Dr. Lương Huỳnh Ngân
Tôi đã nghe bài phỏng vấn trong chương trình Gia Đình Tôi trên Youtube Clara, và đọc bài Tâm Lý Hôn Nhân, trong www.giadinhnazareth.org . Cả hai : Cuộc phỏng vấn và bài viết, vừa thú vị vừa có ích cho nhiều gia đình. Tôi đã chuyển cho các bạn ở Việt Nam.
Hôm nay như một tiếng vang, tôi xin chia sẻ vài ý kiến.
Nội dung đề tài này, nếu nhìn về hai lực đối kháng nhau, muốn chiếm đoạt hay không muốn chiếm đoạt, trên nhiều phương diện : thể lý, lý trí, tâm lý, và tâm linh có lẽ giúp hiểu thêm.
Ông cha ta thường nói «nam nữ thụ thụ bất thân» là cách tuân theo luân lý thời xưa ấy, để «giải quyết» cho thích hợp với đời sống xã hội chống lại một khuynh hướng phản xạ «tự nhiên». Thật vậy, nam với nữ có sức hút nhau như hai cực nam châm khác chiều. Ai cũng có trải nghiệm ấy. Có thể nói hiện tượng này xuất phát từ Đấng Tạo Dựng, khi tuổi thọ con người thời đồ đá và trước hơn, còn rất ngắn ngủi, do nhiều bệnh tật và trí thông minh chưa tìm ra cách chống lại thiên nhiên ác nghiệt, để loài người được tồn tại và phát triển,
Trong bài phỏng vấn cả ba vị đều nói đến một ví du. Khi một người đàn ông ngồi trong nhà hàng thấy người phụ nữa đẹp, mặc dù có chồng con đi cùng là muốn «chiếm đoạt»…
Nhìn người phụ nữ đẹp, là phản xạ đầu tiên gần như hầu hết mọi người đàn ông đều bất chợt nhìn, ngay cả một nhà tu hành nghiêm túc cũng khó không bị ảnh hưởng. Thực ra nếu có ý chiếm đoạt là hệ quả của hai lực trì kéo nhau. Trước đó tâm lý của hai bên nam và nữ dưới sự kiểm soát vô thức của phản xạ có điều kiện. Còn muốn chiếm đoạt là giai đoạn ý thức có thể có, sau đó mà thôi…
Xin đề nghị chúng ta xét kỹ giai đoạn phản xạ trước đó như thế nào, và lực nào khiến cho có ý nghĩ chiếm đoạt.
Liền sau khi nhìn thấy, gần như lập tức sẽ có một lực chống lại. Lực chống lại tuỳ mức độ giáo dục, tâm linh, thói quen xã hội vv…Ví dụ như người đàn ông kia là một linh mục nghiêm túc thì ông nhìn ngay qua hướng khác, không để ý nữa, nếu người đàn ông kia thường sống dễ dãi với phụ nữ thì sẽ dán mắt xem mọi khía cạnh người đẹp.
Bên phụ nữ cũng thế. Gần như người phụ nữ nào khi cảm thấy người ta nhìn mình là có ngay một cử chỉ làm dáng, thường là vén tóc, sửa quần áo, dáng đi, v v…. Đó chỉ là phản xạ có điều kiện khi được nhìn. Sau đó cũng như phía người nam, nếu người này ấy có phong cách lịch sự sang trọng, hay tầm thường thì sẽ có lực cản làm tăng sự chú ý của đối phương, hay ngược lại. Phản ứng này cũng như phía nam, tuỳ giáo dục, trình độ xã hội, nhân bản hay tôn giáo v v …
Vấn đề chiếm đoạt như ba vị thảo luận trên Chương Trình Gia Đình Tôi là giai đoạn thứ hai. Thính giả cũng như bản thân tôi rất mong đề tài này sẽ được mở rộng và có thêm những cuộc trao đổi để đưa ra những hướng dẫn thiết thực cho một nan đề rất thông thường nhưng nhức nhối từng làm tan vỡ hạnh phúc của nhiều cặp hôn nhân và gia đình.
Để kết, tôi xin lưu ý về bản năng nam thích nhìn, nữ thích nghe, là một sự thật, cần nhận diện và hướng đến những kết quả tốt lành, không để bản năng làm chủ.
Thao luyện, học hỏi, trau dồi văn hóa, nhân bản hay/và tôn giáo. Thí dụ như trong đời sống tôn giáo, nhờ thường xuyên tập sống tiết độ, và với ơn trên phù giúp, con người sẽ có khả năng tích cực kiểm soát bản năng, không bao giờ bước qua giai đoạn thứ hai là muốn chiếm đoạt ngoài hôn nhân.
BS Lương Huỳnh Ngân MD – TS Trần Mỹ Duyệt hiệu đính
Views: 0