Tâm lý hôn nhân

Gọi em hai tiếng “Mình ơi!”

Trần Mỹ Duyệt

 

Vợ chồng xưng hô với nhau bằng Chồng ơi – Vợ ơi, Bố ơi – Mẹ ơi, Anh ơi – Em ơi, hoặc Mình ơi thì đến già vẫn yêu thương mặn nồng, kẻ thứ 3 khó có chỗ chen chân vào.

Những từ ngữ trên là cách gọi vừa thể hiện chủ quyền sở hữu, trách nhiệm, và tình cảm mà cả hai dành cho nhau. Trong những cách vợ chồng gọi nhau, gọi nhau bằng “mình”, là cách gọi thân thương nhất, nhẹ nhàng nhất, và thấm đậm tình cảm nhất.

Trong hôn nhân, vợ chồng sống với nhau quan trọng là hai chữ “hòa thuận”. Người chồng trọng nhất là giữ nghĩa với vợ, người vợ trọng nhất là giữ tiết với chồng. Cư xử với nhau theo phương châm: “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng quý nhau như khách. Vì nếu “phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành”. Vợ chồng có hòa thuận thì mới nên gia đạo.

Xét về phẩm chất của người vợ, theo truyền thống văn hóa từ xưa, người vợ phải đảm bảo đủ “tam tòng, tứ đức”. Tam tòng là người con gái ở nhà thì theo cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì theo con. Tứ đức là: Công, dung, ngôn, hạnh. Quan điểm tam tòng có thể thay đổi để hòa nhập theo văn hóa và xã hội hiện nay, nhưng tứ đức thì đời nào cũng đáng quý.

VỢ CHỒNG XƯNG HÔ VỚI NHAU

Đối với văn hóa Âu Mỹ, người Anh hay Mỹ vợ chồng gọi nhau bằng tên. Thí dụ, John, Peter, James, Mary, Ann, Teresa… Trong cách xưng hô lãng mạn, họ gọi nhau là beau, beloved, darling, dear, dearest, dearie, hoặc honey.

Người Pháp cũng gọi nhau bằng tên: Jean, Jacques, pierre, Paul… Thân mật hơn họ gọi nhau mon hay ma Chéri (e), mon (ma) petit (e), cheri (e), mon, amour.

Người Trung Hoa, chồng gọi vợ là hiền thê, ái thê hay nương tử. Người vợ gọi chồng là tướng công, phu quân hay lang quân.

Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, theo Nho học, tại Việt Nam vợ được gọi là thê, phụ. Những gia đình theo cổ tục đa thê trước đây, vợ chính, vợ cả, vợ lớn gọi là đích thê, chính thê, phát thê, chính thất, hay chủ phụ. Vợ sau, vợ lẽ là kế thất. Trong cách thân mật, chồng gọi vợ là hiền thê, ái thê, nương tử. Khi xưng hô với người khác, chồng gọi vợ là phu nhân, và vợ gọi chồng là phu quân. [1]

GỌI NHAU HAI TIẾNG MÌNH ƠI

Từ sự phong phú của ngôn ngữ Việt, vợ chồng xưng hô với nhau bằng nhiều từ ngữ thân mật, dịu dàng mà cũng rất lãng mạn tùy theo hoàn cảnh và thời gian. Trong thời gian hẹn hò, quen biết, đôi trai gái thường gọi nhau bằng tên. Khi “tình trong như đã,” thì xưng hô anh em với nhau. Và sau khi nàng đã theo chàng về dinh, trong đời sống hôn nhân cả hai đã trở nên một, lúc đó vợ chồng gọi nhau, xưng hô với nhau là anh, em, chồng, vợ. Dù chồng kém tuổi hơn vẫn gọi là anh. Những cặp đã có con thì chữ anh hay em được thay bằng “bố’ hoặc “mẹ”, để gọi thay cho con. Thí dụ, bố thằng Tý, mẹ con Mơ. Và khi về già họ gọi nhau là “ông” hoặc “bà”: Ông nó đâu rồi? Bà đang làm gì vậy?…

Tuy nhiên, cách gọi thân thiện nhất, tình tứ nhất và cũng lãng mạn nhất, đó là vợ chồng gọi nhau bằng “mình”.

MÌNH ƠI TIẾNG RU NGỌT NGÀO

 “Mai này đây người em thơ nhỏ bé.

Có anh vuốt vai gầy, ngắm làn môi thắm thơ ngây.

Trọn đời chung đôi mãi yêu như ngày cưới.

Hai đứa kêu nhau ‘Mình ơi!’”[2]

Tự điển tiếng Việt định nghĩa chữ “mình” như sau:  

-Đại từ vợ chồng gọi nhau thân mật.

-Đại từ ngôi thứ hai, dùng thân mật: “Mình về mình nhớ ta chăng? Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” (Ca dao). [3]

Bùi Giáng đã mặc cho chữ mình ở đây bằng một tên gọi khác cũng có trong văn chương Việt Nam qua hai câu thơ:

“Mình ơi! Tôi gọi là nhà,
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi”.

Như vậy, từ tiếng mình, vợ chồng Việt Nam còn gọi nhau là “nhà tôi” khi nói về chồng hay vợ mình với người khác. Chữ nhà tôi đây không phải để chỉ về một ngôi nhà, một nơi ở, một tổ ấm của hai vợ chồng, mà còn để nói lên tính chất sở hữu, lệ thuộc và trách nhiệm đối với nhau. Nhà tôi chỉ vợ hoặc chồng khác với cái nhà “house”, và cũng khác với “home” là tổ ấm, chỗ ở, và quê hương, tuy cả hai trong tiếng Anh cũng gọi là nhà. Chính vì thế mà nhiều người tuy có house, nhưng chưa có home. Có nghĩa là tuy sống trong căn nhà nhưng không phải là tổ ấm gia đình:  “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm!”.

Chữ mình của người Việt Nam dùng để gọi vợ hoặc chồng còn phát xuất từ ý nghĩa trung thực nhất, thâm thúy nhất và cao cả nhất trong chương trình sáng tạo và hình thành đời sống hôn nhân của Tạo Hóa. Trở về với những ngày đầu sáng tạo, và mục đích hôn nhân trong ý muốn của Thượng Đế, Thánh Kinh kể rằng chính Thượng Đế đã tạo dựng và phối hợp cho đôi vợ chồng đầu tiên trong vườn Địa Đàng: “Rồi từ chiếc xương sườn mà Thiên Chúa lấy từ đàn ông, Ngài đã làm nên một người đàn bà và mang đến cho nó. Và người đàn ông nói: “Bây giờ, đây là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi, nàng sẽ được gọi là ‘đàn bà’, vì nàng được lấy ra từ đàn ông”. Vì lý do này, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và nên một với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thân xác” (Sáng Thế 2:22-24).

Như vậy, vợ chồng không còn là hai mà là một. Ý nghĩa vừa tôn giáo, vừa tâm lý và vừa thể lý này dẫn đến việc vợ chồng coi nhau là xương, là thịt của mình và của nhau. Một phần mình là của người kia, và một phần mình của người kia là của mình. Cả hai đều bình đẳng, đều có giá trị như nhau trong đời sống hôn nhân của hai người. Cả hai tạo thành một nhân vị, một con người trong ý nghĩa sáng tạo. Tư tưởng bình quyền từ tiếng vợ chồng gọi nhau là mình cũng được tìm thấy ở đây. Từ đó suy ra việc vợ chồng hòa quyện với nhau trong hành động sinh lý không còn là một việc làm hoàn toàn mang tính cách xác thịt, phàm tục, nhưng là một hành động nuôi dưỡng tình yêu, tiếp tay trong việc tạo dựng của Thượng Đế. Đây là lý do tại sao những kẻ gian dâm, ngoại tình là những người không tôn trọng chính mình, không tôn trọng vợ hay chồng của mình. Họ tự tay phá vỡ hạnh phúc hôn nhân của họ. Chúng ta cũng có lý do để tin rằng trong xưng hô hằng ngày với nhau, những người này không bao giờ gọi nhau bằng những tiếng thân thương như: chồng ơi, vợ ơi, bố ơi, mẹ ơi, anh ơi, em ơi. Đặc biệt là mình ơi!

Bức tranh về đôi vợ chồng đầu tiên đã được thi sỹ Nghinh Nguyễn dệt thành bài thơ tuyệt vời bằng những chữ mình rất say đắm, mặn mà, và linh động:

Mình ơi! Tiếng gọi nhà tôi,
Lời yêu mộc mạc từ thời cổ sơ.
Địa đàng qua một giấc mơ,
Chúa đưa mình đến kết tơ duyên đầu.
Mối tơ duyên thật nhiệm mầu,
Khu vườn hiển hiện một bầu trời thơ.
Xa mình – mình thấy bơ vơ,
Vắng nhà tôi – lại ngẩn ngơ trông tìm.
Bên mình – mình thấy dịu êm,
Xa mình – mình thấy bóng đêm thêm dài.
Nhớ mong, hờn giận chia hai,
Bởi hai trong một nối dài sợi thương.
Tiếng yêu xưa thật bình thường,
Mà sao sâu lắng keo sơn nghĩa tình?
Nhà tôi – mình hởi ơi mình!
Tiếng mình yêu đó kết tình lứa đôi.
Trăm năm tóc bạc da mồi,
Trong ân nghĩa thánh mình tôi hiệp hòa.
Bởi mình là nửa của ta,
Còn ta hơn một phần ba nơi mình….

Thương dùm con chữ… mình ơi! [4]

Những vần thơ có cánh trên cũng như những lời ngọt ngào, lãng mạn trong bản tình ca của nhạc sỹ Minh Kỳ, và cùng với những tiếng “mình ơi!” và “nhà tôi” trong thơ Bùi Giáng đã nhắc tôi nhớ đến “chiếc xương sườn” của mình. Nàng chính là người yêu của tôi, bà xã của tôi, vợ tôi và nhà tôi. Nàng đã cho tôi biết thế nào là vị ngọt của tình yêu. Đã đem lại cho tôi những nụ cười, những ánh mắt trìu mến, nhưng cũng đã lấy đi ở tôi những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc, đôi khi hối hận vì đã không làm gì hơn để cám ơn, và để trân quý món quà mà Thượng Đế đã ban tặng. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của nàng, một lần nữa tôi muốn gói trọn tình cảm của mình trong tiếng gọi dịu dàng và âu yếm: “Mình ơi!”

Feb 2024

_______________

Tài liệu tham khảo:

1.https://vietbrooms.com/2022/06/08/cach-xung-ho-va-thu-bac-trong-gia-toc-va-xa-hoi-viet-nam-xua/

2.“Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương”. Nhạc sỹ Minh Kỳ

3.Từ Điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Hồng Đức.

4.Mình ơi! Nghinh Nguyên. Vườn Thơ Tkaraoke.

https://poem.tkaraoke.com/31535/minh_oi.html

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

4 ý kiến độc giả

  • Tuyệt! . Và còn “ông xã tôi, bà xã tôi ” nữa chứ. Hình như nó đi từ trang hí họa của một một tuần báo do Tự Lực Văn Đoàn chủ trương – đi vào dòng đời với ý nghĩa vui đùa, hóm hỉnh rồi dần dần trở thành một đại từ nhân xưng càng ngày càng có chỗ đứng rõ nét như hiện nay. Tôi nghĩ vị trí của nó ở giữa “vợ tôi” và “nhà tôi”. Đại khái là vậy. Tôi đã bắt đầu quên lãng nhiều chuyện đời thường, nhất là khi đi vào những chi tiết nhỏ. Mong thông cảm. / “Anh Duyệt ơi, Chúa đưa bà xã tôi về với Ngài rồi. Tôi nhớ bà xã qúa!”

    tttoan.

  • Vợ chồng em từ khi gặp nhau đi đến hôn phối vẫn anh em trong nhà lẫn ngoài đường đến giờ có con cháu vẫn vậy. Chúng em vẫn vui tự hào không có ngượng ngùng gì, vậy có nên sửa đổi cách xưng hô này không anh.

    Trần Ngọc Minh

    Đáp: Gọi nhau là anh em như vậy tốt lắm rồi. Nhưng nếu thỉnh thoảng gọi nhau là “mình” càng thấy lãng mạn, tình tứ.
    TMD

  • Chân thành cám ơn tác giả đã gởi cho bài viết này để nói ý nghĩ thật thắm thiết của một người mà Thiên Chúa đã tạo dựng “từ chiếc xương sườn của đàn ông.”

    Tôi nghĩ, trong văn chương trữ tình của thế giới, không có tiếng gọi nào âu yếm cho
    bằng văn chương Việnam. Chẳng hạn, người Pháp có tiếng “Ma moitié: một nửa của tôi”, hoặc tình tứ hơn “Mon chérie, cục cưng của tôi, v.v. Và trong tiếng Anh, cũng tương tự như cách gọi của người Pháp, “My better half, my sweetie, or my honey, v.v.

    Những chữ mà tác giả ghi trên “mình ơi, nhà tôi, v v. “ đã tạo cho người đọc cảm giác dịu dàng, dễ thương, ngọt ngào.

    Một lần nữa, cám ơn tác giả họ Trần.
    TN