Khoa học

Nhà bác học Alfonso Nguyễn Xuân Vinh (1930-2022): Một đạo sĩ đi tìm kiếm Chúa

Lm. Nguyễn Văn Khải, CSsR

 

Tôi gặp giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lần đầu vào năm 2016 khi giáo sư đi hành hương châu Âu cùng phu nhân. Trong đoàn hành hương ngoài các giáo dân Việt Nam ở Hoa Kỳ và Đức quốc, còn có cha Tòng và tôi (Nguyễn Văn Khải).

Ông Vincent Nguyễn Văn Rị, Trưởng đoàn nhờ tôi làm hướng dẫn viên và xếp tôi ngồi cạnh giáo sư Vinh ở hàng ghế đầu. Ông Rị hy vọng tôi có thể mời giáo sư đón nhận đức tin.

Tuy nhiên tôi nào dám sỗ sàng. Suốt tuần đi chung với ông, tôi chỉ giải thích các di tích lịch sử đức tin và nghệ thuật và giảng lời Chúa trong mấy Thánh Lễ chung cho cả đoàn.

Lúc đó cũng như sau này mỗi lần đến thăm giáo sư tại Quận Cam, tôi luôn đặt mình trong tư cách là một người cháu để nghe ông kể về những gì ông đã trải qua cùng những nhận xét của ông thời cuộc xưa nay.

Giáo sư kể ông quê Hải Phòng, sinh ra ở Yên Bái, học trung học ở Hà Nội, học sĩ quan ở Nam Định, học không quân và học toán học Aix-en-Provence.

Trở về Việt Nam năm 1955 ông phục vụ trong ngành Không quân và năm 1958 khi mới 28 tuổi ông đã được phong đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng ông sớm giã từ binh nghiệp, vì ham học nên năm 1962 ông đã xin Tổng thống Ngô Đình Diệm đi tu nghiệp bên Hoa Kỳ theo học bổng mà chính phủ Hoa Kỳ cấp cho sĩ quan VNCH. Ông học ở Colorado. Ông mang theo cả gia đình.

Tôi hỏi làm sao ông có thể nuôi cả gia đình khi ấy thì ông nói ngoài tiền học bổng của Hoa Kỳ và lương sĩ quan chính phủ VNCH vẫn gửi cho ông, thì ông còn được mua sắm giá rẻ theo tiêu chuẩn quân đội và vì vậy cả nhà vẫn đủ sống ở Hoa Kỳ.

Năm 1965 ông tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Colorado trở thành khoa học gia của NASA, thành giáo sư đại học, biên tập viên của Tạp chí Khoa học Không gian, Viện sĩ của Viện Hàn lâm Vũ trụ Pháp và Viện Hàn lâm Vũ trụ Quốc tế.

Ông còn kể về những trường ông đã học và đã dạy, những học trò mà ông đã hướng dẫn nghiên cứu khoa học, về học thuật ở các nước, về giới trí thức Việt Nam ở phương Tây.

Ông nói người Việt mình thông minh, cần cù, nhưng thiếu đam mê và bền chí và vì vậy ông cố gắng gây tạo cho mình một đam mê lành mạnh và bền bỉ theo đuổi đam mê này.

Ông kể thời còn trong quân đội, trong khi bạn bè đi ăn nhậu, đi nhảy đảm hoặc đi nghỉ hè ở các nơi thì ông học tranh thủ học toán. Lúc rảnh thì tự học, còn các kỳ nghỉ phép thì ghi danh học tại Đại học Aix-en-Provence.

***

Trở lại chuyến hành hương năm 2016, tôi thấy ông Nguyễn Văn Rị, một tín hữu rất nhiệt thành, một tông đồ giáo dân hàng đầu ở Đức, cứ liên tục mời mọi người cầu nguyện cho các thành viên khác không phải Công giáo như giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, ông bà bác sĩ Huỳnh Kim Thiên-Hoàng Thị Mỹ Lâm. Ông nói chằng ngại ngùng gì, đặc biệt trong mỗi Thánh Lễ.

Phần giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tôi thấy ông sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, vì lúc ấy ông đã mắc bệnh ung thư, nhưng ông vẫn tham dự mọi hoạt động của đoàn hành hương, cả các Thánh Lễ và các giờ cầu nguyện. Hai ngày về miền Nam nước Ý, đoàn có đi hành hươnng nhiều nơi ở Pompei, Napoli, Materdomini và Pagani, nơi một thời là Nhà Mẹ của Dòng Chúa Cứu Thế, cũng là nơi Thánh Alfonse sống những năm cuối đời.

Cha bề trên Tu viện Pagani cho cha Paolo Saturno, nhạc sĩ đồng thời là giáo sư âm nhạc, hướng dẫn cả đoàn thăm Đền thờ và bảo tàng thánh Alfonso. Từ những hiện vật có đấy, ngài đã vẽ lại một cách rất sinh động và hấp dẫn về cuộc đời Thánh Nhân, một tiến sĩ giáo luật và dân luật, một nhạc sĩ tài năng, một họa sĩ nhiều triển vọng đã từ bỏ tất cả để làm linh mục phục vụ người nghèo.

Tôi thấy giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lắng nghe rất chăm chú và có vẻ rất xúc động. Ông thinh lặng và nán lại rất lâu trước thi hài Thánh Alfonso. Ông có cầu nguyện với Thánh Nhân hay không thì tôi không biết, nhưng ông là người sau cùng rời khỏi bàn thờ nơi đặt xác Thánh Nhân. Tôi nghĩ là có lẽ ông đã cảm nhận được điều gì đó tại nơi thánh thiêng này.

Trong tư cách là một linh mục, tôi biết người có quá khứ vinh quang bao nhiêu đi nữa mà không có đức tin thì tuổi già vẫn khó đối diện với bệnh tật và cái chết. Thậm chí có khi còn đau khổ hơn khi thấy thời oanh liệt của mình không còn nữa. Tôi cảm thương ông và thầm thì khấn xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alfonso cầu bầu cho ông.

Hết tuần hành hương ở Roma, sau khi ông trở về Hoa Kỳ khoảng gần 1 tháng, thì tôi nhận được tin ông xin học giáo lý dự tòng. Mấy tháng sau ông báo ngày chiu phép rửa tội và mời tôi sang tham dự. Ông còn xin tôi bản tiểu sử Thánh Alfonso vì muốn nhận ngài làm Thánh Bảo Trợ. Tôi ngạc nhiên, vì dự đoán của tôi không sai. Tôi tin sự chuyển cầu của Thánh Alfonse trong lần ông viếng mộ ngài là yếu tố quyết định để ông đón nhận đức tin Công giáo.

Dịp ông nhận bí tích Rửa tội, tôi cố gắng đến Orange County. Nhưng vì chuyến bay của tôi bị trễ nên khi tôi đến nơi thì Thánh Lễ đã xong. Tối hôm sau ông mời chúng tôi ăn mừng với ông nhân dịp ông được trở thành con cái Chúa trong Giáo hội Công giáo. Bữa ăn chỉ có 7 người: ông cùng phu nhân của ông là Elisabeth Xuân Vinh, hai người đỡ đầu của ông là ông bà bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, cha Trần Công Nghị, cha Nguyễn Sĩ Hanh và tôi.

Ông rất vui vì được ông bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ nhận đỡ đầu trong đời sống đức tin, bởi lẽ bác sĩ không những là một tín hữu đạo hạnh, mà còn là người Hà Nội, cũng từng là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và từng phục vụ trong ngành không quân và hai người dễ đồng cảm và chia sẻ với nhau, trong khi phu nhân của bác sĩ là nhạc sĩ Tín Hương cũng là một người tân tòng.

Phu nhân của giáo sư là bà Elisabeth Xuân Vinh có lẽ còn vui hơn, vì món quà không xin mà được: từ nay cả hai cùng tin vào Chúa và thờ phượng Chúa trong Giáo Hội. Tưởng cũng nên biết rằng tính cho đến thời điểm đó, bà đã sống với ông 7 năm; hàng tuần ông vẫn chở bà đi tham dự Thánh Lễ, nhưng vì tôn trọng tự do của ông, bà tuyệt nhiên không bao giờ ngỏ ý mời ông trở thành người Công giáo.

 

***

Từ khi ông đón nhận đức tin, ông và tôi trở nên thân thiết hơn. Cũng may là thời gian đó, tôi ở Orange County gần như suốt một năm. Tôi có nhiều dịp gặp gỡ, trò truyện và ăn uống với ông. Có khi cả buổi chỉ có ông và tôi ngồi đàm đào. Tôi nhận ra đức tin đã làm cho con người ông trở nên khác hẳn. Bất chấp tuổi già, bệnh tật, ông sống vui tươi hơn và có khí thế hơn.

Trước đó tôi thấy ông là người ăn nói nhỏ nhẹ, chừng mực và thâm thúy, nhưng khi đã trở nên thân thiện với ông và nói chuyện với ông nhiều, tôi khám phá ra ông không những là một người cởi mở và mà còn rất có óc hài hước và hài hước một cách rất trí thức. Phong thái của ông lịch lãm như phần lớn các sĩ quan không quân VNCH khác mà tôi gặp, nhưng căn bản ông là một nhà khoa học, một nhà giáo hơn là một nhà binh.

Khi đã đủ thân thiện tôi mới tò mò hỏi ông mấy câu hỏi mà người theo văn hóa phương Tây thường được coi là “tế nhị.”

Tôi hỏi ông tin có Thiên Chúa từ bao giờ. Ông nói ông tin từ hồi ông còn trẻ, nhờ đọc sách văn chương và khoa học, nhất là khi ông học lái bay chiến đấu ở Pháp và Bắc Phi. Ông thấy vũ trụ thật kỳ diệu và con người mình thật bé nhỏ mong manh. Ông đưa ra nhiều thí dụ chứng minh và luôn kết luận bằng câu “Làm sao mà có cái chuyện không có Thiên Chúa được!”

Tôi hỏi ông tại sao trước đây khi đang làm sĩ quan quân đội thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông không gia nhập Công giáo như nhiều người thời bấy giờ. Ông bảo Công giáo và văn hóa không xa lạ gì với ông, nhưng việc rửa tội hay không rửa tội hồi ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc và chức vụ của ông nên ông không có ý theo Công giáo.

Tôi hỏi ông từ lúc nào ông quyết định xin trở thành con cái Chúa. Ông nói: “Từ sau khi đi hành hương châu Âu, đặc biệt sau khi viếng thăm Đền thánh Alfonse. Lúc viếng mộ ngài tự nhiên tôi thấy rất gần gũi và rất xúc động. Cái cảm giác của tôi lúc đó không thể tả được!

“Lúc trở về nhà tôi hỏi tôi thấy chuyến đi thế nào, tôi nói nếu mà đi du lịch thì không đáng, vì một tuần ở Ý rất vất vả, nhưng nếu mà đi tìm đức tin thì rất giá trị, giá trị không thể tượng tượng được!” Lúc cha hướng dẫn đoàn hành hương ở các đền thờ, tôi thường nhìn lên tượng Chúa chịu đóng đinh, tôi cứ thắc mắc làm sao Ngài lại chết trên thập giá đau đớn và nhục nhã như thế!”

“Sau đó nhà tôi mới hỏi tôi bây giờ có ý định trở thành con cái Chúa không. Tôi nói bây giờ thì có vì tôi đã hiểu và đã cảm nhận được Chúa. Thế là nhà tôi liên lạc với ông bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, ông bà bác sĩ Trần Văn Cảo, nhà báo Trần Phong Vũ và các bạn hữu khác để giúp tôi học giáo lý và được rửa tội như cha biết.”

Tôi thấy nhờ đón nhận đức tin, ông hiểu rõ hơn toàn bộ cuộc đời ông và nhận ra nhận ra tình yêu và sự quan phòng của Chúa trên những nẻo đường ông đã đi qua. Ông tin giữa những nhiễu nhương của thời cuộc Chúa đã sắp đặt cho ông một cuộc sống tốt đẹp nhất và cống hiến được nhiều nhất.

Ông chia sẻ: “Đầu thập niên 1950 anh nào cũng nghĩ người có học như tôi mà vào lính là dại dột, nhưng nhờ vậy mà sau này tôi mới có thể xin chuyển sang học trong ngành Không quân và được phục vụ tổ quốc trong tư cách là Tư lệnh Không quân đầu tiên của VNCH.”

“Lúc tôi rời bỏ chức Tư lệnh Không quân, ai cũng nói đó là dại, nhưng nhờ vậy mà tôi mới có thể đi học bên Hoa Kỳ và mới còn sống, vì nếu hồi ấy tôi còn làm Tư lệnh Không quân thì chắc chắn với tính cách của tôi, năm 1963 tôi đã bị mất mạng bởi các tướng đảo chính rồi.”

Trong nhà ông có rất nhiều sách vở, tranh ảnh và đồ đoàn liên quan đến sự nghiệp của ông. Năm 2019 khi ông bà dọn sang căn nhà mới, ông phải bỏ bớt đi rất nhiều. Ông tặng tội một số sách trong đó có cả một số tác phẩm văn chương của ông xuất bản từ thời Việt Nam Cộng Hòa.

Mấy tháng trước, cha Bề trên Tổng quyền của chúng tôi có kêu gọi mọi người cộng tác với các cha DCCT bên Ukraine giúp các nạn nhân chiến tranh ở đây. Qua Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân và Phong trào Giáo dân Hải ngoại, ông bà đã gửi đến các cha DCCT bên Ukraine 1500 USD. Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là của lễ cuối cùng ông tạ ơn Thánh Alfonso – người đã dẫn ông đến với Chúa.

Những tuần ông nằm bệnh viện trong hơn 1 tháng vừa qua, tôi được biết nhiều bạn bè, chiến hữu, học trò và con cháu đã thăm hỏi ông và cầu nguyện cho ông. Ngay khi vừa vào viện cha Mai Khải Hoàn đã đến xức dầu cho ông. Khi bệnh viện trả về gia đình, nhà văn Quyên Di, ông bà bác sĩ Trần Văn Cảo còn đến bên giường bệnh hát thánh ca và cùng lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho ông.

Một nhà truyền giáo ghé qua nhà ông đã nói với ông “Bàn tay của Chúa rất gần với ông, Ngài sẽ đưa ông đi ngài sẽ ban thưởng cho ông những gì ông đã làm cho đất nước và nhân loại.”

Ngày 22 tháng 7 Đức ông Phạm Quốc Tuấn đã đến ban các bí tích sau cùng cho ông và hôm sau thứ bẩy 23 tháng 7 ông đã thanh thản giã biệt cõi đời này trong tình yêu của Chúa và của mọi người thân quen. Thế là hoàn tất cuộc đời của một con người luôn cố gắng sống lương thiện, chuyên cần phụng sự tổ quốc và thế giới trong tư cách là quân nhân, là nhà giáo và nhà khoa học.

Tôi là người mới biết ông từ 6 năm nay, nhưng trong tư cách là một linh mục, tôi thấy ông như một đạo sĩ âm thầm và bền bỉ tìm kiếm chân lý và sự thiện trong hành trình phục vụ và nghiên cứu của mình, và cuối cùng ông đã gặp được Chúa và nhận ra tình yêu của ngài dành cho ông. Tôi nghĩ đó là thành công và là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời ông.

Aix-en-Provence, France

25 tháng 7 năm 2022

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

PS: Giáo sư Alfonse Nguyễn Xuân Vinh kết hôn với bà Cung Thị Toàn và hai ông bà sinh được bốn người con là Alfonse Vinh, Phương Nguyen Vinh, Phoenix Vinh Wright và John Vinh. Năm 2008 bà Cung Thị Toàn qua đời và năm 2009 ông kết hôn lần hai với bà Nguyễn Thị Nghinh Xuân, một nhà báo và một xướng ngôn viên Radio và Truyền hình đến từ Australia. Phải nói là ông may mắn gặp được bà vì suốt trong 13 năm cuối đời, bà đã đồng hành và chia sẻ với ông, chăm sóc và giúp đỡ ông. Tôi nghe nói một người con ở xa cũng về ở bên cạnh ông và chăm sóc ông trong những tuần cuối cùng khiến ông rất hạnh phúc.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.