hiệu qủa cho nền kinh tế tư bản là hệ thống dây chuyền. Trong hệ thống dây chuyền thì sự phân chia công việc là yếu tố quan trọng.
Adam Smith quan sát và nhận định rằng, “Mười người với sự trợ giúp của dụng cụ và máy móc, có thể sản xuất được bốn mươi tám ngàn cây kim trong một ngày, nhưng nếu làm việc riêng rẽ thì chắc chắn mười người không thể làm xong hai mươi cây kim, và cũng không thể làm xong một cây trong một ngày.”
Về ảnh hưởng tâm lý thì hệ thống dây chuyền làm cho con người cảm thấy như mình không còn là con người trọn vẹn. Vì lúc trước thì người thợ giày làm từng đôi giày, bây giờ thì người ấy chỉ làm cái quai, hoặc cái đế mà lại thấy có nhiều giày.
Bởi thế người công nhân khó nhận định được giá trị của mình trong xã hội, và cảm thấy mình trở thành một mắt xích, hay một con ốc nhỏ trong một guồng máy khổng lồ. Hơn nữa, hệ thống dây chuyền thường là nơi người chủ có cơ hội bóc lột người làm công nhiều nhất.
Tốc độ của máy là then chốt của số lượng sản xuất, cho nên chủ nhân thường tăng tốc độ làm nhanh lên tới mức tối đa, trong khi tiền lương của thợ lại vẫn được trả theo từng giờ. Mồ hôi và sức sống của công nhân bị vắt ép cạn kiệt để thành lợi nhuận cho chủ nhân.
– Kinh Tế Cộng Sản
Quyền tư hữu tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản sinh ra mâu thuẫn đối kháng, quái thai cộng sản ra đời. Theo Karl Heinrich Marx (1818-1843) thì nhà nước quản lý các hãng xưởng kỹ nghệ hay nông nghiệp, rồi sản xuất và phân phối hàng hóa xuống thẳng tới tay người tiêu thụ, thì xã hội mới có thể tránh bất công. Nhưng Marx quên một điểm là quyền chính trị tuyệt đối của chủ nghĩa cộng sản sinh ra tham nhũng, dân hèn nước nhược và bần cùng hóa xã hội.
Marx cho rằng hệ thống thương mại tư bản, sản phẩm phải qua nhiều giai đoạn trung gian phi sản xuất, mỗi giai đoạn lại cộng thêm những phí tổn chuyên chở, kho chứa hàng, tiền nhân viên bảo quản hàng hóa, tiền lời rồi mới đến tay người tiêu thụ. Từ đó giá cã hàng hóa phải tăng cao và bất ổn, vì sản phẩm tập trung trong tay một số nhỏ tư nhân, gia đình, hay công ty độc quyền khai thác.
Mặt khác vì làm lời bằng công sức lao động, cho nên mâu thuẫn giữa chủ nhân và thợ thuyền, là nguồn gốc của trạng thái căng thẳng, dẫn đến hậu qủa cuối cùng là hệ thống tư bản xụp đổ. Kinh qua tư bản, nền kinh tế tự nó thiết lập những công xưởng với dụng cụ máy móc, đồng thời đào tạo lớp người chuyên viên cho một xã hội mới – chủ nghĩa xã hội phát sinh để thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Chủ nghĩa này bắt đầu bằng sự độc tài của giai cấp vô sản, là một nền kinh tế không giai cấp và không bóc lột. Sau cùng là chủ nghĩa cộng sản nguyên vẹn – một thiên đàng kinh tế và chính trị của loài người. Một chiếc bánh vẽ rất tài tình.
Nhưng lý thuyết Marx đã thất bại thảm hại. Vì rằng để giải quyết vấn đề bất quân bình đã chẳng phải là triệt tiêu các khâu trung gian, mà tạo thành mạng lưới thị trường giải quyết những vấn đề bất quân bình trong sản xuất và phân phối. Nhiều công ty tư bản trên thế giới đã thấy ưu điểm của hệ thống mạng và áp dụng mở rộng thị trường, họ cũng dự tính cho nhu cầu tương lai theo đà biến chuyển chính trị và thể chế dân chủ của thế giới.
Trong Tư Bản Luận, Marx tiên đoán về sự xụp đổ có thể xảy ra của nền kinh tế tư bản. Vì kinh tế tự do trở thành một phương tiện cho các công ty tư bản có thể thẳng tay sát phạt nhau. Hậu qủa của tự do cạnh tranh là mua đứt các công ty nhỏ, để trở thành công ty lớn độc quyền trong sản xuất và phân phối hàng hóa.
Một khi công ty lớn phá sản hoặc chuyển nhượng sự độc quyền thao túng, thì thị trường lên cơn sốt và làm cho giá cã sản phẩm tăng giảm tùy theo sự chạy đua lợi nhuận của giai cấp chủ nhân. Khách hàng là nhân dân tiêu thụ thì không còn được hưởng tự do chọn lựa. Bởi thế theo Marx, sự tự do cạnh tranh thị trường tạo ra công ty độc quyền, và độc quyền sẽ triệt tiêu quyền tự do lựa chọn của khách hàng, của công nhân.
Kỹ thuật sản xuất phát triển, số lượng công ty trong ngành kỹ nghệ chỉ còn lại có một mà thôi, thì nhu cầu nhân công trong kỹ nghệ đó cũng giảm theo, và công ty giảm năng xuất để tăng giá cã hầu có thêm lợi tức. Công ty độc quyền được tự do bóc lột sức lao động của người dân, vì dân cần có việc làm để sống.
Hơn nữa công nhân lại cũng chính là khách hàng. Số lượng sản xuất giảm dần trong khi dân số tăng thêm. Sự mua bán xuống dốc, và các công ty sẽ ngưng đầu tư. Cũng theo Marx, ngưng đầu tư thì việc làm càng thêm hiếm hoi, và cứ xảy ra tình trạng như vậy liên tục thì nền kinh tế tư bản mãi lún sâu, cho tới lúc xụp đổ.
Thật ra Marx cũng không phải vô lý. Vì sự xụp đổ vĩ đại của nền kinh tế tư bản đã xảy ra vào thập niên 1930 như một cơn sóng thần đổ ập trên đầu nhân dân Hoa Kỳ cùng với bao nỗi kinh hoàng.
Kinh tế Hoa Kỳ lúc đó một nửa giá trị tổng sản lượng đã biến mất. Một phần tư dân số bị thất nghiệp và mất việc làm. Hơn một triệu gia đình bị tịch thu tài sản nhà cửa vì nợ nần, bởi không thể trả tiền nhà, tiền nợ ngân hàng hàng tháng. Chín triệu trương mục tiết kiệm tiêu tan, và nhiều nhà băng đóng cửa, khai phá sản và xập tiệm.
Nếu như số lương bổng và lợi tức ước tính vào năm 1929 của Hoa Kỳ là 15 tỷ, thì đến năm 1932 chỉ còn 886 triệu. Người nghèo thì nghèo thêm. Người giàu với những ngân khoản kếch xù không biết đầu tư nơi đâu và tiêu gì cho hết… cứ thế, đến nỗi chính quyền Liên Bang phải dùng ngân sách quốc gia đầu tư vào hệ thống thị trường, nhằm tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy sức vận chuyển của nền kinh tế khôi phục.
Chính phủ Hoa Kỳ phải can thiệp vào nền kinh tế tự do vì sợ rằng dân chúng lúc đó bắt đầu nổi loạn. Không chính quyền nào có thể cai trị được một lũ ma đói.
Với Tư Bản Luận và chứng cớ khủng hoảng của nền kinh tế thời đại, thì ắt có người tin Marx vì họ không am tường về nền chính trị dân chủ và kinh tế tự do. Nhưng Marx sai lầm.
Nền kinh tế tư bản tuy có xụp đổ nhưng không dãy chết để dẫn đến chủ nghĩa cộng sản như ước mơ của Marx. Vì rằng xã hội Hoa Kỳ đã không có chế độ phong kiến nên không có giai cấp bóc lột, như Marx đã từng thấy ở truyền thống kinh tế Châu Âu.
Mặt khác, nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh nhất thế giới là nhờ vào truyền thống chính trị dân chủ. Dân chủ có nghĩa là được tự do tư tưởng và tự do diễn đạt. Khi người dân được tự do liên lạc, và hệ thống truyền thông nâng cao khả năng hiểu biết của người dân, thì người ta sẽ tự suy xét và tự quyết định những vấn đề có ảnh hưởng hay liên hưởng trực tiếp đến họ.
Sự tự do tư tưởng và tự do diễn đạt đã tạo ra môi trường cho sức sống sáng tạo của toàn dân trên các bình diện văn hóa văn minh kỹ thuật. Sức mạnh của xã hội Hoa Kỳ về bất cứ phương diện nào cũng đều là sức mạnh của truyền thông.
Khi sự hiểu biết của tòan dân được nâng cao đến mức họ có ý thức được những điều mang lại lợi ích chung thì họ sẽ đồng thuận. Nguyên tắc đồng thuận chính là một phương thức vận động sức mạnh dân tộc tối đa của một quốc gia.
Nhất là trong thời đại văn minh khi con người đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước, nhưng chính họ phải có tự do quyết định, không bị ràng buộc hoặc lèo lái bởi những nguồn tin giả (fake news). Mặc dù có khủng hoảng chính trị xảy ra chăng nữa, thì đó cũng chỉ là nguyên do thiếu nhân cách lãnh đạo của tổng tư lệnh có hạn kỳ mà thôi. Đây là mấu chốt phát triển của nền kinh tế tư bản mà Marx phải thừa nhận rằng chính ông khó tin khó ngờ.
Marx chỉ nhìn kinh tế tư bản qua lăng kính của chế độ phong kiến Châu Âu. Chế độ kinh tế “võ trị” được thiết lập từ khi có sự chiến thắng của văn hóa du mục trên văn hóa nông nghiệp, họ vẫn duy trì kinh tế pháp lệnh và phát sinh giai cấp tư bản thống trị với đặc quyền đặc lợi, cũng theo giòng thời gian văn hóa chủ nô, người dân phải sống dưới quyền sinh sát của các lãnh chúa trong những lãnh địa trước khi đợt sóng kỹ nghệ tràn ngập bao phủ.
Cũng là lỗi tại Marx (mea culpa… mea maxima culpa) đã xem chủ nghĩa tư bản và văn hóa chủ nô Châu Âu là một, cho nên ông có sự sai lầm khi đưa ra nguyên lý mâu thuẫn nội tại và bởi thế các chế độ cộng sản được thành lập rập khuôn theo cấu trúc chủ – nô Tây phương. Văn hóa chủ nô theo biểu tượng cấu trúc tổ chức tam giác, pyramid (văn hóa ba góc) trên là chủ nhân dưới là nô lệ, trên là vua trị dưới là dân hầu, trên là chủ tịch dưới là trâu cày trong các chế độ cộng sản ngày nay.
– Xã Hội Kỹ Nghệ
Vì nhu cầu phát triển kinh tế, cho nên đô thị thành lập nhiều hãng xưởng, công ty xí nghiệp tạo ra công ăn việc làm phù hợp cho mọi người, mọi giới, mọi giai tầng trong xã hội. Hơn nữa, nhờ cơ chế an toàn của nền kỹ nghệ, cho nên đời sống gia đình cũng bắt đầu thu hẹp, gồm có cha mẹ và con cái, là vệ tinh hóa, không còn mang hình ảnh đại gia đình ông bà cha mẹ con cháu, họ hàng thân bằng quyến thuộc rộng lớn như trong làng xã của thời đại nông nghiệp ngày trước.
Tiểu gia đình kỹ nghệ thay đổi toàn diện cuộc sống từ tư tưởng cá nhân, gia đình, xã hội, luân lý đạo đức vốn có của chế độ gia tộc. Nền giáo dục và truyền thông đại chúng phổ biến rộng lớn khi có máy in ra đời, sách vở báo chí xuất bản dễ dàng, thuận tiện cho độc giả theo dõi tin tức hàng ngày. Cho nên tư tưởng con người cũng từ đó thay đổi, cuộc sống thay đổi, hành xử thay đổi, văn chương thay đổi… văn xuôi tiểu luận trở nên thích hợp cho người đọc hơn là văn vần thuộc thời nông nghiệp.
Từ khi phát minh ra máy in đã tạo thêm người in, nghề in, ngành in và phát hành sách báo, thông tin quảng bá. Cũng từ khi có máy in, nền giáo dục kỹ nghệ được đại chúng hóa dễ dàng và mau chóng. Các hệ thống trong thời kỹ nghệ lại được phát triển nhanh chóng hơn thời phong kiến ngày trước, nhờ tư nhân được tự do hoạt động kinh tế, và nhờ nhân tài lãnh đạo điều hành xí nghiệp, công ty cho nên mọi phương diện đời sống con người đã thay đổi tòan diện.
Mỗi lãnh vực xã hội lại có triều chính riêng, vua riêng. Vua xe hơi, vua dầu hỏa, vua địa ốc… và tiểu thị tiểu bang đều có những tiểu vương có thực quyền, và ảnh hưởng tới đời sống xã hội…để phát sinh hệ thống chính trị xã hội hàng ngang, chớ không còn hệ thống độc quyền hàng dọc như của thời nông nghiệp, trên bảo dưới nghe.
Ngôn ngữ văn chương kỹ nghệ cũng đương nhiên thay đổi, và trở thành hệ thống hóa, hay kỹ nghệ hóa. Ví dụ: kỹ nghệ giáo dục, kỹ nghệ thông tin, kỹ nghệ báo chí… Biên giới tiểu thị/ tiểu bang nằm trong hệ thống liên thị/ liên bang giờ đây lại khác biệt với thời nông nghiệp, vì không còn là biên giới của hai tiểu thị hay quốc gia như trước, tuy cũng còn cột mốc, còn lằn ranh địa lý của các tiểu thị/ tiểu bang, nhưng những lằn ranh khác của đời sống con người trên đó, ví dụ: an sinh xã hội, thuế vụ, tiền tệ, quốc phòng cũng xóa mờ hoặc mất hẳn.
So với công tác của triều đình ở thời nông nghiệp, thì chính phủ tiểu bang trong thời kỹ nghệ lại có sự cách biệt lớn lao trong các hệ thống quốc gia. Và tiểu thị/ tiểu bang có cơ cấu điều hành và lãnh đạo riêng, rồi từ đó đã tạo nên sự cạnh tranh giữa các tiểu thị/ tiểu bang với nhau để hình thành những điều kiện phát triển năng khiếu cho con người, và phát triển chính trị xã hội.
Các tỉnh của Gia Nã Đại thì tổ chức gần giống như tiểu bang của liên bang Hoa Kỳ. Riêng Úc Đại Lợi, các tiểu bang cạnh tranh nhau bằng cách công khai trong kỹ nghệ du lịch, quảng cáo, lập những cơ sở giải trí, thu hút du khách địa phương và quốc tế.
Mỗi tiểu bang lại có sắc thái, luật lệ riêng cho những vấn đề phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh địa lý, kỹ nghệ riêng. Điều này tạo nên sự cạnh tranh chính đáng và nhờ vậy xã hội phát triển. Cũng như ở Hoa Kỳ hay Gia Nã Đại, các tiểu bang Úc Đại Lợi cũng ráo riết cạnh tranh trong kỹ nghệ giáo dục, đầu tư vào các đại học để đào tạo chuyên viên trong nước cũng như ngoài nước, vì kỹ nghệ giáo dục đã mang lại cho quốc gia Úc hơn một tỷ Úc Kim mỗi năm.
Tiếp đến là liên thị/ liên bang, đơn vị chính trị của thời đại kỹ nghệ, do sự kết hợp của các tiểu thi/ tiểu bang. Quyền hành quốc gia được “tản” đến mỗi tiểu bang, để địa phương xử dụng sao cho thích nghi với hoàn cành riêng, mà không đi ngược lại nguyên tắc căn bản của liên bang. Liên bang hay các quốc gia trong thời đại kỹ nghệ có nhiều hệ thống sản xuất ở cấp quốc gia. Mỗi hệ thống lại có những khách hàng là “công dân tiêu thụ.” Mỗi hệ thống cũng có “triều đình riêng” tạo ra quyền lực ở cấp quốc gia của một lãnh vực nào đó, mà không lãnh thổ.
Thời đại kỹ nghệ cũng chia những hoạt động ra thành ba cấp: Kỹ nghệ sơ cấp: gồm các lãnh vực sản xuất của thời nông nghiệp: nông, lâm, ngư được cơ giới hóa. Kỹ nghệ thứ cấp là ngành kỹ nghệ nặng: luyện thép, đúc nhôm, chế tạo xi măng, khai thác hóa chất từ dầu hỏa, sản xuất xe hơi, sản xuất máy móc gia dụng. Kỹ nghệ đệ tam cấp: gồm các dịch vụ tài chánh, bảo hiểm, cung cấp nước, hơi đốt, điện, chuyên chở, hàng hải, hàng không, nguyên tử năng và không gian.
Cũng trong thời đại kỹ nghệ, những cuộc cách mạng tự do đưa đến việc thành lập chính quyền dựa trên quy luật khế ước và theo nguyên tắc đồng thuận giữa giới cai trị và người dân. Nhiều bản hiến pháp chi tiết hóa việc đồng thuận qua tuyên ngôn nhân quyền và đề cao các quyền cá nhân là tự do ngôn lua65n, báo chí, hội họp, và tín ngưỡng. Hiến pháp cũng đề cập việc bảo vệ các quyền trên, chống lại cơ quan cảnh sát và tòa án lạm dụng quyền hạn.
(còn tiếp theo)
Views: 0
Marx sai lầm khi đem “mâu thuẫn” đặt thành nguyên lý “mâu thuẫn nội tại và đấu tranh giai cấp.” Cái trứng không phải ở thời kỳ quá độ nên phải hóa ra con gà. Cái trứng cũng không phải phải tiêu tan để nở ra con gà, như tư tưởng của Marx.
Chúng ta muốn có con gà thì cái trứng phải được thụ tinh (hai thành phần, hai cấu tố Tiên – Rồng Song Hiệp). Con gà không phải sinh ra do cái trứng, mà do sự phối hiệp hai thành phần là tinh túy của trứng trong gà mái và tinh trùng của gà trống, rồi phôi thai tiêu hóa những chất dự trữ của cái trứng trở thành xương, thịt, lông (Phát Triển) theo nguyên lý sinh hóa của vạn vật (chớ không phải thuyết tiến hóa Darwin).
Bởi thế kinh tế đã không phát triển do mâu thuẫn giữa chủ và thợ, mà kinh tế phát triển là do sự phối hợp hoàn chỉnh giữa hai thành phần chủ nhân và công nhân.
Vì hai giai cấp không Song Hiệp cho nên tương quan chủ – thợ đã sinh ra quái thai là áp bức, bóc lột, đấu tranh… “vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian… quyết phen này sống chết mà thôi”… hận thù đã làm đình trệ về kinh tế và gây tai hại cho xã hội con người.
Chủ nhân tất nhiên phải giỏi, có sáng kiến để thành lập công ty xí nghiệp cho công nhân có việc, có lương mà cùng chung sống. Nhưng theo Marx, khi đấu tranh giai cấp, tiêu diệt chủ thì lớp người công nhân thợ thuyền vô sản… lên làm chủ xã hội … thì cả “nũ” xuống hố… như chúng ta từng thấy ở Việt Nam sau Tháng Tư Đen 1975!
Do đó, không thể có mâu thuẫn giữa hai hiệp tố tạo thành một thực thể. Ở giai đoạn tổng đề là thời kỳ mà hai cấu tố tiến gần tới song hiệp.
Nhưng vì sống trong văn hóa chủ nô, (võ trị) luôn bị bao vây bời đàn áp, bóc lột, ám ảnh bởi định luật khoa học… phải đấu tranh sinh tồn đã khiến cho Marx chỉ thấy những quá độ, những mâu thuẫn để Marx đặt thành nguyên lý, thành định luật và biến con người trở thánh “ác thú đấu tranh.”
Mấu chốt khác biệt “văn trị.”