Phạm Văn Bản
Thời gian còn làm Trung Sĩ Thông Dịch Viên trong Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Việt Nam vào năm 1969, trước khi tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, mình có dịp tháp tùng phái đoàn Dân Sự Vụ (Civic Action) Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (U.S. 18th Military Police Brigade) đi công tác ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến công du này tôi đã phát hiện ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia thực thi được chính sách phát triển kinh tế đã làm thịnh vượng cho toàn thể xã hội và xóa bỏ được nhiều điều bất công.
Đây là một điểm son đầu tiên với cái nhìn của một người thanh niên thời chiến như tôi, hằng tâm cưu mang hạnh phúc dân tộc mà tìm tòi học hỏi những điều hay cái lạ của xứ người.
Để phát triển kinh tế và san bằng cách biệt giàu nghèo, hay giữa hai lớp người thành thị và nông thôn, chính quyền Nhật Bản đã khôn ngoan giải quyết vụ việc bằng cách tăng vật giá nông phẩm lên cao sao cho ổn định và điều hòa với những nhu cầu khác của xã hội, nhằm tạo cho lợi tức của những người nông dân không bị thua thiệt quá mức so với lương bổng đang có của lớp người công nhân thành thị.
Với chính sách nông nghiệp Nhật Bản, giá thành lúa gạo bán ra được tăng cao nhiều phần trăm, nhưng gía mua phân bón hay thuốc diệt trừ sâu rày của nông dân lại được giữ ổn định ngoài thị trường. Cho nên đời sống nông dân đã được chính quyền quan tâm giúp đỡ, bởi đó người nghèo cũng có phương tiện để giúp cho con cháu tới trường theo học, và nâng cao dân trí.
Nhìn thực tế vào xã hội Nhật Bản, tôi chiêm nghiệm rằng rằng, sự thay đổi đời sống dân tộc là do chính quyền phải làm, chớ không phải là do dân… như lời triết gia Hy Lạp Aristotle, hai ngàn năm trước từng nói “Nước nghèo, dân đói thì đem chính quyền ra mà khảo hạch.”
Lúc đó tôi cũng liên tưởng về quê hương Việt Nam, với bao lớp người dân sống nghèo khổ trên các vùng chua nước phèn và ảm đạm xác xơ. Sản phẩm người dân làm ra lại bị bọn con buôn đầu nậu cấu kết với chính quyền để tự ý định đoạt giá nông phẩm nhằm trục lợi tư riêng.
Trong khi nhu cầu nông nghiệp như máy móc, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… lại bị nhóm thương gia đầu cơ tích trữ, tạo ra thị trường khan hiếm giả tạo để bán giá cao cho nông dân tiêu thụ. Bởi đó, nông dân ta vốn dĩ nghèo khổ mà đời sống lại không được chính sách bảo trợ nông nghiệp như chính quyền Nhật Bản, cho nên người dân càng ngày càng cơ cực, bất công xã hội lại càng tăng.
Chính quyền Việt Nam lại thường viện cớ đang có chiến tranh, phải ưu tiên phục vụ công tác chiến trường cho nên đã làm ngơ hay phó mặc cho đầu nậu trong nhóm thương gia Hoa kiều định đoạt giá cã, và rồi mang hoa hồng biếu xén quan tham trong chính quyền nhằm có đặc quyền đặc lợi.
Quả nhiên trước mắt tôi, Nhật Bản là một tấm gương cho nhiều quốc gia lân bang học hỏi, nhưng tới nay chưa thấy dấu chỉ của nước nào có thể sánh kịp. Bởi vì, muốn phát triển kinh tế xã hội, khoa học giáo dục… trước tiên, phải thay đổi chính trị! Đó là quy luật tất yếu để phát triển quốc gia.
Nhiều người thấy Nhật Hoàng, hay chiếc áo Kimono, hoặc các sản phẩm kỹ nghệ điện tử tràn ngập trên thị trường thế giới… nhưng xin hỏi điều gì đã làm cho Nhật Bản có được kỳ tích chính trị và kinh tế như ngày nay?
Chúng ta không thể quên cuộc cách mạng chính trị do Minh Trị Thiên Hoàng (1852 – 1912) khởi công thực hiện. Mutsuhito 16 tuổi lên ngôi hoàng đế vào ngày 3 tháng 2 năm 1867 và làm được một cuộc cách mạng “Minh Trị: Enlightened rule” xứng với tên ông, khai sáng một Thời Đại Minh Trị (Meiji Era) hoàng kim trong lịch sử của Xứ Phù Tang. Dầu rằng lúc ấy tuổi còn trẻ nhưng ông đã am tường việc triều chính để biết nghe lẽ phải và thay đổi chế độ từ quân chủ phong kiến sang quân chủ lập hiến. Bởi thế, thay đổi chính trị ở Nhật là do Nhật Hoàng và triều đình chớ không phải do dân chúng.
Thời thập niên 1850 – 1860 Nhật Bản buộc phải mở các hải cảng cho nước ngoài vào buôn bán, nhiều chính khách nước này nhận định: “Nhật Bản muốn tránh tình trạng bị đô hộ thì cần có một chính quyền mạnh, hợp thời, và kỹ thuật hạng nhất của Tây phương.” Do đó vừa sau một năm lên ngôi thì Nhật Hoàng đã ký sắc lệnh cải tổ chính trị và chuyển việc điều hành quốc gia xuống cho các bộ vào năm 1868.
Song song với việc cải tổ chính trị, Nhật hoàng đã gởi nhiều phái đoàn đi ra nước ngoài khảo sát về các chính quyền, tuyển chọn những tinh hoa tư tường của nhân lọai mang về áp dụng cho xứ sở. Bộ Giáo Dục Nhật Bản được thành lập vào năm 1871 để phát triển giáo dục theo hệ thống của Hoa Kỳ, là một nền giáo dục tự do. Năm 1872 phổ thông hóa quân đội, và 4 năm sau Nhật Bản bãi bỏ giai cấp Võ Sĩ Đạo (Samurai) để làm giảm đi mẫu “người hùng quân sự” trong xã hội mà thay thế bằng hình ảnh “thương gia trí thức.” Nhật Bản nhờ sĩ quan Pháp tổ chức Lục Quân, nhờ sĩ quan Anh tổ chức Hải Quân, nhờ kỹ sư Đức phụ trách công trình kiến trúc.
Thượng Viện Nhật Bản được thành lập vào năm 1884, tổ chức nội các theo kiểu của Đức do ông Ito Hirobumi làm Thủ Tướng đầu tiên năm 1885. Bản Hiến Pháp Minh Trị là bản hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản do Thủ Tướng Ito Hirobimi biên soạn, sau khi nghiên cứu và đúc kết các bản hiến pháp của Hoa Kỳ và Châu Âu, để ban hành vào ngày 29 tháng 11 năm 1889 tại Nhật. Nhờ vậy mà nước Nhật đã được kỹ nghệ hóa nhanh, dưới sự hướng dẫn của chính phủ bằng sự hợp thời hóa chính trị trong một xã hội thịnh vượng, ổn định và điều hòa. Nhìn chung nước Nhật đã Tây phương hóa về nhiều phương diện, đặc biệt vào Thời Đại Minh Trị đã khai sáng, đã làm cho Nhật Bản trở thành một quốc gia giàu đẹp và hùng mạnh.
Chúng ta biết rằng, mỗi nước đều có luật pháp cai trị riêng nhưng dưới chế độ quân chủ phong kiến được gọi là pháp lệnh. Pháp lệnh thuộc mô thức cai trị một chiều, lệnh trên truyền xuống kèm theo hình phạt nếu cấp dưới không thi hành. Còn hiến pháp thuộc mô thức cai trị hai chiều, có chiều đi và chiều về, giải thích quyền hạn song phương của người cai trị và người bị trị. Sự ra đời của nền quân chủ lập hiến Nhật Bản với lý thuyết khế ước xác định chính quyền. Muốn được chính danh Nhật Hoàng phải dựa trên giao kèo, trên sự đồng thuận của toàn dân về pháp luật của thành phần cai trị thông qua Hiến Pháp Minh Trị (Meiji Contitution). Hiến pháp đã làm giảm quyền lực cai trị của vua chúa, tăng nhân quyền và tăng tự do mà dân tộc văn minh tiến bộ về chính trị dân chủ hưởng nhờ.
Anh Quốc, Hòa Lan, Bỉ Quốc… Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai là những quốc gia có chính thề quân chủ lập hiến chuyển qua đại nghị theo đường hướng hòa bình, như lời triết gia Hegel: “Xã hội con người được cai trị từ một người, đến một giai cấp và đến toàn dân.” Đó là hình ảnh tiêu biểu cho một xã hội dân chủ.
Vào thời đại kỹ nghệ phát triển, Nhật Bản cũng như các nước kỹ nghệ Tây phương, vì kinh tế đã sản xuất sản phẩm hàng loạt, cho nên họ đã cần nhiều công nhân, và cần nhiều nguyên liệu… Họ mở rộng thành phố và cần mang lương thực từ đồng quê vào đô thị, hay nhập cảng từ nước ngoài… Dân chúng tập trung vào việc phát triển toàn diện của nền kinh tế quốc gia, đang khi nước Nhật cần nguyên liệu để cho các nhà máy của họ hoạt động như sắt, thép, xi măng, gỗ, hóa chất, sản phẩm dầu hỏa… Vì cần tài nguyên, cần thị trường tiêu thụ và xuất cảng những sản phẩm mà Nhật Bản làm ra, cho nên họ phải gia nhập phe trục Đức – Ý – Nhật để xâm chiếm những quốc gia khác trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Năm 1945, sau khi Hoa Kỳ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, khiến cho Nhật Hoàng Hirohito phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nhật Hoàng còn phải qua dinh Thống Tướng Hoa Kỳ Douglas MacArthur mà trình diện định kỳ. Theo Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa Đoàn Bá Cang đã làm việc lâu năm ở Nhật Bản có đưa ra một nhận xét: “Nhật Hoàng trình diện mà không cảm thấy mất nước, không cảm thấy nhục vì ông thức thời nên ông mới cứu được nước ông. Còn người Việt Nam chúng ta thì sao?”
Ở đời con người ta lại thường chịu chết, chớ không chịu nhục (ninh thọ tử bất ninh thọ nhục), nhưng Nhật Hoàng Hirohito, lại là người dám thực hiện việc “nhập nô xuất chủ” theo phương thức canh tân của nhà cách mạng Lý Đông A. Nhật Hoàng chấp nhận làm tù binh Hoa Kỳ để mưu tìm đường cứu dân cứu nước, đang khi từ thủ tướng và nhiều bộ trưởng Nhật Bản đã tự vẫn, vì không chịu nhẫn nhục. Việc đi trình diện của Nhật Hoàng cũng bị nhiều cận thần và quân dân Nhật dè bỉu chống báng. Người Nhật thời ấy đã chống vua hơn chống giặc. Hành động tự sát seppuku của đám quân phiệt cũng chỉ gây thêm hỗn loạn cho chính trường, gây thêm khổ đau cho dân chúng Nhật… Nếu Nhật Hoàng mà tự ái nghe lời bọn người quá khích, thì chắc chắn nước Nhật đã đổ vỡ, trở thành quốc gia nghèo đói như bao nước khác mà thôi.
Nhìn lại trang sử cận đại của Nhật Bản, chúng ta nhận ra nỗi khổ tâm của Nhật Hoàng. Ông đã chấp nhận làm tù binh, thầm lặng làm cuộc trao đổi và trả giá với Thống Tướng Hoa Kỳ MacArthur để nhằm giải cứu cho Nhật Bản, rồi từ đó mà xây dựng phát triển thành một nước dân chủ đầu tiên theo Hoa Kỳ tại Châu Á (Accepting MacArthur’s implicit bargain — help me and I’ll keep you from being tried as a war criminal — Hirohito did his part to remake Japan along an American model, backing the new constitution, ‘renouncing’ his divinity, and trying gamely to play the part of “Japan’s first democrat).
Nhật Hoàng là người sống với thực trạng mất nước, ông khởi công từ thực trạng đó như việc đi trình diện tướng 5 sao của Hoa Kỳ. Nhật Hoàng không nuối tiếc hão huyền, cũng không mơ mộng viển vông… Với quyết tâm cứu nước, Nhật Hoàng đã sẵn sàng thích ứng và xử dụng mọi hoàn cảnh mới, mọi điều kiện mới, mọi chướng ngại thành phương tiện để cứu dân cứu nước… và từ đó ông hướng dẫn dân nước Nhật Bản tiến lên.
Lúc đó mọi người Nhật Bản cũng đều nghĩ rằng, Hoa Kỳ sẽ cai trị nước Nhật với khoảng thời gian tối thiểu 50 năm cho tới trăm năm. Nhưng khác với mọi người lầm tưởng, chỉ 5 năm sau, thì Hoa Kỳ trao trả độc lập của nước Nhật về cho Nhật Hoàng Hirohito. Vấn đề đáng nói nữa là thủ tướng tương lai Morihiro Hosokawa – cháu Thủ Tướng Fumimaro Konoe tự vẫn – cũng là người thức thời và nhẫn nhục. Ông đã hợp tác với Hoa Kỳ, và tuyển chọn số nhân vật trẻ, rồi đào tạo họ trở thành những lãnh tụ chính trị, những chính trị gia, những nhà hoạt động cho tương lai nước Nhật.
Đang khi đó, đại đa số dân Nhật Bản lại chỉ biết căm thù Hoa Kỳ là kẻ không đội trời chung, và không tiếc lời nguyền rủa những người Nhật thức thời như Nhật Hoàng, như Morihiro Hosokawa… là “tên lông lá” hợp tác với Hoa Kỳ cầu lợi, chớ chẳng mưu cầu cứu nước cứu dân gì. Tất cả chỉ biết ngêu ngao chửi đổng! Cho tới khi Hiệp Ước San Francisco được ký kết, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Nhật Bản vào năm 1951. Lúc này mới chứng tỏ được công cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Nhật Hoàng và chính trị gia Nhật Bản là đúng đắn, là tài tình và mang lại thành công.
Những người đã từng bị đại chúng khinh khi nguyền rủa… thì giờ đây lại được coi là những “Vị Cứu Tinh” của Nhật Bản. Và nước Nhật đã thay đổi nền tảng chính trị từ quân chủ mà sang dân chủ để thoát vũng lầy khủng hoảng kinh tế, và nhờ thể chế chính trị dân chủ, Nhật Bản đã thúc đẩy quốc gia phát triển toàn diện, đưa đất nước phát triển tới bước phú cường, thịnh vượng vào bậc nhất Á châu ngày nay. Qủa là một bài học, và đáng học cho chúng ta nhằm thóat cảnh nghèo nàn lạc hậu. Và Câu giải đáp mà nhiều học giả uyên bác thời nay phải đồng ý, đó là “nền chính trị tự do dân chủ đã làm cho Nhật Bản trở thành siêu cường.
Views: 0