Biết Văn
Nếu cuộc hoán cải của Thánh Augustinô với đức tin sống động là niềm khích lệ mạnh mẽ cho những người đang cố gắng dứt bỏ thói hư tật xấu, sống buông thả theo tửu sắc và những tham vọng trần tục, thì thế kỷ này lại xuất hiện lắm đều phiền muộn như xát muối thêm vào năm dấu Thánh Chúa Giêsu.
Vừa qua, Hồng Y George Pell, người phụ trách vấn đề kinh tế trước đây của Tòa Thánh Vatican, đã bị một Tòa Án của Úc kết án vào tháng 12, năm 2018 về tội lạm dụng tình dục đối với hai trẻ vị thành niên. ông Alessandro Gisotti, phát ngôn viên của Tòa Thánh Vatican, đã phát biểu rằng,
“Thông tin này đã gây kinh ngạc không chỉ đối với nhiều người Úc. Chúng tôi nhấn mạnh sự tôn trọng của mình trước các cơ quan thi hành pháp luật của Úc.” Bây giờ là lúc chờ đợi quá trình kháng án. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Pell đã quả quyết rằng, Ngài vô tội, và Ngài có quyền tự bảo vệ mình…”
Một tòa án tại Melbourne đã ra lệnh bắt giam vị Hồng Y 77 tuổi này và Ông có thể bị đi tù tới 50 năm. Tuy nhiên ông vẫn tuyên bố rằng mình vô tội, Ông mạnh mẽ bác bỏ các cáo giác truy tố tội lạm dụng tình dục nhắm vào ông liên quan tới những việc xảy ra từ mấy thập niên qua và đã bắt đầu tiến trình kháng án.
Và cuối cùng, vào hôm thứ Tư 13/3/2019 Hồng y George Pell, bị kết án 6 năm tù vì đã xâm hại tình dục hai nam thiếu niên trong dàn hợp xướng nhà thờ ở thành phố Melbourne của Úc vào những năm 1990.
Một Hồng y Pell bị thất sủng là trường hợp mới nhất trong hàng loạt vụ bê bối liên quan tới các linh mục xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong ba thập kỷ qua tại nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ, Chile, Úc, Canada.. vv…. Và đây vẫn là vấn đề tiếp tục gây nhức nhối cho Tòa thánh Vatican, làm giảm uy tín của Giáo hội Công giáo, làm tê buốt “Nhiệm Thể” Chúa Kitô khi giá máu cứu chuộc bị khinh chê, coi rẻ.
Trong mùa chay Thánh năm nay, chúng ta thầm cảm ơn sự quan phòng mạc khải của Thiên Chúa khi Ngài đã dùng hình ảnh một Hồng Y, một người cao quý, đáng kính trọng trong hàng phẩm trật cao nhất bị hạ bệ ra sao khi diễn tả một đức tin phản công giáo, phản lại tinh thần phục vụ và tình yêu tha nhân trong lòng của xã hội đương đại ngày hôm nay mà Đức Ki-Tô đã xây dựng.
Đức tin công giáo không phải là sự cả tin, cũng không chỉ là cảm xúc; vì cả tin sẽ dẫn đến sự mù quáng, còn cảm xúc thỉ chỉ là sự thay đổi lúc có lúc không! Muốn có đức tin thì trước hết phải có ơn Chúa ban cho như một quà tặng quý giá mà không ai có thể tự có cho mình hay nhờ phương thế tự nhiên nào, hoặc học ở trường học nào mà có được đức tin.
“Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65).
Nhờ ơn mặc khải đức tin mà chúng ta, những kẻ bé mọn đã nhận được, nên chúng ta mới biết và tin có Thiên Chúa là Cha toàn năng, tin Chúa Ngôi Hai đã xuống trần gian làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội, cũng như tin Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý và là Đấng ban sự sống.
Nói đến đây tôi lại nhớ đến con gái của tôi, lúc cháu 14 tuổi nó nói thẳng với tôi rằng:
“Con không tin đạo và cũng không tin vào Chúa, đừng ép con phải đi lễ nhà thờ hay đi học giáo lý…”
Tôi luôn nguyện cầu và xin Thiên Chúa ban đức tin cho cháu và những người con như cháu sống ở một nước mà tự do cá nhân được coi trọng như những “cái I – cái Tôi” mà ta hay gọi là Iphone, Ipad, Ipod…những thứ phù hoa thực dụng đã khiến lòng trí con người càng thực dụng và trở nên chai đá. Nếu như hạt giống đức tin mà chúng ta nhận được qua phép Rửa không thể tự nó lớn lên và sinh hoa kết trái trong tâm hồn mỗi người chúng ta được, đức tin là một ơn mặc khải của Thiên Chúa ban cho con người để giúp con người tin có Ngài và từ đó ta cộng tác với ơn Chúa để nuôi dưỡng hạt giống đức tin đó được lớn lên trong ta đến mức trưởng thành.
Nếu chúng ta đã có đức tin và nếu biết vun xới đức tin đó bằng những việc làm đạo đức thì đức tin sẽ bén rễ và trổ sinh hoa trái. Ngược lại, cúng ta thờ ơ hay dửng dưng mọi việc đạo đức thì đức tin sẽ chết dần mòn trong tâm hồn đến mức không còn tin tưởng gì nữa. Thực tế đã chứng minh rằng: Trong số những kẻ đang phạm tội ác, đang giết người, trộm cắp và hiếp dâm… cũng có người trước đây đã được rửa tội, đã mang danh Kitô hữu, nhưng nay đã dấn thân vào con đường tội lỗi chỉ vì không lo nuôi dưỡng đức tin bằng việc lành, đạo đức nên đức tin đã như cây cỏ chết khô vì không được tưới nước đầy đủ.
Khi đã không còn đức tin nữa, thì người ta dễ buông thả chiều theo những đòi hỏi bất chính của thể xác và dễ dàng đi vào con đường tội lỗi để làm những sự dữ, ví như chiếc xe lao xuống dốc, xuống vực thẳm vì không có gì ngăn chặn được.
Mẹ Têrêxa thành Calcutta – một người của toàn thể nhân loại, mang dòng máu Anbani, có quốc tịch Ấn độ và công dân danh dự của Hoa kỳ, nhưng lại xóa mình đến nỗi ít ai còn nhớ đến cái tên khai sinh Agnes Gonxha Bojaxhiu – mãi mãi là hình ảnh của một Kitô hữu có một đức tin không hề lay chuyển, một đức cậy bất chấp phong ba và một đức ái vượt mọi biên thùy. Lời đáp trả trước tiếng gọi của Chúa Giêsu “Hãy đến làm ánh sáng cho Thầy” đã biến người thành một nhà Thừa Sai Bác Ái, một ‘người mẹ của kẻ nghèo’, một biểu tượng cho lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với con người và một bằng chứng sống động cho thấy rằng Chúa Giêsu từng ngày khắc khoải chờ đợi tình yêu của mỗi một linh hồn.
Trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo Triều Rôma năm 2000, Hồng Y Nguyễn văn Thuận được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử thuyết giảng. Sau khi nghe những bài giảng của ngài trong đó có những chứng tá về những năm sống trong tù ngục, ngày 18-3-2000, Đức Giáo Hoàng đã viết cho ngài một văn thư nói lên những lời tâm tình sau đây:
“Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá này, có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại.” (Chứng nhân Hy Vọng, trang 8). Sau đó, ngài được Đức Thánh Cha tiếp riêng và tặng một chén lễ. Ngài đã nói với Đức Thánh Cha như sau:
“Cách đây 24 năm, khi cử hành Thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi không bao giờ tưởng tượng, ngày hôm nay Đức Thánh Cha tặng tôi một chén lễ mạ vàng. Thiên Chúa thật cao cả và tình thương của Ngài cũng cao cả.” (Chứng Nhân Hy Vọng, trang 12, 13)
Mỗi người Ki-tô hữu là những người “hộ giáo” ngày nay, tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của mình, từ bên trong tâm hồn sâu thẳm cho đến lời nói và hành đông bên ngoài trước mặt người đời và trong mọi hoàn cảnh sống để có thể nói được như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Mến chúc mỗi người Ki-tô giáo, những người “Hộ giáo” ngày hôm nay một mùa chay tịnh với đức tin sống động và hành trình trở về trong tinh thần và chân lý của Đấng đã chết cho chúng ta.
(Hết)
Views: 0