Biết Văn
Lời trần tình: Tác giả không có ngụ ý so sánh một cách bất kính giữa bất kỳ một phụ nữ nào với Đức Trinh Nữ Maria, mà làm sao so sánh khập khiển giữa thân phận, môi trường, và đời sống của người phụ nữ hiện nay với Đức Maria sống cách đây hơn 2000 năm; nhưng những so sánh ở đây nếu có, chỉ nhằm nói lên những khác biệt mà bất cứ ai trong chúng ta cũng nên ngắm nhìn mình để bắt chước Mẹ sống đời trọn hảo trong ơn gọi của riêng mình qua các vai trò người của người phụ nữ, người vợ, và là người mẹ trong xã hội đương đại. Thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta nhận ra mình trong sự khiêm cung bước theo Mẹ, và học ở mẹ trong sự đơn giản Maria.
Giáng sinh vừa qua tôi có duyên đến tham dự lớp tĩnh tâm mùa vọng tại một ngôi giáo đường nhỏ bé, ấm cúng, đó là Thánh đường St Lucy ở Long Beach. Trong cái tối se lạnh của những ngày hết năm, đi lạc vài vòng tôi đến vừa đúng giờ. Chủ đề của buổi tĩnh tâm mùa vọng là: “gia đình Mẹ – gia đình Con” do Cha quản nhiệm Joseph Vũ Dũng và anh bạn Tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt trình bày.
Nghe qua chủ đề, tôi thật không cảm thấy hứng thú vì đề tài quá cũ rít và gia đình thì đâu đâu cũng nghe và ai ai cũng phải biết. Nhưng tôi đã lầm.
Gian thánh đường nhỏ bé chứa đựng khoảng trên 20 cặp và vài người độc thân tham dự nhưng ai ai cũng nhao nhao lên khi được hỏi về gia cảnh của mình và về mình. Có lẽ ngài tiến sĩ đã đánh trúng vào tâm lý “tốt khoe, xấu che” của người trần trên dương thế này nên từ đó mà sự so sánh hình thành giữa gia đình đương đại và gia đình của Mẹ Maria (Gia đình Nazareth).
Tôi thật bất ngờ khi nhìn ra được sự “đơn giản của Maria” trong thử thách về gương mẫu cho các gia đình và trong sự tôn vinh “Nữ vương của các gia đình.”
“Đơn giản Maria” không đơn giản tí nào để thực hiện, nhưng không phải là một sự lựa chọn tốt đẹp cho các chị em khi theo bước Mẹ Maria để hoàn thiện bản mình sao!.
Có một lần tản mản Facebook trên internet, tôi đọc được những dòng tâm sự sau của giới phụ nữ:
Chưa chồng tham việc thì giàu
Chồng vào thêm việc chỉ hầu chồng thôi
Chưa chồng còn được nghỉ ngơi
Chồng vào tối mắt…rối bời tóc tai
Chưa chồng hát múa đa tài
Chồng vào còn mãi một bài …ru con
Chưa chồng nằm ngủ vẫn ngon
Chồng vào ngủ ngáy lại còn…gác chân
Chưa chồng chăm sóc bản thân
Chồng vào bận bịu phát đần người ra
… Chưa chồng còn ối người mê
Chồng vào trông giống mẹ sề già nua.
Đọc những tâm sự trên của các chị em, chúng ta mới biết nổi khổ của các chị em ra sao trước và sau khi lấy chồng. Sự hy sinh và mức chịu đựng của các chị tùy thuộc vào gia đình các chị gởi gắm vào. Giá trị cao quí của người phụ nữ, theo tôi, là nhân cách và phẩm hạnh. Nhân cách thể hiện trong cách sống và lối hành xử, phẩm hạnh thể hiện qua lễ giáo gia phong, và đạo đức. Chính vì thế mà sau lưng một người đàn ông thành công luôn phảng phất có bóng dáng của một người phụ nữ; và sau lưng những đứa con ngoan, hiền, học giỏi phần lớn công sức đều đến từ người mẹ…
Tình yêu, hy sinh và vượt khó của phụ nữ Việt Nam được trang điểm và tô đẹp với những vần thơ đầy cảm xúc của Hồ Dzếnh:
“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ “hy sinh” có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”
(Cảm xúc-Hồ Dzếnh)
Nhưng có một anh bạn ngạo tôi rằng những “cực phẩm” phụ nữ ấy ngày xưa thì có, còn bây chừ… hầu như sắp tuyệt chủng trên hành tinh này rồi. Thế nhưng nếu ai, nhất là các ông chồng dám nói đến các nàng thì lập tức sẽ được nghe một bài luân lý đạo đức. Tìm đâu ra một người như em: ở nhiều khía cạnh em không phấn son, lụa là, không xa hoa đài các, không chưng diện phô trương, không ham nhung lụa quyền qúy…thì em cũng “đơn giản Maria.”
Đúng vậy, xét theo một cái nhìn bề ngoài thì rất nhiều phụ nữ ngày nay cũng đang tự cho mình là sống nghèo, sống khổ, và hy sinh lo cho chồng, cho con… và cũng rất “đơn giản như Maria.”
Tôi nghĩ giá thử mình so sánh các bà, các cô thời nay với Đức Maria xem sao nhỉ? Vì Đức Mẹ cũng đã sống, đã kinh nghiệm thế nào là thân phận nữ giới, bổn phận và trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. So sánh như vậy ít ra cũng giúp mình “biết người, biết ta” để đối xử với bà xã cho phải phép:
Không biết Maria ngày xưa có coi trọng bằng cấp, học vị hay danh xưng không? Chứ phụ nữ ngày nay rất thích có học vị, thích có chồng là bác sĩ, kỹ sư, đại gia, con nhà giàu…
Không biết Maria ngày xưa có biết uống “Yến sào” không? Chứ phụ nữ ngày nay nhiều người mỗi ngày đều uống!
Không biết Maria ngày xưa có biết làm đẹp với mỹ phẩm hay dao kéo không? Chứ phụ nữ xã hội này, thì đa số là “OHui”, Shiseido, “History of Whoo hay Shulwhasoo”, nâng càm, cắt mí, hút mỡ và tất cả đều cùng một mục đích “làm cho đẹp là vì chồng” ???
Không biết Maria ngày xưa có biết chưng diện không chứ phái đẹp bây giờ cứ vào tủ quần áo là thấy ngộp… sơ sơ ngót trên 100 cái nào là áo dài, áo đầm, áo kiểu và đủ các loại bóp lớn nhỏ, hạng hiệu sang có thường có, và cả trăm đôi giầy, cao gót có, thể thao có, Boot có, guốc có, dép có…
Không biết Maria ngày xưa có biết cái “account” là gì không nhỉ, chứ các bà nội trợ thời nay thì account nhà băng, account Credit Card, account FaceBook, account Whatapp, Google, Apple, Tweeter, Intergram…ôi thôi loạn cả lên.
Không biết Maria ngày xưa đi bộ, dùng lừa hay ngựa để cưỡi không? Còn các phụ nữ tân thời ngày nay thì đơn giản chỉ lái xe bốn bánh mà phải là Lexus hay Mercedes mới chịu…khổ nổi cái gánh nợ này nhiều ông chồng cứ phải cày cong xương sống mà trả nợ.
Không biết Maria ngày xưa có phải đi học các khóa thể hình Aerobic, Dancing hay vào women’s club gì không, chứ các bà ngày nay thì 24hrs Fitness phải đi, còn lại thích nhảy chachacha, Rumba và Twist cơ…
Không biết tôi nên cười hay nên khóc khi mới vừa thông cảm với những người phụ nữ từ bài thơ ở bên trên thì phải cười ra nước mắt cho những anh chồng có vợ thật “đơn giản như Maria” mà vừa chia sẻ. Khổ nổi Mẹ Maria lại là đề tài so sánh như bất tận về cái chuyện vợ, chuyện chồng. Thí dụ, khi muốn chồng làm những gì mà vợ không thích, các nàng chỉ cần nói:
Anh đó! Anh đi lễ, đọc kinh nhiều vào làm gì. Không bắt chước Đức Mẹ biết nhịn nhục, chiều chuộng vợ con lên một tí cho mẹ con tôi nhờ!
Anh đó, thấy em đơn giản thế mà không biết thương em sao?
Tội nghiệp Chúa và Mẹ. Tội nghiệp cho các Ngài phải đi vào một sự so sánh khập khễnh mà nạn nhân không ai khác là ông chồng ‘không biết khiêm nhường’ nghe lời vợ.
Nếu vào những thế kỷ trước, cuộc đời người phụ nữ trước hôn nhân là những năm tháng trau dồi công, dung, ngôn, hạnh để chuẩn bị làm vợ và làm mẹ, rồi từ khi xuất giá tòng phu thì ý nghĩa của cuộc đời ấy chỉ xoay quanh hai chữ chồng, con và gia đình. Ngày nay, phụ nữ được giải phóng và độc lập hơn về tư duy nên không bị giới hạn bởi bốn bức tường “gia đình” và “định kiến” nữa.
Mẹ tôi thường hay nói: “Chồng chưa đủ tốt thì người vợ chẳng thể ngoan. Đàn ông chưa đủ bản lĩnh thì đừng mong người đàn bà bên mình bớt khổ, thảnh thơi, và xinh đẹp.”
(Còn tiếp)
Orange County ngày 21 tháng hai năm 2020
Views: 0