SUY TƯ DÒNG ĐỜI

Những mẩu truyện thật ngắn; nhưng đọc sao thấy cay mắt quá…  Đọc đi rồi đọc lại vẫn thấy buồn! 

Phạm Ngọc Trác sưu tầm

Nghỉ lễ

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn:
– “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.”
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó:
– “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa lựng…!”

– Ngày cưới của cha

Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường, quành quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo…
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt…

– Ba

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học.
Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng “com-lê,” “cà-ra-vát.” Chú bảo:
– “Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe..”
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà bây giờ, sao nghe chát cả bờ môi.

– Khoe

Ngày xưa, khi có ai hỏi con: “Bố làm nghề gì?” Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.
Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là;
– “Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận.”
Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố …

– Đưa đón

Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố:
– “Sao bố không đi đón nội.”
Bố bảo:
– “Bận quá.”
Ngoại từ nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ô-tô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo:
– “Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.”

– Cha tôi

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn.
Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận.
Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói:
– “Ba sợ các con còn giận mẹ…”

– Mồ côi

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
– “Giá như mẹ đừng ‘đi xa,’ thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.”
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
– “Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.”
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
“Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình cũng đỡ lạnh một bên…”

– Vòng cẩm thạch

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường… Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
“Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.”
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.