Báo Mai
Monday, May 29, 2023
Hạnh phúc là một điều tốt đẹp, nhưng loại hạnh phúc nào là ngoại lệ?
Mặc dù hạnh phúc có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe theo nhiều cách khác nhau, nhưng niềm vui quá đà lại thực sự gây hại cho sức khỏe. Một trong những ví dụ rõ nhất của hiện tượng này chính là bệnh cơ tim takotsubo, hay còn gọi là “hội chứng trái tim hạnh phúc.”
“Hội chứng trái tim hạnh phúc” được kích hoạt bởi các trạng thái cảm xúc cực đoan, như trường hợp một người phát triển bệnh cơ tim do căng thẳng sau một sự kiện cảm xúc tích cực, chẳng hạn như giành được vài giải độc đắc tại sòng bạc.
“Có những người lên cơn đau tim khi nhận được tin mừng, do họ không thể đón nhận một cách bình tĩnh,” nhà tâm lý học Isabel Suárez với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề và là người đứng đầu bộ phận chăm sóc sức khỏe tại I-M.I.N.D., giải thích trong một email.
Bệnh viện Đại học Zurich đã thành lập một cơ quan ghi danh quốc tế vào năm 2011 để ghi nhận các trường hợp mắc bệnh cơ tim takotsubo nhằm nghiên cứu hiện tượng này một cách đầy đủ hơn.
Hạnh phúc có lợi cho sức khỏe
Tất nhiên, không thể chỉ vì một vài người bị đau tim do quá hạnh phúc mà nói rằng hạnh phúc là bất lợi. Trong hầu hết trường hợp, hạnh phúc là một cảm xúc lành mạnh, hơn hẳn nhiều cảm xúc tiêu cực khác, chẳng hạn như trầm cảm, tức giận hoặc sợ hãi.
Kéo dài tuổi thọ
Hạnh phúc thậm chí có thể giúp chúng ta sống thọ hơn. Một nghiên cứu năm 2016 khi phân tích bộ dữ liệu Khảo sát xã hội chung – Chỉ số tử vong quốc gia, được dùng trong nghiên cứu khoa học xã hội, đã phát hiện thấy hạnh phúc có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho người Mỹ trưởng thành, và điều này không phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng hôn nhân, kinh tế xã hội và tôn giáo.
Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 31.000 người, được phân thành ba nhóm dựa trên mức độ hạnh phúc: rất hạnh phúc, khá hạnh phúc và không quá hạnh phúc. Trong thời gian theo dõi, nhóm khá hạnh phúc có nguy cơ tử vong cao hơn 6% so với nhóm rất hạnh phúc, trong khi nhóm không quá hạnh phúc có nguy cơ tử vong cao hơn 14%.
Hạ huyết áp
Một nghiên cứu năm 2006 được công bố trên tập san Tâm thần học khi quan sát 2.564 người Mỹ gốc Mexico từ 65 tuổi trở lên đã nhận thấy rằng, những cảm xúc lành mạnh, chẳng hạn như hạnh phúc và hy vọng, có ảnh hưởng tích cực đến huyết áp.
Những người tham gia được chia thành hai nhóm: nhóm dùng thuốc hạ áp (32.8%) và không dùng thuốc. Kết quả cho thấy cảm xúc tích cực có liên quan đáng kể đến việc hạ huyết áp tâm thu và tâm trương ở nhóm không dùng thuốc, nhưng chỉ hạ huyết áp tâm trương ở nhóm dùng thuốc. Huyết áp tâm trương là con số thứ hai, đo áp lực tác động lên thành động mạch ở giữa các nhịp tim.
Thật thú vị, nghiên cứu phát hiện khả năng một người dùng thuốc hạ áp bị chuyển lên nhóm huyết áp cao hơn đã giảm 3%, cho mỗi lần tăng một điểm trong điểm số cảm xúc tích cực. Mức giảm thậm chí còn đáng kể hơn với những người không dùng thuốc, ở mức 9%.
Chống nhiễm trùng
Hạnh phúc cũng giúp cải thiện hệ miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy khi chúng ta hạnh phúc, cơ thể sẽ tiết nhiều immunoglobulin A, một loại kháng thể có trong nước mắt, nước bọt và sữa mẹ, đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng.
Hạnh phúc cũng làm giảm nồng độ cortisol trong nước bọt, chất thường được dùng như một thước đo căng thẳng tâm lý. Cortisol trong nước bọt thấp là một yếu tố dự báo tốt về hạnh phúc. Mặc dù căng thẳng có thể tạm thời cải thiện khả năng miễn dịch, nhưng việc tiếp xúc lâu dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và thậm chí gây ra các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh Graves và viêm khớp dạng thấp.
Khi hạnh phúc trở nên có hại
“Trải nghiệm hạnh phúc sai thời điểm, theo đuổi sai cách và có những kiểu hạnh phúc không phù hợp không hề mang lại lợi ích mà thậm chí còn dẫn đến những kết quả bất lợi,” Ellie Borden, nhà trị liệu tâm lý có chứng chỉ và là giám đốc lâm sàng của Mind by Design, cho biết trong một email.
Nghiên cứu cho thấy hạnh phúc có mối quan hệ hình chữ U-ngược đối với sức khỏe, rằng hạnh phúc quá mức có thể khiến bạn phải trả giá. Ví dụ, hưng cảm bệnh lý được đặc trưng bởi tâm trạng tích cực tăng cao liên tục. Borden giải thích rằng những người mắc chứng rối loạn cảm xúc này không thể trải qua cảm xúc tiêu cực và hạnh phúc của họ đang ở trạng thái “quá mức.” Về vấn đề này, tư tưởng của nhà triết học Aristotle về đạo Trung dung—ranh giới giữa thiếu và thừa—có thể hướng dẫn mọi người đạt đến trạng thái cân bằng hạnh phúc.
Sự nguy hiểm của ‘hội chứng trái tim hạnh phúc’
Hội chứng takotsubo, còn được gọi là bệnh cơ tim takotsubo hay bệnh cơ tim do căng thẳng, là bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ gây ra, đặc trưng bởi sự suy yếu đột ngột và thoáng qua của buồng bơm máu chính của tim, hay còn gọi là tâm thất trái. Các triệu chứng của bệnh tương tự như đau tim, bao gồm đau ngực, khó thở, rối loạn chức năng tâm thất trái và ngất xỉu.
Nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy các yếu tố gây căng thẳng cảm xúc theo hướng dễ chịu, chẳng hạn như hạnh phúc quá mức, có thể dẫn đến bệnh cơ tim takotsubo, đó là lý do tại sao đây còn được gọi là “hội chứng trái tim hạnh phúc.”
Trong khi các triệu chứng thường biến mất sau một vài tuần, một số bệnh nhân có thể đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm ngừng tim đột ngột và tử vong.
Tình trạng này cũng có thể tái phát. Ví dụ, trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã quan sát 136 người tham gia, trong đó chỉ có 6 người là nam giới. Bảy phụ nữ, hay 5% người tham gia, đã trải qua một đợt hội chứng takotsubo không gây tử vong sau ba tuần đến bốn năm kể từ lần đầu tiên xuất hiện triệu chứng.
Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân mắc hội chứng takotsubo vẫn có nguy cơ tái nhập viện và tử vong ngay cả sau khi xuất viện. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 61.412 bệnh nhân nhập viện vì hội chứng takotsubo và phát hiện 11,9% trong số họ phải tái nhập viện trong vòng 30 ngày và trong số đó có 3,5% đã tử vong trong bệnh viện.
Hạnh phúc thái quá liên quan đến hành vi rủi ro
Hạnh phúc, giống như tức giận hoặc trầm cảm, cũng dẫn đến những thay đổi nhất định trong hành vi. Một nghiên cứu được công bố trên Psychological Bulletin cho thấy việc trải qua cảm xúc thăng hoa, chẳng hạn như cực kỳ hạnh phúc, có thể làm giảm nhận thức của một người về rủi ro và nguy hiểm. Do đó, họ có xu hướng tham gia vào các hành vi bốc đồng và mạo hiểm hơn so với những dịp khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng hành vi này là do một đặc điểm tâm lý được gọi là “sự cấp bách tích cực”, liên quan đến hành động bốc đồng khi trải qua những cảm xúc tích cực mạnh mẽ.
Ví dụ về hành vi liên quan đến tâm lý cấp bách tích cực bao gồm tiệc rượu cuối năm của sinh viên đại học và việc tiếp tục đánh bạc ở người nghiện có tâm trạng vui vẻ. Những sự kiện này có thể khiến người ta uống say, lái xe khi say rượu, gặp sự cố liên quan đến rượu và có hành vi tình dục nguy hiểm. Tái nghiện cờ bạc có thể gây nghiện suốt đời ở những cá nhân đang phải vật lộn với cơn nghiện.
Những người cực kỳ hạnh phúc có thể dùng các phương thức đối phó tránh né
“Cực kỳ hạnh phúc đôi khi sẽ khiến các cá nhân phớt lờ hoặc bỏ qua cảm xúc/trải nghiệm tiêu cực, dẫn đến việc áp dụng chiến lược đối phó-tránh né và cuối cùng đem lại kết quả tiêu cực về lâu dài đối với sức khỏe,” Tiến sĩ Masica Jordan, nhà Tư vấn chuyên nghiệp được cấp phép và chuyên gia hỗ trợ đồng đẳng có chứng chỉ, viết trong một email.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tập san của Hiệp hội Khoa học Tâm lý Bỉ đã thực hiện thử nghiệm với gần 700 người đến từ Hoa Kỳ, Đức, Nga và Đông Á. Các nhà nghiên cứu phát hiện một số người vui vẻ sẽ thường tránh né trải nghiệm cảm xúc tiêu cực hoàn toàn. Quá coi trọng hạnh phúc có liên quan tiêu cực đến sức khỏe nói chung của những người Mỹ tham gia nghiên cứu.
Các chiến lược đối phó-tránh né là cách tiếp cận thụ động nhằm giảm thiểu hoặc bỏ qua một tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, chiến lược này thường không giải quyết được vấn đề cơ bản và tình hình có thể xấu đi.
Việc áp dụng chiến lược này cũng dẫn đến nhiều kết quả bất lợi cho sức khỏe, bao gồm rối loạn căng thẳng sau sang chấn, trầm cảm, hoảng loạn và rối loạn lo âu. Những bệnh lý tâm lý lâm sàng này có thể mang đến ảnh hưởng về lâu dài.
Một nghiên cứu kéo dài một thập niên với sự tham gia của hơn 1.200 người nhận thấy việc tránh né vấn đề sẽ làm gia tăng yếu tố gây căng thẳng cấp tính và kinh niên trong cuộc sống bốn năm sau đó. Trải qua những cảm xúc thăng hoa, chẳng hạn như cực kỳ hạnh phúc, thường làm giảm nhận thức của một người về rủi ro và nguy hiểm.
Cái giá của hạnh phúc cực độ
Trải nghiệm hạnh phúc mãnh liệt không phải lúc nào cũng ảnh hưởng tích cực đến cảm xúc của chúng ta.
Tiến sĩ R.Y. Langham, nhà tâm lý học lâm sàng và trị liệu hôn nhân, cảnh báo về tác động bất lợi về mặt cảm xúc của hạnh phúc thái quá.
Dr. Langham nói: “Sự sung sướng đi kèm với niềm hạnh phúc thái quá có thể kéo theo sự sụp đổ, khiến một người cảm thấy kiệt sức và dễ bị tổn thương.”
Nghiên cứu cho thấy một sự kiện mang tính tích cực cao có thể khiến các sự kiện khác trở nên kém thú vị, vì sự kiện cực kỳ vui vẻ đã đặt ra tiêu chuẩn để đánh giá tất cả các sự kiện trong tương lai. Ví dụ, một nhóm sinh viên đại học do nhận được điểm số đặc biệt trước đây nên cảm thấy ít hài lòng với điểm số thấp hơn ở hiện tại.
Trong một nghiên cứu riêng biệt, 22 người trúng xổ số đã được phỏng vấn sau một năm kể từ khi trúng giải. Mặc dù cảm giác hồi hộp ban đầu không còn, những người tham gia cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực hơn và thấy thú vui hàng ngày kém thỏa mãn hơn sau khi giành chiến thắng.
Tự điều chỉnh cảm xúc có thể cải thiện trái tim và sức khỏe của bạn
“Những cảm xúc thái quá, dù tích cực hay tiêu cực, nên được cân bằng với việc tự chăm sóc bản thân và thực hành cơ chế đối phó lành mạnh để duy trì mức độ hạnh phúc ổn định và bền vững.”
Điều chỉnh cảm xúc là một kỹ năng đối phó cơ bản có tác động tích cực đến sức khỏe tâm lý và có thể mang đến sự thăng hoa về tâm hồn.
Một nghiên cứu cắt ngang liên quan đến khoảng 600 thanh thiếu niên đến từ Bronx, New York, nhận thấy mối tương quan tích cực giữa khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và thói quen ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như tăng tiêu thụ trái cây và rau quả cũng như tăng hoạt động thể chất. Do đó, điều chỉnh cảm xúc là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành các hành vi liên quan đến ăn uống và cân nặng của thanh thiếu niên.
Điều chỉnh cảm xúc cũng mang đến cảm giác bình yên trong tâm hồn, từ đó tác động sâu sắc đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tổng thể của chúng ta. Khi trải nghiệm sự bình an nội tâm, rất có thể chúng ta sẽ thoát khỏi căng thẳng, lo lắng và những cảm xúc tiêu cực nặng nề khác, những điều vốn ảnh hưởng đến sức khỏe. Kết quả là, sự bình yên nội tâm có thể cải thiện sức khỏe thể chất bằng cách giảm căng thẳng và lo lắng, cải thiện chất lượng giấc ngủ và hệ miễn dịch.
Mercura Wang _ Thanh Ngọc
https://baomai.blogspot.com/2023/05/hanh-phuc-la-mot-ieu-tot-ep-nhung-loai.html
Views: 0