Trần Mộng Tú
“Thương quá Việt Nam.
Thương quá số phận nghiệt ngã của những thiếu nữ Việt Nam
Mẹ Việt Nam ơi bao giờ thanh bình?!”
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em vẫn đợi mười thu em vẫn chờ.
Đây không phải là đèn Mỹ Tho hay đèn Sài Gòn. Đây là những ngọn đèn trên đường phố Mã Lai.
Những cô gái Việt sang tới Mã Lai làm ăn thì người chồng ở nhà phải chờ “chín trăng” là chín tháng hay “mười thu” là mười năm.
Bài hát ca dao Nam Bộ đó, bây giờ được hát bởi những người chồng.
Từ cửa sổ khách sạn Nova Hotel trên đường Jalan Alor, không cách xa tháp đôi nổi tiếng Twin Tower lắm của Kuala Lumpur, buổi tối mở cánh cửa sổ ra, nếu bạn ngó về phía trái, thấy một con đường nhỏ với một dẫy đèn lồng đỏ, treo trên những mái hiên. Những ngọn đèn đỏ này không to lắm, có “ngọn tỏ ngọn lu” thỉnh thoảng có cả một ngọn không được thắp hay thắp mà không sáng.
Nơi đó họ gọi là Phố Đèn Đỏ. Cái tên nghe thật dung dị. Thắp đèn đỏ thì gọi là phố đèn đỏ vừa gợi hình vừa dễ nhớ. Thật ra cái tên Phố Đèn Đỏ có tiểu sử của nó tùy từng quốc gia, nhưng nói chung đó là tên gọi của chốn ăn chơi của các ông trên thế giới.
Con phố nhỏ này trông như một đường hẻm ở Việt Nam, xe hơi khéo lách có thể vào được nếu người đi bộ nhường đường. Đầu phố phía kia không biết dẫn tới đâu, nhưng ở trên cao ngó xuống thì đầu phía này dắt ra đường Jalan Alor trước cửa khách sạn, nơi nhóm “Thăm Mộ Thuyền Nhân” chúng tôi ngụ.
Khu đèn đỏ là khu “Bán phấn Buôn Hương.” Hương gái Việt và Phấn gái Việt được biết, ở thời điểm này chiếm 80%.
Con phố Jalan Alor có chợ đêm “Night Market.” Sinh hoạt chính từ 4 giờ chiều cho tới 5, 6 giờ sáng hôm sau. Chợ đêm chủ yếu là thức ăn. Ở đây ngoài bếp Mã, có bếp Tàu và bếp Việt. Tìm nước mía, nước dừa, ngô (bắp) hấp, khoai luộc rất dễ dàng. Trái cây Mã rất gần gũi với Việt Nam: Chôm chôm, măng cụt, soài, nhãn mùa này đầy chợ. Có Quán ăn Việt, người Việt làm chủ. Du khách đủ mọi lớp tới. Có người đi du lịch với vợ, với gia đình. Cũng có những thương gia trên đường giao hàng, trên đường ký hợp đồng tới đây ăn xong thì ở lại qua đêm đi mua hương mua phấn.
Những cô gái Việt bán hương phấn ở đây nhiều lắm, họ còn khá trẻ. Tuổi từ mười tám cho tới ba mươi. Họ là những món hàng đẹp và ngon trong chợ đêm này.
Tài xế taxi Mã gặp khách đàn ông đi một mình. Bất cứ người khách đó mang quốc tịch gì, màu da gì, cũng được hỏi một câu rất giản dị:
Do you want Vietnamese pretty girls?
Chữ Vietnamese được nhấn mạnh trong câu hỏi.
Tại sao gái Việt ở đây nhiều thế, họ tới đây bằng cách nào? Có thể là họ đi theo diện “Xuất Khẩu Lao Động” chính thức hay họ bị mua chuộc, bị lừa, hoặc tự nguyện sang Mã làm gái bán vui, mua buồn. Đi bằng cách nào thì tất cả đều vì lý do kinh tế.
Họ là những phụ nữ rất đáng thương.
Một buổi sáng, tôi tình cờ được ngồi ăn cùng bàn với mấy cô trong một quán ăn của người Việt. Ngồi một lúc, cung cách của các cô mang thuốc lá ra hút, gọi cà phê, thức ăn, cho tôi biết các cô làm gì ở đất nước này. Tôi bắt chuyện làm quen, các cô vui vẻ tâm sự.
Một cô khoảng trên dưới ba mươi, người miền Nam. Cô nói cô ở Kiên Giang đến.
Kiên Giang bây giờ đẹp lắm! cô khoe.
Rồi cô tâm sự. Em với chồng bỏ nhau, con gái lớn đang học Trung Học, thằng nhỏ bảy tuổi bệnh, em không có tiền chạy thuốc, nó chết. Em buồn quá, có người rủ đi xa kiếm tiền thì đi. Đi theo diện du lịch, rồi ở lậu luôn.
Nếu bị hỏi giấy tờ thì sao?
Không sao cả cô ơi! Ở đây dễ lắm, có tiền cho tụi lính (công an) là xong hết. Có tiền em gửi về nuôi má, nuôi con ăn học.
Cô khác nói: cô ơi, ở đây tụi em làm gái sợ lính Mã lắm, nó cho vào tù bất cứ lúc nào. Mình ở lậu, làm việc này phải sợ tất cả mọi người. Phải có tiền thuê “Bảo Vệ” nữa. Bị khách hành hung hay không trả tiền thì gọi Bảo Vệ can thiệp. Vào tù cũng gọi Bảo Vệ chuộc ra. Tiền chuộc cộng tiền nộp cho Bảo Vệ thành một số nợ to. Mình phải làm để trả món nợ đó trước khi có tiền gửi về nhà. Tụi em mỗi đứa một cảnh cô ơi.
Cô khác kể: Ở Bắc em trồng trà trên Thái Nguyên, sáng nắng, chiều mưa, vất vả lắm, cũng chẳng được bao nhiêu, nhà lúc nào cũng nợ. Thấy bạn em rủ sang Mã Lai kiếm tiền dễ hơn, nói làm massage, hát Karaoke khá lắm. Người ta ứng trước cho cả ngàn đồng Mỹ, làm giấy tờ cho mình hết, chỉ việc đi sang làm trừ dần. Sang đến nơi mới hay mình nợ người ta cả tiền ứng trước, tiền vé máy bay, tiền giấy tờ, một con số to lắm. Khó lòng mà trả được món nợ này. Giấy tờ người ta giữ hết, mình không nói được tiếng của nước này. Thế là họ bảo sao phải nghe vậy nếu không muốn vào tù.
Cô chưa nói hết câu đã nước mắt ngắn, dài.
Một cô khác kể chuyện của nhau:
Chúng em, có người xuất cảng lao động, cực quá không làm nổi, hay đang làm thì hết việc.Về lại quê nhà thì tiền vay nợ để đi chưa trả được bao nhiêu. Chồng có khi đang thất nghiệp hoặc ốm đau. Thôi anh để em ở lại làm thêm đôi năm nữa. Anh đâu có biết đích xác em làm việc gì. “Ngậm bồ hòn làm ngọt” cô ơi! (Chữ ngậm Bồ Hòn này chỉ có người Bắc mới biết.)
Một cô khoảng ba mươi, có cặp mắt rất buồn.
Cô ơi, làm hoài cũng quen, nếu mình biết tự đề phòng cho không nhiễm bệnh và biết nghe lời thì dễ sống hơn. Số phần mà cô, phải chấp nhận để sống. Chắc cỡ tuổi tụi em cũng chỉ làm được vài năm nữa. Nếu có phe đảng thì lên làm chủ, rồi mình lại “lừa” người sang sau. Nếu không thì mang cái thân tàn về quê. Không tính trước được cô ơi. Chúng em phó mặc cho phần số. Giọng miền Trung của cô, ngập ngừng, dịu dàng, nghe mà mủi lòng.
Có cô thú nhận. Tụi em yếu đuối chứ có chị rất cứng cỏi, biết bị lừa tìm mọi cách để thoát. Chạy vào tòa Đại Sứ tố cáo, hay chạy vào sở công an Mã, đôi khi cũng thoát được cô ạ. Thật ra các chị có chồng tốt ở nhà chờ, chỉ vì nghèo muốn ra nước ngoài lao động, nay bị lừa nên nhất định về. Còn như chúng em, ai có chồng ở nhà cờ bạc, nghiện hút, hay đánh đập vợ con thì đâu còn muốn về nữa. Mà chồng mình đôi khi cũng chẳng cần biết mình làm gì, miễn cứ gửi tiền về là được. Buồn lắm cô ơi!
Cô ăn đi chứ, sao cô cứ nhìn cái ang cá kèo vậy?
Cái ang cá kèo lạ lắm. Cả trăm con cứ nhảy tung lên như là khiêu vũ, bắn cả ra ngoài ang. Mươi phút sau chúng nằm xếp lớp lên nhau, rất ngoan ngoãn và thứ tự. Tất cả cái đầu nghiêng về một phía như có người cầm đũa xếp những con cá trong một cái nồi để kho. Những con cá này
được mang sang từ Việt Nam. Người chủ quán bảo gây mê cho nó ngủ mấy tiếng, bỏ vào thùng xốp gửi máy bay qua đây. Sang tới nơi chúng sẽ tỉnh dậy.Từ Việt Nam sang Mã Lai có hai tiếng bay mà.
Trên một khía cạnh nào đó, những cô gái Việt có phải đã sang Mã Lai bằng cách đi của những con cá kèo này không?
Cá kèo ở Việt Nam được xếp vào dạng cá rẻ tiền, cá của dân quê nghèo khó ăn thường ngày.
Cá kèo là hạng chót nên đi xem hát mà mua vé rẻ tiền người ta cũng gọi là ngồi ở hạng “cá kèo”.
Hôm sau tôi được một anh bạn kể cho nghe chuyện “Đi Biển” tối hôm trước. Anh ở trong nhóm của chúng tôi, anh dắt cả mấy cô cháu, cả một linh mục khá trẻ, vào đó “tham quan cho biết sự tình” thôi.
Đó là một nhà hàng đêm có tên là Beach Club (Họ gọi tắt là đi Biển), ở không xa khu chợ đêm. Nơi đây mỗi người vào phải mua một chai nước ngọt hay bia giá khoảng 400 tiền Mã (gần 10 Mỹ Kim). Vào trong Biển tối om đó có cả hàng chục cô gái Việt tuổi mười tám, đôi mươi, chạy ra vây chung quanh mình.
Khách và các cô muốn tính với nhau thế nào thì tính, miễn là nộp tiền cho chủ theo đúng luật đã quy định. Ở nơi này, các cô còn xuân trẻ có thể kiếm một đêm từ một đến hai trăm Mỹ kim.
Các cô sẽ lôi kéo, vuốt ve, khách không trốn vào đâu được (thật ra đã vào đấy thì có ông nào không muốn bị bắt). Nhưng đây là nhóm của chú cháu anh nên họ chỉ đứng chụm vào nhau nói chuyện và quan sát. Nghe anh nói chuyện với linh mục cứ Cha Cha, Con Con. Một cô khẽ lên tiếng:
Con muốn được xưng tội.
Tôi ngắt lời, hỏi: Thế Cha có giải tội cho cô ấy không? Anh bạn nói, không, Cha sợ bị phục kích.
Tự nhiên tôi thấy thương quá! Nếu thật tình cô ấy muốn xưng tội thì sao? Có lẽ cô là người Công Giáo, bao lâu nay không hề tới nhà thờ vì nghĩ mình tội lỗi.
Tôi tin cô có thể cầu xin tha thứ thẳng với Chúa. Chúa nhân từ vô cùng, Chúa hiểu hoàn cảnh của cô hơn bất cứ ai.
Trong một buổi tối khác, quán ăn khác, chủ cũng là một phụ nữ người Việt, khoảng bốn mươi tuổi. Phụ bếp, chạy bàn có nam, có nữ, toàn người Việt. Một cô trông rất trẻ, đang ngồi chẻ rau muống làm gỏi cho khách. Tôi hỏi chuyện làm quen mọi người, cô chủ cho biết ở đây đã chín năm, chồng là người Hoa. Cô phụ bếp mới sang được một tháng. Đi diện du lịch rồi sẽ ở luôn. Cô chủ nói, em chỉ cần đút tiền cho lính Mã là cái gì cũng xong cô ạ.
Tôi đợi lúc cô phụ bếp mang thức ăn cho tôi, tôi hỏi: Con có gia đình chưa? Ở thành phố nào?
– Dạ có rồi, con ở Huế, con có hai đứa con nhỏ. Cô ngập ngừng một chút nói thêm: Nghèo quá cô ạ, mà luôn luôn không có việc làm. Cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp hoài. Con giao con cho nhà chồng, sang đây làm để có tiền gửi về.
Tôi nhìn kỹ cô thêm một chút, thấy cô người mảnh mai, có chút nhan sắc, tôi chạnh lòng nói khẽ.
Cô biết con làm ở đây vất vả, từ 4 giờ chiều tới 5, 6 giờ sáng. Nhưng nếu ai rủ con đi làm việc gì nhàn hơn, nhiều tiền hơn, con đừng có nghe. Con hiểu cô nói gì không?
Cô gái nhìn tôi với cặp mắt bối rối, cô hạ mi mắt thấp xuống một chút, cô cũng trả lời rất khẽ
Dạ, con hiểu, con cám ơn cô.
Tôi thấy lòng mình nao nao. Chẳng phải bà con thân thích gì sao bỗng thấy thương như thương con, cháu mình.
Hoàn cảnh của những cô gái mang hộ chiếu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cô đến từ đâu? Huế, Hà Nội, Kiên Giang, Mỹ Tho, Cà Mau hay Ninh Bình, Lạng Sơn, Nam Định, các cô đều là những con cá kèo bị (hay tự chọn) gây mê bỏ vào thùng xốp mang đi.
Những ngọn đèn lồng đỏ, ngọn tỏ ngọn lu đó còn treo tới bao giờ.
02/05/2017
Trần Mộng Tú
Nguồn: fb Peter Nguyenthanh
Views: 0