Phạm Văn Bản
Thử bàn thêm vào mục “Lời Hay Ý Đẹp” của Tiếng Vọng Trẻ, “Dùng người như dùng cây, chớ vì một vài chỗ mục mà bỏ cả cây to (Kinh dịch).” Xử dụng người là chúng ta biết cách phối trí nhân sự trong tổ chức, dùng người nào việc ấy. Nếu không hiểu nguyên tắc phối trí nhân sự, thì không có người để điều hành lãnh đạo. Nếu không hiểu nguyên tắc dùng người, thì không có người để phân công phân nhiệm. Nếu không có tổ chức, không có thành viên, không có lãnh đạo thì không có thành công, và tổ chức có đúng thời đại thì mới thành công. Dù rằng có tài tổ chức, có khả năng lãnh đạo chỉ huy, có khả năng yểm trợ tài chánh mà thiếu khả năng phối trí nhân sự thì cũng thất bại hoàn toàn.
Đề cập tới năng lực phối trí nhân sự hay phát huy nghệ thuật dùng người, chúng ta thường nghe câu ngắn gọn, “Dụng nhân như dụng mộc.” Nhìn lại lịch sử nhân loại, việc dùng người thì mỗi thời mỗi khác. Dùng người còn tùy thuộc vào vai trò, nhiệm vụ, lãnh vực chuyên môn. Thuật dùng người cũng tùy thuộc khả năng nhận thức, thời gian địa điểm, lãnh vực ngành nghề, mà chúng ta linh động hay biến cải sao cho phù hợp nhu cầu thời đại.
Thuật dùng người của Ngô Khởi, một trong hai binh gia thời xưa Tôn Tử và Ngô Tử, lý thuyết dụng binh trong sách Tôn Ngô Binh Pháp. Khởi làm tướng, ăn mặc giống như binh sĩ, ngủ không trải chiếu, đi không dùng xe, tự bọc lương thực và mang theo trên người như lính, đồng cam cộng khổ chiến đấu với ba quân. Khởi không bắt lính hầu hạ, không kiêu binh hách dịch, không tham quan nhũng nhiễu, không dĩ công vi tư, không ăn cắp tài sản quốc gia. Một hôm có người lính trẻ bị xưng nhọt đau đớn, Tướng Ngô Khởi liền dùng miệng mình hút mủ độc mụn nhọt giúp cho lính chóng khỏi.
Mẹ người lính ấy khi nhận tin bà òa lên khóc lóc thảm thiết. Có người hỏi lại, “Con bà làm lính mà được tướng lãnh hút nhọt cho khỏi, thì đó là điều mừng, cớ sao bà khóc?” Bà mẹ trả lời, “Không phải tôi thấy con mình được tướng yêu thương mà khóc. Vì rằng năm xưa Ngô Công cũng hút mủ cho cha nó, rồi sau ông ấy đã quyết tâm chiến đấu, bảo vệ lý tưởng, và hy sinh phơi thân trên đất địch. Nay tới lượt con ông ấy cũng được Ngô Công hút mủ, thì sớm muộn gì cũng chết như cha nó, vì thế mà tôi khóc thương.”
Quan sát việc thành công chúng ta không thể dùng thước tấc, sức lực, mức độ hiểu biết của trường ốc mà đo lường những sự vật sự kiện, mà chỉ có thể đánh giá bằng mức độ tư tưởng lớn nhỏ. Tư tưởng nhỏ thành công thấp. Tư tưởng lớn thành công cao.
Có khi nào chúng ta bình tâm suy nghiệm lại đoạn đường đời của mình đi qua, từ cuộc sống bản thân, gia đình xã hội hay nghề nghiệp trong quá khứ tới hiện tại. Lần nào đó chúng ta đánh giá thấp khả năng của người khác, để khiến mình trở thành thân bại danh liệt. Thực ra cá nhân người kia nếu phân tích ra từng điểm thì chưa chắc chắn đã có nhiều điểm hơn ta.
Trường hợp Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford không nhìn thấy tài năng của Đại Tướng Norman Schwarzkopf, con sư tử của chiến tranh Vùng Vịnh Ba Tư. Vị chỉ huy tuyệt vời của chiến dịch Bão Tố Sa Mạc. Cuộc chiến chứng tỏ có nhiều cái nhất: quân đội kỷ luật nhất, qui mô nhất, vũ khí tối tân nhất, đối thủ hung hăng nhất, khối tôn giáo đông đảo nhất, và kết thúc chiến dịch nhanh nhất. Việc lãnh đạo chỉ huy của đại tướng cũng gặp khó khăn nhất, vì cuộc chiến có sự hiện diện, kiểm tra của hệ thống thông tin liên lạc, báo chí truyền thanh truyền hình Hoa Kỳ và các quốc gia hàng đầu thế giới theo dõi tình hình chiến sự địch bạn từng giây từng phút. Từ ngàn xưa tới hôm nay nhân loại có lần đầu tiên thưởng lãm hình ảnh và tin tức của TV với Chiến Tranh Vùng Vịnh.
Câu chuyện xa xưa tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng, nhưng nay lại sống lại bởi vì cách dùng người và hành động đánh giá thấp của Tổng Thống Gerald Ford đã ảnh hưởng tác hại không ít đến sự nghiệp chính trị của ông. Vào thượng tuần tháng giêng năm 1974, lúc quyền lực Hoa Kỳ bị thách thức ở nhiều nơi trên thế giới, Norman Schwarzkopf là một tướng trẻ hăng say nhiệt tình, có đủ năng lực và điều kiện để được đề nghị làm phụ tá quân sự cho tổng thống Hoa Kỳ. Công việc bổ nhiệm còn đang tiến hành trôi chảy, thì bỗng dưng lại bị tổng thống quyết định bãi bỏ. Rồi phải chờ hơn 15 năm sau, Đại Tướng Norman Schwarzkopf mới có cơ hội giúp ông thi thố tài năng trong chức vụ Tư Lệnh chiến trường Vùng Vịnh Ba Tư.
Như thế cách dùng người của Tổng Thống Gerald Ford với vị tướng trẻ tài ba này, chứng tỏ tồng thống có tầm nhìn hạn hẹp cục bộ, thấp kém và tư tưởng nhỏ. Cung cách đánh giá khả năng thấp ấy đã ảnh hưởng đến cuộc tái tranh cử tổng thống của ông tới mức độ không thành công.
Dùng người thì mỗi thời mỗi khác. Chúng ta nghiệm lại thuật dùng người của Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lãnh đạo toàn quân toàn dân đánh tan giặc xâm lăng Mông Cổ, một đoàn quân hùng mạnh bá chủ vào bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Người tỏ lòng với quân sĩ dưới trướng như sau:
Ta đây đến bữa quên ăn, giữa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa hai má, lòng đau như cắt, thường căm hờn chẳng được ăn thịt, lột da, nhai gan, uống máu quân thù. Ví dầu một trăm thân ta phải phơi thây nơi đồng cỏ, một ngàn thây ta bọc trong da ngựa cũng không bằng. Các ngươi theo ta đã lâu ngày, nắm giữ binh quyền, không có áo, ta lấy áo cho mặc, không có ăn ta lấy thức ăn cho ăn, chức quan nhỏ ta cho lên chức, lương ít ta cấp thêm bổng lộc, đi dưới nước ta cho thuyền, đi trên bộ ta cho ngựa, khi gặp việc binh đao cùng nhau sống chết, khi thắng lợi nghỉ ngơi cùng nhau cười nói vui mừng.
Binh Thư Yếu Lược, ngoài những cách hướng dẫn về thiên văn, địa lý, chọn tướng, đạo làm tướng, và những điều thiết yếu cho việc dụng binh, Đức Hưng Đạo Vương còn dạy cách dùng người. Ngài chia cách dùng người ra làm 3 cấp là dùng quân, dùng tướng, và dùng chủ tướng.
- Dùng Quân thì phải biết xử dụng những kẻ: mưu trí, dũng cảm, tham lam lẫn những kẻ ngơ ngốc.
– Những kẻ mưu trí thì thích lập công.
– Những kẻ dũng cảm thì thích thực thi chí hướng của họ.
– Những kẻ tham lam thì thích chạy theo lợi lộc.
– Những kẻ ngơ ngốc thì không nhìn thấy cái chết.
Và tùy theo tính tình của từng người mà dùng họ, đó là phép dùng người vi diệu của Tướng dùng Quân.
- Dùng Tướng thì phải trao quyền cho tướng, tướng nói tướng không thể dùng binh thì chớ dùng, tướng nói tướng có thể dùng binh thì dùng. Tướng nói có thể đuổi đánh quân địch thì phải đuổi đánh, tướng nói không thể đuổi đánh thì chớ đuổi đánh. Như thế quân pháp không rối loạn, quyền hạn không bị cản trở.
Nhưng biết dùng tướng, trước hết phải biết chọn tướng. Muốn biết chọn tướng thì trước hết phải biết xét tướng. Những việc hiểu biết ấy đem lại sức mạnh thần diệu cho chủ tướng, cho nên làm chủ tướng không thể xem thường việc khiển tướng dùng binh.
- Dùng Chủ Tướng. Có hai loại tướng, dũng tướng và mưu tướng. Dũng tướng dùng để đánh chỗ kiên cố, vây hãm trận địch, gây thanh thế. Còn việc lo liệu, sắp đặt kế sách hay tùy cơ ứng biến đối phó với địch quân, nếu không có tướng mưu trí thì không thành công. Nếu tướng chỉ cậy sức mạnh, gan dạ không thôi thì phải thua tướng mưu trí. Cho nên ngày xưa dựng đàn, cầu đàn, lên đài phải mời tướng mưu trí làm chỗ cậy trông cho dũng tướng, cho ba quân. Người làm chủ tướng không cần phải biết thuật đánh kiếm múa gươm, cưỡi ngựa bắn cung mà phải thông suốt mọi việc xưa nay gọi là trên thông thiên văn dưới làu địa lý.
Vậy phải giao nhiệm vụ chủ tướng cho ai? Chúng ta cần trắc nghiệm, thử thách xem phản ứng của họ để biết tướng tài giỏi, tư tưởng lớn hay tướng u tối tư tưởng lặt vặt trước khi giao quyền chỉ huy.
Chúng ta có thể rút tỉa kinh nghiệm thuật dùng người chia thành ba cấp kỹ thuật, xảo thuật, và nghệ thuật.
- Kỹ thuật dùng người, là điều động, tổ chức nhân sự vào công tác, mục đích có tính toán lợi ích mà không đặt tình thương đồng bào, cũng như sự an nguy của người hợp tác như trường hợp Tổng Thống Gerald Ford.
- Xảo thuật dùng người, là xử dụng mưu kế, bày tỏ lòng yêu thương với người hợp tác, để họ tuyệt đối trung thành như trường hợp người lính Ngô Khởi. Nhưng sự yêu thương này có khi chỉ là đóng kịch giả dối, mị dân mị cán bộ, dễ xử dụng và thường được nhiều lãnh tụ mang ra áp dụng.
- Nghệ thuật dùng người, là phong thái nghiêm minh, cung cách cư xử chí tình, liêm chính, ngay thẳng với tấm lòng yêu thương chân thật đối với người hợp tác hay thuộc quyền như Đức Hưng Đạo Vương. Nghệ thuật dùng người là dùng cái cao cả nhất, cái nguyên tắc muôn đời muôn thuở của thuật dùng người, thâu phục nhân tâm.
Với ba cách dùng người nói trên thì cách nào cũng giúp chúng ta thành công. Nhưng thành công theo chiều hướng tốt hay xấu, danh thơm để đời, thì chúng ta cẩn thận loại bỏ kỹ thuật hay xảo thuật, mà mang ra áp dụng nghệ thuật dùng người. Nghệ thuật dùng người có khó khăn, có chậm chạp hay kéo dài thời gian mới tiến tới thành công, đó là chánh đạo, là đường của các bậc chánh nhân quân tử, tư tưởng gia, triết gia, chính trị gia chân chính đã chọn và thành công.
Để phát triển khả năng đọc tư tưởng của người, chúng ta có thể luyện tập 3 thói quen dưới đây:
1. Quan sát – hãy xem xét bất cứ công việc gì, dù nhỏ hay lớn, có hoặc không liên quan đến chúng ta.
2. Phân tích – chia công việc ra nhiều phần nhỏ, rồi dùng lý luận thuận, nghịch để phân tích sao cho thật rõ ràng.
3. Xét người – luôn đặt chúng ta vào vai trò, vị trí của người mà muốn phê bình với những câu hỏi: Ta có khả năng giải quyết vấn đề như họ không? Ta có dám đảm nhận vai trò của họ không? Ta có sẵn sàng làm tốt hơn vai trò đó không?
Muốn giúp dân cứu nước, muốn xây dựng phát triển Việt Nam tương lai, chúng ta cần học hỏi, trau dồi, rèn luyện, mở mang tầm nhìn của mình để có thành công lớn. Trên thực tế, đánh giá khả năng không phải là chuyện dễ, nhưng dù sao, muốn chính xác và ít sai biệt, chúng ta tham khảo theo phương pháp sau:
– Lựa chọn ưu điểm – chọn ít nhất 3 khả năng và 3 tính tốt của bản thân mà mình ưa thích nhất. Rồi nhờ vợ/ hoặc chồng, con cháu, thày cô, bạn bè hay người đã thành công, để nhờ họ nhận xét và góp ý với mình, thì mình sẽ nhận ra mình là ai.
– Lập bảng so sánh – viết ra tên 4 người đã thành công, rồi so sánh khả năng và đức tính của người đó có mà ta cũng có. Chắc chắn chúng ta cũng có được một khả năng hay tính tốt nào đó, khi đem ra đối chiếu với người thành công kia.
Dùng phương pháp đánh giá khả năng trên, chúng ta sẽ nhận ra được tầm kích của mình, lúc đó chúng ta biết khả năng của mình lớn hơn mình đã nghĩ.
Từ bỏ mặc cảm thua sút, yếu kém do đánh giá khả năng thấp, tư tưởng nhỏ, hay tầm nhìn gần. Một lần nữa, chúng ta quay về quá khứ xét lại thần tượng một thời mà làm mình say mê ngưỡng mộ. Ví dụ, chúng ta xem thần tượng của mình như một người xuất chúng, kiến thức uyên bác, nhìn xa trông rộng, mọi thứ đều nhất. Nói chung, chúng ta xem ông như một tự điển lớn.
Rồi chúng ta dùng phương pháp đo lường, đánh giá khả năng và đức tính của ông đối chiếu với mình, xem thần tượng mình có phải là có tư tưởng lớn không, hay chỉ là cuốn tự điến lớn chứa những từ ngữ lớn, chớ không phải tư tưởng lớn. Trên thực tế, nhiều thần tượng đã thích dùng chữ nghĩa với những lời đao to búa lớn, những câu văn khó hiểu, giàu âm thanh phô trương, và mang tính chất trình diễn. Khi chúng ta hiểu ra được những tính chất phô trương đó, thì không còn gì khiến mình bận tâm. Bởi đó là việc bình thường như bao người có tư tưởng nhỏ trong cộng đồng xã hội.
Trong hội thảo chúng ta đừng chú ý những câu văn bóng bẩy, lời nói chải chuốt mà cần tập trung vào những hình ảnh, tư tưởng của người diễn thuyết. Bởi vì lời nói, câu nói chính là vật liệu xây dựng tư tưởng, tư tưởng nhỏ hay lớn sẽ giúp chúng ta dễ dàng phát giác ra ngay người đó là ai.
Ví dụ khi chúng ta nghe một người nào đó nói: “Trời sắp chuyển mưa. Thôi đi vô nhà đi!” Nghe câu nói đó, chúng ta thấy trong đầu mình hiện ra hình ảnh vài ba người phải vội vã chạy vào nhà, vì trời mây đen vần vũ, sấm chớp kéo đến và sắp mưa to gió lớn.
Khi chúng ta nghe câu nói lịch sử của Triệu Trinh Vương: “Ta muốn cỡi cơn sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, chớ không khom lưng làm tì thiếp cho người.” Nghe câu nói này, trong đầu óc chúng ta ắt tưởng tượng ra hình ảnh của một vị nữ tướng oai phong lẫm liệt, mắt sáng như sao băng, giọng đanh thép thách thức kẻ thù, mà chính chúng ta cũng cảm thấy giòng máu nóng trong người mình xôi động.
Xét qua hai ví dụ trên, tư tưởng lớn tạo ra tính xác định, bước tiến tới, kích động tinh thần, và mang hình ảnh rõ nét. Người có tư tưởng lớn còn giàu lòng vị tha, không chấp nhất những chuyện nhỏ nhặt, và là người ngay thẳng, nhiệt tình, sống vì tha nhân quên mình và luôn biết nhìn xa trông rộng.
Kết luận, chúng ta học hỏi và nhận thức về tư tưởng con người, phát huy nghệ thuật dùng người, phối trí nhân sự trong việc điều hành lãnh đạo, nhằm mang lại ơn ích cho chính mình, cho tổ chức Giúp Dân Cứu Nước và cho quê hương đồng bào Việt Nam thân thương của chúng ta ngày nay.
Views: 0