THẾ GIỚI QUANH TA

Bỏ qua thông lệ ngoại giao, ĐTC lên án Putin với những lời lẽ mạnh mẽ nhất

Tình hình chiến sự tại Ukraine ngày 27/2

VietCatholic Media27/Feb/2022

ĐTC lên án Putin với những lời mạnh mẽ nhất

Đức Thánh Cha vừa là nhà lãnh đạo tinh thần, nhưng đồng thời, ngài cũng là quốc trưởng của quốc gia thành Vatican. Tuy nhiên, bỏ qua các giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha đã dùng những từ rất nặng nề để lên án Putin.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, dưới một bầu trời xám xịt, u ám, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày gần đây, chúng ta đã bị chấn động bởi một thứ bi thảm: là chiến tranh. Chúng ta đã cầu nguyện hết lần này đến lần khác rằng người ta sẽ không chọn con đường này. Và xin chúng ta đừng ngừng nói; đúng thế, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa cách mãnh liệt hơn. Vì lý do này, tôi xin tiếp tục với lời mời gọi ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, là một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraine, để cảm thấy rằng tất cả chúng ta là anh chị em, và cầu xin Chúa kết thúc chiến tranh.

Những kẻ gây chiến đã quên đi tình nhân loại. Họ không bắt đầu từ nhân dân, họ không nhìn vào cuộc sống thực của người dân, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên hết. Họ tin tưởng vào logic ma quỷ và sự biến thái của vũ khí, thứ xa cách với logic của Chúa nhất. Và họ xa cách với những người dân thường, những người muốn hòa bình, và những người bình thường – là nạn nhân thực sự trong mọi cuộc xung đột, những người phải trả giá cho những kẻ gây chiến tranh bằng chính làn da của mình. Tôi nghĩ đến những người già, đến những người tìm kiếm nơi nương tựa trong những thời điểm này, những bà mẹ chạy trốn cùng con cái của họ. Họ là những anh chị em, những người cần các hành lang nhân đạo mở ra cho họ và là những người phải được chào đón. Với trái tim tan nát bởi những gì đang xảy ra ở Ukraine – và chúng ta đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Yemen, Syria, Ethiopia. Tôi xin nhắc lại: hãy bỏ vũ khí xuống! Thiên Chúa ở với những người tạo dựng hòa bình, không phải với những người sử dụng bạo lực. Bởi vì những người yêu chuộng hòa bình, như Hiến pháp Ý khẳng định, “bác bỏ chiến tranh như một công cụ xâm lược chống lại tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

2. Tình hình chiến sự tại Ukraine

Giao tranh trên đường phố đã nổ ra tại thành phố Kharkiv là thành phố lớn thứ hai của Ukraine hôm Chúa Nhật và quân đội Nga ngày càng gây áp lực lên các cảng chiến lược ở miền nam đất nước sau làn sóng tấn công vào các sân bay và cơ sở nhiên liệu ở những nơi khác, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xâm lược của Nga.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng Chúa Nhật, là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Putin nói rằng sau những thành quả đạt được trên thực địa, Nga đã cử một phái đoàn tới Belarus để đàm phán hòa bình với Ukraine. Tổng thống Ukraine đề nghị các địa điểm khác, nói rằng đất nước của ông không muốn gặp Nga ở Belarus vì đây là nơi chuẩn bị cho cuộc xâm lược.

Cho đến sáng Chúa Nhật, quân đội Nga vẫn ở ngoại ô Kharkiv, thành phố 1.4 triệu dân, cách biên giới với Nga khoảng 20 km về phía nam, trong khi các lực lượng khác băng qua để đẩy mạnh cuộc tấn công sâu hơn vào Ukraine.

Trưa ngày Chúa Nhật, các video được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Ukraine và mạng xã hội cho thấy các phương tiện của Nga đang tấn công vào Kharkiv và một chiếc bốc cháy trên đường phố. Theo Oleh Sinehubov, người đứng đầu chính quyền khu vực Kharkiv, các lực lượng Ukraine đã giao tranh với quân Nga. Ông không cho biết thêm chi tiết, nhưng nói dân thường không được rời khỏi nhà của họ.

Khi Nga đẩy mạnh cuộc tấn công, phương Tây đang nỗ lực trang bị vũ khí và đạn dược cho Ukraine, đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm cô lập Mạc Tư Khoa hơn nữa.

Những vụ nổ lớn đã thắp sáng bầu trời vào sáng sớm Chúa Nhật gần thủ đô Kiev, nơi mọi người tập trung trong nhà, nhà để xe dưới lòng đất và ga tàu điện ngầm đề phòng một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Nga.

Ngọn lửa bốc lên bầu trời trước bình minh từ một kho dầu gần căn cứ không quân ở Vasylkiv, nơi đã xảy ra giao tranh dữ dội. Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết có một vụ nổ khác là tại sân bay dân sự Zhuliany.

Văn phòng của Zelenskyy cũng cho biết các lực lượng Nga đã làm nổ một đường ống dẫn khí đốt ở Kharkiv, khiến chính phủ phải cảnh báo người dân tự bảo vệ mình khỏi khói bằng cách che cửa sổ bằng vải hoặc các miếng gạc ẩm.

Zelenskyy tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chiến đấu để giải phóng đất nước của chúng tôi”.

Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em sợ hãi tìm kiếm sự an toàn bên trong và dưới lòng đất, và chính phủ đã duy trì lệnh giới nghiêm trong 39 giờ để ngăn mọi người ra đường. Hơn 150,000 người Ukraine chạy sang Ba Lan, Moldova và các nước láng giềng khác, và Liên Hợp Quốc cảnh báo con số này có thể tăng lên 4 triệu người nếu giao tranh leo thang.

Tại biên giới Ukraine-Ba Lan, hàng loạt người tị nạn chờ đợi trong giá lạnh

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết quân đội Nga cũng gây sức ép ngày càng lớn lên các cảng chiến lược ở phía nam Ukraine, phong tỏa các thành phố chiến lược Kherson trên Biển Đen và cảng Berdyansk trên Biển Azov.

Ông cho biết các lực lượng Nga cũng đã giành quyền kiểm soát một căn cứ không quân gần Kherson và thành phố Henichesk trên Biển Azov. Các nhà chức trách Ukraine trước đó đã thông báo có giao tranh ở nhiều khu vực dọc theo bờ biển.

Nga đã bao vây thủ đô Ukraine, họ cũng tập trung vào việc đẩy mạnh cuộc tấn công ở phía nam của đất nước với nỗ lực rõ ràng là giành quyền kiểm soát bờ biển của Ukraine kéo dài từ biên giới với Rumani ở phía tây đến biên giới với Nga ở phía đông.

Các nhà chức trách Ukraine thông báo giao tranh đang diễn ra gần Odesa, Mykolaiv và các khu vực khác.

Những bước tiến của Nga dọc theo bờ biển Ukraine đánh dấu nỗ lực cắt giảm khả năng tiếp cận các cảng biển của nước này, vốn sẽ giáng một đòn lớn vào nền kinh tế của nước này. Cuộc tấn công ở phía nam cũng có thể cho phép Mạc Tư Khoa xây dựng một hành lang trên bộ tới Crimea, cho đến nay được kết nối với Nga bằng một cây cầu dài 19 km, cây cầu dài nhất ở Âu Châu được khánh thành vào năm 2018.

3. Toan tính của Nga

Tổng thống Vladimir Putin không tiết lộ kế hoạch cuối cùng của mình, nhưng các quan chức phương Tây tin rằng ông ta quyết tâm lật đổ chính phủ Ukraine và thay thế bằng một chế độ của riêng mình, vẽ lại bản đồ Âu Châu và phục hồi ảnh hưởng của Mạc Tư Khoa thời Chiến tranh Lạnh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, một phái đoàn gồm các quan chức quân sự và nhà ngoại giao Nga đã đến thành phố Hormel của Belarus để đàm phán với Ukraine hôm Chúa Nhật.

Ông nói: “Phái đoàn Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán và chúng tôi đang chờ đợi những người Ukraine. Ukraine cho biết họ đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình nhưng sẽ không chấp nhận các tối hậu thư.

Tổng thống Ukraine cho biết đất nước của ông đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nhưng không phải ở Belarus vì nước này là đồng minh của Nga trong cuộc xâm lược. Phát biểu trong một tin nhắn video hôm Chúa Nhật, tổng thống Zelenskyy nhắc Warsaw, Bratislava, Istanbul, Budapest hoặc Baku là những địa điểm thay thế. Ông cho biết các địa điểm khác cũng có thể. Trước đó, Tổng thống Ukraine đã đề nghị Tòa Thánh đứng ra làm trung gian nhưng Nga bác bỏ.

4. Nga sử dụng vũ khí nhiệt áp giết người hàng loạt

Có những mối lo ngại đang gia tăng rằng Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí nhiệt áp như một phần của cuộc xâm lược Ukraine.

Loại vũ khí này có hiệu quả đốt cháy không khí, tạo ra một làn sóng xung kích lớn và hút không khí ra khỏi phổi của các nạn nhân – được cho là đã được nhìn thấy gần thành phố Kharkiv, phía đông Ukraine, trong cuộc tấn công hôm Chúa Nhật.

Việc sử dụng chúng sẽ đánh dấu sự leo thang trong cuộc tấn công của các lực lượng Nga, đang nhắm vào các thành phố trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Kiev.

CNN hôm nay đưa tin, các bệ phóng tên lửa TOS-1 của Nga, có thể phóng tới 30 tên lửa trang bị đầu đạn nhiệt áp, đã được huy động ở miền đông Ukraine.

Vũ khí nhiệt áp là gì?

Các loại vũ khí nhiệt áp có nhiều kích cỡ khác nhau, từ lựu đạn phóng tên lửa được thiết kế để cận chiến, đến các phiên bản lớn có thể được triển khai từ máy bay.

Chất nổ đốt cháy không khí xung quanh, tạo ra sóng xung kích gây chết người và hút không khí từ phổi của bất kỳ ai ở xung quanh.

Mạnh hơn nhiều so với chất nổ thông thường, vũ khí nhiệt áp – còn được gọi là bom nhiên liệu-không khí và bom chân không – cũng có thời gian cháy lâu hơn, làm tăng khả năng hủy diệt của chúng.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.