Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 11/3/2024
Con người trở nên mệt mỏi nhiều hơn thuở xưa, rất mệt, mệt lắm. Đề tài này được trình bày trong nhiều tác phẩm mới xuất bản lúc gần đây, chẳng hạn như cuốn Quiet Quitting, Coffee Badging, Bare Minimum Monday và đáng kể nhất là cuốn The Great Resignation , trong đó kể rằng có tới 47 triệu người Mỹ từ bỏ việc làm, vị trí đang có để nghỉ hưu. Con người cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, không phải chỉ vì việc làm quá bận rộn, mà vì ngay trong tâm trí, họ cảm thấy tinh thần xuống thấp, chán không muốn làm việc nữa. Chúng ta hiện đang ở thời kỳ gọi là “The Great Exhaustion”, tạm dịch là “Thời kỳ thấm mệt” . Đây là thời kỳ mà giáo sư Cal Newport gọi là thời kỳ con người đi tìm cách tái lập quan hệ với việc làm để giảm bớt sự hao mòn của tâm não, hết sức tai hại.
Con người cảm thấy thấm mệt đến nỗi họ cắt giảm bớt những hoạt động trước đây vốn dĩ thường diễn ra, không làm cho người ta phải bận tâm suy nghĩ, chẳng hạn như tập thể dục, hay đi chợ mua thức ăn. Những yếu tố như hồi phục sau đại dịch, tình trạng lạm phát, và lo âu chung về tình hình thế giới, tất cả là những sự kiện gom lại làm cho con người bị thấm mệt cả về thể xác, tinh thần, cũng như về tâm lý.
Câu hỏi đặt ra là vì sao sự mệt mỏi lại gia tăng? Ba yếu tố chính đưa đến sự mệt mỏi mà chúng thường hay bỏ sót, không xem là quan trọng. Đó là tâm trạng bất lực vì không có được lối sống mình mong muốn, thứ hai là lối sống bị lôi cuốn vào những lo âu, phiền muộn ở bên ngoài mà mình không thể kiểm soát được, và thứ ba là sự bất an về tài chính. Chúng ta tìm cách bình thường hóa ba yếu tố này vào trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, việc bình thường hóa đó khiến chúng ta không để ý đến ảnh hưởng của nó đối với sự lành mạnh của thân thể và tinh thần.
Một tác giả nổi tiếng của nhật báo New York Times là Dan Buettner đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu những “vùng màu xanh”- “blue zones”- trên thế giới, là nơi con người sống mạnh khỏe, và sống lâu hơn những nơi khác. Theo tác giả Buettner ở những nơi màu xanh con người có chung một số đặc điểm như sau: Họ sống trong môi trường ở đó lối sống của con người là ưu tiên số một, nhu cầu của con người được xếp vào ưu tiên hàng đầu. Điều này có nghĩa là con người được ăn “whole food”, tức loại thức ăn nguyên thủy, không bị pha chế. Mọi người có quan hệ xã hội phong phú, vui vẻ với nhau, họ vận động thường xuyên, và làm việc có mục đích thay vì làm việc chỉ để gia tăng năng suất đến mức tối đa. Những điều này khác hẳn với tình hình thực tế hiện nay của con người. Ở những nơi nằm ngoài vùng màu xanh, con người thường phải ăn loại thực phẩm bị pha chế – processed foods – lập kế hoạch cứng rắn trong quan hệ xã hội, và vận động cũng theo chương trình, kế hoạch định sẵn, xem việc làm là ưu tiên hàng đầu, cao hơn những thứ khác. Cuộc sống hàng ngày hầu như chỉ tóm gọn vào việc làm sao cho thỏa đáp nhu cầu. Chúng ta chưa bao giờ xây dựng một xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu con người trước nhất. Chúng ta xây dựng một xã hội trong đó nhu cầu làm ăn, nhu cầu của doanh nghiệp đứng hàng đầu, và vì thế, hậu quả của lối sống đó bắt đầu xuất hiện.
Cách đây 50 năm, trong gia đình chỉ cần lợi tức của một người đi làm cũng đủ để mua nhà, mua xe, lấy vợ, và có con. Ngày nay, bạn phải là người may mắn khi cả hai vợ chồng cùng đi làm, có hai lợi tức thu nhập mới có thể làm được những điều kể trên. Để có việc làm khổ cực chu cấp cho một lối sống như mong muốn là một vấn đề. Ngoài ra, có một việc làm cực nhọc chỉ vừa đủ để chi trả cho chi tiêu hàng tháng là một chuyện khác. Phần lớn tâm trạng mệt mỏi xuất phát từ thắc mắc tại sao mình làm việc toàn thời gian, cực khổ (có khi còn nhiều hơn nữa) vậy mà vẫn không cảm thấy an lòng, vẫn còn lo âu, và không đủ phương tiện để mua sắm như thời xa xưa. Như vậy thử hỏi chúng ta làm việc cực nhọc để làm gì khi sự làm việc đó không đem lại lối sống mà chúng ta mong muốn.
Khi lối sống mà chúng ta mong muốn, như đi ăn nhà hàng trong những dịp đặc biệt, đi nghe hòa nhạc với bạn bè, mua quà Giáng sinh cho trẻ nhỏ như chúng ước mong mà không thực hiện được. Khi những điều này trở nên không thể thực hiện được, chúng ta cảm thấy bực bội là điều dễ hiểu. Bực bội kéo dài lâu biết thành tâm trạng thua cuộc, bại trận, và tâm lý bị đánh bại là tâm trạng rất thảm hại, và nó làm cho chúng ta vô cùng mệt mỏi.
Xã hội chúng ta đang sống trong một xã hội vô tình trở thành trung tâm làm việc từ lúc nào không hay từ nhiều thế hệ. Cái khó nằm ở chỗ là chúng ta không thể thuyết phục con người là khi sống trong thể loại “trung tâm làm việc” nó không đem lại cho chúng ta lối sống có phẩm chất như ngày xưa. Sự hội tụ, tập trung nhiều loại bực dọc vì không có được lối sống mong muốn, cộng với những lo âu về tài chính khiến chúng ta nằm chung trong nhóm người lúc nào cũng mệt mỏi, lo âu, phiền muộn. Tuy nhiên, có tin vui trong giờ tuyệt vọng, là chúng ta có cách kiểm soát phẩm chất của cuộc sống, và làm giảm bớt sự mệt mỏi. Chúng ta nên tìm cách nâng cao chất lượng của cuộc sống, và giảm bớt lo âu.
Cuối cùng thì tâm trạng chúng ta cảm nhận sẽ như thế nào tùy thuộc vào những quyết định nhỏ của chúng ta. Mỗi tối chúng ta ngủ được bao lâu, đặt ưu tiên cho việc phải đi bộ vào buổi sáng cùng với bạn bè, chỉ nghe những thông tin bổ ích, có ý nghĩa, đừng nghe những thông tin vô ích, cương quyết không bàn luận chuyện sở làm khi về đến nhà. Những việc nhỏ này hết sức quan trọng, và đem lại thay đổi rất lớn cho cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta phải cương quyết làm cho bằng được, không được cả nể, hay ngần ngại. Chúng ta không thể trông chờ sự thay đổi như một phép lạ từ trên trời rơi xuống. Chúng ta phải thẳng thắn xác định những yếu tố làm cho chúng ta mệt mỏi, còn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, để đảm bảo rằng chúng ta có được cuộc sống lành mạnh, an bình và thỏa đáng.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 11/3/2024
Ghi chú: Tác giả bài báo này là Emily Ballesteros có văn bằng Thạc sĩ – Master degree- về Tâm Lý Tổ chức Công Nghệ, và là tác giả cuốn sách nhan đề “The Cure for Burn Out” “Liều thuốc để chữa tâm trạng chán nản với việc làm” .
Views: 0