Xã hội

Đất nước “Vịt” có bao giờ được nhiều Tiến Sĩ như thế này chưa?

 

Em còn nhớ hay đã quên?

Tác giả : Tuấn Khanh

Nguồn: Đài Á Châu Tự Do. Ngày đăng: 2022-05-07

 

Suốt nhiều ngày, giới bình dân lẫn trí thức đều bàn tán về chuyện các tiến sĩ hạng lông đang xuất hiện khắp nơi trên đất nước. Những tấm bằng trọng vọng, phủ lên trên những dự án hết sức ngớ ngẩn đang được tìm thấy với sự mỉa mai, rằng “đất nước ta có bao giờ được như thế này đâu”.

Theo con số ước tính, Việt Nam đang có hơn 24.000 danh vị tiến sĩ (thống kê từ năm 2016), nhưng vào năm 2020, theo báo Tuổi Trẻ, thì Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam cho biết những năm gần đây, cứ mỗi năm có hơn 1.500 tiến sĩ lấy bằng. Nhưng khả năng và ứng dụng thực tế của các vị tiến sĩ đó thì chưa được công bố. Chưa kể là còn liên tiếp các vụ tố nhau đạo văn, kể cả quan chức chính phủ.

Một người bạn làm nghề kinh doanh, phải đi gặp rất nhiều khách hàng, kể là đến đâu nhận danh thiếp của giám đốc, trưởng phòng… đều thấy đề danh vị là tiến sĩ, thấp thì cũng là thạc sĩ (cao học). Người Việt Nam hôm nay trí thức rất toàn phần. Nói như một nhà báo về hưu non ví von “Vừa bỏ súng xuống, họ lại cầm bút. Nhưng không biết súng đã bắn vào đâu và bút đã viết những gì”.

Nạn lạm phát tiến sĩ, thạc sĩ, chức danh nổ như pháo hiện nay, phải nói đến công của thời Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân. Năm học 2007 – 2008, ông Nhân được ra khẩu hiệu “năm không”, trong đó có “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Nhưng chính ông ta lại mâu thuẫn với mình khi vào lúc nhận chức Phó Thủ Tướng, ông phát động chiến dịch trang trí toàn cõi Việt Nam bằng các loại bằng cấp, qua đề án do chính ông ký tên ban hành là mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010 – 2020.

Tiến sĩ cầu lông, hay các loại tiến sĩ đã và đang bị dòm ngó về nội dung luận án, có nằm trong chiếc lồng ấp 20.000 tiến sĩ của ông Nhân không? Và họ đã làm gì với mảnh bằng chói lòa số lượng ấy?

Nhưng mảnh bằng tiến sĩ trong nước giờ đã kém sang, nhiều nhân vật quan chức nay săn tìm bằng cấp nước ngoài để có vẻ “phương Tây” hơn, và cũng khó truy nguyên hơn. Việt Nam là nước mua bằng giả từ các công ty ma tại Mỹ nhiều đến mức mà năm 2019, tiến sĩ Mark A. Ashwill, Giám đốc Viện Giáo Dục Quốc Tế Mỹ tại Việt Nam đã phải gửi đến giới báo chí, xin giúp công khai danh sách 21 trường đại học Mỹ đang có mặt tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền công nhận ngay tại Mỹ. Dĩ nhiên, vô số các tấm bằng giả đã bị phát hiện, và được giải quyết nội bộ.

Một trong những vụ bị phanh phui – do đến lúc – là trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, nhận bằng tiến sĩ của Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) mà thời gian tu học đòi hỏi từ 4-7 năm, nhưng chỉ hơn 1 năm, ông Anh đã hoàn tất.

Đến lúc, tức bị đào thải ra khỏi hệ thống vì lý do gì đó, và bằng cấp chỉ là một trong những lý do để vin vào. Ví dụ cho chuyện này, nặm 2021, Đại Học Đông Đô ở Hà Nội bị phát hiện đã cấp bằng giả cho gần 450 quan chức. Nhưng chỉ có hơn chục người bị tiết lộ danh tính, còn lại thì vẫn bí mật, vì là vấn đề an ninh quốc gia. Quan chức sống trên bằng cấp giả, lừa mị nhân dân bằng học thức giả, là một hiện thực mà cả nước Việt Nam lâu nay “ai cũng biết, mà không ai nói”.

Nói về dự án bốc lửa, tạo ra 20.000 tiến sĩ của ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc có gửi góp ý sau khi mọi thứ vỡ lỡ là thất bại thảm hại “Tiêu đồng tiền của dân thì phải thận trọng”. Còn Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM thì tiết lộ rằng mọi nơi trong ngành giáo dục rùng rùng chạy theo niềm cảm hứng của ông Nhân, bất kể hiện thực. “Các cơ quan cử người đi du học (lấy bằng tiến sĩ) thì đa phần trình độ tiếng Anh rất là yếu, rồi ngay cả việc học thêm tiếng Anh đủ chuẩn để đi du học cũng yếu, cho nên rất nhiều em qua học 4 năm không thể làm gì được”, ông Dũng kể về giai đoạn sôi sục với chỉ tiêu ấp cho được 20.000 tiến sĩ của ông Nhân.

Được biết dự án đó (có tên là Đề án 911), dự trù kinh phí 14.000 tỷ đồng, không biết thất bại bao nhiêu, nhưng sau đó kiểm toán nhà nước kiến nghị khắp nơi phải thu hồi nộp trả lại phần có thể, cho ngân sách nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Điểm lại cuộc chiến tranh nhân dân mà Hà Nội đã khởi đi từ năm 1954, trong nội dung đó, trí thức và các loại bằng cấp thường không được xem trọng. Đặc biệt sau Tháng Tư 1975, cuộc cải tạo tư tưởng khổng lồ với hàng triệu người miền Nam Việt Nam, bao gồm luôn cả các thành phần trí thức đã biến giới có học trở thành hạng người bị coi là hư hỏng, nhiễm độc bởi tư tưởng sai lầm của phương Tây. Cụ thể là chuyện Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Tổng Trưởng Văn Hóa – Giáo Dục – Thanh niên thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông là người phát triển tri thức cho toàn bộ vùng miền Tây Việt Nam, và là người phát hiện nhà nông nghiệp học Võ Tòng Xuân về Việt Nam làm việc vào năm 1972. Ông bị đi “học tập” và chết năm 1986 vì đau yếu, thiếu thốn trong tù Ba Sao, Nam Hà.

Thật khác với những ngày khai lý lịch ở miền Nam sau 1975, người ta thì thào với nhau rằng trong mục học vấn, tốt nhất là nên để nguồn gốc bần cố công, hoặc chỉ học đến lớp 12… như vậy thì mới yên phận. Thỉnh thoảng ai đó bị phát hiện là có bậc đại học hoặc trên mức đó mà che giấu, đều bị tra vấn như tội phạm.

Nhớ ông thầy dạy Anh Văn, bị đi “học tập cải tạo” mấy năm do là viên chức hành chánh chế độ. Ông kể có lần phái đoàn quốc tế đến thăm trại, cán bộ vào căn dặn mọi người là không được nói chuyện trực tiếp, mà phải qua phiên dịch của nhà nước. Và nếu có được hỏi là có nói được ngoại ngữ không thì phải từ chối. Chẳng may, dáng vẻ trí thức lụm cụm của ông làm thành viên phái đoàn quốc tế chú ý. Họ đi đến gần và hỏi ông có nói được tiếng Anh không, ông lắc đầu và chỉ trả lời qua phiên dịch. Cuối cùng, có một thành viên phái đoàn hỏi ông là trước năm 1975 làm nghề gì. Ông nói “làm thầy giáo”. Người phiên dịch chuyển lời ngay. Thành viên phái đoàn quốc tế lại gặng “ông dạy môn gì?”. Ông thầy trả lời giọng nhỏ dạy “Anh Văn”. Người phiên dịch cũng chuyển lời ngay, nhưng nửa câu thì hắn giật mình, im lặng. Nhưng cũng đã trễ. Các thành viên phái đoàn quốc tế lúc đó gồm những người Pháp, Thụy Điển, Đức… nhìn nhau, cười và vỗ vai ông thầy.

Sau buổi đó, ông thầy bị tịch thu hết sách vở ngoại ngữ cất ở chỗ nằm, bị phạt hết một tuần vì dám nói chuyện liên quan đến tiếng ngoại quốc và cố lý lừa cán bộ. Giờ thì ông mất rồi. Ông không còn dịp để thấy chuyện thỉnh thoảng ông Nhân hay ông Đam bập bẹ nói vài câu xã giao tiếng Anh trên đường phố với Tây du lịch, báo chí đã rần rần tung hô như là tiến sĩ.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.