Xã hội

Nhìn từ vĩnh cửu

Quế Hương

 

Năm tôi mười sáu, mẹ mời về nhà một ông thầy nổi tiếng bói tên. Ông ta không tráp, không sách, không quẻ. Đồ nghề của ông ta chính là đôi mắt. Đôi mắt có ánh nhìn cứng lạnh như mũi khoan thủng thỉnh đục từng mẩu đời cho đến khi lộ số phận. Ba người ngồi một dãy nhưng ánh mắt của ông ta chĩa vào chị Ái.

– O tên chi?

– Dạ… Ái.

– Đời o lộ cả trong cái tên: Ái là yêu. O yêu thiệt dễ sợ! – Ông bỏ lửng ở đó, quay qua mẹ tôi:

– Tên bà?

– Dạ … Lội.

– Lội suốt đời phải không? Vì mẹ, vì chồng, vì con…

Mẹ tái mặt còn tôi ghé tai chị Ái:

– Bói rứa em bói cũng được. Căn cứ vào tên mà suy diễn. Vả lại mạ nói đàn bà mấy ai không khổ.

– Ừ, mụ non nói có lý. Thầy nói tau yêu dễ sợ… Nhưng tau có trái tim đông lạnh, sức mấy!

Đôi môi đỏ mọng trề ra rồi chủ nhân trái tim đông lạnh đứng dậy, nhưng không bỏ đi vì câu tiếp theo của ông thầy:

– Sáu, bảy mươi tuổi nhà bà có tai biến, bắt đầu nếm mùi cực. Tuổi trăng tròn phải lưu lạc. Chồng con không ra chi. Đôi chân bà là đôi chân biết khóc, luôn dầm trong nước, “ướt ” suốt đời. Đưa nó ra đây!

Mẹ tôi líu ríu chìa chân ra. Đôi chân in dấu số phận. Chỗ chai, chỗ sần, chỗ lõm, chỗ nhô xương, móng hư, móng trụi… Dấu vết lầm than lấm tấm như lệ ứa.

Chị Ái ngồi xuống hình như bị lực hút của ông thầy. Hình ảnh bà ngoại điên đẹp tuyệt trần đứng cởi quần rũ hiện ra trong nắng. Bà tôi điên khi mẹ tôi lên tám, vẫn đẹp lạ lùng cho đến khi chết. Tôi còn nhớ bà ngoại hay nói một mình, phì cười và cởi quần rũ. Động tác nào của bà cũng tự nhiên, duyên dáng. Đúng là mẹ đã đi ở từ năm mười ba để lấy một món tiền chữa bệnh cho bà mẹ điên. Đôi mươi về lấy một anh thợ hớt tóc nghèo. Khoảng mười năm bệnh lao cướp mất chồng… Vâng, cuộc đời mẹ, thầy tóm trong mấy câu mà đúng đến sởn da gà! Cả đôi chân mẹ, suốt đời chui rúc lặn lội sao ông ta nhìn thấy và gọi tên nó thật đúng – Đôi chân biết khóc! Chị Ái có vẻ hoang mang. Tôi nghe chị lẩm bẩm: “Chân vợ ổng cũng rứa thôi. Đàn bà mà!”. Thế nhưng tôi thấy chị lén nhìn chân mình.

– O tên chi? ánh mắt ông thầy xỉa vào tôi. Vẫn cái ánh mắt dễ sợ ấy. Lập tức con bé “cắc cớ” trong tôi xúi tôi nói láo:

– Dần ạ!

Bà chị bụm miệng cười còn ông thầy tỉnh bơ cắm ánh mắt vào tôi bắt đầu khoan:

– O khổ vì không giống cọp. O hiền và đa cảm đa mang. Hiền là thiệt, thương là khổ. Hay thương nhưng lại dễ bị người ta ghét. Trái tim đa cảm của o tự vệ bằng những cái gai – bướng bỉnh, lạnh lùng, kênh kiệu , khó gần…

Sau bữa bói tên, những người đàn bà trong nhà tôi dường như khổ hơn. Mẹ hay nhìn “đôi chân biết khóc”. Tôi xù gai tăng cường bảo vệ trái tim yếu đuối bằng thành trong lũy ngoài và thề tránh xa mấy lão vừa xoi vừa bói. Chị Ái trông như vô sự vì trái tim chị vẫn “ngủ đông”! Cô giáo mới ra trường đẹp như hoa khôi nhưng lạnh như nước đá vẫn chưa có bồ dù lượn lờ quanh chị cả tá. Loại lì lợm lăn xả vào nhà, chị lấy chổi quét. Loại ngang lứa, chị bảo “hỉ mũi chưa sạch”. Loại chững chạc, chị thưa cụ… Mẹ tôi đe ở góa, chị bảo: “Thầy bảo con lụy vì yêu, ở quá hết lụy”. Mẹ im lặng ân hận. Còn tôi rủa thầy xem mặt bói tên!

Chị Ái không ở góa. Chị lấy chồng muộn khi mẹ tôi đã qua đời, ở tuổi băm. Tôi tò mò nhìn người làm nóng trái tim mùa đông và khiến cái đầu ngang ngạnh của chị đầu hàng. Trong ảnh anh ta trẻ hơn chị và trông quen quen. Chị viết trong thư chị rất hạnh phúc, đến nỗi thỉnh thoảng chị cứ muốn hét lên với ai đó rằng chị hạnh phúc lắm lắm…

Một ngày, tôi nhận một bức điện khẩn từ thành phố Hồ Chí Minh: “Chị cần em. Thu xếp vào với chị gấp”.

Tôi gặp chị tại phòng hồi sức của một bệnh viện. Chị già đi, gầy rộc hốc hác. Đôi mắt đen toát lên ánh lửa dữ dội của kẻ đang quyết đấu. Nằm mê man bất động trên giường lủng lẳng dây ống là chồng chị. Mặc năm tháng và biến đổi, tôi vẫn nhận ra đó là thằng Chuột!

Thằng Chuột thua chị Ái ba tuổi, lớn hơn tôi một tuổi nhưng không ai gọi đứa quanh năm làm thuê gánh mướn, không cha không mẹ bằng anh! Thằng Chuột thường ở trần khoe chỗ lõm trên vai, nơi chiếc đòn gánh luôn đè nặng từ khi cha mẹ nó chết vì trúng mìn khi xăm tìm phế liệu. Nó bảo đó là chỗ đựng tiền nuôi em. Hồi đó em nó còn nhỏ, gánh thuê nó phải dắt em theo. Gánh xóm nào gửi em xóm ấy. Trông nó gánh nước thật buồn cười. Quang gánh e dài hơn nó và nước thì lưng lửng thùng. Thế nhưng có việc gì người trong xóm cũng gọi nó vì nó siêng năng, thật thà và rất thương em. Nó hay gửi em nó ở nhà tôi. Con bé la lết chơi, thấy cái gì cũng cho vào miệng. Tôi lén lấy cục đường đen kho cá trong chạn cho nó còn chị Ái đem con bé nhem nhuốc gầy gò ra bể nước “đánh bóng”. Tắm rửa xong xuôi gói trong chiếc áo cũ rộng thùng thình, trông con bé rất ngộ. Thằng Chuột cảm động lắm. Nó thường nán lại chẻ giúp đống củi, buộc cái chổi hoặc chữa cái gì đó… Mùa mưa, nước trời lai láng, thằng Chuột chuyển qua bán kẹo gừng. Thỉnh thoảng gửi em và trả công cho chị em tôi mấy cái kẹo. Viên kẹo như chiếc bánh ú nhỏ xinh, tẩm bột cho khỏi ẩm, sực nức mùi gừng. Chị Ái thường lè lưỡi liếm sạch lớp bột rồi mới ngậm. Chúng tôi nói chuyện bằng cái giọng ngọng nghịu bởi viên kẹo trên lưỡi. Những ngày mưa dầm thúi đất ấy, anh em thằng Chuột là tia nắng. Bốn đứa chơi trò bán buôn hoặc vợ chồng. Chị Ái thường đòi làm vợ thằng Chuột để ăn kẹo gừng. Còn tôi thích làm mẹ con Bẹp, em nó. Thằng Chuột lại thích trò dạy học. Nó bảo nó nhất định nuôi em nó thành cô giáo!

– Sao vậy chị?- Tôi bối rối hỏi trống.

– Ảnh xuống vét cái giếng cho xóm… trèo lên ngã vật ra mê luôn. Nằm ở trên một tuần, chị chuyển vào đây – Giọng chị Ái khô khốc. Mắt chị nhìn dán vào cái hình hài bất động trên giường.

– Bác sĩ bảo sao?

Chị không trả lời, bọc người bệnh bằng ánh mắt da diết mênh mông.

Chị nhận ở tôi mọi sự giúp đỡ ngoại trừ thay chị ngồi bên… anh. Tôi cứ lướng vướng với tiếng “anh” ấy! Chị Ái không rời anh quá mươi lăm phút. Hình như chị sợ anh mở mắt khi không có chị hoặc chị biết thời gian anh còn đấy không bao lăm và chị chắt chiu từng phút còn lại. Tôi không hề thấy chị đặt lưng xuống giường. Ngày đêm chị ngồi bên giường người bệnh, làm các động tác chăm sóc một cách tỉ mỉ, bọc anh trong cái nhìn trĩu nặng yêu thương. Khi chị mệt quá, chị ngủ gục trong khoảnh khắc rồi tỉnh dậy hoảng hốt. Tôi biết chị sợ tử thần. Thi thoảng lão lại tạt qua. Khi lão hiện diện phút giây dài đằng đẵng, cả nắng cũng ốm và đến người khỏe mạnh như tôi cũng cảm thấy khó thở. Lão dửng dưng ghé nhìn anh và thằng bé mười bảy lún phún ria mép, bị chấn thương sọ não vì đua xe nằm cùng phòng. Ánh mắt nghiệt ngã của lão làm tôi ớn lạnh. Hồi nhỏ, cả nhà bảo tôi bị nhiễm vi rút TT (vi rút tưởng tượng). Tôi sợ đến phát khóc khi chứng kiến một con bé bị xe tông chết khi băng qua đường. Dòng xe ngưng chảy. Con bé nằm lộ như con búp bê bị quẳng ra đường. Đến lúc ấy tôi mới biết rằng người ta vẫn có thể chết khi còn rất trẻ. Chị Ái bảo có một lão mặc áo choàng đen, mang bị gậy. Lão sờ vào ai là lấy đi hồn vía của người đó bỏ bị. Từ đó ngủ với mẹ và chị, tôi chen vào giữa, trùm chăn kín mít. Tôi sợ lão thấy tôi. Còn bây giờ, tôi cứ như kẻ vô hình trong mắt lão! Lão vẫn nhìn chòng chọc chồng chị Ái và cái thằng lún phún ria mép ấy. Khi chị Ái thiếp đi vì mệt trong khoảnh khắc, tôi thay chị lắng nghe tiếng tí tách của từng giọt sống mỏng mảnh truyền vào người bạn cơ cực thời thơ ấu và canh lão. Bây giờ tôi thấy lão mà lão không thấy tôi!

Có một lần gánh đầy bể nước, thằng Chuột gãi đầu cố ngập ngừng đề nghị:

– Tui không lấy tiền công gánh nước, dán bì, chẻ củi chi tui cũng làm không công hết… chị dạy con Bẹp học với!

– Răng mi không dạy em? – Tôi cong cớn hỏi.

– Tui biết có ba chữ: O tròn như quả trứng gà, Ô thời đội mũ, Ơ đà mang râu. Con Bẹp học hết ba chữ nớ rồi !

Chị Ái cười ngặt nghẽo:

– Té ra mi mù chữ. Để tau dạy cho. Học phí tau tính bằng kẹo. Mỗi buổi hai cái kẹo gừng.

Thằng Chuột gật đầu lia lịa.

Khi con bé học, thằng Chuột nuốt lén chữ đực chữ cái vào bụng, thế mà biết đọc trước cả em nó. Thấy nó sáng dạ, chị Ái bày luôn cho nó để kịp kéo vào tai và bắt nó gọi bằng sư phụ. Đồ đệ không những để dành kẹo gừng, làm thủ công, tìm lá thuộc bài, bắt chuồn chuồn, ếch nhái cho chị em tôi lấy điểm. Chị Ái mười bảy, mười tám, thường có đuôi quẩn chân, thằng Chuột lại vác thiết bản đòn gánh hộ tống chị. Khi chị Ái thôi dạy, trình độ văn hóa lôm côm của thằng Chuột khoảng lớp ba và tai nó hết nguy cơ thành tai lừa!

Thế mà trong hồ sơ bệnh án ghi: Lê Chuột, 35 tuổi. Nghề nghiệp: Kỹ sư. Hôn mê sâu vì khí độc dưới lòng giếng. Chuyển từ bệnh viện Đác Lắc…

Người ta đã chuyển anh ấy ra khỏi phòng đặc biệt để nhường chỗ cho những kẻ còn hy vọng. Y học hầu như đã bất lực nhưng chị Ái vẫn không đầu hàng. Nữ trang, tiền bạc, hết sạch, chị thế chấp nhà và mảnh đất trồng cà-phê ở Đác Lắc vay ngân hàng một số tiền lớn duy trì cho anh điều trị ở bệnh viện. Tình yêu và niềm hy vọng vẫn rừng rực trong mắt chị. Tôi thường bắt gặp chị ôm anh như truyền cho anh sinh lực của mình, thầm thì nói với anh như anh nghe được, tắm anh bằng những nụ hôn đẫm nước mắt. Chị gầy nhanh, tinh lực chỉ còn trong đôi mắt hõm sâu. Bác sĩ điều trị bảo tôi khuyên chị đem anh về nhưng tôi và họ đều không thuyết phục được chị. Chị còn tiền trang trải và vẫn tin anh sẽ mở mắt nhìn chị.

– Thế chị gọi thằng Chuột bằng anh lúc nào? – Một đêm tôi buột miệng hỏi.

– Khi lấy nhau.

– Thế chị… thích… hắn lúc nào?

– Hồi ấy…

– Ừ. Hồi đó chị chỉ nhớ tới hắn khi có việc gì sai hắn… Khi chị quên mất hắn từng có mặt trên đời thì hắn bỗng hiện ra. Chị nhận một lá thư chữ rất đẹp. Hắn báo em hắn học năm cuối ngành sư phạm. Còn hắn đã tốt nghiệp bổ túc văn hóa phổ thông trung học, đang đợi kết quả thi vào đại học. Hắn xin phép ghé thăm…

– Em không tưởng tượng nổi chị ngạc nhiên thế nào đâu khi đứng trước hắn. Một người đàn ông thực sự – từng trải, phong trần và đẹp! Chị bối rối không dám gọi hắn là… thằng Chuột nữa. Từ đó theo với những chuyến tàu hắn hay xuất hiện bất ngờ với những món quà thời thơ ấu. Gói kẹo gừng chị thích, chùm keo ngày xưa chị bắt hắn lội qua ao bẻ, con sóc bằng xơ mướp mà chị em mình từng giành nhau, bó hoa dại toàn thứ tụi mình chơi đồ hàng… Hắn làm chị ngỡ thời gian không có thực và chị vẫn ở cái thuở be bé ấy! Hắn ít nói, hay làm. Đến chỗ chị có gì hư cũng xắn tay sửa. Có khi hắn còn xách nước… Hắn đang là sinh viên năm thứ nhất ngành cơ khí… Xí nghiệp nơi hắn làm công nhân cho hắn đi học… Tần tảo, vất vả hơn mụ đàn bà… – Giọng chị Ái rã ra từng mảnh.

– Rứa hắn tỏ tình với chị ra răng? – Tôi tò mò.

– Không nói chi cả. Cứ lẳng lặng tận tâm tận tụy. Cũng như ngày nhỏ, có hắn chị cảm thấy vui và yên tâm. Có một lần hắn giáp mặt anh chàng đang theo đuổi chị. Anh ta ngồi lâu ơi là lâu. Hắn thay cái đèn neon trên bàn chị cũng lâu như thế. Sau đó lấy chổi quét nhà xoèn xoẹt…

– Thì hồi nớ chị từng biểu hắn làm rứa để đuổi khách – Tôi cười.

– Nhưng hồi nớ chị chỉ là con ranh 16, 17. Khi anh ta về, hắn bảo:

– Cô có nhớ cái đòn gánh dùng làm thiết bảng bảo vệ cô ngày xưa không? Tui… còn giữ đấy! Lần sau… tui đem theo nhé!

– Bảo vệ kiểu ấy chắc sư phụ ế! – Chị trợn mắt.

– Người ta chê tui lấy! – Hắn lầm bầm trong miệng.

Anh ấy mỗi ngày chết đi một tí. Như chiều cứ tà dần và không ai ngăn được mặt trời lặn. Tôi trở lại với chị vì con Bẹp ngày xưa anh vắt kiệt cả thanh xuân vun bón thành cô giáo dạy toán vào với anh có một tuần rồi bay ra dạy cours. Anh trở thành bệnh nhân lâu nhất khoa, một bệnh nhân đã tàn hy vọng mà bệnh viện đã nhiều lần ngỏ ý đuổi về. Những lúc ấy chị Ái trở thành kẻ quyết chiến. Nước mắt, sức mạnh dữ dội của tình yêu, cả tiền bạc nữa hỗ trợ chị… Anh đã nằm hết tháng thứ ba. Nhìn chị Ái tôi thấy sợ. Những gì liên quan đến con bệnh, chị khắc cốt ghi tâm còn mọi thứ đều lơ đãng. Chị mất dần khả năng ăn ngủ. Thế nhưng chị không có vẻ bất hạnh. Hoàn toàn hiến dâng mình cho kẻ khác xem ra cũng là một thứ hạnh phúc.

– Chị còn nhớ cái lần tụi mình tắm sông không?

– Nhớ.

Chị òa khóc. Tôi để mặc. Nước mắt sẽ kéo chị trở lại với cõi người đau khổ.

Chị Ái rủ tôi tắm sông. Chị muốn thử nghiệm hiệu quả cho chuồn chuồn cắn rốn. Xuống nước chúng tôi vẫn đeo cứng phép. Cuối cùng chị Ái bảo : “Đồ rệp. Ngó tau bơi nì!”. Chị thả tay, hí hửng quẫy đạp vài cái rồi không thấy đâu cả. Tôi thất thanh kêu cứu. Một bóng người lao vút đến, lặn xuống và túm lấy mái tóc dài của chị Ái lôi lên. Tôi nhận ra thằng Chuột. Thằng Chuột đem chị lên bờ vác ngược chị chạy. Sau đó hắn đặt chị xuống và để hai tay trên ngực chị ấn lên ấn xuống. Lập tức tụi đứng coi ré lên: “Thằng Chuột bóp vú con Ái?”. Chị Ái tỉnh lại nghe thế, hất tay hắn rồi co cẳng đạp giữa tiếng reo hò khoái chí của tụi nhỏ. Hắn lắp bắp: “Tui thấy họ cứu người chết đuối làm vậy mà!”. Nhưng tụi kia vẫn ré: “Thằng Chuột dê! Thằng Chuột dê!”. Hắn xấu hổ bỏ đi. Chị Ái lườm theo. Chẳng đứa nào coi việc hắn cứu chị Ái đáng phải cám ơn.

– Sau này anh ấy bảo anh ấy lo nên đi theo, luẩn quẩn gần đó. Còn chị bị mạ quất cho mấy roi vì tội đạp người cứu mình. Mạ bảo: “Đồ vô ơn. Không có hắn mi thành ma rà rồi!”. Chị trả thù mấy roi bằng nghỉ chơi với hắn. Hắn năn nỉ: “Tui sợ cô thành ma rà mới làm thế! Tui không dê! – Tau mà thành ma rà mi tắm tau dận nước”. – “Cũng được!” – “Rứa mi không sợ làm ma ư?” – “Cô làm ma, tui cũng thích làm ma”… Hồi ấy sao chị quá quắt ngoa ngoắt thế không biết? – Chị Ái cười rơi nước mắt rồi nhìn anh thì thầm – Anh ấy nghe đấy! Anh ấy thích nhắc chuyện ngày xưa lắm? Giờ chị có thương anh ấy mấy cũng không bù nổi tình thương và lòng quý trọng anh ấy dành cho chị. Anh ấy bảo hình bóng chị đã động viên anh ấy ngoi lên từ đáy cuộc đời. Trong giấc ngủ cũng đau đáu ước mơ vượt lên số phận. Thỉnh thoảng chị nhận một món quà tự làm ngồ ngộ, dễ thương đến nỗi chị cứ đem khoe. Bao giờ cũng kèm một câu: “Tôi đang chạy cho kịp. Hãy đợi tôi!”. Chị cứ tưởng của một thằng man man nào đó… Anh ấy ra trường, hai đứa chị lấy nhau. Nếm mùi vị nghèo gần trọn đời nên sợ lắm. Gì cũng làm, làm quần quật để tạo dựng cơ nghiệp, để chị sung sướng. Chị sống với ảnh được năm năm hai tháng bốn ngày. Kể 4 năm yêu nhau là chín năm. Kể cả lúc anh ấy là “thằng Chuột” và cả sau này, lúc anh ấy đã ra đi. Vậy là cả đời. Hai đứa chị sinh ra là để hợp nhất với nhau…

Chị nói với tôi nhưng vẫn nhìn anh và tôi có cảm tưởng anh ấy đang nghe chị. Ngay cả lúc này vẫn không thấy chị bất hạnh. Yêu là thế sao? Là cuộc đời này tỏa sáng vào cuộc đời khác và người đó trở nên tốt hơn, mạnh hơn? Nếu thế thì quả tôi chưa yêu và được yêu bao giờ!

– Nhọc nhằn lắm mới có ngày hôm nay. Thế mà cứ chuốc vạ vào thân, lận khổ trong người. Giếng của người ta mắc chi mà! – Tôi đau lòng buột miệng.

– Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Em coi nì – Chị giở tấm ra đắp chân anh. Một bàn chân bị mất ba ngón.

– Sao thế?

– Cái giá của một lần cứu một thằng bé chạy lúp xúp theo trái banh rớt trên đường ray khi tàu đang vào ga. Kho khối sắt khổng lồ sầm sập lướt qua, tim chị như bị nghiến… Chị cầm tay anh ấy trước, vào lúc đó!

– Thế chị yêu vì anh ấy tốt hả?

– Vì tất cả.

– Chị có hối tiếc vì yêu muộn không?

– Không, có lẽ chị yêu anh từ sớm lắm, từ hồi còn là con bé ngoa ngoắt mà chị không ý thức đó thôi. Anh ấy là mối tình của cả đời chị. Là đầu. Là cuối. Là duy nhất.

– Chị có biết anh ấy… sắp chết? – Tôi thì thầm.

– Anh ấy chỉ đi trước thôi và anh ấy sẽ đợi chị. Bao giờ anh ấy cũng đợi chị.

Khoa hội chẩn và quyết định thứ hai tới cho anh về. Họ trưng bày những chứng cứ y học để cho chị Ái thấy đã vô vọng và không nên mất công sức, tiền bạc nữa. Hãy để thân thể bất lực của anh an nghỉ. Chị Ái bỗng trở nên ngoan ngoãn.

Thứ hai có ý nghĩa là còn một ngày một đêm nữa. Chị Ái xin chuyển anh vào một phòng nhỏ, được ở một mình với anh và tự chị sẽ rút ống thở ra khỏi anh. Khoa đồng ý. Hai mươi bốn giờ ấy, phòng bệnh trở thành phòng của đôi tình nhân tạm biệt nhau. Tôi bứt lén một ít lan dại mầu tím trong bồn cỏ bệnh viện cắm vào ly nước. Rằm cho ánh trăng – hào phóng, lênh láng phủ lên muộn phiền, tiều tụy, chết chóc… Cửa khép. Chị ở trong ấy cùng anh. Tôi ngồi ngoài cùng lão. Lão đã đến. Không chuông mà văng vẳng tiếng chuông gọi hồn. Không áo quần mà có tiếng sột soạt. Không hơi thở mà vẫn thấy khí lạnh… Tôi lắng nghe tiếng tí tách của từng giọt thời gian và tôi khóc. Còn lão điềm nhiên đợi xong chuyện.

Họ nằm bên nhau. Chị Ái ôm cổ anh thủ thỉ. Mơ hồ như tiếng vọng. Nhẹ như gió thoảng. Trăng sáng đến rợn ngợp, càng khuya càng sáng. Đêm không đen, đêm nhờ trắng. Trên cái nền trắng của hư vô ấy, tôi thấy tình yêu, khổ đau, sự sống, cái chết nắm tay nhau khiêu vũ dưới trăng. Tôi dí mắt vào cửa kính. Lão cũng thế. Đêm múc trăng dội xuống họ. Gương mặt tái nhợt của anh gối trên cánh tay ngà của chị tôi ngời ngợi ánh trăng. Tôi có cảm giác hàng mi anh run rẩy khi chị hôn mắt, tay anh khẽ khàng động đậy khi chị ôm anh và tôi nghe… lão thở dài!

Đêm cạn đáy, tiếng thì thầm bặt. Có lẽ họ đã thiếp trong tay nhau. Tôi thấy lão len lén đi xuyên qua tường.

Lão trở ra với cái bị phồng to. Tôi thấy rõ ràng lão quệt nước mắt. Lão lướt qua tôi như làn gió lạnh, nhanh đến nỗi tôi không kịp cảm ơn. Phải, tôi muốn cảm ơn: “kẻ thù” của chị tôi, người đã đánh bại chị sau ba tháng đối mặt. Cảm ơn lão đã bền lòng đợi chị thiếp ngủ để làm nhiệm vụ. Chị tôi hẳn không đủ sức rút những giọt sống cuối cùng ra khỏi nửa sinh mệnh của chị.

Khi tôi và người bác sĩ trực bước vào, hai người vẫn ở trên giường. Gương mặt anh thanh thản trong giấc vĩnh cửu. Gương mặt mệt mỏi và nỗi đau dồn nén trăm ngày của chị dãn ra trong giấc ngủ đầu tiên trên giường sau bao đêm trắng, ở bên anh. Trăng đã ra khỏi phòng lâu lắm rồi nhưng một mảnh tai tái ngủ quên trên tóc chị, trắng như khăn tang cho đến hết đời chị tôi!

Những gì diễn ra sau đó dường như không liên quan đến chị nữa. Người ta bảo lạy, chị lạy. Dìu đến lò thiêu, chị đi… Nhưng chị chẳng ăn nhập gì đến khung cảnh tang tóc chung quanh. Có lẽ chị không cảm thấy mất anh vì anh vẫn tồn tại trong chị. Đêm đầu tiên về lại nhà mình, nằm trên chiếc giường đã trở thành mênh mông, chị nằm một phía, phía kia có anh. Khuya chị bật dậy. Tôi nghe chị gọi: “Anh, anh ở đâu? Em không thấy tay anh”. “Anh ở bên em, em yêu” – Tôi nghe tiếng đáp.

Tôi rón rén trở lại giường mình. Ngày mai tôi yên tâm trở về. Không sợ chị đơn độc. Không sợ chị yếu đuối. Có lẽ tôi lại mất việc. Nhưng tôi sẵn sàng bắt đầu lại. Tôi đã học nhiều điều trong hơn tháng kề cận họ. Đời rộng mênh mông bởi tôi đã nhìn ngắm nó dưới góc độ vĩnh cửu./.

Quế Hương

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.