BS Ernest Marc Lương Huỳnh Ngân
Tôi được may mắn tham dự trực tuyến Thánh Lễ khởi đầu sứ vụ của Đức Tân Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng ngày 11- 12 -2019 tại nhà thờ Chính Toà Sài Gòn. Suốt 2 giờ 52 phút tất cả được diễn ra tuyệt vời không thua gì một sự kiện hoàn vũ nào, trên (gần như *) mọi mặt.
https://www.youtube.com/watch?v=9kaNbezI8XA&feature=share
Bài này chỉ xin chia sẻ một quan điểm về cái « ngôi sao » (*) ấy. Trong Thánh Kinh có lúc Chúa cũng nghe những lời xì xào và Ngài đã phản ứng. Trong ( Ga7, 12)
« 12 Dân chúng bàn tán nhiều về Người. Kẻ thì bảo: “Đó là một người tốt.” Kẻ thì nói: “Không, ông ta mê hoặc dân chúng.”13 Nhưng không ai dám công khai nói về Người, vì sợ người Do-thái »
Xa hơn vài hàng trong cùng chương Chúa phán « Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi»
Trong Thánh Lễ chúng ta đang nói, từ bài giảng dài mà không thấy dài của Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Khảm Giám Mục Mỹ Tho hay người dịch Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, cùng các Hồng Y, Giám mục trong Hội Đồng Giám Mục VN, tất cả đều phát biểu giọng Miền Bắc. Duy cuối cùng chỉ có Đức cha Louis với giọng Sài gòn có vài lời thực tế của Ban Tổ Chức. Tôi hú vía như thấy con ruồi rơi vào nồi lẫu bửa Tiệc Thánh mừng vị Tân Tổng Giám Mục Sài Gòn mà không nghe giọng người Sài Gòn, được Đức Cha Louis vội vàng vớt ra.
Mặc dù như thế, thoạt đầu xin thú thật tôi và có lẽ một số người có ngay thành kiến Bắc – Nam ấy. Nếu có thể vượt qua xét đoán xấu – tốt chúng ta nhận ra đó là một phản ứng « tự nhiên » của con người. Đoạn chót của bài này mong rằng đọc giả thêm dữ kiện phân định « xấu hay tốt ».
-Trong Thánh Kinh có nhiều đoạn, xin nhắc lại hai lần :
1/- Trong (Ga1, 46) Thời ấy người Do Thái rất « thành kiến » với người Nazareth, ngay qua lời Na-tha-na-en. « Ông Na-tha-na-en liền bảo: Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? »
2/- Cũng trong (Ga7, 52) dân chúng trả lời ông Ni-cô-đê-mô : « Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả. »
-Trong y học có thứ bệnh tâm thần, nhất là những người xa quê hương « mất gốc » mất cả bản năng ấy, bác sĩ chuyên khoa ở Pháp có thể cho toa được bảo hiểm y tế hoàn phí di chuyển để bệnh nhân về nơi quê quán tự mình đến xin rút tờ khai sinh, để ý thức thực tế nguồn gốc đời mình.
-Trong xã hội đời thường, có lẽ ít người phủ nhận điều ấy.
Vì những lý do trên, người viết tin rằng cái gọi một cách tiêu cực « thành kiến » (*) là một « bản năng ». Chính con người thường làm méo mó đi trong dự án yêu thương của Thiên Chúa :
25 Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? (Kn11, 25)
Cũng từ câu Thánh Kinh này giúp suy nghĩ thêm: theo chỗ tôi biết đây là lần đầu, Hội Thánh gởi đến Tổng Giáo Phận Sài Gòn một Đức Tổng gốc Miền Bắc. Trước kia Chúa Thánh Thần giúp Hội Thánh tôn trọng một thực tế còn nóng hổi do hai đợt di dân vì chiến tranh, chính trị 1954 và 1975. Với thời gian, một yếu tố rất quan trọng, sau đợt 1954, khó ai phủ nhận các con cháu vào Nam, tuy số đông vẫn nói giọng Bắc nhưng đã gần như hoà nhập hoàn toàn tâm thức Miền Nam và ngược lại cũng như thế, nhưng đặc biệt hiện nay chỉ rõ nét ấy ở Miền Nam.
Sự hoà nhập trong đức tin chúng ta gọi là sự hiệp nhất, nãy sinh ra, hay sẽ tạo nên nhiều điều tốt đẹp cho dân tộc VN, cho Giáo Hội VN, và riêng cho Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Xin mạn phép dùng sự so sánh của TS Tâm Lý Trần Mỹ Duyêt, cũng là một Kitô hữu trong một đề tài khác:
Ta có thể so sánh sự khác biệt giữa người …(Bắc và người Nam) như sự khác biệt giữa giấm và dầu ăn được dùng trộn một đĩa salad. Hai gia vị này hoàn toàn khác nhau, mang những mùi vị và đặc tính khác nhau, chỉ duy một điều chúng giống nhau vì cả hai đều là chất lỏng, và cả hai đều cần thiết để làm nên một đĩa rau trộn. Dầu thì không mùi vị, nhưng giấm thì chua chát. Dầu nhẹ nhàng, giấm ngửi là đã cảm thấy sắc bén như xé khứu giác. Ngay cả khi chúng được để chung trong một cái bình thì cả hai cũng sẽ đối chọi nhau, trừ khi chúng được lắc đều… (www.giadinhnazareth.org)
Điều TS Trần Mỹ Duyệt không cần nói là yếu tố THỜI GIAN, chúng ta sẽ trở lại yếu tố thời gian này.
Tiếng xì xào ấy thật ra đã nghe đây đó từ ngày tin rò rỉ Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Năng có thể được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sài Gòn. Ước gì người tín hữu, gốc Nam hay Bắc đem ra thảo luận, giúp nhau nhận định, trong tâm tình thành thật và thành tâm, chính mình là Giáo Hội, là chi thể của Thánh Thể mà Đầu chính là Chúa chúng ta. Tổ Tiên chúng ta cũng đã nghe tiếng xì xào rỉ tai của con rắn.
Chúa Thánh Thần luôn soi sáng và mặc khải sự khôn ngoan cho Hội Thánh. Ngày nay ít người không nhận ra các triều đại Giáo Hoàng được Chúa lựa chọn đặc biệt cho mỗi giai đọan trần thế, chỉ nhìn một thế kỷ gần đây thôi, từ Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII vớ Công Đồng Vatican II đến Đức Thánh Cha đương nhiệm, ngài đứng hẳn về phía người nghèo và người cần đến lòng thương xót của Chúa ; Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II giải thoát nhân loại không bằng một quả bom hay một viên đạn. Các vị sau này, Chúa cũng đã chọn ưu tiên khác với thông lệ các thế hệ trước, Giám Mục Thành Roma phải là gốc Ý hay không phải gốc người Ý không còn là ưu tiên nữa.
Xác tín điều ấy chúng ta trở lại yếu tố thời gian trong sự hòa hợp, TS Trần Mỹ Duyệt không thấy cần nhấn mạnh về sự hiệp nhất, thời gian hiển nhiên quan trọng như thế nào qua (2Pr3, 8) « Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày ».
Thật vậy, nhà bác học Albert Einstein nói « làm phân hủy nguyên tử còn dễ hơn đánh đỗ một thành kiến »
Thay lời kết xin đề nghị nghe ông Phi-líp-phê trả lời Na-tha-ne-en chúng ta đọc lúc đầu bài:
« Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? ” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem! » (Ga1, 45)
Lễ Giáng Sinh 2019
Views: 0