Tâm lý cao niên

Yêu nhau khi tuổi đã về chiều

Trần Mỹ Duyệt

(Vào Youtube xin mở: https://bit.ly/37wuVQR)

“Sau khi ba chết, con hãy tìm cho mẹ con một người bạn đời để cùng với mẹ con tiếp tục cuộc hành trình trong lúc tuổi xã về chiều.”

Đây là lời trăn trối có thật và cũng là một lời trăn trối mà ít người đã nói. Nó khiến nhiều người phải suy nghĩ. Và dĩ nhiên, cũng có những người phản đối. Đặc biệt, những người Việt Nam với ảnh hưởng của “tam tòng, tứ đức” đối với phụ nữ: “Tạ gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Nói về việc tái giá, tục huyền của một người sau khi chồng hay vợ qua đời, hoặc việc tái hôn sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, phần đông người Việt Nam vẫn có một thành kiến rất thủ cựu và tiêu cực. Họ gọi những gia đình này là “rổ rá cạp lại”.

Kinh nghiệm của tôi về đời sống hôn nhân gia đình, những đôi hôn nhân sau một lần đổ vỡ hoặc sau cái chết người phối ngẫu xem như hạnh phúc hơn so với những cặp vợ chồng trẻ trong cái tuổi bồng bột, thiếu chín chắn. Thực tế đã cho thấy trong nhiều gia đình, vợ chồng sống với nhau như sống trong hỏa ngục, khổ sở, bị dằn vặt từ thể lý đến tâm lý và tâm linh, thử hỏi đời sống ấy có ích lợi gì? Có giá trị gì? Hay chỉ là hình thức, che đậy và tù hãm.

Theo tâm lý giáo dục, con cái trong những gia đình này thường không lớn lên với tâm lý trưởng thành và hạnh phúc. Nếu sau này khi lập gia đình, chúng cũng đối xử với người phối ngẫu như bố mẹ chúng đã đối xử với nhau và với chúng như vậy.

Nhưng thế nào là tuổi nắng ngả về chiều và tuổi về chiều? Theo quan niệm của Á Đông, và theo truyền thống văn hóa của người Việt, 60 tuổi được coi là tuổi già, tuổi thọ. “Sáu mươi ông đã lão ru mà” (Nguyễn Khuyến). Một người chết dưới 60 tuổi gọi là hưởng dương, và chết lúc 60 hoặc lớn tuổi hơn được gọi là hưởng thọ. Ngày nay với những khám phá mới mẻ và tiến bộ của ngành y khoa, với sự phong phú của khoa dinh dưỡng, và với vệ sinh môi trường, tuổi thọ con người có thể đạt tới mức tối đa là 120. Nếu vậy, ở tuổi 45 hoặc 50 mới chỉ là bóng ngả về chiều, và tuổi 60 cũng chỉ là bắt đầu hoàng hôn.

Cũng theo truyền thống lễ giáo xưa thì những người được cho là “già” (bóng ngả về chiều, xế chiều, hoàng hôn cuộc đời) không còn quyền để yêu và được yêu nữa. Họ phải tỏ ra nghiêm nghị, lạnh lùng với đời sống tình cảm để làm gương cho con cháu. Ảnh hưởng của nền văn hóa và luân lý xã hội ấy đã khiến tôi rất bỡ ngỡ về quan niệm và cách thức biểu lộ tình cảm, tình yêu của người cao niên Âu Mỹ khi học môn “Tâm lý người cao niên”. Qua đó tôi biết rằng những người cao niên Âu Mỹ họ vẫn yêu nhau, vẫn hôn hít, vẫn lãng mạn, tình tứ và vẫn tỏ ra hạnh phúc trong ái ân.

 

Vậy đối với những người Việt Nam thì sao? Có nên đề cập đến hai chữ tình yêu nữa hay không khi bước vào cái tuổi xế bóng hay về chiều? Tại sao có và tại sao không?

Tình yêu không phân biệt tuổi tác. Đừng hiểu lầm câu nói này khi so sánh hai người yêu nhau mà người này nhiều tuổi hơn người kia. Tình yêu và tuổi tác ở độ tuổi xế chiều hay về chiều mang một ý nghĩa khác. Lý do vì trái tim con người được dựng nên là để yêu và được yêu! “Yêu cho đến khi con tim ngừng đập” [1] không chỉ là một câu hát vu vơ mà là một thực tế của đời sống.

Và khi tình yêu nẩy nở, họ có nên lấy nhau không? Đối với con số đông vẫn coi hôn nhân là một đời sống hạnh phúc, thì việc phải sống một mình, lẻ loi ở tuổi nào cũng là một cảm giác cô đơn, buồn tẻ, trống vắng. Theo thống kê dân số 2001 cho thấy 41% phụ nữ 50 hoặc lớn tuổi hơn đã tái hôn sau khi ly dị, trong khi 58,4% đàn ông cũng đã kết hôn sau hôn nhân đổ vỡ. Tính theo tuổi tái hôn của phụ nữ trung bình từ 45 đến 64, và ở tuổi này cũng tương đương với phái nam. [2]

Tại Hoa Kỳ, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 67% số người ở độ tuổi 55-64 đã trải qua hôn nhân hai lần. 50% những người 65 tuổi trở lên đã tái hôn. Thực tế cũng đang chứng minh rằng những cặp vợ chồng tái hôn, tục huyền, tái giá sống bền với nhau hơn những cặp vợ chồng trẻ. [3]

Tình yêu vẫn nóng không những ở tuổi 40, 50, mà ít nhất 9 trên 10 người ở tuổi 60 hoặc lớn hơn đã kết hôn. Đặc biệt, 91% đàn ông và 92% đàn bà tuổi từ 60 đến 69, và 95% cả đàn ông lẫn đàn bà ở tuổi 70 hoặc lớn hơn cũng vẫn kết hôn. [4] Trong số những người lớn tuổi kết hôn, gần 80% là những người sau khi ly dị. 6% trong số này quay lại với người phối ngẫu cũ. [5] Riêng tại Anh quốc, theo Cục Thống Kê Quốc Gia, số đàn ông kết hôn khi đã gần 70 đã tăng lên 25%, trong khi đó tỷ lệ này tăng lên 21% ở phụ nữ.

Nói chung tình yêu dù ở tuổi bình minh hay hoàng hôn vẫn nóng, vẫn đẹp, vẫn hấp dẫn. Hôn nhân của những người sau một lần đổ vỡ hoặc sau khi người phối ngẫu qua đời không những tự nhiên mà còn làm thăng hoa cuộc sống xét về mặt tâm lý và tình cảm. Nhờ những kinh nghiệm từ các cuộc hôn nhân trước, người ta sẽ dễ dàng nhận ra những giá trị của nhau, của đời sống vợ chồng và gia đình, do đó, sẽ trân quí và hạnh phúc với nhau hơn.

Tuy nhiên, tình yêu về chiều và hôn nhân ở tuổi hoàng hôn vẫn còn lại một số những vấn đề liên quan đến cả hai người cần phải bàn tính kỹ lưỡng:

-Khó khăn trước nhất là phụ nữ rất khó để tìm được một người yêu vừa ý sau một lần đổ vỡ hoặc lớn tuổi, nhất là khi đã có chút sự nghiệp, có khả năng, tài chính và sắc đẹp. Tình yêu ở tuổi này, trong hoàn cảnh này vì thế không mang màu sắc bồng bột, say đắm, điên cuồng như khi còn trẻ, nhưng pha lẫn chút suy tính của lý trí. Sự giới hạn khả năng sinh lý ở độ tuổi này cũng là một thử thách cần được bàn tới. Riêng đối với những phụ nữ sau khi ly dị, phần đông có tâm lý dè dặt.

-Tiếp đến là chuyện con anh, con em, con chúng ta (nếu có). Thử thách rất lớn có ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai người và của gia đình là vấn đề con cái. Kinh nghiệm cho thấy trên lý thuyết là dễ, nhưng trong thực tế vẫn thường xẩy ra những bất đồng, chia rẽ và đổ vỡ về chuyện con cái. Hình ảnh “mẹ ghẻ con chồng”, hoặc người yêu của mẹ đối xử tàn tệ và hành hung con riêng của tình nhân vẫn là những hình ảnh không mấy hấp dẫn và đẹp đẽ.

– Sau cùng là hoạch định về tài chính. Chuyện hôn nhân – nhất là ở giai đoạn về chiều của cuộc đời – không chỉ đơn thuần là lấy người mình yêu. Một khi nghĩ đến hôn nhân, hãy nghĩ đến tất cả các tài khoản của mình cùng với những người thụ hưởng. Thí dụ, lương hưu, bảo hiểm, những tài sản của mình và của nhau. Di chúc sau này cho người thân và con cháu của cả hai phía.

Điều này nên được thực hiện trước khi tái hôn, nhưng nếu không thể thì cũng nên thực hiện sau khi cưới. Hãy cho con cái biết điều gì đang xảy ra đối với vấn đề tài chính của gia đình và hôn nhân của quý vị sẽ ảnh hưởng tới chúng thế nào, bởi chắc chắn chúng sẽ có câu hỏi.

_________

Tài liệu:

1.Yêu Em Dài Lâu. Đức Huy

2.Remarriage Trends in the United States – National Healthy …

https://www.healthymarriageinfo.org › 2017/12 › R…

3.The Demographics of Remarriage | Pew Research Center.

https://www.pewresearch.org › social-trends › 2014/11/14

4.Love and Loss Among Older Adults – U.S. Census Bureau

https://www.census.gov › library › stories › 2021/04 › lov…

5.Divorce Statistics (What Percentage of Marriages End In …

https://btlfamilylaw.com › divorce-statistics

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.