Elizabeth Nguyễn
„Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi“(Xh 20,12)
Đọc lời trên trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy rằng hiếu kính cha mẹ đã được Thiên Chúa dạy từ khi Ngài cho loài người sống trên mặt đất. Chữ „thờ cha kính mẹ“ là viết theo văn hóa Việt Nam, nhưng theo nghĩa của Kinh Thánh Giáo Hội Công Giáo thì đó là thảo kính cha mẹ. Vì Kitô giáo chỉ thờ Thiên Chúa duy nhất mà thôi.
Đạo hiếu là một trong những giá trị rất lớn trong văn hóa Việt Nam, nên mới gọi là đạo, đạo là con đường dẫn đến sự biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, của sự truyền thừa từ tổ tiên. Kitô giáo coi việc hiếu thảo cha mẹ là điều rất quan trọng, từ thời ông Mose được Thiên Chúa trao cho bia đá „Mười Điều Răn Đức Chúa Trời“ viết bằng tay của Ngài, trong đó điều răn thứ tư là điều răn THẢO KÍNH CHA MẸ. Điều răn này chỉ đặt sau 3 điều răn về thờ phượng Đức Chúa Trời.
10 điều răn đó là:
1.Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự
2.Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
3,Giữ ngày Chúa Nhật
4.Thảo kính cha mẹ.
5.Chớ giết người.
6.Chớ làm sự dâm dục.
7.Chớ lấy của người.
8.Chớ làm chứng dối.
9.Chớ muốn vợ chồng người.
10.Chớ tham của người.
Trong mọi Thánh lễ người Công giáo cử hành mỗi ngày và ở mọi nơi đều cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc. „Xin Cha cũng nhớ đến anh chị em tín hữu chúng con đang an nghỉ chờ ngày sống lại, và những người đã qua đời mà chỉ còn biết nhờ vào lòng thương xót của Cha. Đặc biệt, xin cha nhớ đến các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc của chúng con đã lìa cõi thế. Xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng tôn nhan.“.
Bên cạnh đó, Tháng 11 hàng năm được dành riêng để cầu nguyện cho mọi người thân đã qua đời. Vì thế ngày nay mỗi khi cử hành Thánh Lễ, trong kinh nguyện, linh mục chủ tế đều có lời cầu nguyện cho tất cả những người qua đơi: „Xin Chúa cũng nhớ đến ông bà cha mẹ anh em bạn hữu chúng con đã qua đời chỉ nhờ vào lòng thương xót Chúa. Amen“.
Vào thế kỷ 16, 17, Kitô giáo mới được du nhập vào Việt Nam, do những cố đạo người Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bị vua quan coi là tà đạo, vì các vị không hiểu tập tục cúng bái của dân tộc Việt Nam nên đã hiểu rất sai về vấn đề này. Ngày hôm nay cũng vẫn còn có những người hiểu sai Kitô giáo vì họ cho rằng Kitô giáo không dạy cho người ta biết hiếu thảo ông bà cha mẹ.
Sách Huấn Ca, Thiên Chúa đã dành riêng một chương dạy con cháu phải có nghĩa vụ đối với cha mẹ: „Hỡi các con hãy nghe cha đây, và làm thế nào để các con được cứu độ. Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu (…) Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. (…) Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. (…) Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người (…) Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa“ (Hc 3,1-16).
Chúng ta còn được chứng kiến rất nhiều gương hiếu thảo của con cái với cha mẹ, điển hình trong Cựu Ước:
Gương hiếu thảo của Bà Ruth, bà là người Moab, con dâu bà góa Naomi, người Do Thái. Sách Thánh viết; „Vào thời các thủ lãnh cai trị, nạn đói xảy ra nên bà Naomi và chồng Elimelec và hai con trai bỏ Belem, miền Giuda mà đến cánh đòng Moab sinh sống, khi Elimelec qua đời, bà góa Naomi sống nhờ hai người con trai, đều lấy vợ người Moab. Chừng mười năm sau thì hai con trai cũng qua đời. Bà Naomi và hai con dâu trở về quê, xứ Giuda. Bà nói với hai con dâu: „thôi, mỗi người chúng con hãy trở về nhà mẹ mình . Xin Đức Chúa tỏ lòng thương chúng con, như chúng con đã tỏ lòng thương những người quá cố và mẹ!Xin Đức Chúa cho mỗi người chúng con tìm được cuộc sống an nhàn dưới mái nhà một người chồng“. Rồi bà ôm hôn hai con dâu. Họ òa lên khóc. Họ thưa: „Chúng con muốn cùng mẹ trở về quê của mẹ“. Bà Naomi nói: „Các con ơi, về đi, theo mẹ làm gì? Trong lòng mẹ có còn con trai nào nữa đâu mà gả chồng cho các con (…) Hai người con dâu lại òa lên khóc. Ocpaom, con dâu thứ nhất hôn từ giã mẹ chồng, còn Ruth thì cứ khắng khít theo bà. Bà Naominói: „Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu của con mà về đi! Ruth đáp: „Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con. Mẹ chết ở đâu con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin Đức Chúa phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết“. (R 1,1-17)
Gương hiếu thảo của cô Shara, một cô gái đẹp nhưng bất hạnh, con ông Raguen. Một hôm cô „đã nghe một trong những tớ gái của cha cô nói lời nhục mạ. Số là cô đã được gả cho bảy người chồng, nhưng trước khi ăn ở với cô, người nào cũng bị ác quỷ Atmodaiô giết chết. Người tớ gái nói: „Chính cô là kẻ sát phu! Coi đó, cô đã có bảy đời chồng mà chẳng được mang tên ông nào! Tại sao chỉ vì mấy người chồng của cô đã chết mà cô lại đánh đập chúng tôi? Thôi, đi với mấy ông ấy cho rồi, và đừng bao giờ chúng tôi thấy cô có con cái gì hết!“. (Tb 3,7b-9).
Lòng cô xót xa ưu phiền, kêu khóc rồi lên lầu định thắt cổ tự tử. Nhưng cô nghĩ đến cha mẹ và cô đã bỏ ý định: „Sẽ không bao giờ người ta nhục mạ được cha tôi và nói với người: „Ông chỉ có một con gái yêu quý, thế mà vì bạc phận, đã thắt cổ tự tử!“ Như vậy tôi sẽ làm cho tuổi già của cha tôi phải buồn phiền đi xuống âm phủ.” (Tb 3,10-11)
Trong Tân Ước, Thánh Phaolo trong thư Ê-phê-sô được viết cách đây 2000 năm, khuyên dạy các Kitô hữu phải sống cho đúng phép tắc gia phong và đúng luật Chúa đòi hỏi, „Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: „Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.“ (Ep 6,1-3). Không chỉ con cái phải kính trọng và yêu thương cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng phải đối xử tốt với con cái, như Lời Chúa dạy. Đạo hiếu này có hai chiều: con cái với cha mẹ và cha mẹ với con cái, có giá trị đời đời. „4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy“. (Ep 6,4).
Tạ ơn Chúa, hiện nay chúng ta còn thấy rất nhiều gương hiếu thảo hiển hiện, dù đời sống ngày nay con người ta chỉ quý trọng vật chất, tiền bạc hơn giá trị của một con người, nhất là người già yếu. Vừa rồi, tháng 11. 2019 bên Cali, USA đã có một người đàn ông người Á Châu già cả bị người ta bỏ trước một ngôi chùa. Không những thế rất nhiều người con qua đến Mỹ, ngày nay có nhà cao cửa rộng mà rất hẹp hòi với cha mẹ. Khi mùa đông đến lạnh lẽo không cho cha mẹ bật lò sưởi vì sợ phải trả thêm tiền điện, trời nóng mùa hè thì không cho các cụ mở máy điều hòa không khí, thậm chí mở chiếc quạt nhỏ cũng bị con cằn nhằn la mắng. Điều này chúng ta nghe rất nhiều khi các cụ gặp nhau than phiền thấu trời cao. „Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đứa con đốn mạt nhuốc nhơ“ (Cn 19,26). Thật rất buồn và bất nhẫn trước tình người, khi chứng kiến những sự việc như thế, con cái trong gia đình vô ơn bạc nghĩa, không biết đến ơn sinh thành dưỡng dục. „Có hạng người nguyền rủa cha và không cầu phúc cho mẹ“ (Cn 30,11), và không thiếu những người con không kính mến, không tôn trọng, không vâng lời cha mẹ „Kẻ nào giương mắt chế diễu cha, và coi thường chuyện vâng lời mẹ, sẽ bị quạ ở lũng sâu móc mắt, và bị loài diều hâu rỉa thịt“ (Cn 30,17). Thời đại ngày nay, kể cả ở Âu Châu tuổi trẻ cũng không biết đến sự kính trọng người lớn tuổi, già cả. Trên xe bus chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều những người trẻ rất ít khi đứng lên nhường chỗ cho người già yếu. Thật là bất lịch sự và thật thô lỗ khi mà Âu Châu không còn giữ được văn hóa kính trọng tốt đẹp đó.
Mỗi người hãy sống tốt và đúng vai trò của mình trong gia đình, không chỉ có phúc ở đời này mà còn phúc cho cả các đời sau nữa. Hy vọng chúng ta trong vai trò làm cha mẹ, hãy dạy dỗ và duy trì văn hóa tốt đẹp là lòng biết ơn nhau trong gia đình: là cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, tôi đã sống như thế nào để gìn giữ văn hóa Việt Nam của chúng ta còn được tồn tại, nhất là văn hóa gia phong, hiếu đễ với cha mẹ ở Hải Ngoại này.
Elisabeth Nguyễn
- Người Công Giáo có nên nói chuyện với những người thân yêu đã khuất của họ không?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican06/Nov/2021
Trong bộ phim “Coco” của Disney-Pixar, phát hành năm 2017, nhân vật chính, Miguel, vô tình đi qua vùng đất của người chết vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn trong khi cố gắng hòa giải tình yêu âm nhạc của mình với sự cấm đoán của gia đình.
Trong bộ phim “Coco”, Miguel tình cờ gặp các thành viên gia đình đã khuất của chính mình, và tìm hiểu lịch sử gia đình thực sự của anh ta. Miguel được cho biết rằng người chết chỉ có thể đến thăm những người thân yêu của họ vào ngày lễ đó nếu có ảnh của họ trên bàn thờ tổ tiên của gia đình.
Người Việt Nam ta không xa lạ với bàn thờ tổ tiên của gia đình, tiếng Anh gọi là “ofrenda”. Đó là một bàn thờ có ảnh của những người thân yêu, những đồ trang trí đầy màu sắc và những món ăn, thức uống yêu thích và những vật lưu niệm của người đã khuất. Tuy nhiên, bàn thờ tổ tiên là một khái niệm khá xa lạ với nhiều người Tây phương.
Mặc dù trải nghiệm của Miguel là hư cấu, bộ phim “Coco” đã khích lệ nhiều người dựng các bàn thờ tổ tiên, là điều đáng khuyến khích, nhưng vấn đề còn đi xa hơn khi nhiều người tìm đến các nhà ngoại cảm để dùng đến thuật chiêu hồn.
Không có gì lạ khi những người thân yêu đau buồn trải qua điều mà các nhà tâm lý học gọi là “Giao tiếp sau khi chết”, trong đó tang quyến tin rằng họ nhìn thấy, nghe thấy giọng nói hoặc thậm chí ngửi thấy mùi của những người thân yêu đã khuất của họ.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra những trải nghiệm này, đôi khi được gọi là “ảo giác về người mất”, có thể chữa lành và an ủi cho những người đau buồn.
Nhưng người Công Giáo nên thận trọng khi “giao tiếp” với người chết, hai nhà tâm lý học Công Giáo nói với CNA, và khuyên họ nên giao tiếp bằng lời cầu nguyện.
Dana Nygaard là một người Công Giáo và là một cố vấn tâm lý, tư vấn cho những người vừa mất người thân. Nygaard nói với CNA rằng nhiều người Công Giáo hiểu sai về những gì xảy ra với linh hồn sau khi chết, nên cô ấy khuyến cáo hãy thận trọng khi nói về ý nghĩa của việc nói chuyện với những người thân yêu đã khuất. Cô cho biết nhiều người Công Giáo đã gặp các nhà ngoại cảm để dùng các thuật chiêu hồn.
Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, “tất cả các hình thức bói toán đều bị cấm” bao gồm cả việc “gọi hồn người chết”.
Tuy nhiên, Giáo hội khuyến khích người Công Giáo cầu nguyện cho người chết như một trong những việc làm của lòng thương xót về phần hồn.
Sách giáo lý Công Giáo nêu rõ:
“Ngay từ đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng nhớ những người đã chết và dâng những lời cầu thay nguyện giúp cho họ, trên hết là hy tế Thánh Thể, để nhờ đó, họ được thanh tẩy, có thể được hưởng kiến thánh nhan Chúa. Giáo hội cũng tuyên dương những việc bố thí, ân xá và các công việc đền tội được thực hiện thay cho những người đã chết”.
“Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã chết và cầu nguyện cho họ.”
Source:Catholic News AgencyShould Catholics talk to their dead loved ones?
Views: 0