Tâm lý giáo dục

Người cha dù có nhắm mắt nhưng ông vẫn không chết! (Ứng dụng Tâm Lý Giáo Dục)

Trần Mỹ Duyệt

 

“At the father’s death, he will seem not dead,
since he leaves after him one like himself.”

(Sirach 30:4)

“Người cha dù có chết nhưng xem như vẫn không chết
vì đã để lại người con giống như mình.”

 

Gần đây tôi được một cơ quan ngôn luận tại Việt Nam gợi ý viết bài phân tích về trường hợp hai chị đem đốt chết mẹ của mình thuộc một tỉnh ở miền Bắc. Tôi đã đọc qua một vài tờ báo địa phương tường trình về vụ việc, nhưng không nêu rõ được những chi tiết hoặc dữ liệu đầy đủ và chính đáng của vấn đề. Những tin tức cóp nhặt như vậy không đủ yếu tố để có một cái nhìn khách quan, đặc biệt, nếu muốn phân tích trường hợp này với cái nhìn tâm lý tội phạm (Forensic Psychology), hoặc ngay cả tâm lý ứng dụng (apply psychology) trong lãnh vực giáo dục. Ngoài ra, một vài câu chuyện mà tôi đã nghe, đã đọc về những tội phạm như vậy tại các nước văn minh đôi khi cũng xảy ra.

Ngày 24 tháng Năm 2022, khoảng 11 giờ 32 phút sáng, Salvador Ramos một thanh niên 18 tuổi vào trường tiểu học Robb ở Uvalde tiểu bang Texas với khẩu súng trường AR-15, xả súng giết chết 19 học sinh, 2 giáo viên, và gây thương tích cho nhiều người khác.

Để tìm hiểu lý do của những trường hợp này, theo tôi, Tâm Lý Tội Phạm mới có đủ chuyên môn để khảo cứu, phân tích, và đưa ra kết luận. Kết luận ấy bao gồm lý do nào, động lực nào đã dẫn các hung thủ đến quyết định làm các chuyện ấy! Tuy nhiên, nếu đứng về phương diện phân tâm học (Psychoanalysis), tâm lý xã hội (Social psychology), và tâm lý giáo dục (Educational psychology), người ta cũng có thể đưa ra một vài kết luận để giúp tránh những trường hợp như thế khỏi xảy ra. Thí dụ, ảnh hưởng giáo dục lúc còn bé, môi trường gia đình, môi trường học đường, và môi trường xã hội nào đã làm cho một em vị thành niên liên quan đến hành động sát nhân?

Dựa vào tâm lý phát triển (Developmental psychology) và tâm lý giáo dục, tôi thấy câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” của Khổng Tử trong Tam Tự Kinh được xem như nền tảng giáo dục. Điều này cũng rất phù hợp với kinh nghiệm sống thường ngày: “Bé không vin, cả gẫy ngành”. Hoặc câu ca dao, tục ngữ Việt Nam: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Những kinh nghiệm này mà khi ngành tâm lý tuổi trẻ, tâm lý phát triển, tâm lý giáo dục, và tâm lý xã hội được định hình, người ta càng thấy nó đúng và chính xác.

Trở lại câu chuyện thương tâm của hai chị em đã giết mẹ, và thanh niên mang súng vào trường giết bạn bè, cái nhìn đầu tiên khiến ta thường suy nghĩ, đó là phải có một điều gì ghê gớm lắm mới ảnh hưởng đến quyết định như vậy. Vì những hành động ấy đã xảy ra giữa con cái và cha mẹ, giữa những người vô tội. Vậy câu hỏi căn bản vẫn là ở đâu và từ lúc nào các hung thủ này đã học được cái tính độc ác, máu lạnh và hung dữ như vậy?! Kinh nghiệm trong thời gian còn làm trong lãnh vực chuyên môn khi khảo cứu và chứng kiến những em nhỏ bị bỏ rơi, bị hành hung, bị coi thường và bị lợi dụng, theo tôi, những hành động mang tính độc ác, máu lạnh và hung dữ ấy có dư âm của tuổi thơ bất hạnh, và chịu ảnh hưởng của nền giáo dục từ gia đình.

Từ ngữ chuyên môn gọi những bất hạnh ấy là “abuse”. Bị lạm dụng! Ba trong những hình thức bị lạm dụng thường thấy trong gia đình bao gồm: lạm dụng thể lý (physical abuse), lạm dụng tâm lý (psychological abuse), lạm dụng tình dục (sexual abuse). Trong mỗi hình thức lạm dụng, tuổi trẻ đều ghi lại trong ký ức của mình những gì đã xảy ra. Với thời gian, tất cả nó như một hỏa diệm sơn sục sôi trong vô thức, đợi khi có cơ hội là bùng phát.

Nhiều em sau này không thể nào kìm hãm được sự tham lam, chộp giật, và tàn ác khi phải chiến đấu với những trận đói cào cấu cả thể xác lẫn tâm lý, vì trong thời gian còn bé bị cha mẹ bỏ rơi, để cho đói khát. Nhiều em mang tâm lý tiêu cực, chống đối, và thù hận xã hội, vì tuổi thơ em bị chế nhạo, bị đối đãi bất công giữa anh chị em mình, giữa tình cảm cha mẹ dành cho mình khác với dành cho anh, chị, hoặc em mình. Những hình ảnh bị thiệt thòi, bị bỏ rơi ấy sẽ làm cho các em khi lớn lên tự tạo cho mình một tâm lý sống buông thả, bất cần đời, hoặc ích kỷ. Đối với những em bị ông, bà, cha, mẹ, anh, chị hoặc cô chú lạm dụng thân xác càng để lại một quá khứ kinh hoàng hơn nữa. Có những em gái đòi tự tử, những em trai trở nên tàn bạo với bạn gái, khinh thường phụ nữ. Những em này khi lớn lên sẽ mang tâm trạng chán ghét đàn bà con gái, thù ghét đàn ông, con trai. Ý tưởng về một tương quan đồng tính, hôn nhân đồng tính cũng phát xuất từ những bất hạnh tuổi thơ này. Và còn nhiều cái mà tuổi thơ bất hạnh phải chịu đựng sau này đã trở nên một tai họa cho đời sống cá nhân, gia đình, cũng như xã hội.

Những hành động tạo phạm, những tội ác xã hội đang gia tăng nhanh chóng khắp nơi. Ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, khiến tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên gia tăng căn cứ vào những tường trình của FBI. Khi những xu hướng này tiếp tục, bạo lực có khả năng bùng phát và sẽ tiếp tục tăng trên cùng một quỹ đạo. Theo The National Runaway Safeline tường trình, có khoảng 1,6 và 2,8 triệu thanh thiếu niên bỏ nhà đi hoang mỗi năm riêng tại Hoa Kỳ.[1]

Trong những buổi hội thảo liên quan đến đời sống tâm lý và giáo dục, phần đông các phụ huynh đều tỏ ra rất băn khoăn và đưa ra những câu hỏi liên quan đến giáo dục, đến tuổi trẻ. Nhưng nếu để ý và tìm hiểu sâu hơn về những câu hỏi như thế, người ta sẽ nhận ra một điều, đó là phụ huynh hoặc cha mẹ chỉ mong có được một câu trả lời hay gợi ý mang tính cách “đôi đũa thần”. Có nghĩa là làm sao cho những đứa trẻ ngỗ nghịch trở nên ngoan hiền, những đứa trẻ biếng nhác học hành trở nên chăm chỉ và siêng năng đèn sách, và những đứa trẻ bỏ nhà đi hoang sớm trở về với gia đình. Nhưng dù có là ông tổ ngành phân tâm học Sigmund Freud, hoặc ông tổ ngành tâm lý giáo dục Edward Lee Thorndike, ông tổ ngành tâm lý phát triển và tâm lý tuổi trẻ Jean Piaget, cũng như Kurt Lewin, cha đẻ ngành tâm lý xã hội cũng không có những thứ đũa thần đó. Ngược lại, Thượng Đế lại để vào tay người mẹ hoặc người cha những chiếc đũa thần này. Người Việt Nam đã có một câu nói rất hay về vấn đề này: “Cha sinh mẹ dưỡng”.  Có sinh và có dưỡng. Đó là một đặc ân Thượng Đế trao ban cho cha mẹ, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Phần đông phụ huynh khi đề cập đến việc giáo dục con cái thường tỏ ra lo lắng, than thở, và bất mãn với những hiện tượng xã hội như hiện nay. Họ cho rằng những điều xấu xa ấy đã ảnh hưởng, thu hút, và làm hư con cái họ. Còn đối với việc giáo dục, họ nghĩ rằng gửi con đến trường, đến các trung tâm dạy kèm là đủ. Một số khác, bao gồm phần đông cha mẹ Việt Nam lại dùng phương pháp đánh đập, chửi mắng, ép buộc, hoặc bỏ mặc con cái. Họ viện dẫn quá bận bịu và không có nhiều giờ. Đối với những cha mẹ này, con cái sống với cha hay với mẹ miễn được ăn học, lớn lên không thua kém bạn bè là đủ. Nhưng đó không phải là giáo dục, không phải là tình thương, không phải là khung trời tuổi trẻ mà các em đang tìm kiếm.

Mặc dù ly dị đang trở thành phổ thông trong nếp sống xã hội hiện nay, nhưng ít cha mẹ nghĩ rằng việc họ cãi vã, chửi bới nhau hoặc ly dị cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tình cảm và cả việc học vấn của con cái. Bỏ nhà đi hoang, trở thành nạn nhân của những tội phạm xã hội là điều khó tránh nếu đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hôn nhân đổ vỡ, thiếu thốn tình thương. Trong thực tế, một số em đã tự kết liễu đời mình vì đời sống hôn nhân bất thành của bố mẹ. Nhiều cuộc khảo cứu cũng đưa ra kết luận rằng, con cái những cha mẹ ly dị cũng có xác xuất ly dị cao so với những gia đình mà cha mẹ không ly dị.

Những điều vừa  trình bày trên càng làm tôi thâm tín hơn rằng ảnh hưởng của bạn bè, của tội tội ác xã hội tuy có liên quan đến nhân cách và đời sống của một em bé, một thanh thiếu niên nam nữ hay của một người đàn ông hoặc đàn bà, nhưng không sánh bằng ảnh hưởng giáo dục của gia đình. Thánh Anphongsô vị Tiến Sỹ Giáo Hội, Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế đã nói về ảnh hưởng này như sau: “Tất cả những gì tôi có đều là do mẹ tôi cho tôi”. Câu nói này không chỉ mang ý nghĩa luân lý, tâm linh, mà còn có một ý nghĩa rất thực tế cả về thể lý, tâm lý, và đạo đức nữa. Nhìn vào cuộc đời của mỗi người, chúng ta đều nhận ra ảnh hưởng này.

Tóm lại, khi đề cập đến việc giáo dục, cả nhà phân tâm học Sigmund Freud, đến nhà tâm lý tuổi trẻ và tâm lý phát triển Jean Piaget, cũng như ông tổ ngành tâm lý giáo dục Edward Lee Thorndike đều đặt nặng ảnh hưởng giáo dục của cha mẹ trong thời gian một em bé còn bú sữa mẹ, ngồi trên lòng mẹ và tập tễnh những bước chân bé nhỏ của mình trước sự chứng kiến, vui mừng và hồi hộp của cả cha lẫn mẹ. Thời gian mà bộ óc non nớt của đứa trẻ bắt đầu ghi lại tất cả những biến động quanh mình, mà quan trọng nhất là tình yêu thương, săn sóc, và quan tâm của vòng tay cha, của vòng tay mẹ. Sau này khi lên ba, em bắt đầu cho quay lại bộ nhớ của mình, và từng bước, từng bước hòa nhập với đời sống chung quanh nhờ vào sự hướng dẫn, chỉ bảo của cha mẹ. Sự khởi đầu này, nói theo quan niệm bình dân là: “Đầu xuôi thì đuôi lọt.” Nếu những năm tháng tuổi thơ, em bé được giáo dục, dạy dỗ tử tế, được sửa bảo, đước uốn nắn thì khi bước vào tuổi dậy thì, tuổi trẻ, và sau này là tuổi thanh thiếu niên, các em sẽ không phải đối đầu nhiều với những thách thức và nguy hiểm mà phần đông các bạn mình thường gặp phải. Và như một kết quả ắt có, khi bước vào đời, đạt tới tuổi trưởng thành: “Tam thập nhi lập”, người thanh niên hoặc thiếu nữ ấy có thể không xuất sắc về học vấn, không thành đạt về mặt xã hội, không may mắn trên bước thang danh lợi, nhưng điều mà ta có thể tin được là thanh niên ấy, thiếu nữ ấy có được một nhân cách tốt, và một cuộc sống tốt.

____________

Tài liệu tham khảo:

1.

https://www.ojp.gov › archives › ojp-blogs › invisible-fac..

The Invisible Faces of Runaway and Homeless Youth

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.