Xã hội

Thân Phận Đàn Ông

Lê Đức Luận
Hồi nhỏ, khi tôi học trường làng, ngoài câu cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy giáo còn cho viết vào vở bài học thuộc lòng đầu tiên:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
(khuyết danh)
Bài học thuộc lòng này được cha truyền con nối và theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ thời thơ ấu, vào dịp Tết, các chú thím, cô cậu đem biếu ông bà nội hộp trà, cân mứt… Trong năm, vườn nhà thu hoạch được thứ gì thì đem đến cho ông bà thứ ấy – khi quả bí, lúc trái bầu… Khi ông bà ốm đau thì sớm hôm thăm viếng, thuốc thang…      Như thế coi như làm “tròn chữ hiếu.”
Những việc làm đó là tấm gương ảnh hưởng đến đời tôi – khi lớn khôn, làm có tiền,  đi đây, đi đó, nơi nào có món ngon, vật lạ không quên mua về biếu cha mẹ, và ngày Tết bao giờ cũng chuẩn bị cho cha mẹ một món quà đặc biệt.
Rồi đến lượt tôi được làm cha, đem các con sang Mỹ sinh sống vì những biến cố của thời cuộc. Nơi đây, có hai ngày lễ mang tính nhân văn mà hồi đó quê nhà chưa có. Đó là Ngày Lễ Cha (Father’s Day) và Ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day). Các con tôi báo hiếu cha mẹ dưới một hình thức khác với thế hệ cha ông.
Ngày còn đi học, đến Ngày Lễ Cha hay Lễ Mẹ chúng nó viết trên tấm thiệp in sẵn hay tự tay làm ra tấm thiệp với dòng chữ nắn nót rất dễ thương “Happy Father’s Day – Happy Mother’s Day” thêm vào mấy chữ “Love Dad – Love Mom” làm vợ chồng tôi rất cảm động.
Rồi theo tập quán ở Mỹ, đến Ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day) bao giờ tôi cũng đưa cả nhà đi ăn nhà hàng – rất vui vẻ đầm ấm… còn ngày Father’s Day lúc rảnh rang thì đi, bận thì thôi, tôi không nhắc nhở vì ngại “cái tôi”.
Khi các con lớn lên, học hành thành đạt, đến ngày Lễ Cha, Lễ Mẹ chúng nó “bao giàn.” Cha mẹ già chỉ ngồi hưởng lộc – lúc chúng mời đi ăn nhà hàng, lúc tổ chức tại nhà, có khi rủ cha mẹ cùng đi du lịch.
Nhưng xem ra Ngày Lễ Mẹ, ở nhà hàng bao giờ cũng đông khách hơn Ngày Lễ Cha. Ngày Lễ Mẹ tưng bừng, xôm tụ từ nhà ra phố – các cửa hàng bày biện nhiều món hàng mua tặng Mẹ; còn Ngày Lễ Cha thường thì âm thầm, lấy lệ.
Ngày còn trẻ, đàn ông ít ai để ý đến những chuyện như thế để phân bì hay ganh tị mà chỉ thấy thương vợ quanh năm chắt chiu lo cho chồng con từng bữa ăn, cái quần, cái áo… nên đến Ngày Lễ Mẹ, các ông chủ động và khuyến khích các con cùng tổ chức Ngày Lễ Mẹ sao cho xôm tụ để an ủi và tỏ lòng biết ơn cho xứng đáng với công khó của Mẹ.
Nhưng khi về già, đến Ngày Lễ Mẹ, thấy các con tổ chức linh đình, còn đến Ngày Lễ Cha thì chúng nó lúc nhớ, lúc quên… không nói ra nhưng trong lòng thấy “tủi!”
Sau ngày lễ Mother’s Day năm nay, ba ông già ngồi uống trà, khoe các con báo hiếu cho Mẹ – nào là bó hoa tươi, cái bóp đầm, hộp kem dưỡng da… rồi kéo nhau đi ăn nhà hàng sang trọng nhất trong thành phố.
Ba ông già đều có lòng thương vợ và nhớ lại những năm bị tù đày dưới chế độ cộng sản, các bà ở nhà lặn lội thân cò tần tảo nuôi con, tiếp tế cho chồng, cho nên bây giờ thấy các con báo hiếu cho Mẹ các ông rất vui lòng – mặc dù chỉ được ăn theo, vui ké…
Bỗng một ông ngẫm ra mà “thầm tủi” cho thân phận cánh đàn ông, mới than rằng:
– Ở Mỹ, đàn bà cái gì cũng được ưu tiên hơn đàn ông. Ngày xưa ở bên nhà, ông bà ta thường bảo “kính lão đắc thọ.” Sang đây thì từ nhà ra ngõ, lúc nào cũng “Lady first!”
Ông thứ hai phát biểu:
– Đến bây giờ ông mới than thì chậm tiến quá, tôi đã chịu “lép vế” từ lúc mới sang đây. Theo lời khuyên của những người đã sống lâu trên đất Mỹ tôi chấp nhận đứng hàng thứ ba sau đàn bà và chó với mèo.
Ông thứ ba bảo:
-Thế là ông khôn! Loạng quạng mang họa vào thân. Nhiều ông không thức thời, quen thói “chồng chúa vợ tôi” bị mấy bà chơi cho sát ván – khi có chuyện xô xát với nhau, các bà chỉ cần nhấc điện thoại quay số 911, báo: tôi đang bị chồng bạo hành… Khoảng năm, mười phút sau, cảnh sát tới – điều đầu tiên là anh chồng ôm cái còng số 8, bị đẩy lên xe đưa về bót – lỗi phải hạ hồi phân giải. Sau đó, nếu tình trạng vợ chồng không hòa giải được, đem ra tòa xin ly dị thì – cái nhà là nhà của bà, con là con của bà… Nếu anh chồng không có nghề ngỗng gì – trên răng dưới dép thì buồn tình đi lang thang, rồi nhập vào đám homeless; nếu anh chồng có nghề nghiệp, lương cao thì mỗi tháng phải chu cấp cho bà một số tiền, theo án lệnh của tòa.
Từ chỗ nói chuyện nhân văn trong Ngày Lễ Mẹ bước sang chuyện than thở “thân phận đàn ông” trước sự lấn lướt của đàn bà trên đất khách. Ông già thứ nhất, nãy giờ ngồi nghe, bây giờ nổ lớn:
-Thiệt tình với mấy ông, tôi chịu hết nổi cái “lấn lướt” của đàn bà ở bên này. Hồi trước ông bà mình thường bảo: “Phu xướng phụ tùy.” Nhưng sang đây thì: “Phu xướng, phụ xù…” Tôi kể ra vài chuyện cụ thể, nghe vừa buồn cười vừa tức: Hồi trước, lúc còn khỏe mạnh, anh chồng lái xe, bà vợ ngồi bên “điều khiển”: chậm lại coi chừng ăn ticket, nhanh lên… lái chậmnhư rùa! Ông lái xe dở ẹc! Anh chồng bực quá quát: “Bàcó ngồi yên để cho tui lái được không?” Thế là từ đó bà im lặng, mặt lạnh như tiền, và bữa cơm chiều hôm ấy chỉ có trứng luộc dằm nước mắm. Đến khi về già, bà vợ lái xe, ông chồng ngồi cạnh, trông cách lạng lách, vượt bảng cấm của bà mà “teo…” Ông chồng nhắc nhở thì bà quát: “Ngồi yên cho người ta lái…” Ông chồng im re – hồi tưởng mới ngày nào ông hướng dẫn từ lý thuyết đến thực hành để cho bà lấy được bằng lái xe mà ngán ngẫm sự đời. Ôi! Còn đâu cái thuở “nhất tự vi sư, bán tự vi sư.”
– Còn được vợ lái xe đi đây, đi đó là hạnh phúc lắm rồi – cứ tưởng tượng như ta là đại gia, có tài xế riêng… thế là thấy mình vẫn còn oai phong, ngán ngẩm làm chi cho khổ. Một ông già phát biểu như thế.
Ông già kể câu chuyện này cười hóm hỉnh, bảo:
– Ngán ngẩm là vì khi thuê tài xế riêng, nếu nó lơ mơ thì cho nghỉ việc, còn đằng này đã ký giao kèo rồi – suốt đời! Không thể đuổi được. Thế mới khổ!
Ba ông già cùng cười, nhâm nhi trà tách Ô Long, tiếp tục kể khổ. Một ông bảo:
– Những chuyện như trên là cái “tức”, còn lắm cái “bực” nữa kìa…
– Như chuyện gì, ông kể cho nghe có hợp lý không nào. Một ông yêu cầu.
Ông già kia bắt đầu kể:
– Đây là chuyện của một ông bạn: Hôm ấy, bà vợ sai lái xe đi chợ cùng bà. Vào chợ bán thực phẩm, ông chồng đẩy xe theo sau, qua hết hàng thịt đến quày rau, mỗi nơi bà ta lấy tờ báo quảng cáo ra so giá – chọn lựa mãi gần cả giờ mà không mua được món nào – bà bèn phán: “Đi chợ khác!” Lúc này ông chồng đã thấm mệt, nhưng “phụ xướng, phu phải tùy”- ra ngoài lái xe đi chợ khác mất hơn nửa giờ mới tới. Cũng như cái chợ vừa rồi – ông chồng đẩy xe theo sau, bà vợ lấy rau, lấy thịt bỏ vào xe trông có vẻ khoái chí… Ông chồng xem kỹ, phẩm chất thịt, rau không hơn chợ trước, nhưng mỗi món giá rẻ hơn khoảng 25 cents đến 30 cents. Ông chồng bực quá nói: “Mỗi thứ chỉ rẻ hơn mấy chục cents mà mất hơn nửa giờ lái xe, tính ra tiền xăng còn hơn tiền cả tiền mua rẻ…” “Đàn ông không biết tính toán gì cả, hễ bốclên là mua, không cần xem giá.” Bà vợ bảo chồng như thế. Ông chồng lấy ra từng món, cộng lại, chứng minh cho bà vợ thấy: rẻ hơn được 1đô, mà tiền xăng từ chợ này sang chợ kia tốn hơn 2 đô. Bà vợ hết cãi, nhưng bảo: “Mua mắc hơn, tức lắm, không chịu được…” Ông chồng im lặng, chịu thua và than: “Hết thuốc chữa!”
Qua những câu chuyện “tố khổ” đàn bà, một ông già nhận ra có những cái “bực” của đàn ông không phải lối, nên có lời bào chữa cho đàn bà. Ông ta kể:
– Một ông có bà vợ trẻ, khi vào nhà hàng, mấy người phục vụ đến hỏi “Thưa bác dùng món gì?” Rồi quay qua vợ ông “Chịdùng món gì?” Ông ta thấy “bực” cái lối gọi thiếu tế nhị, nên khi ăn xong, ông không cho tiền “típ”.  Nhưng ở môi trường khác như hội hè đình đám hay trên xe bus, ông lại bực khi thấy đám trẻ không “kính lão đắc thọ” để ông được hưởng những ưu tiên cho người già. Đó là những người mang tính ích kỷ – “nắng không ưa, mưa không chịu…”
Ông nhấp ngụm trà, thong thả kể tiếp:
– Vừa rồi là chuyện vợ trẻ, bây giờ sang chuyện vợ già: Một hôm đi dự tiệc cưới, tôi ngồi cạnh đôi vợ chồng già, bà vợ thường tiếp thức ăn cho ông chồng. Khi người phục vụ đem lên đĩa thịt bò lúc lắc – thơm phức! Ông chồng vừa cầm nĩa, định lấy vài miếng… Bà vợ cầm tay bảo: “Gút! Gút!” Ông chồng hạ cái nĩa xuống, ngồi yên… Tôi lấy làm ngạc nhiên, hỏi ông chồng: “Bà nhà mới nói món đó “Tốt! Tốt!” sao anh lại ngừng tay?” “Bả sợ tôi mắc bệnh gout.” “Ồ, thì ra thế! Anh mắc bệnh gout lâu chưa?” “Đâu có “gút, gout” cái khỉ khô gì! Suốt ngày bả đọc trên You Tube, rồi bà này “phết” (facebook) cho bà kia – kháo với nhau rằng: ăn thịt bò sinh bịnh gout, lại được các ông bác sĩ ‘nồ’ thêm, làm mấy năm nay, tôi thèm tô phở bò nhưng đành nhịn vì bả cấm tiệt…”
– Trong khi tôi và ông chồng nói chuyện với nhau, bà vợ nhanh tay gắp bỏ vào đĩa của ông chồng cái đùi gà to đùng. Liếc nhìn, tôi thấy bà mở ví lấy ra cái kéo nhỏ, cắt cái đùi gà thành từng miếng. Ông chồng ngồi nhìn có vẻ hờ hững…làm tôi nhớ đến chuyện “gân gà” của Tào Tháo trong truyện Tam Quốc Chí. Dù thông cảm với ông già, nhưng thái độ hờ hững trước sự chăm sóc của bà vợ đã biểu hiện sự vong ân, khiến tôi cảm thấy bất bình với ông ta.
– Lòng ích kỷ và sự vong ơn đã đưa đẩy một số đàn ông tuy già mà còn “thích chơi trống bỏi” nên về Việt Nam ăn chơi – không biết đến liêm sĩ và đạo đức là gì – hễ được những đứa con gái đáng tuổi con cháu vuốt ve, thủ thỉ “anh … anh, em… em…” là khoái. Rồi vung tiền cho các “em đồ đểu” để được phục vụ và thưởng thức các món ngon, vật lạ…. và nghĩ rằng đang được thoát “vòng cương tỏa” của bà vợ già mà quên cả cái “nghĩa tào khang.”
 – Rồi chỉ một thời gian ngắn, những món ngon, vật lạ kia chứa đầy các chất phụ gia độc hại của bọn Tàu đem vào đầu độc dân ta phát sinh ra đủ thứ bịnh. Bấy giờ, các em “đồ đểu, đồ giả” cho các ông đi chỗ khác chơi … Cuối cùng những con người ích kỷ và vong ân ấy mang tấm thân tàn ma dại về Mỹ báo hại người vợ già đã bị các ông xem như “đồ cổ”.
– Lưu Quang Vũ (1948-1988) – nhà viết kịch, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam trong thập niên 80 đã nói trong vở kịch “Ông Không Phải Bố Tôi” một câu cách nay đã hơn bốn mươi năm, vẫn còn đúng cho đến ngày hôm nay: “Chúng ta đã sống qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, để rồi bước sang thời … đồ đểu.” Trải qua mấy chục năm, bây giờ ở Việt Nam có thêm: “đồ giả, đồ dởm, đồ điên…”  Nhưng không thể qua mặt được “đồ cổ”.
Ba ông già cùng cười và đồng thuận: “Đồ cổ” là vô giá và bền lâu – “đồ đểu, đồ giả, đồ dởm” không sao sánh được.
Cuối cùng một ông đưa ra kết luận: Đàm đạo cho vui vậy thôi, chứ núi Thái Sơn có cao đến mấy cũng không bằng biển rộng bao la – sự hy sinh của người Mẹ là vô lượng vô biên… Tôn vinh Ngày Lễ Mẹ hơn Ngày Lễ Cha là hợp lẽ trong cuộc sống trần gian.
Ngoài trời mây vẫn bay, gió vẫn thoảng, chim vẫn vui ca và cuộc đời vẫn lặng lẽ trôi. Ba ông già nhìn qua khung cửa, tuy không nói ra nhưng trong lòng tự nguyện sẽ ôm “đồ cổ” cho đến giấc ngủ ngàn thu….
Lê Đức Luận

(tháng 5 – 2024)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến