Nguyễn Trung Tây
…Khách lạ quay hướng câu chuyện:
– Tôi nhớ có nhiều lần ghé vào kinh thành, gặp người Mãn Châu. Người Thanh cụ biết thuộc phương Bắc, to cao lực lưỡng, lấn chiếm Trung Nguyên chấm dứt nhà Minh. Tới thời Khang Hy, tiêu diệt Thiên Địa Hội, chấn chỉnh lại nhà Đại Thanh. Tới thời Càn Long, hùng khí vươn cao một góc trời.
Khách lạ dừng lại, âm giọng trầm buồn:
– Từ bao lâu nay phương Bắc ỷ lớn coi thường người phương Nam. Người nước Nam, rất tiếc, thời Lý Đại Tướng Bắc đánh Tống Nam bình Chiêm; thời Trần Đại Tướng chỉ sông Hóa thề không trở về nếu không dẹp tan giặc Mông Cổ; thời Lê Thái Tổ mười năm nằm gai nếm mật đã qua. Hai trăm năm rồi, hai phủ Chúa dùng danh hiệu Thái Tổ hiệu lệnh thiên hạ. Hai trăm năm rồi, Bắc Hà và Nam Hà đoạn giao, coi nhau thù địch. Người Bắc Hà coi người dưới dòng sông Gianh ngoại tộc, man di mọi rợ. Người Nam Hà coi người nằm trên dòng sông Gianh hủ nho, cổ hũ, không thức thời. Cũng người Việt một dòng máu, thế mà anh em quay sang chống đối, hận thù, gây ra bẩy lần cảnh nồi da xáo thịt.
Nhìn ấm trà nguội lạnh nằm giữa bàn, khách lạ yên lặng giây phút, rồi lại tiếp tục:
– Tôi nhớ có lần ra tới Thăng Long, đi ngang chợ kinh đô gặp người Mãn Châu đầu thắt bím, quần áo xuề xòa, dáng vẻ thương buôn, dạo chơi kinh thành. Vừa đi họ vừa nhổ xoèn xoẹt xuống mặt đường. Những người này tới đâu, dân Thăng Long nhìn theo ánh mắt sợ hãi, chiêm ngưỡng. Có hai ba người học trò, và cả những cô gái kinh thành nhoẻn miệng cười duyên dáng, mở miệng bập bẹ tiếng Mãn Châu với người Thanh. Nhưng người Mãn Châu nói tiếng Hán, tủm tỉm cười với nhau, không thèm trả lời, bỏ đi một nước.
Khách lạ mặt lạnh như tiền:
– Về phòng trọ, tối hôm đó tôi trằn trọc cả đêm. Tự nhiên mất ngủ, hỏi, tại sao?
Một lần nữa nhìn ấm trà nguội lạnh nằm chơ vơ giữa bàn, khách lạ cười khẩy:
– Có một thời tiên sinh ở kinh thành, tôi tin ngài cũng đã nhìn thấy hàng tơ lụa phương Bắc tràn ngập Thăng Long. Người Bắc Hà ghé vào xem, trầm trồ khen ngợi. Bắc Hà cũng như Nam Hà, người ta hát nhạc Mãn Châu. Gần đây tôi thấy có người bắt đầu cạo đầu thắt bím, mặc quần áo Mãn Châu. Dân kinh thành đua nhau học tiếng Mãn. Người người đọc sách nhà Thanh. Thoạt tiên nhìn vào, cứ tưởng người Thăng Long giờ đã tộc hóa ra người Mãn!
Nhìn khung cửa sổ đóng kín mít rồi nhìn khói hương trầm thơm ngát ngạt ngào bầu không khí, khách lạ tiếp tục:
– Có hai ba lần, tôi gặp người trẻ Bắc và Nam Hà. Hỏi họ Gia Huấn Ca của Vương Hầu Nguyễn Trãi, không mấy người biết. Hỏi sự tích Trầu Cau, chẳng ai hay. Tôi kể chuyện tổ tiên Hùng Vương Mười Tám đời, họ tưởng chuyện của ai đó. Chuyện về nguồn gốc dân tộc, tuổi trẻ song Hà không hay. Nhưng hỏi về nguồn gốc Mãn Thanh, của Minh, của Hán, không ai không biết. Đến là lạ! Thơ Lý Bạch, thơ Thôi Hộ, tuổi trẻ song Hà thuộc nằm lòng, như in trong trí như tạc trong dạ. Tôi ngạc nhiên lắm. Hỏi, tại sao?
Khách lạ dừng lại nhìn người đối diện:
– Tôi nhớ hai ba lần ghé qua Xiêm. Tiên sinh hẳn biết, Xiêm La theo chế độ cưỡng bách giáo dục, tất cả trẻ em đều phải cắp sách đến trường. Mười tám tuổi, thanh niên vô chùa tu học hai năm. Chùa chiền và trường học xuất hiện khắp nơi. Cứ một dãy phố lại thấy trường học và cảnh chùa. Ghé vào khu vực san sát nhà cửa, lâu đài mọc cao như nấm, ngựa xe tấp nập trong kinh thành Vọng Các, tôi ngạc nhiên nhận ra đó là khu vực người gốc Đại Việt. Hỏi ra mới biết những người này trước đó ở bên nước ta, không một tấc đất để cắm dùi. Nhưng sau một lần bỏ quê cha đất tổ, đời sống họ thay đổi. Họ trắng da thắm thịt. Tôi cũng gặp ở đất Xiêm rất nhiều thanh niên Đại Việt thông minh tráng kiện làm việc trong triều đình vua Xiêm. Nhìn họ cao lớn, tưởng người Xiêm. Có người dậy hoàng tử Xiêm học. Hỏi chuyện mới biết khi còn ở bên nước Nam ta, họ là trẻ mục đồng, không biết mặt chữ Nhất. Tôi bàng hoàng không tin vào con mắt của mình. Lại hỏi, tại sao?
Khách lạ khẽ thở dài, nhìn lên hoành sơn chữ LÊ đại tự:
– Tôi còn nhớ vào thời Ức Trai tiên sinh, ngài viết Bình Ngô Đại Cáo, “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Chuyện thời Ức Trai, thời Lê Thái Tổ, chuyện lâu rồi mà cũng còn như mới, tựa như chuyện ngày hôm nay, ngay bây giờ. Thời đó, thời của mười năm liền đất nước Văn Lang mở ngõ cho giặc Minh phá bỏ; thời người nước Nam bị đày xuống biển mò ngọc trai, lên rừng kiếm ngà voi cho giặc Minh. Hào khí Lạc Việt xuống thấp. Nhiều người bỏ sang Vạn Tượng, Nam Vang, Vọng Các sống một đời tha hương. Nhờ vượng khí nước Nam, nhà Lê nổi lên từ Lam Sơn với mười năm nằm gai nếm mật. Cuối cùng Liễu Thăng đầu rụng tại Chi Lăng, Vương Thông đầu hàng tại Đông Quan. Kinh thành Thăng Long vươn mình bước vào vận hội mới.
Dừng lại trong một thoáng, đôi mắt người khách lạ long lanh màu lửa đỏ, những tia lửa nổ tung:
– Bây giờ Càn Long dựa vào Hoàng tôn Lê Duy Kỳ, sai Tôn Sĩ Nghị đưa hai mươi vạn quân tiến vào Thăng Long. Kinh thành hiện giờ đang ngập bóng người thắt bím.
Khách lạ giọng sắc, rõ từng chữ:
– Hoàng tôn Lê Duy Kỳ xưng làm vua, cha mẹ của dân. Nhưng thay vì lo đến tương lai của con cái của dân tộc, chỉ vì tư lợi riêng tư, Chiêu Thống dám hy sinh vận mạng cả nước, cõng rắn cắn gà nhà, tạo thêm cơ hội ngàn vàng cho ngoại bang dầy xéo người nước Nam…
(Nguồn: http://www.nguyentrungtay.net/thanhhoatra.html)
Views: 0