Biết Văn
Đường vào tình yêu… có trăm lần vui… có vạn lần buồn
Đôi khi nhầm lỡ… đánh mất… ân tình cũ
Có đau chỉ thế… tiếc thương chỉ thế
Khi hai mơ ước… không chung cùng… vui lối về.
(Buồn trong kỷ niệm -Trúc Phương)
Xã hội đương đại ngày nay đã đẩy gia đình theo chiều hướng tiến hóa của “văn hóa của sự chết” và lên ngôi của “tự do cá nhân” khiến cho tình yêu, gia đình và hạnh phúc bị biến dạng không theo các chuẩn mực đạo đức nữa. Tuy các “retreat” theo kiểu “thăng tiến hôn nhân”, các khóa “Gia đình Nazareth” hay các lớp “kiến tạo hạnh phúc gia đình” … có cùng với mẫu số chung là: Giúp “thăng hoa”, “giữ lửa” trong hạnh phúc lứa đôi; Làm thế nào để “cho và nhận” tình yêu đúng cách; Nhận biết sự khác biệt nam và nữ về “tâm sinh lý”; Hóa giải các mối quan hệ xấu, giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân. Nhưng hỡi ơi! Hôn nhân và gia đình ngay nay phải đối diện với những sự thật đau lòng đốt chết tình yêu đôi lứa, làm khổ cho con cái sau những cuộc ly hôn, và nhất là đạo đức gia đình và xã hội thêm suy đồi:
-Cuộc sống hôn nhân trở nên nhàm chán, gánh nặng.
-Không hòa hợp được với người bạn đời…
-Xuất hiện người thứ ba.
Trong phạm vi bài khảo sát này tôi không cố tình chỉ trích bất cứ cá nhân nào, đoàn thể nào; nhưng chỉ xin đưa ra dẫn chứng như là một kinh nghiệm thực tiễn về những mâu thuẫn, vướng mắc của gia đình đương đại về các vấn nạn.
Thứ nhất chúng ta phải nói đến cuộc sống hôn nhân là “nhàm chán, gánh nặng” khi vợ hay chồng là nạn nhân của những người “nghiện bài bạc”, “nghiện rượu”, “nghiện người mới”. Đối với một số người, đánh bạc mang đến cảm giác thích thú, tuyệt vời giống như nghiện ăn, nghiện uống hút, nghiệu rượu, nghiện shoping, và nghiện đi ngang về tắt… vậy. Và khi cái cảm giác “tốt đẹp, tuyệt vời” ấy được tăng lên hàng ngày, hàng tháng, thì sự thỏa mãn tinh thần dần trở thành sự phụ thuộc thần kinh. Để trở lại bình thường, người chơi buộc phải “cai nghiện” vài tháng, thậm chí là hàng năm trời.
Mark Griffiths, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về hành vi nghiện ngập ở con người, thuộc trường Đại học Nottingham Trent (Anh) nhận định: “Ngay cả khi để thua trắng tay, những “con nghiện cờ bạc” vẫn khát khao “đốt mình” trên những chiếu bạc bất kể ngày đêm, bởi cơ thể họ khi ấy vẫn tiếp tục sản sinh loại hoóc-môn adrenalin có tác dụng kích thích hệ giao cảm và chất dẫn truyền thần kinh endorphins có khả năng giảm lo âu, tạo hưng phấn.”
Cũng như thế, “Nghiện rượu” có thể gọi là bệnh. Theo các chuyên gia y tế, rượu là một trong những “sát nhân khôn ngoan”. Ngay cả các nhà phân tích tài chính cũng đã đưa ra quan điểm rằng, nghiện rượu làm cạn kiệt ngân khố hơn các loại nghiện ngập khác.
Về mặt cảm xúc, người nghiện rượu không thể có một gia đình hoặc mối quan hệ ổn định vì các đối tác thường không thể chấp nhận thói quen này.
Nghiện rượu còn gây ra nhiều bệnh tật về tim, thận, chứng bất lực ở nam giới, nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ, tâm thần, suy gan và gia tăng nguy cơ ung thư.
Hầu hết những người nghiện rượu đều cố gắng tránh uống rượu, nhưng sức mạnh ý chí không đủ. Đôi khi họ không biết có một số lựa chọn về thực phẩm để thay thế sức cuốn hút của rượu.
Câu chuyện thứ I:
Em năm nay 31 tuổi, chồng em 29 tuổi. Chúng em kết hôn được 4 năm. Nhưng hiện giờ em đang rất chán nản cuộc hôn nhân này.
Cách đây 2 năm khi em mới sinh con, chồng em chơi với đám bạn xấu nên vướng vào cờ bạc, cá độ bóng đá. Đến hiện giờ mức độ ngày càng trầm trọng. Lần mắc nợ đầu tiên là 70 triệu, lần 2 là 80 triệu, lần 3 là 50 triệu và mới cách đây 1 tháng là 200 triệu. Anh ấy khóc lóc, hứa sẽ không chơi nữa, nhờ em mượn tiền ba mẹ em cho anh ấy trả nợ, nếu không đi thế chấp nhà để trả nợ (nhà ba mẹ chồng cho). Lúc mới cưới ba mẹ chồng cũng có nói với em là anh ấy còn ham chơi lắm nên dù có chuyện gì cũng không được giao nhà cho anh ấy giữ. Em sợ mất nhà nên nhờ ba mẹ ruột em cho mượn tiền để trả nợ cho người ta 1 phần, 1 phần vẫn còn nợ người ta.
Ba mẹ chồng thì chưa biết chuyện này. Hiện giờ anh ấy đi học sửa xe, nhưng học chưa được 1 tháng lại đòi nghỉ, nhờ em mượn ba em thêm 70 triệu nói là đi buôn tiêu. Nhưng thực sự em không biết là có phải thật không hay là mắc nợ rồi nói dối em. Anh ấy làm việc gì cũng rất mau chán, không có tính kiên nhẫn nên đến bây giờ vẫn không có nghề nghiệp ổn định. Giờ em rất chán nản, muốn ly hôn cho xong nhưng lại tội cho con em. (Trích: Của sổ tình yêu).
Câu chuyện thứ II:
Sáng nào tôi cũng tỉnh dậy trong tâm trạng nặng trĩu vì tối hay đêm hôm trước phải trải qua những cuộc nói chuyện không hề dễ chịu với chồng.
Gần đây anh càng lúc càng uống nhiều và bắt đầu có những biểu hiện của người ngộ độc rượu, nói năng ba xàm, bắt nạt vợ con. Anh quát mắng con, nạt nộ tôi những điều vô lý khiến cuộc sống của tôi dần trở nên rất khó thở.
Anh thường xuyên lôi ra để cà khịa với tôi là tại sao tôi lại kém cỏi, ù lì, thiếu tháo vát đảm đang đến vậy. Anh chê tôi chăm con vụng, hai đứa con không đứa nào béo tốt bụ bẫm như con người ta. Cần phải nói thêm rằng các con tôi tuy không đứa nào to cao nhưng chúng đều phát triển bình thường và rất ít khi ốm. Tôi nghĩ như vậy cũng đã là trộm vía rồi, tôi chẳng mong ước gì hơn các con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sao phải chăm bẵm cho chúng béo ú, thừa cân.
Anh lớn tiếng quát tháo tôi tại sao ăn mặc lúc nào cũng úi xùi, luộm thuộm như vậy để anh xấu mặt với mọi người. Nhưng thú thực tôi không đi làm, loanh quanh ở nhà với hai đứa con tôi làm gì có nhu cầu làm đẹp, để cho ai ngắm. Dẫu thế, tôi không nghĩ mình luộm thuộm. Mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của tôi. Tôi rất chịu khó thay đổi trang phục ở nhà, đầu tóc gọn gàng dù không trang điểm. Mỗi lần anh nói tôi tôi đều ôn tồn nói lại, nêu rõ quan điểm của mình rằng anh dùng từ với tôi có vẻ hơi nặng nề. Nhưng về sau ngay cả sự tranh luận của tôi cũng làm anh thêm nổi đóa.
Tôi rất khổ tâm vì khi tỉnh anh không còn nhớ những gì đã cà khịa, những lời đã nói làm tôi tổn thương. Tôi muốn đưa anh đi cai rượu nhưng làm sao để thuyết phục đây khi anh có thói quen ấy từ trước khi cưới vợ rồi. Song nếu cứ đà này, tình trạng của chồng tôi càng lúc càng trở nên nghiêm trọng và tôi lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bỏ anh tôi không đành vì lúc bình thường ra anh vẫn là người hiền lành tử tế. (Trích: Dân Trí)
Chúng ta khi yêu những tưởng cuộc sống hôn nhân đơn giản, chỉ cần hai người yêu thương nhau thật lòng là có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nhưng kỳ thực, cuộc sống hôn nhân luôn luôn phức tạp và để giữ gìn hạnh phúc cho cuộc sống ấy chưa bao giờ là một điều dễ dàng.
Ngoài hy sinh, chịu đựng vì tình yêu, vì con cái, cơ hội chúng ta cho người phối ngẫu để gia đình có được hạnh phúc đếm được bao nhiêu lần?
Thực tế, ai trong hoàn cảnh của các trường hợp trên cũng sẽ có tâm trạng chán nản và mất đi niềm tin đối với người chồng, người vợ của mình. Bởi vì người ta vẫn thường nhận thấy rằng “cờ bạc, rượu chè, trai gái” là 3 điều mà đàn ông lẫn đàn bà đã dính vào thì thật khó buông ra. Tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối trong cuộc đời này, và không phải người đàn ông nào, người đàn bà nào cũng không thể thoát ra được tệ nạn đó.
Thực tế cho thấy đâu đó cũng có những người đàn ông, đàn bà họ vẫn có thể từ bỏ để làm lại cuộc đời; nhưng hãy luôn chuẩn bị cho bản thân mình một lối thoát khi sự cố gắng cho cuộc hôn nhân này là sự tuyệt vọng.
Thượng Đế đầy từ tâm và không muốn chúng ta “trầm luân” trong đau khổ. Hãy mạnh dạn, kiên trì trong mọi nẻo đường phía trước để tìm lấy hạnh phúc cho mình và gia đình.
(Còn tiếp)
Views: 0