Xã hội

Tại Gia Tòng … Mẫu

Bùi Qúy Chiển

 

Ca dao phản ảnh phong tục tập quán. Qua ca dao ta biết ngày xưa mẹ là người mà con gái phải phục tùng. “Tại gia tòng phụ” của Nho giáo không ảnh hưởng gì tới văn hóa Việt nam. Sự kiện lớn nhất đời con gái là lấy chồng. Nhưng lấy ai là quyền của mẹ. Mẹ nào chẳng muốn con sung sướng, nên có ca dao rằng:

Canh suông khéo nấu thì ngon

Mẹ già khéo tán thì con đắt chồng .

(Canh suông là canh chỉ có rau nấu với mắm muối, không có thịt hoặc cá. Ngụ ý con gái không đẹp nhưng mẹ biết cách ăn nói thì con vẫn đắt chồng.)

Tuy nhiên con có thể bị ế chồng nếu mẹ quá kén rể:

Trăng khuyết rồi trăng lại tròn

Mụ còn kén rể con còn góa lâu.

Có khi con bị ép duyên vì mẹ gả con như mua bán:

Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng: Đừng!
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ kẻ thấp người cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

(Tiền Cảnh Hưng = tiền phát hành vào đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) niên hiệu Cảnh Hưng.)

Nhưng chưa tội nghiệp bằng cô gái miền Nam thời các Chúa Nguyễn khẩn hoang lập ấp. Bị ép lấy chồng nơi xa xôi hẻo lánh, cô van xin mẹ:

Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

(Có vào trong rừng sâu mới biết tiếng hú của vượn thê thảm như thế nào. Dường như vượn hú từ ruột gan chứ không phải từ cuống họng.

Có 3 loại chim phát tiếng khác nhau: loại hót thì nghe vui tai, loại gáy thì vui hoặc buồn, nhưng loại kêu thì ma quái như quạ, cú, các loài sơn điểu và hải âu. “Chim kêu vượn hú” dùng để chỉ rừng tràm hoang dại ở Đồng Tháp và Cà Mau thời các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi.)

Ca dao là văn chương của giới bình dân nên có người cho rằng Nho giáo không thấm nhuần tới giới này. Tuy nhiên con gái phục tùng mẹ vẫn là phong tục chung cho cả giới Nho học. Một bài văn nôm của Lê Quý Đôn viết theo thể kinh nghĩa với đề tài “Mẹ ơi con muốn lấy chồng” chứng tỏ điều này. Sau đây là vài đoạn con gái tâm sự với mẹ:

Nói nhỏ tình riêng cùng mẹ, muốn sao muốn quá thế vậy… Tuổi bằng này mà không vẫn hoàn không, lỡ bước quá long đong sao, hả mẹ?… Ôi buồng hương lạnh lẽo, tuy đã có áo đơn lồng áo kép, sao bằng da nọ ấp da kia, phỏng con mà già kén kẹn hom, quá mù ra mưa, lờ đờ trông bóng trăng chi quạ. Mà duyên phận vuông tròn, thì sum vầy cành trúc tựa cành mai, ríu rít tiếng cầm pha tiếng sắt, phỏng con chẳng có tình rình bụi, lỡ ra tha bước, lênh đênh trôi mặt nước chi bèo.
Nghĩ nguồn cơn phàn nàn cái số, nông nỗi này mẹ đã thấu cho chưa? (1)

Bài này tuy tác giả thay lời cô gái nhưng phải phù hợp với phong tục thời đó.

Trong giới quý tộc, ý muốn của con gái không phải lúc nào cũng được mẹ chiều chuộng. Bằng chứng là một truyện tình tuyệt vọng vào đầu thế kỷ 19 được người trong cuộc tự thuật qua văn chương.

Khi vua Quang Trung phá tan giặc Thanh tại Thăng Long, triều Lê sụp đổ. Một số cựu thần khởi binh nhằm khôi phục nhà Lê, trong đó có Trạch Trung Hầu (tước hiệu của một cựu thần). Khi cựu thần này chết, con là Phạm Thái nối chí cha. Nhưng vì thất bại và bị tầm nã, chàng phải giả dạng tu hành tại chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh. Kế đó chàng được bạn là Trương Đăng Thụ đang làm quan ở Lạng Sơn đón lên cho ẩn náu. Không lâu, Trương Đăng Thụ chết. Phạm Thái về quê bạn ở Nam Định để phúng viếng. Tại đây chàng gặp em gái bạn là Trương Quỳnh Như. Cùng dòng dõi thế gia vọng tộc, chàng và nàng yêu nhau. Người cha có ý thuận nhưng bà mẹ quyết chia uyên rẽ thúy. Thất vọng, chàng ra đi lấy rượu tiêu sầu, làm thơ phú giải muộn và viết truyện “Sơ kính tân trang” thuật lại mối tình của mình.

Về phần Quỳnh Như, nàng phát bệnh vì buồn rồi chết. Sau đó Phạm Thái cũng chết vì rượu. Khi ấy chàng mới 37 tuổi (1777-1813).

Truyện thật này chứng tỏ quyền của mẹ áp đặt lên con gái vào đầu thế kỷ 19 vẫn còn khắt khe.

Bước thứ nhì sau khi lấy chồng là về nhà chồng. Nho giáo coi “xuất giá tòng phu” là nghĩa vụ. Nhưng cô gái Việt theo chồng vì tình yêu hơn là nghĩa vụ. Có 3 câu ca dao chứng tỏ điều này.Lại cô gái tội nghiệp miền Nam :

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

(Trước khi lấy chàng thiếp sợ “chim kêu vượn hú”, bây giờ là vợ chàng, hương lửa bén duyên, thiếp thương chàng, xin chàng cho thiếp đi cùng để chia xẻ với chàng đói no ấm lạnh.)

Cô thứ nhì vội vã sang sông :

Vai mang khăn gói sang sông
Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo.

(Con quỷ! Tao kêu mày đâu phải vì cái cối, cái chày, cái cọc cầu ao (2). Mấy cái đó dã có bố mày thay mày rồi.Tao kêu mày đứng lại để tao dặn dò đôi điều. Mà thôi, đi đi! Đừng ngó lui mà tao khóc.)

Cô thứ ba khiến ta sửng sốt khi nghe cô thốt ra sự thật từ đáy lòng :

Mẹ cha bú mớm nâng niu
Tội Trời thì chịu, không yêu bằng chồng.

Rất ngay thẳng và mạnh dạn, cô nói ra 3 điều:

Thứ nhất, cô biết công ơn cha mẹ bú mớm nâng niu.
Thứ nhì, cô có yêu cha mẹ nhưng thú thật không bằng yêu chồng.
Thứ ba, cô biết như vậy là có tội với Trời nhưng vì yêu chồng, cô cam chịu tội.

(Thần Venus (3) phán rằng: “Nếu Trời bắt tội con chết, ta sẽ phong Thánh cho con: THÁNH CỦA TÌNH YÊU VỢ CHỒNG”.)

Bùi Qúy Chiển

Nguồn: fb Peter Nguyenthanh

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.