Bác Sỹ Lương Huỳnh Ngân
Trần Mỹ Duyệt hiệu đính
Tại sao hiện nay mỗi năm ngay tại Roma, thủ phủ của Giáo Hội Công Giáo, thành trì luân lý đạo đức của thế giới, luôn có một cuộc tuần hành rất quy mô để biểu dương lực lượng và đòi quyền bình đẳng của nhóm đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính luyến ái, chuyển giới (LGBT) [1].
Ở Đức và vài nước lân cận, cả vài tiểu bang Hoa Kỳ, có phong trào phản đối quyết định của Toà Thánh Roma không cho phép ban Phép Lành các cặp người nam hay người nữ ấy, vì hành vi đó, dưới góc nhìn Công Giáo, tương đương một Á Bí Tích. [2] Ngoài ra còn những bất đồng với Toà Thánh như việc phong linh mục cho người nữ, cho linh mục lập gia đình… Thực tế hôm nay là điều đáng ngại có nguy cơ đem đến ly khai với Giáo Hội. Đây chỉ là cuộc bộc phát của nhóm lửa âm ỉ từ lâu nay trên các nước vốn có nguồn gốc văn minh Kitô.
Các cuộc cải cách, nhất là gần đây cuộc « cách mạng 1968 ở Pháp » đánh đổ, vỡ tung các định chế, là cuộc ra đi ồn ào của nhiều miền, nhiều nước Tây Âu khởi đầu đẩy Hội Thánh ra ngoài lãnh vực chính trị, xã hội, giáo dục. Trong những nơi ấy, tinh thần dửng dưng, tinh thần thực dụng, tinh thần tục hoá là những cơn lũ lụt đang tàn phá đức tin và luân lý. Đa số dân chúng các xứ này, theo truyền thống, được rửa tội, có đạo nhưng không giữ đạo.
Chúng ta ở xa các hiện tượng này và quen sống cộng đoàn đức tin Việt nam với truyền thống trung thành với Giáo Hội, nhiều khi khó hiểu, « vì đâu nên nỗi ? »
A- « Tôi từ chối lời cầu nguyện của mọi nhà thờ…tôi tin ở Thiên Chúa. » (Victor Hugo) [3]
Điều đáng chú ý là có bao nhiêu người tìm trả lời câu hỏi hóc búa ấy là có bấy nhiêu giả thuyết để giải thích. Chúng tôi lưu ý ưu tiên đến một lý do sâu xa sau đây : họ nói còn « tin » ở Thiên Chúa nhưng không thể tuân theo luật Chúa. Những tiến bộ về vật chất, đời sống thoải mái hiện đại, càng ngày càng được nâng cao, dường như không còn giới hạn. Giờ đây, khoái lạc, vui thú vật chất, đối với họ, nhất là trong giới trẻ, được xem như ưu tiên hàng đầu, sẵn sàng phục vụ cho hưởng thụ, cho tính vị kỷ, một « đức tính » của thời đại, được nâng niu từ thuở bé trong gia đình, trong trường học và thói quen bạn bè. Sống như thế, họ khó có thể theo được những gì đạo Công Giáo đòi hỏi tối thiểu để sống hạnh phúc thật, hợp với đức tin Kitô. Từ đó phát sinh các lập luận để biện minh và tự trấn an, cho lối sống : « tôi tin Thiên Chúa nhưng không theo Hội Thánh », càng ngày càng được gọt giũa, tinh vi. Đặc biệt về đồng tính luyến ái, biết bao nhiêu nhà khoa học, đa số chính họ là người đồng tính luyến ái, thực hiện những nghiên cứu tinh vi, hằng chục năm nay, với những điều kiện khoa học tân tiến nhất hầu mong chứng minh, lối sống của họ là bẩm sinh, hiện hữu trong một Gen nào đó nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu. Đến ngày hôm nay họ vẫn không tìm thấy. Năm 2017 có một công ty máy điện tử ở Stanford đề cao máy của họ có thể « nhận dạng » người đồng tính với độ chính xác 70% , điều này bị hai nhà bác học Wang & Kosinski chứng minh, hoàn toàn bác bỏ !
B- Quan điểm Công Giáo ?
– Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói gì ?
Điều 2357 nói «các hành vi đồng tính luyến ái, tự bản chất là vô trật tự…Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống…Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào » .
Tuy nhiên điều 2358 cũng nói : … « Đối với những người này, sự nghiêng chiều vô trật tự một cách khách quan đó, là một thử thách. Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ .»
– Theo Thánh Kinh thì sao ?
Giáo lý Giáo Hội Công Giáo luôn thuần nhất với Thánh Kinh, hay không khi nào ngược lại với Thánh Kinh. Có lẽ câu sau đây trong Cựu Ước là rõ nhất : « Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm. » (Lv 18 :22)
Trong Tân Ước cũng thế : «26 Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên.27 Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình. » ( Rm 1 : 26-27)
C- « Cái xà trong mắt tôi » ?
Trong lúc đó một số không ít người Kitô giáo có quan điểm trái ngược, nhất là những người phải đương đầu với một thực tế đáng buồn, con em mình chọn lối sống ấy, phản ứng lại không kém dữ dội. Điều mà Đức cha Bùi Tuần nhắc lại lời Đức Hồng Y Saldarini, sự « kiêu căng tôn giáo, hay thiếu khiêm nhường Phúc Âm » . Vị chủ chăn đáng kính đầy kinh nghiệm rao giảng Tin Mừng viết trong tập số 2 bộ sách Thao Thức trang 93 : Đức Kitô đã đề cập đến hiện tượng này tại quê hương Ngài, khi nói về giới biệt phái (xMt23) « …chỉ một tôn giáo chúng tôi là duy nhất đúng và duy nhất thánh thiện » nhiều người không ngần ngại khẳng định, « chỉ chúng tôi mới là những người thật sự đạo đức ».
Phát xuất từ những khẳng định dữ dội đó, một số người đã đi xa hơn. Họ khinh khi, hạ giá những ai không cùng tôn giáo, hoặc không cùng quan điểm tôn giáo như mình. Vị Giám Mục, nguyên Giám mục chính tòa Giáo Phận Long Xuyên tiên đoán : « Khi kiêu căng tôn giáo trở thành não trạng tập thể, trong một xã hội nào, thì xã hội đó có nguy cơ bị chia rẽ »
D – Để thay lời kết :
Chúng tôi đề nghị quý bạn đọc toàn văn vị chủ chăn, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nhà báo về đề tài này. Lời tuyên bố của ngài thường hay bị trích ra ngoài ngữ cảnh, hay tệ hơn, bị cắt xén làm bóp méo đi như đài truyền hình Nga đã làm, với dụng ý gán cho ngài ý kiến hợp với ý đồ của họ.
Thật vậy để trả lời câu hỏi của ký giả Ilze Scamparini trên máy bay từ Rio de Janeiro về Roma ngày 29/7/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói :
“ …. Thế rồi bạn đã nói tới vận động hành lang về đồng tính. Người ta viết quá nhiều về cái gọi là vận động hành lang đồng tính. Tôi chưa tìm thấy một ai trình thẻ căn cước có ghi là người đồng tính trong Vatican. Người ta nói là có nhiều mà. Tôi thì tôi nghĩ rằng nếu tìm thấy một người như thế, thì phải phân biệt sự kiện một người đồng tính với sự kiện của người thực hiện vận động hành lang, bởi vì không phải tất cả các cuộc vận động hành lang đều tốt. Đây là một cuộc vận động không tốt. Nếu một người là người đồng tính và đang kiếm tìm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà tự cho mình quyền phán xét người ấy? Sách Giáo Lý của Giáo Hội công giáo giải thích thật hay điều này nói là… đợi chút nhé, nói là …” không được cô lập những người này vì thế, nhưng phải hội nhập họ vào trong xã hội cách toàn vẹn. Vấn đề không phải ở chỗ họ có khuynh hướng đồng phái, tất cả chúng ta phải là anh chị em với nhau, vấn đề là cái khác, là thực hiện một cuộc vận động với chủ đích: một cuộc vận động của những người keo kiệt, của những chính trị gia, của tam điểm, và nhiều những cuộc vận động khác. Với tôi, đây mới là vấn đề trầm trọng hơn nhiều. Và tôi cám ơn các bạn rất nhiều đã đặt câu hỏi này cho tôi. Xin cám ơn nhiều.” [4]
***
- Viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transexual / Transgender.
Giám Mục giáo phận Limburg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức , Đức Cha Franz-Joseph Bode, Giám Mục giáo phận Osnarbrueck, Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, không đồng ý với quyết định Tòa Thánh.
- Trích sách Anthologie de l’œuvre de Victor Hugo, Edicef,1987 tr. 181.
4. https://songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=2713
Views: 0
Đây là bài viết nói lên thực trạng xã hội hiện nay, một lời cảnh báo cho những ai có trách nhiệm. Rất mong những bài viết như thế này được đưa vào trong các lớp Giáo lý để mọi người có thể hiểu và nhận thức được mối nguy hại. Xin cảm ơn tác giả.
Kính mến.