Trần Mỹ Duyệt
Tâm lý ứng dụng trong hôn nhân
Chồng của em rất thương yêu em và lo lắng cho gia đình, nhưng anh ấy có thói quen thích cái gì là tự đi làm mà không bàn hỏi với em một vấn đề gì hết, và em là người sau cùng biết chuyện ấy khi nó đã xảy ra bất luận tốt hay xấu. Những lúc như vậy em hỏi tại sao anh không bàn với em, thì anh ấy nóng giận và bỏ đi không thèm nghe em phân tích đúng hay sai.
Trong trường hợp này em phải làm gì, và anh ấy phải làm gì để vợ chồng có sự hòa hợp và biết tôn trọng nhau, hiểu nhau nhiều hơn?
Vấn nạn vừa nêu trên có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua, và cũng có thể đã xảy ra cho chính mình, trong gia đình mình. Để giải quyết vấn nạn này, thiết tưởng nên ôn lại lời khuyên và kinh nghiệm của người xưa trong tương quan vợ chồng. Cha ông ta vẫn thường khuyên: “Tương kính như tân”. Có nghĩa là cả vợ lẫn chồng đều phải tế nhị, nhún nhường, đối xử với nhau như những ngày đầu mới quen biết, mới là vợ chồng. Kinh nghiệm sống quí giá này không hề lỗi thời so với thực tế và đời sống vợ chồng ở thời đại chúng ta. Trong lời thề hôn ước, trước khi trở thành vợ chồng, chúng ta đã thề hứa “yêu thương và tôn trọng nhau”. Hai chữ yêu thương và tôn trọng là hai yếu tố cốt lõi làm nên ý nghĩa của hôn nhân.
Trong hôn nhân, sự tôn trọng được diễn tả qua những trao đổi, chia sẻ, và khuyến khích lẫn nhau. Thất bại của anh là thất bại của em, thành công của em cũng là thành công của anh, đúng với ý nghĩa: “Của chồng công vợ”. Do đó, bàn hỏi nhau, chia sẻ với nhau, và cùng góp ý cho nhau là một cách sống hài hòa giữa hai vợ chồng. Trong thực tế, nguyên tắc “hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu” luôn luôn đúng. Nhiều khi chỉ cần một ý kiến nhỏ của vợ hay của chồng mà kết quả trở nên khác.
Lối vào của tâm hồn
Trong Johari Window (Cửa Sổ Johari), một dụng cụ khảo sát tâm lý do Joseph Luft và Harry Ingham đã giới thiệu năm 1955, nhằm khảo sát sự hiểu biết về chính mình, sự phát triển cá nhân và giúp gia tăng những trao đổi thường ngày với người khác. Theo đó, những gì mà chúng ta chưa biết về mình và người khác dù đó là vợ hay chồng rất nhiều. Để có thể phần nào hiểu được những khác biệt và bí ẩn ấy, chúng ta thử nhìn vào mình và người phối ngẫu xuyên qua 4 cánh cửa sau đây:
1-Những điều ta biết về mình và người khác cũng biết (Open self):
Qua cửa sổ này, bạn nhìn thấy mình với những ưu và khuyết điểm. Cùng một lượt, người phối ngẫu của bạn cũng nhìn thấy những điều ấy như chính bạn nhìn bạn. Cái biết này là mấu chốt làm nên sự hài hòa trong đời sống gia đình, đời sống vợ chồng.
2-Những điều người khác biết về ta mà mình không biết (Blind self):
Đây là góc khuất về con người của mỗi người. Thông thường bạn không biết vì bị che dấu bởi tự ái, bởi cái tôi quá lớn. Nó thường ngăn trở bạn chấp nhận lời nhận xét, phê bình, hoặc sửa sai của người khác. Nhưng theo Tuân Tử thì: “Ai sửa cho ta đúng, người đó là thầy ta”.
3-Những điều ta biết về mình mà người khác không biết (Hidden self):
Đây chính là lý do để người khác hiểu lầm hoặc phê phán bạn một cách vô căn cứ và bất công. Người thiếu trưởng thành, thiếu tự tin sẽ cảm thấy rất khó chịu và thường hay phản ứng tiêu cực để bảo vệ mình.
4-Những điều mà cả ta cũng như người khác không biết (Unkown self):
Gồm những gì mà chính bạn cũng không biết về mình, và người khác cũng không biết. Nhận xét về mình hay một người khác trong những trường hợp này rất võ đoán, chủ quan. Người bị phê phán, bị chỉ trích sẽ rất hoang mang, bực bội.
Thực tế đã minh chứng, không phải hễ nghĩ mình biết là biết hết mọi sự dù là biết về mình. Cũng vậy, không phải hễ là vợ hay chồng là biết được người phối ngẫu của mình nghĩ gì và làm gì. Người Việt Nam có một câu nói diễn tả tính chủ quan và tiêu cực về những cái biết này: “Tôi đi guốc trong bụng ông hay bà”. Thật ra có nhiều điều chính ta cũng không biết về mình, và cũng không biết về người chồng hay vợ của mình. Những gì chúng ta biết về mình hay về người khác cũng chỉ 50% sự thật, phần còn lại đòi hỏi phải có những cuộc trò truyện, trao đổi, chia sẻ. Điều này cũng áp dụng trong những giao tiếp xã hội và bạn bè.
Theo tâm lý học, trao đổi, chia sẻ (communication) là nghệ thuật hiểu và đi vào lòng người. Nó cũng là một phương pháp trị liệu về những bất đồng, bất hòa trong đời sống hôn nhân. Ở một cái nhìn tích cực, những nhận xét dù làm chúng ta không hài lòng của người khác vẫn mang ý nghĩa ngăn ngừa hoặc đề phòng. Ngược lại, nếu những chia sẻ, góp ý ấy là đúng thì càng thêm năng lực và hậu thuẫn tốt cho hành động của mình: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.” Kinh nghiệm cho thấy phần lớn những thất bại, những cuộc cãi vã là do chủ quan không đón nhận ý kiến hay sự góp ý của người khác.
Ảnh hưởng xã hội
Tập quán tự quyết định của người chồng trong vấn nạn trên, có thể đến từ tư tưởng cho rằng bàn hỏi với vợ sẽ mang tiếng mình dốt, mình kém, hoặc không thông minh bằng vợ! Nó cho người chồng cảm tưởng thua thiệt làm mất mặt nam nhi, mất mặt trượng phu, mất mặt đàn ông, và sẽ làm cớ cho vợ khinh thường, không tôn trọng mình. Đây là một trong những mặc cảm tự ty mà chúng ta vẫn thấy trong nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt, trong nền văn hóa trọng nam khinh nữ, đề cao lối sống gia trưởng. Ngoài ra, định kiến này còn ảnh hưởng bởi môi trường xã hội, bạn bè. Thí dụ, sợ bạn bè cho là thua vợ, sợ vợ, hay nấp bóng vợ, mặc dù trong thực tế có nhiều người chồng thua kém vợ cả về kiến thức lẫn khả năng chuyên môn.
Cũng có thể việc này xảy ra vì những quyết định dù nhỏ mọn mà vợ chồng vì ghen tương, nghi ngờ và muốn kiểm soát nhau nên cho đó là lớn lao, quan trọng rồi tự mình khó chịu với mình cũng như với người phối ngẫu.
Trên phương diện tâm sinh lý, nó cũng đến từ sự khác biệt về cấu trúc của não bộ giữa người nam và người nữ. Có đến 80-90% phụ nữ sống với não cầu trái của mình, trong khi 80-90% nam giới sống với não cầu phải. Một đàng nghiêng về tình cảm, đặt nặng những cái nhìn và phán đoán theo cảm xúc, rung động của con tim. Một đàng nghiêng về lý trí, dựa trên những lý luận và phán đoán của khối óc. Nhưng con đường từ khối óc xuống trái tim hay từ trái tim lên khối óc tuy gần nhưng rất dài, rất xa nhiều khi không có điểm đến.
Sau cùng văn hóa nam nữ bình đẳng, chia sẻ đồng đều trong đời sống hôn nhân là một văn hóa mới mẻ, ít thấy trong sinh hoạt gia đình người Việt. Như đã diễn tả ở trên, vì phản ảnh văn hóa “trọng nam khinh nữ”, văn hóa “gia trưởng”, nên phần đông đàn ông, người chồng Việt Nam bao giờ cũng cho mình đúng. Thực tế, trong cuộc sống chúng ta rất ít khi thấy người đàn ông Việt Nam nói lời “xin lỗi” vợ con khi có lỗi. Càng hiếm thấy họ nói lời “cám ơn” khi vợ con làm gì cho họ. Một tâm trí hạn hẹp mà lại luôn cho mình là đúng thì vấp phải những lỗi phạm, sai lầm là chuyện thường. Người đàn ông Việt Nam cần học nói lời xin lỗi khi làm điều lỗi không những với vợ mà cả với con cái nữa . Tích cực hơn là phải biết nói lời cám ơn về những việc mà vợ con mình đã làm cho mình. Bí quyết hạnh phúc hôn nhân nằm ở chỗ biết nói và thực hành hai tiếng “cám ơn” và “xin lỗi”.
Sợ mất mặt, sợ mang tiếng thua kém vợ, không phải là lý do để người chồng tự quyết những vấn đề trong gia đình. Gia đình là gia đình chung, thua được là thua được chung, và hạnh phúc là hạnh phúc chung. Trong hôn nhân không có thứ hạnh phúc hay thành công một mình. Người ta thường nói: “Sau lưng người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Người phụ nữ ấy không ai khác là người vợ. Đây được coi như một chân lý dù ai đó có muốn loại bỏ nhưng vẫn không được. Việc bàn hỏi, chia sẻ là việc nên làm và cần làm. Đặt trường hợp nếu những kết quả xảy ra không được như ý, ít nhất người chồng cũng không phải lãnh trách nhiệm một mình. Ngược lại, có sự san sẻ và đồng cảm của cả hai vợ chồng: “Đồng vợ, đồng chồng”. Hành động này không có gì xấu, không làm giảm giá trị của người đàn ông. Và cũng không phủ nhận quyết định chính đáng trong gia đình nhiều lúc thuộc về người chồng là cột trụ của gia đình.
Bí quyết hạnh phúc trong hôn nhân
Tóm lại, trường hợp hai vợ chồng được nêu lên trong vấn nạn trên rõ ràng đã gặp phải những khó khăn về mặt chia sẻ và thông cảm. Nói theo văn chương bình dân là họ “khắc khẩu”. Cả hai đã không đi qua những cửa sổ tâm hồn để bước vào đời nhau, nhưng chỉ dùng cảm xúc, hoặc chủ quan của lý trí để phán đoán và đối xử với nhau. Do đó, họ cần học cách hiểu và cảm thông với nhau xuyên qua những cánh cửa của tâm hồn.
Trần Mỹ Duyệt
Views: 0