Tâm lý hôn nhân

Lắng nghe là bí quyết hôn nhân hạnh phúc

Trần Mỹ Duyệt

 

Viktor Frankl, một trong những nhà tâm thần học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, đã kể lại câu chuyện về một người phụ nữ mà ông đã cứu khỏi ý định tử tự chỉ vì ông đã nhẫn nại lắng nghe cô. Chuyện xảy ra vào một nửa đêm nọ, ông đã nhận một cú điện thoại của một người và người này nói là cô ta muốn tự tử.

Thoại đầu, ông đã dùng phương pháp tâm lý để phân tích cho cô biết về những ảnh hưởng của hội chứng trầm cảm, và khuyên cô chuyện gì cũng phải từ từ giải quyết. Nhưng căn bản nhất là ông đã bình tĩnh lắng nghe câu chuyện của cô. Cuối cùng cô ta đã hứa là sẽ bỏ ý định tự tử.

Nhiều năm sau, ông đã gặp lại người phụ nữ ấy, và ông cứ nghĩ rằng mình đã giúp cô vì do khả năng và sự hiểu biết tâm lý của mình. Nhưng thực ra, theo như lời của cô thì chỉ vì trong lúc cô thấy cô đơn và hụt hẫng, cô đã có một người kiên nhẫn lắng nghe cô. Và đơn giản chỉ có vậy. Theo cô, một thế giới có người sẵn sàng lắng nghe mình, lắng nghe những ưu tư của mình là một thế giới đáng sống. [1]

Khi hai người cãi nhau họ đều nghe thấy tiếng của nhau, nhưng không lắng nghe nhau. Người này cố tìm cách lấn lướt, khống chế người kia bằng những ngôn từ mà mình có thể nghĩ ra. Dùng những âm điệu lớn nhất, mạnh nhất có thể để lọt vào tai người kia những gì mình muốn nói. Ngược lại thì cả hai bên không ai lắng nghe nhau và hiểu nhau muốn nói gì. Cuối cùng sau một hồi tranh luận, cãi vã, cả hai đều đi đến kết luận là người kia không hiểu mình, là người cố chấp, kiêu ngạo, hoặc ngu xuẩn. Nhưng thực tế, cả hai đã rơi vào tình trạng mất kiểm soát, không làm chủ được lời nói, tiếng nói, và thái độ của mình. Điều này hoàn toàn trái ngược khi hai người thân hoặc yêu nhau nói chuyện với nhau. Họ không to tiếng, không hét vào tai nhau, nhưng dường như cả hai đều hiểu nhau và cảm thấy cuộc nói chuyện mang lại hứng thú, có ý nghĩa và tích cực.

Lý do tại sao có sự khác biệt như vậy? Đó là vì khi tranh cãi hoặc đối đầu với nhau, người ta dùng lý trí và sự hiểu biết. Mà lý trí và sự hiểu biết thì ai cũng khác nhau, mỗi người có một suy nghĩ, một lối nhìn. Nhưng khi lắng nghe nhau trong những buổi trò chuyện thân mật, người ta dùng con tim. Chính con tim đã truyền đạt những tín hiệu tích cực, và làm cho thính giác người nghe cảm thấy khoan khoái, dễ chịu và chấp nhận được. Khi lắng nghe nhau, người ta dễ dàng hiểu nhau, thông cảm, và chia sẻ.  Trong những cuộc trao đổi, trò chuyện như vậy, người ta không phải dùng những lời lẽ để ăn thua với nhau, hoặc những thái độ nhằm áp đảo nhau. Tóm lại, trong rất nhiều trường hợp, người ta chỉ “nghe” mà thiếu sự “lắng nghe” nhau.

 

 

Đa số chúng ta thường hay lẫn lộn và cho rằng nghe hoặc lắng nghe cũng như nhau. Nhưng nghe và lắng nghe hoàn toàn khác biệt. Theo Tự Điển Tiếng Việt của nhà xuất bản Hồng Đức, thì: Lắng nghe: Tập trung nghe rõ sự việc. Nghe rõ âm thanh. Trong khi nghe có nghĩa là: Tiếp nhận các âm thanh, tiếng động, tiếng nói bằng tai và tìm hiểu ý nghĩa.

Bằng những phân tích khoa học, nghe hoặc nhận thức âm thanh là khả năng đón nhận những tiếng động từ một cơ quan như tai, bằng cách nhận ra những rung động như những thay đổi lập lại trong sức ép từ ngoại cảnh chung quanh. Trong lãnh vực khoa học, nghe được gọi là khoa học thính giác. Âm thanh có thể được nghe qua thể cứng, nước, hoặc khí. [2]  Và lắng nghe là sự chú ý đến một âm thanh hay hành động. Khi lắng nghe, một người nghe những gì người khác đang nói và cố gắng để hiểu những gì nó được nói tới. Hành động của việc lắng nghe bao gồm cảm giác phức tạp, phương pháp nhận thức và thái độ. [3]

Như vậy, nghe là hành động mang thái độ phản ảnh một giác quan và liên quan đến nhận thức âm thanh. Còn lắng nghe, hành động này mang tính cách tập trung, chủ động. Người ta có thể nghe được một âm thanh hay một từ ngữ đến từ bên ngoài nhưng người ta có thể bỏ qua hoặc không quan tâm, ngược lại, người nghe sẽ suy nghĩ, đón nhận với những cảm tình khác nhau từ một tiếng nói hay một sứ điệp nào khi chú tâm lắng nghe nó.

“Đàn ông yêu bằng con mắt. Đàn bà yêu bằng lỗ tai”. Nhận định chung về tâm lý nhận thức giữa nam và nữ, giữa chồng và vợ này cũng là một cách phản ảnh về định luật “thanh sắc”. Theo tâm lý thì nghe thuộc một trong 5 giác quan: Thính giác, Thị giác, Khứu giác, Vị giác, Xúc giác.

Thanh tức là tiếng, nhưng nó không chỉ bao gồm những âm từ được phát ra mà còn phải bao gồm ý nghĩa, cách diễn tả, âm hưởng và âm độ của từ đó nữa. Vì tất cả những thứ đó nói lên tâm lý và suy nghĩ của một người khi nói. Thí dụ, cũng một câu “anh yêu em”, nếu được nói ra với thái độ quan tâm, với âm hưởng nhẹ nhàng, với âm độ dịu dàng, nó sẽ làm cho người nghe cảm thấy sung sướng, thoải mái, hạnh phúc. Nhưng nếu những lời ấy được nói với giọng điệu bẳn gắt bằng một thứ âm thanh chói tai người nghe, thì nó sẽ làm người nghe buồn lòng! “Nói ngọt, lọt đến xương” (Tục ngữ Việt Nam) là vậy.

Sắc đẹp của người phụ nữ cũng vậy. Nó không chỉ là những hấp dẫn và khêu gợi của ngoại hình, nhưng còn phải bao gồm nét đẹp của tâm hồn. Dù trong bất cứ nền văn hóa nào, dù trong bất cứ quan niệm sống nào ngay cả lối sống tự do, buông thả và hưởng thụ của xã hội hiện nay, thì “cái nết đánh chết cái đẹp.” (Ca dao Việt Nam) vẫn là một kinh nghiệm sống rất giá trị.

Ngoài ra, một thứ ngôn ngữ khác được sử dụng trong tương quan vợ chồng, đó là ngôn ngữ cử chỉ “body language”. Nhiều khi không cần lời, nhưng chỉ một ánh mắt, một nụ hôn, một cái vuốt ve nhẹ, hoặc một cử chỉ quan tâm… những lời nói này mang ý nghĩa rất đặc biệt, và rất nặng ký trong tình nghĩa và mối quan hệ vợ chồng.

Nghe và lắng nghe ảnh hưởng như thế nào trong hạnh phúc hôn nhân

Đời sống hôn nhân là một đời sống chung. Nó là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ mà cả hai đến từ những khác biệt: Khác nhau về phái tính, tuổi tác, di truyền, giáo dục, kiến thức,  văn hóa, nghề nghiệp, và tôn giáo. Để hóa giải những khác biệt đó, và để người phối ngẫu hiểu được mình thì ngôn ngữ, lời nói, tiếng nói mang một ý nghĩa rất quan trọng. Không ai có thể vào trong óc người khác để đọc được những gì người ấy đang suy nghĩ. Tất cả phải được chia sẻ, thông cảm, và hiểu nhau.

Do đó, vợ chồng nghe hoặc lắng nghe nhau là điều cần thiết vì rất có ảnh hưởng đến tâm lý và hạnh phúc của hai người. Vì muốn hay không muốn, vợ chồng cũng vẫn phải trao đổi, chia sẻ với nhau về mọi chuyện liên quan đến cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Khi vợ chồng không lắng nghe nhau, họ có thể tự tạo ra rạn nứt trong mối quan hệ. Bằng cách không lắng nghe hoặc nghe một cách thụ động, họ sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ đó, cuối cùng có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của đời sống hôn nhân. Mặt khác, nếu vợ chồng chọn cách lắng nghe tích cực, họ sẽ cho nhau thấy rằng cả hai đều quan trọng, và cùng nhau kết chặt mối dây liên kết, cũng như củng cố các mối quan hệ vợ chồng. Lựa chọn lắng nghe một cách tích cực là một phẩm chất tốt cần có. Nó có thể mang lại những mối quan hệ tốt đẹp trong đời sống hôn nhân. Bác sỹ Kristen Fuller, tác giả thành công nhiều tác phẩm về lãnh vực sức khỏe tâm thần, trong bài phân tích mang tựa đề “The Difference Between Hearing and Listening” bà cho biết, bằng cách tích cực lắng nghe và thông cảm với nhau, người ta có thể:

-Kiến tạo tình bạn bền chặt và chân chính.

-Hiểu và trao đổi kiến ​​thức.

-Chia sẻ những kỷ niệm.

-Truyền thụ những câu chuyện và ý tưởng cho các thế hệ tương lai.

-Giải quyết xung đột và tìm kiếm các giải pháp tốt hơn cho tương lai. [4]

Làm thế nào để trở thành người biết lắng nghe

Nhưng làm thế nào để ta có thể quan tâm đến việc học hỏi và cải thiện khả năng lắng nghe? Theo tâm lý ứng dụng, để có khả năng biết lắng nghe, và để thăng tiến mối quan hệ giữa các cá nhân, sau đây là những điểm thực hành cần được lưu ý:

-Không phủ nhận ngay khi vừa nghe người khác nói điều gì mà mình cho rằng không đúng:

Khi biết mình bị từ chối, hoặc bị nghi ngờ, người vợ hay chồng trong trường hợp này sẽ có cảm tưởng cho rằng ta không biết về những gì đang xảy ra đối với họ. Hoặc ta không quan tâm đến họ.

-Không vội vàng đưa ra những ý kiến của mình:

Có những điều mà ta cần phải chú tâm theo dõi mới hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện. Dù là với vợ hay với chồng, có những ý kiến mà ta cho là đúng, nhưng lại không đúng trong trường hợp mà người vợ hay chồng mình đang gặp phải. Những góp ý vội vàng như vậy đôi khi chỉ là để nói lên quan điểm cá nhân hơn là xây dựng hoặc sửa chữa chung.

-Biết đặt mình vào hoàn cảnh người nói:

Có thể cho đây là tóm lược của những điểm thực hành trên. Câu nói: “Tôi đi guốc trong bụng anh”, hay: “Tôi thừa biết em đang nghĩ gì!” là những nhận xét hết sức hồ đồ và xúc phạm. Tóm lại, phải biết đặt mình vào hoàn cảnh người phối ngẫu để hiểu những gì đang xảy ra trong hoàn cảnh cũng như nội tâm của người ấy. Trong thực tế, câu nói sau đây là một ứng dụng: “Chớ vội phán xét con đường của tôi khi chưa xỏ thử đôi giày của tôi”.

Lắng nghe, là một trong những chìa khóa hạnh phúc của đời sống hôn nhân. Nó đem lại hòa khí trong gia đình. Nhiều người thường đổ lỗi cho việc vợ chồng không hợp tuổi, cưới nhau không đúng ngày nên nảy sinh khắc khẩu. Thật ra trong tâm lý hôn nhân gia đình không có chữ “khắc khẩu”, mà chỉ thiếu sự lắng nghe và thấu hiểu nhau mà thôi.

______________

Tài liệu tham khảo:

     1.https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=6704572079560014&id=100000218665086&mibextid=Nif5oz

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/Hearing
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Listening

     4.https://www.psychologytoday.com/us/blog/happiness-is-state-mind/202107/the-difference-between-hearing-and-listening

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.