Xã hội

Cái ôm trước lễ Giáng Sinh *


Trần Mỹ Duyệt

 

Còn đúng một ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh. Tôi đang lo chuẩn bị một vài việc cuối trước khi về nhà nghỉ để chờ đi lễ Nửa Đêm. Từ ngày qua Mỹ đến giờ tính ra đã hơn 40 Lễ Giáng Sinh, nhưng tôi thực sự tham dự lễ Giáng Sinh vào nửa đêm chỉ khoảng mấy lần.

Trên con đường về nhà, xe tôi dừng lại ở đèn đỏ góc Brookhurst và Hazzard. Đứng ở đó là một người ăn xin trên tay cầm tấm bảng viết nguệch ngoạc dòng chữ “I’m hungry” (Tôi đói, hay tôi đói bụng). Anh ta trông còn trẻ, dáng người cao cao. Anh đội trên đầu một chiếc mũ len, khoác trên người tấm áo mong manh mà tôi nghĩ là không đủ để che ấm tấm thân vào một buổi chiều Đông, lại đứng ngoài đường gió như thế này.

Trên tay tôi đã sẵn một chút quà nhỏ cho anh, nhưng chợt tôi nhìn thấy từ bên kia đường một em nhỏ trạc khoảng 10 hay 12 tuổi đang tiến về phía anh. Em đưa cho anh một đồng tiền mà tôi không biết đó là tấm giấy 1, 2, 5, 10 hay 20 dollar. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ mãi là sau khi đưa quà cho anh, em đó còn ôm anh một cách rất thắm thiết và trìu mến!

Sau khi em rời anh, anh tiến lại xe tôi, đưa đồng 10 dollar cho tôi xem như khoe, và nói: “I just got 10 bugs. It is enough food for me tomorrow.” (Tôi vừa nhận được 10 đồng. Đủ để mua thức ăn cho ngày mai). Anh nói với nét mặt rất vui vẻ, như hài lòng mà không còn cần thêm bớt gì cho một ngày mai đang chờ anh. Sau khi nhận món quà nhỏ của tôi, anh nhỏ nhẹ nói với tôi: “Thank you very much. God bless you, and Merry Christmas”. (Cám ơn rất nhiều. Xin Chúa chúc lành cho ông, và chúc một Giáng Sinh vui vẻ.)

Suốt từ đó, trên quãng đường về nhà tôi miên man suy nghĩ. Tôi suy nghĩ về thái độ tử tế và biết ơn của anh. Nhưng nhất là tôi suy nghĩ về cử chỉ của em nhỏ khi ôm chặt người ăn xin mà tôi nghĩ là có thể đã mấy ngày không tắm, trên người dính đầy bụi bậm, và dơ bẩn.

Với anh ăn xin, tôi tự nhận ra điều này là tôi là chi, tôi có gì xứng đáng để ngồi trong một chiếc xe tương đối sang trọng, và có được một chút dư giả để rộng tay với một người kém may mắn hơn mình. Thật sự, tôi chẳng là chi. Nghĩ cho cùng, tôi cũng chỉ là một kẻ ăn xin tình thương của Thiên Chúa. Ngài đã rộng rãi với tôi không phải vì tôi xứng đáng. Và niềm vui len lén đi vào tâm hồn tôi với một suy nghĩ khác, đó là cho thì có ích hơn nhận. Người đời có lẽ ai cũng biết chân lý này, nhưng than ôi kẻ thực hành không biết được bao nhiêu? Nhưng ít ra, phần tôi, tôi vẫn tự nhủ là mình cần phải sống với chân lý ấy mặc dù đôi lúc bản năng hà tiện, tham lam, hoặc ích kỷ cũng muốn gìm tôi lại.

Nhưng suy nghĩ về em nhỏ qua hành động ôm người ăn xin đã chiếm nhiều ý nghĩ trong đầu tôi. Nó không ngừng thôi thúc tôi liên tưởng đến một cử chỉ thân ái, một cử chỉ của yêu thương, của hòa bình mà toàn nhân loại đang mong chờ đón mừng ngày kỷ niệm của Đấng đã đến với con người, và đã trở thành Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thì ra bao sách vở, bao suy nghĩ vẫn thua một hành động bác ái nhỏ. Và tôi nghĩ là nụ cười rạng rỡ của người ăn xin đó sẽ không lịm tắt cho đến khi và rất có thể anh sẽ tìm đến một hang đá Belem của các thánh đường quanh vùng để như các mục đồng trên đồng quê Belem năm xưa đến thờ lậy và khoe với Chúa 10 đồng mà anh đã có chiều hôm. Dĩ nhiên, anh cũng sẽ cầu cho người bạn trẻ đã đem lại cho anh niềm vui đơn sơ. Niềm vui được người khác nhận thức, tôn trọng và quí mến mặc dù anh chỉ là một người ăn xin. Niềm vui vì biết rằng trên đời này giữa những tấm lòng băng giá vì tiền bạc, vì danh giá, vì lạc thú, vì quyền bính vẫn có những tấm lòng đơn sơ biết quan tâm và biết đến những nhu cầu của người khác.

Và điều này cũng nhắc tôi nhớ lại vào một mùa Đông năm xưa, mỗi lần tôi lái xe đến sở, ngang qua một cây xăng thì đúng vào thời điểm ấy từ trong cái thùng rác bên cây xăng trèo ra một người đàn ông. Ông mặc một chiếc áo mà những chất do bẩn đã bám vào khiến nó trở nên bóng láng, dầy cộm. Tôi không biết ông đã mặc nó từ bao lâu, và có phần chắc chắn là nó không bao giờ được giặt. Ngày nào cũng vậy, ông đứng đó một cách im lặng chờ lòng thương xót của mỗi người qua lại. Ông đứng một cách nhẫn nại, chịu đựng như chấp nhận số kiếp nghèo hèn của mình.

Thật ra Chúa đã giáng trần từ rất xa rồi, hơn 2000 năm, Ngài đã đến và đã ở giữa con người. Là Emmanuel của nhân loại tội tình, nhưng cho đến hôm nay vẫn còn có những kẻ tội tình, những tấm thân và cõi lòng tan nát. Họ đang mong chờ Chúa đến, hay đang mong chờ những chứng nhân của Chúa đến với họ bằng một chút quà nhỏ, bằng nụ cười, và bằng cái ôm bình an.

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trong xác phàm:
Tình yêu Thiên Chúa đã được tỏ lộ.

Xin cho con mang tình yêu đó trong ngày lễ Giáng Sinh này.

Xin cho chúng con biết quan tâm những người không được chúc mừng Giáng Sinh,
những người không nhận được quà tặng, những người không có quần áo mới,
những người không có gì để ăn.

Xin cho chúng con biết yêu thương những người không nhà cửa,
những người xa nhà vì miếng cơm manh áo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là quà tặng tình yêu của chúng con.
….
Nếu chúng con chia sẻ Chúa với người khác,
Đó là quà tặng tuyệt vời nhất cho họ
Vì Giáng Sinh không chỉ là việc tưởng nhớ mà còn là dịp để đón nhận phúc lành của Chúa.
Vì giờ đây, Chúa sinh ra trong lòng chúng con và chia sẻ trọn đời sống với chúng con.
Amen.

  1. Ruperto Santor

(Nguồn: internet posted by Lê John Mừng. Lời Nguyện: Lễ Giáng Sinh. Xin cho lòng chúng con là máng cỏ của Chúa.)

*Bài này đã được phổ biến dịp Giáng Sinh 2017

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.