Xã hội

Phải chuẩn bị gì sau Covid-19

Trần Mỹ Duyệt

Trong Tâm Lý Học có hội chứng Post-Traumatic Disorder (Hậu chấn tâm lý sau một khủng hoảng), diễn tả về sinh hoạt tâm lý, tâm sinh lý của một người sau khi đã trải qua một biến cố kinh hoàng, khủng khiếp và sợ hãi. Thí dụ, sau một thời gian dài bị cầm tù, tra tấn, đối xử dã man, sau một cuộc ly dị đầy đắng đót, tranh cãi, sau một tai nạn giao thông tưởng chừng đã chết, sau một lần bị cướp hãm hiếp, tra tấn, sau lần trên đường vượt biên bị hải tặc, lênh đênh trên biển cả nhiều ngày trong vô vọng, hoảng sợ, hoặc sau một cơn động đất, sóng thần… Đối với thế giới, cơn đại dịch Vũ Hán (đại dịch Covid-19) hiện nay chính là một biến cố lịch sử kinh hoàng, mà khi nó đi qua, chắc chắn sẽ để lại những hậu chấn tâm lý (post-traumatic) bao gồm những khía cạnh tâm lý, xã hội, văn hóa, chính trị, giáo dục cũng như tâm linh trên bình diện cá nhân, quốc gia và quốc tế.

Lãnh vực chính trị

Liệu thái độ trả thù, hay nói theo ngôn ngữ bình dân là đối đầu chính trị nhắm vào Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua đại dịch Vũ Hán có đẩy họ Tập và phe nhóm của ông vào chân tường, đưa đến nạn “tức nước vỡ bờ” không? Lời qua tiếng lại giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ, và các nước khác trên thế giới ngày càng gay gắt, liệu có làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc càng trở nên hung hãn, liều lĩnh hơn không? Và nếu vậy, cuối cùng thế giới có thể lãnh chịu một cuộc đại chiến nhằm giải quyết những đối chiều về chính trị?! Tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu bao lâu Tập Cận Bình và phe nhóm vẫn còn ôm mộng bá chủ thế giới. Sau Covid-19 sẽ còn gì khác nữa?!

Lãnh vực xã hội

Lịch sử thế giới đầu thế kỷ 21 sẽ ghi lại đại dịch được cho là do âm mưu bá quyền, thâm độc và tàn bạo của Tập Cận Bình và ĐCSTQ vượt khỏi những giá trị luân lý và đạo đức xã hội. Rồi đây, mỗi lần nghĩ đến đại dịch Vũ Hán là người ta lại nhớ đến tác phẩm Chết bởi Trung Cộng (Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action by economics professor Peter Navarro and Greg Autry). Thế giới, cách riêng Hoa Kỳ, không những Tập Cận Bình và ĐCSTQ sẽ mãi mãi là khuôn mặt xấu xí nhất trong những Người Trung Quốc Xấu Xí (醜陋的中國人) “The Ugly Chinaman And The Crisis Of Chinese Culture” của Bá Dương, mà sự xấu xa này còn ảnh hưởng đến cả một dân tộc – dân tộc Trung Hoa.

Cái nhìn tiêu cực trên còn kéo theo phần lớn người Trung Hoa thuần thành mà họ cũng là những nạn nhân của chế độ độc tài, đảng trị ngay tại trên quê hương của họ. Nhưng làm sao có cái nhìn khoan nhượng, khách quan? Và làm sao tránh khỏi sự đố kỵ, phân biệt trong những giao tiếp thường ngày với người Trung Hoa? Một hội chứng hậu Covid-19 dành riêng đối với người Trung Hoa.

Lãnh vực kinh tế

Tổng Thống Donald Trump đã nhiều lần phàn nàn và cho rằng nền kinh tế hùng mạnh của Hoa Kỳ do chính quyền ông gầy dựng trong ba năm qua đã bị cơn đại dịch Vũ Hán hầu như xóa sổ chỉ trong 60 ngày!

Hàng triệu người lĩnh tiền thất nghiệp, trong đó phần lớn trực tiếp liên quan đến dịch Vũ Hán. Theo thống kê được công bố bởi Erin Duffin, ngày 7 tháng 8, 2020, số người Hoa Kỳ thất nghiệp là 10.2%. Nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hoặc phá sản. Hiện tượng suy giảm của nền kinh tế đã kéo theo một hệ lụy về ngân sách, việc cung cấp trợ cấp thất nghiệp, cung cấp việc làm. Nhiều người sẽ lợi dụng những ưu đãi của xã hội để rồi không bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm công ăn việc làm, tạo nên những bất ổn trong đời sống gia đình. Nhiều gia đình đang gặp những khủng hoảng mới, có nguy cơ đưa đến đổ vỡ.

Lãnh vực giáo dục

Những người phải lo lắng nhất là các bậc cha mẹ, các phụ huynh, và những ai có trách nhiệm đối với tuổi trẻ. Chắc chắn sau đại dịch chương trình giáo dục và việc cắp sách đến trường của con em không còn như bây giờ nữa. Các em không cần nhiều giờ ở học đường, mà có thể học trên online tại nhà. Thời gian ở nhà nhiều hơn, và do đó, đòi hỏi phụ huynh cũng phải dành thời giờ với con cái, không chỉ để theo dõi, quan sát việc học hành của các em, mà còn phải để ý đến những giao tiếp của con cái qua email, internet, facebook, twitter… Phụ huynh không thể cho rằng mình không biết kỹ thuật, không rành về computer, về iphone, ipad…nên để mặc con cái muốn làm gì thì làm. Không biết chúng đang học bài, làm bài, hay đang chu du trong thế giới ảo, lãng phí thời giờ, rất nguy hiểm khi lạc vào những đường dây tội phạm.

Giáo dục gia đình, còn đòi hỏi cha mẹ không chỉ có thời giờ riêng cho con cái, mà còn phải xây dựng thêm ý nghĩa tích cực về hình ảnh một gia đình hạnh phúc trong đó có mối tương quan lành mạnh giữa vợ chồng, tương quan cha mẹ con cái, tương quan anh chị em với nhau trong gia đình. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thời gian giao tiếp thường xuyên giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ tạo nên sự nhàm chán, khó chịu, dẫn tới tâm lý đối đầu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau.

Một phụ huynh đã chia sẻ tâm sự là rất may hai người con của chị đang trong những năm cuối đại học, nên việc học trên online không là vấn đề. Các em biết mình đang trong những ngày tháng cuối chuẩn bị tốt nghiệp nên tuy khó chịu, bực bội vì phải “dốt” ở nhà, nhưng tương đối không gây phiền toái cho cha mẹ. Vẫn theo phụ huynh này thì một số bạn bè có con ở tuổi teen rất khổ sở. Nhiều đứa nổi loạn muốn ra khỏi nhà, mặc dù chẳng biết đi đâu. Còn những em nhỏ thì sao? Một phụ huynh khác cũng tỏ ra rất mong muốn nhà trường sớm mở cửa để các em không bị tù túng ở nhà, mà phụ huynh cũng không phải mất giờ canh chừng cái iphone, ipad, chiếc laptop hoặc chiếc computer của các con.

Lãnh vực tâm lý

Khảo cứu gần đây của Ipsos survey do the Center for Public Integrity thực hiện cho biết, hơn 30% người Mỹ cho rằng Trung Quốc là nơi xuất phát và đã phát tán dịch Covid-19. 6% trong số 65% người Mỹ gốc Á Châu tham dự khảo cứu này cũng có cùng một thái độ tương tự.

Làn sóng chống đối và kỳ thị người Trung Hoa xem như đang gia tăng, lan tràn trên khắp thế giới. Mặc dù theo Charissa Cheah, một giáo sư tâm lý tại the University of Maryland, Baltimore County, sự kỳ thị này có những lẫn lộn giữa chính quyền ĐCSTQ và người dân Trung Hoa. Theo giáo sư này thì “Nhiều giả thiết hàm chứa đã được lượng giá mà không có sự tìm hiểu.”  (Alex Ellerbeck – American University)

Tại nhiều quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, United KingdomItalySpain, Greece, France, and Germany sự đề phòng Covid-19 còn ảnh hưởng đến những biện pháp khắt khe đến vấn đề di dân, nhập cư…

Thế giới đồng loạt lên án Trung Quốc, cùng lúc coi thường, miệt thị, và đồng hóa người Trung Quốc với những gì xấu xa, bỉ ổi, đáng kinh thường nhất. Những từ ngữ như thiếu văn hóa, ăn cắp trí tuệ, gian dối, sản xuất hàng giả, hàng bắt chước, bách hại tôn giáo, vi phạm nhân quyền, tham vọng bá quyền là những chữ được dùng để nói về Trung Quốc cũng như người dân Trung Quốc. Thực tế nhất, gần đây qua những bài phát biểu trình bày quan điểm bài Trung của Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo. Trong đó, những mỹ từ hoa mỹ, bóng bẩy, tế nhị trong ngôn ngữ ngoại giao không còn nữa, mà là những lời lẽ thẳng thừng, trắng trợn, vừa khó nghe, vừa đau đớn được dùng để nói về Trung Quốc.

Với cái nhìn thù nghịch, với nhận xét bất lợi, thiên kiến như vậy sẽ tạo nên một sự kỳ thị mà không thể một sớm, một chiều thế giới, cách riêng người dân Hoa Kỳ có thể quên được, có thể dung hòa được.

Ngoài ra, trên phương diện cá nhân, đại dịch Vũ Hán đã, đang, và còn để lại nhiều hệ lụy tác hại   ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý. Những triệu chứng trầm cảm (depression), hoảng hốt, hoang mang, sợ hãi (anxiety), hoặc tiêu cực, tự ty mặc cảm (low self-esteem) ít nhiều sẽ xuất hiện trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Những ảnh hưởng tâm lý này sẽ trở thành một thách thức lớn lao cho việc ổn định toàn diện con người trưởng thành, duy trì hạnh phúc cá nhân, gia đình, cũng như xã hội.

Đây là một traumatic ghê gớm nhất xét về mặt tâm lý.

Lãnh vực tâm linh

Ngay cả trong lãnh vực tâm linh. Liệu rồi sau những ngày dài theo dõi thánh lễ hoặc “xem lễ”, tham dự các việc đạo đức trên online (hoặc bỏ qua), khi thánh đường mở lại, sinh hoạt tôn giáo từ từ phục hồi sẽ có bao nhiêu người trở lại đời sống đạo như trước đây? Hay sự ươn lười, thói đạo đức có lệ trong thời gian cách ly sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhiều người. Có thể sẽ có những người lâu ngày không đến thánh đường sẽ trở nên chán nản, ngại ngùng, hoặc làm biếng rồi bỏ luôn!

ĐỐI DIỆN VỚI THỰC TẾ

Để đối phó với đại dịch và sau đại dịch chúng ta phải là gì? Thực tế trước mắt là chúng ta phải có những chuẩn bị thích hợp, tuân theo những chỉ dẫn an toàn của các cơ quan hữu trách. Dưới cái nhìn của tâm lý trị liệu, chúng ta cần áp dụng một số những thực hành sau:

-Lý trí:

Can đảm trực diện với thực tế. Dùng cặp mặt lạc quan, tự tin để nhìn vấn đề: Dịch bệnh phát xuất từ đâu, lây lan như thế nào, làm sao có thể đề phòng và đâu là những phương pháp chữa trị. Tình trạng kinh tế gia đình, công ăn việc làm, hoàn cảnh con cái ở nhà, những phiền phức đang tạo ra do dịch bệnh lúc này trong tương quan vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em. Tại sao và lý do nào mình nên khó chịu hoặc không nên khó chịu trước tình hình hiện nay.

Không khiếp sợ dịch bệnh. Không ngại đối diện với sự thật. Theo tâm lý, những gì chúng ta càng sợ hãi, lẩn tránh nó càng làm tăng thêm khiếp sợ, hoang mang, và chùn nhụt ý chí. Chỉ khi can đảm nhìn thẳng vào vấn đề, tự nhiên ta sẽ có những giải pháp cần thiết.

-Tình cảm:

Mỗi ngày trong gia đình vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em dành một thời gian nhất định, ngồi lại cùng chia sẻ, trao đổi những ưu tư, những khó khăn, và những trăn trở của nhau. Khích lệ và khuyến khích lẫn nhau. Đây là một hình thức group therapy, group support. Ca dao Việt Nam có câu: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Những khó khăn mà có người cùng chia sẻ, cùng gánh vác tự nhiên sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chấp nhận.

Về mặt tình cảm, những giờ phút này sẽ sưởi ấm lại, làm phong phú hơn tình cảm mọi người trong gia đình.

-Xã hội:

Đại dịch ngăn trở những cuộc gặp gỡ thường xuyên, nhưng không ngăn cản tình bạn, tình hữu nghị, tình người. Chúng ta có thể dùng điện thoại, email, tin nhắn hoặc những phương tiện hiện nay để hun nóng tình cảm và nâng đỡ nhau. Lâu ngày không gặp nhau, tình cảm tự nhiên trở nên lạnh nhạt. Nếu không thường xuyên thăm hỏi nhau ít là một cách gián tiếp, sợ rằng qua đại dịch chúng ta sẽ nhìn nhau một cách xa lạ, hoặc ít nhất cũng cảm thấy ngại ngùng, và không biết bắt đầu tình cảm mình lại từ chỗ nào? Câu nói: “Xa mặt, cách lòng” có thể đã xảy ra đối với chúng ta trong những ngày này.

-Tâm linh:

Ai cũng có một niềm tin. Theo tâm lý, tinh thần, niềm tin có một tác dụng rất mạnh mẽ vượt trên những gì thuộc thế giới vật chất. Thường ngày chúng ta vẫn nhìn nhận có những phép lạ xảy ra trong thế giới siêu hình. Và đây là lúc chúng ta cần nhìn đại dịch với cái nhìn tâm linh này bằng cách áp dụng những bước thực hành theo nguyên tắc BFF. Không phải là Best Friends Forever, nhưng là Breath-Focus-Faith.

-Breath-Hít thở không khí tinh thần, không khí thiên nhiên để tạo cho mình sự tỉnh táo, sức sống mới.

-Focus-Chú tâm và hướng tầm nhìn vào Đấng Tối Cao là Thượng Đế toàn năng, Đấng có thể làm được mọi sự vượt trên khả năng của con người.

-Faith-Tin vững vàng vào Thượng Đế. Chỉ mình Ngài sẽ giải thoát ta trong những hoàn cảnh khó khăn, vì Ngài là Thượng Đế tốt lành.

Chỉ khi nào tâm hồn mình lắng đọng, hòa mình vào với cái bao la của đất trời, lúc đó chúng ta mới thấy mình dễ dàng đón nhận, và nhẹ nhàng chấp nhận hơn những gì do đại dịch mang lại. Sau khi bình yên trở lại, chúng ta sẽ thấy mình có một lối sống, một tầm nhìn cao cả hơn, buông bỏ hơn, và nhẹ nhàng hơn. Đây cũng chính là phương pháp trị liệu tinh thần. Con người chỉ là một hạt bụi giữa thiên nhiên bao la, mênh mông, vô tận. Không có tầm nhìn này, con người dù tài trí đến đâu, xuất chúng đến đâu cũng không tìm được câu trả lời cho cuộc sống của chính mình.

Cơn đại dịch Vũ Hán đã, đang, và sẽ để lại nhiều hệ lụy tác hại trên bình diện toàn cầu về nhiều khía cạnh, ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý. Nó sẽ trở thành một thách thức lớn lao cho việc ổn định toàn diện con người trưởng thành, duy trì hạnh phúc cá nhân, gia đình, cũng như xã hội. Do đó, điều cần thiết nhất lúc này là chúng ta phải ý thức rõ ràng về nó: nguyên nhân, diễn tiến và hậu quả, những hiểu biết về căn bệnh một cách khoa học, đặc biệt chuẩn bị một tâm lý trưởng thành hầu vượt qua những ảnh hưởng và hậu quả sau này khi nó đi qua.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.