Xã hội

Chế độ Putin sẽ sụp đổ *

Wladimir Kara-Mursa

 

Người dịch: Wladimir Kara-Mursa, 41, là một trong những nhà đối lập quan trọng nhất ở Nga (hiện còn sống!). Ông vốn là người cố vấn của Boris Nemzow, nhà chính trị đối lập bị ám sát năm 2015. Hai lần, vào năm 2015 và 2017, Kara-Mursa bị đầu độc rất nặng, nhưng đã thoát chết. Đầu tháng Tư năm nay ông bị bắt ở Moskau. Đang chờ ngày bị xử, vì những phát biểu về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine của ông. Bản án có thể lên tới 10 năm tù. Bài này ông viết ngay trước khi bị bắt. Nay, qua luật sư của mình, ông cho phép phổ biến nó. Người dịch Phạm Hồng-Lam.

Lúc này mà ngồi nghĩ về tương lai của một nước Nga hậu Putin thì quả là viễn vông Nhưng rõ ràng đây đúng là thời điểm để làm chuyện này. Là vì, có một điều chúng ta biết rõ về lịch sử của đất nước Nga, là: biến chuyển chính trị ở Nga luôn luôn đến một cách đột ngột – quá nhanh, đến làm cho những người trong cuộc cũng giật mình bàng hoàng.

Trong những ngày này tôi thường nghĩ tới cuộc chiến giữa Nga và Nhật năm 1904. Thời đó Wjatscheslaw von Plehwe, bộ trưởng nội vụ của Sa Hoàng, huyênh hoang về sự cần thiết phải đánh cho thằng nhỏ Nhật một trận, thì tất cả mọi bế tắc nội bộ của Đế Quốc Nga sẽ được giải quyết. Có một điều Wjatscheslaw lúc đó chắc chắn đã không nghĩ đến: chỉ một năm sau – cũng vì hậu quả của cuộc bại trận – cuộc cách mạng đầu tiên ở Nga đã nổ ra. Sa Hoàng rốt cuộc phải chấp nhận cho phép thành lập Quốc Hội (Duma), phải cho phép tự do báo chí và tự do lập đảng. Và khi Lenin vào cuối tháng Giêng 1917 đứng trước một nhóm đảng viên Đảng Dân Chủ Xã Hội trẻ người Thuỵ-sĩ ở Zürich dõng dạc nói câu nổi tiếng: „Thế hệ của tôi sẽ không còn cơ hội nhìn được những trận chiến quyết định của cuộc cách mạng sắp tới“ – thì đúng sáu tuần lễ sau cách mạng nổ ra.

Chính tôi đã đủ lớn, để nhớ ngày lịch sử của tháng Tám 1991, khi một nhóm người cộng sản đầu óc bê-tông ở Moskau nỗ lực lật đổ Michael Gorbachow. Đầu tháng đó đã chẳng một ai nghĩ được rằng, cái chế độ Xô-viết hãy còn sinh động này sẽ kết liễu ngay trong tháng Tám đó. Chỉ trong vòng ba ngày cả một hệ thống toàn trị ghê tởm nhất trong lịch sử loài người đã sụp đổ tan tành. Biến chuyển chính trị ở Nga vẫn diễn ra theo cách đó.

Ngày hôm nay chúng ta cũng phải hình dung tới viễn ảnh sụp đổ nhanh chóng này. Các chế độ ở quê hương tôi, dù là thời Sa Hoàng, thời Xô-viết hay thời Putin, đã luôn luôn tạo ra chiến tranh ở bên ngoài để giải quyết chuyện bên trong – cuộc chiến ở Ukraine hiện nay cũng thế. Và những cuộc chiến này cũng luôn luôn tạo ra tác dụng ngược, trái với dự tính ban đầu. Trận chiến Nga – Nhật, cuộc chiến ở bán đảo Krim trong thế kỉ 19. và cuộc tấn công Afghanistan năm 1979, tất cả đều cùng một kết quả. Tôi tin chắc, Wladimir Putin sẽ không sống sót nổi về mặt chính trị với „cuộc hành quân đặc biệt“ ở Ukraine của ông.

Thật ra, Putin đã khởi động hai trận chiến cùng một lúc vào ngày 24.02.2022: một trận chống lại Ukraine và một trận chống lại hệ thống truyền thông độc lập ở Nga. Ngay chính tôi, sau 20 năm sinh hoạt đối lập, cũng lo lắng, khi chứng kiến cảnh bức màn sắt ập xuống quá nhanh trước mắt mình.

Một buổi sáng tháng Ba, thức dậy trong căn hộ ở Moskau, tôi ngỡ ngàng vì chẳng còn Twitter, chẳng còn Facebook, chẳng còn kênh Radio Echo ở Moskau, chẳng còn kênh truyền hình TV Rain nữa. Hầu hết dân Nga hôm nay sống trong một thực tại hoàn toàn mang màu Orwell, được tạo ra bởi truyền thông nhà nước, mà cụ thể là như thế này: chiến tranh thì gọi là hoà bình, nô lệ gọi là tự do, nhắm mắt làm ngơ có nghĩa là ta đây mạnh mẽ. Ngay những tin tức tuyên truyền thời Xô-viết cũng còn một vài dấu vết sự thật bị bẻ cong. Ngày nay trái lại, chẳng có một chút sự thật nào cả. Do đó hầu hết người dân Nga chẳng biết gì về những tội ác chiến tranh ghê gớm mà quốc gia họ đang gây ra ở Ukraine.

Vì vậy, các quốc gia dân chủ ở phương Tây phải làm sao, để giúp người dân Nga có được những thông tin đích thật. Những nguồn tin này phải bằng tiếng Nga, để họ mở mắt ra được. Trong thập niên 1970‘ đã có những đài như – Deutsche Welle, Radio Free Europe hoặc BBC phát tin vào Liên Bang Xô-viết. Ngày nay, với thời đại kĩ thuật số, vấn đề truyền thông không khó.

Dù vậy, tôi chẳng nghi ngờ gì về việc sụp đổ của chế độ Putin do hậu quả cuộc chiến này. Vấn đề không phải là nó có thể sụp đổ hay không, mà là sụp đổ lúc nào. Khi biến cố này xẩy ra, Nga sẽ gặp lại tình trạng của Đức sau 1945. Nước Nga sẽ hoang tàn kiệt quệ, bởi vì chỉ trong một thời gian rất ngắn Putin đã đốt sạch mọi thành quả kinh tế của 30 năm qua.

Nhưng đất nước chúng tôi sẽ phải xây dựng mới lại toàn bộ mọi mặt, không chỉ về kinh tế mà thôi. Tại sao cuộc thử nghiệm Dân Chủ ở Nga trong thập niên 1990‘ phải chết yểu? Là vì ở Nga đã không diễn ra một tiến trình giải xô-viết nào cả. Tội ác của chế độ cộng sản đã không được tìm hiểu; các thư khố đã không được mở; các tội phạm đã không bị chế tài và cấm tái tham gia quyền lực. Lỗi lầm này là do Boris Jelzen, và chúng tôi hôm nay phải sống với những hậu quả của nó; một trong những hậu quả đó là việc một cựu sĩ quan tình báo KGB chiếm giữ quyền lực từ hai chục năm nay.

Chúng tôi không được phép lặp lại những lỗi lầm này một lần nữa, nếu mai đây chúng tôi có cơ hội dân chủ hoá đất nước. Chúng tôi phải có một cuộc kết án chính thức những tội ác cộng sản và tội ác của chủ nghĩa Putin. Chúng tôi cần có một cuộc đổi mới hoàn toàn về đạo đức, phải có một tiến trình đánh thức và công nhận quá khứ. Ở Đức tiến trình này đã diễn ra sau thế chiến thứ II và sau khi Đông Đức sụp đổ. Mọi người dân Đông Đức cũ cho tới nay vẫn có quyền xem hồ sơ của mình do Mật Vụ đông đức lập. Chuyện này chẳng có ở Nga. Mật vụ xô-viết và kẻ thừa kế của nó là FSB, cơ quan mà Putin dựa vào đó để nắm quyền, là một tổ chức tội phạm. Lẽ ra chúng tôi đã phải đặt vấn đề về tổ chức này từ lâu.

Nhưng lỗi lầm thứ hai, cũng xẩy ra trong thập niên 1990‘, là nền dân chủ non trẻ của Nga đã không được phương Tây chào đón. Chẳng hạn một thí dụ: Vào tháng Chạp 1991 tổng thống Nga thời đó là Boris Jelzin gởi một lá thư cho tổng thư kí NATO là Manfred Wörner yêu cầu cho Nga gia nhập NATO một cách chính thức. Lá thư không được hồi âm. Chỉ vào 1995 chính quyền Clinton mới cho Nga hay, họ sẽ chỉ xét đơn với một số điều kiện.

Bốn năm đó là cả một khoảng thời gian đằng đẳng trước những biến chuyển nhanh chóng ở Nga. Và những khả thể đã chìm theo thời gian. Một yếu tố quan trọng khiến cho Dân Chủ ở Nga không triển nở được, là vì chúng tôi, khác với các quốc gia trong khối Warschau khác, đã không bao giờ đặt ra cho mình vấn đề hội nhập vào thế giới âu châu – đại tây dương. Nếu chúng tôi đặt vấn đề này, thì đấy đã là một động cơ rất mạnh cho những cuộc đổi mới, như ở Tiệp, Ba-lan, Slô-vắc hay các nước vùng Baltic. Lỗi lầm này cũng không được phép lặp lại.

Vào ngày mà chúng tôi bắt đầu tái xây dựng một nước Nga dân chủ trên đống hoang tàn của chủ nghĩa Putin, cả hai phía phải biết những gì mình cần phải làm: Về phìa người Nga, chúng tôi phải khởi sự một nền đạo đức mới. Còn phương tây phải tìm cách hỗ trợ tất cả những gì cần, có thể với những chiều kích của một chương trình Marshall. Chúng tôi cần hội nhập vào với thế giới văn minh – thế giới mà chúng tôi xưa nay vẫn thuộc về. Nước Nga trước sau vẫn và quốc gia lớn rộng nhất ở châu Âu. Vì thế giấc mơ về một Âu châu chung, sống trong liên kết, tự do và hoà bình, chỉ có thể thành tựu khi có Nga tham dự. Dù gì chăng nữa, tôi vẫn luôn tin vào điều này.

* W. Kara-Mursa, Das Regime Putin wird kollaborieren. Jochen Bittner chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Đức. Die Zeit số 37, ngày 08.09.22.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.