SUY TƯ DÒNG ĐỜI

Một Thiên Thần Có Tên Là Quỷ

Có Quỷ như là đầu mối mọi sự dữ, như là đối cực của Thiên Chúa toàn thiện không?

Sabine Ruckert. Phạm Hồng-Lam dịch.

(Die Zeit, số 55, ngày 24.12.24)

Ai chịu khó lục lọi báo chí, sẽ gặp Quỷ dưới muôn hình vạn trạng. Mới đây ta thấy „Con Quỷ Avignon“ ở Pháp. Nó xuất hiện dưới tên Dominique Pélicot, 71 tuổi. Hàng chục năm trời lão quỷ này dùng thuốc đánh mê vợ mình và gọi trên mạng đủ thứ đàn ông quanh vùng đến hãm hiếp bà; còn lão thì kín đáo quây phim chơi […]

Lại cũng có một chú „Quỷ Hollywood“ ở Mĩ mang tên Charles Manson, vừa mất năm 2017 trong nhà tù. Là thủ lãnh của một giáo phái, năm 1969, chú cho tay chân bộ hạ mình hít kích dược rồi ra lệnh đột nhập các tư gia, tìm giết những người giàu có trong khu phố Holywood. Trong số những người bị giết có bà vợ 26 tuổi đang mang thai gần tới ngày sinh của đạo diễn Roman Polanski […]

Năm 2022 con „Quỷ Trên Lưng Ngựa“ ở Sudan, Ali Mohammed Ali Abdelrahman, bị sập bẩy Toà Án Hình Sự Quốc Tế. Con quỷ này chuyên ngồi trên lưng ngựa, chỉ huy các toán dân quân đi cướp phá và giết chóc hết làng này tới bản nọ. Hàng trăm ngàn người già trẻ, đàn bà, đàn ông đói rách vô tội đã bị chúng săn đuổi, tra tấn, giết hại dã man […]

Ở Áo cũng có một con „Quỷ Amstetten“ xuất hiện dưới bộ mặt Josef Fritzl. Con quỷ nổi tiếng thế giới này khoá giam con gái của mình nhiều năm dưới căn hầm nhà, để lâu lâu xuống thoả mãn thú tính. Nhiều đứa cháu, cũng là con của y, đã được sinh ra trong chốn đĩa ngục tăm tối đó.

Những con quỷ đó có mang tính người không? Thưa có!

Cứ xem con „Quỷ Auschwitz“ Wilhelm Boger thì rõ. Y là sĩ quan cầm đầu đội công an SS trong trại tập trung Auschwitz, khét tiếng về những cuộc bạo dâm thác loạn đối với những người tù đơn độc. Nhưng những lúc về với gia đình, thì y lại hiện hình như một người cha hiền từ gương mẫu của ba cô con gái xinh […]

Những người đàn ông trên đây (chỉ nêu lên một vài tên tuổi đại biểu mà thôi) chẳng có chút liên quan gì với nhau, chẳng biết nhau, sống ở những thời điểm khác nhau và trong những quốc gia khác nhau. Nhưng dù cách biệt thời gian và lục địa, họ có chung một điểm phản ánh qua câu hỏi này: Có thật có cái gọi là sự biểu hiện của sự dữ thuần tuý hay không? Có quỷ không? Có thứ ma quái độc địa mang hình hài con người và, hễ đụng tới nó, là nó sẽ kéo ta đi theo nó ngay, không?

Quỷ, dưới dạng một tên chuyên gây bất ổn, xuất hiện nơi Kitô giáo. Trong các nền văn hoá cổ ở Âu châu, chẳng hạn trong các truyền thuyết Hi-lạp có từ 5000 năm nay chẳng thấy mặt mũi con quỷ nào là đầu mối của sự dữ và đặc trách việc gây hại cho loài người. Cả Cựu Ước, xuất hiện nhiều thế kỉ trước Công nguyên, cũng chẳng nói tới quỷ hay địa ngục. Chỉ trong Sách Gióp thoáng xuất hiện một thiên thần có tên là Satan. Nó được Thiên Chúa gởi xuống trần, để thử thách đức tin của một đại gia tên là Gióp. Nhưng Satan này còn lâu mới là một đối thủ của Thiên Chúa. Đúng hơn, nó là một đầy tớ thực thi lệnh của Thiên Chúa.

Mọi điều xấu – vốn là thứ đã có nhiều trong những truyện kể xa xưa của Hi-lạp và của Israel – đều đến từ các thần linh. Các ông thần trên đỉnh Olymp tung sấm sét, sai quái vật, xuống núi hãm hiếp phụ nữ và tạo nên những cuộc chém giết man rợ nơi các dân tộc. Vị Thiên Chúa độc thần của Cựu Ước xuất hiện gần như là một người tâm bệnh – chỉ một chút sơ sót của các tạo vật cũng đủ làm Người sôi máu và ra tay sát phạt. Vị này chẳng cần tới quỷ – chính Người một tay nắm đầu các tạo vật mà chà đạp, cho giết hại con cái họ, cho đất lở vùi dập, tạo ra các nạn dịch tiêu diệt hàng ngàn hàng vạn con người, gây hoả hoạn hay lũ lụt tiêu diệt họ. Người sai các đạo binh của mình tận diệt các dân tộc khác, và giận dữ, khi một người lính nào đó của mình, vì thương cảm quân thù, không chịu mạnh tay chém giết. Người là vị thần Janus hai mặt: vừa mang bộ mặt hiền từ, thân thiết, ngay thẳng, cảm thông, nhưng rồi đột nhiên lại nhăn nhó, dị hợm, cực kì xấu xa.

Trong bốn Tin Mừng của Tân Ước, Thiên Chúa này quay trở lại với con người – lần này thông qua việc loan báo của đức Giêsu, một vị giảng thuyết lang thang nơi hoang địa. Thiên Chúa này bỗng nhiên xuất hiện như một kẻ dễ thương và hiền lành như một người cha muốn ôm trọn toàn thể loài người. Nhưng: Nếu Vị tạo dựng và cai trị thế giới quả hiền lành và hay cứu người gặp khốn cùng như vậy, thì tại sao Người lại để trần gian tràn ngập với những tai ương bất hạnh như thế kia? Đấy là câu hỏi xưa nay vẫn tạo rắc rối khó khăn cho Kitô giáo. Làm sao chiến tranh, dịch bệnh, sợ hãi, túng quẫn lại tương hợp được với một „Thiên Chúa đầy yêu thương“? Nếu Thiên Chúa là toàn thiện, thì làm sao cắt nghĩa sự dữ?

Và hình ảnh Quỷ xuất hiện là để trả lời cho câu hỏi đó. Kitô giáo càng lớn mạnh, thì quyền năng của quỷ cũng gia tăng. Mọi thứ bất ổn nơi trái đất đều được đổ cho quỷ. Mất mùa, dịch bệnh, lũ lụt, hoả hoạn, trẻ em chết tức tưởi… nhất nhất đều là do „con quỷ độc ác“. Và khi không trực tiếp gây khốn, thì con quỷ này chiêu dụ những kẻ yếu nhược làm thay mình. Và phụ nữ, vốn bị coi là phái yếu với bản tính nhẹ dạ, thường thuộc vào đám yếu nhược hay bị quỷ cám dỗ [quỷ ám!] này.

Những lối nghĩ đó đè nặng trên tầng tầng lớp lớp người dân vô học và bị áp bức vô vọng trong thời Trung Cổ và đặc biệt sau thời Cải Cách. Khi Giáo Hội Công Giáo ở Âu châu trong thế kỉ 16. và 17. bị áp lực nặng nề, thì kết quả của các suy nghĩ trên đây là những cuộc săn lùng phù thuỷ kinh hãi. Uy quyền của giáo tông rạn vỡ, nên phải bằng mọi cách, dù tàn độc, chống lại con quỷ phá hoại tai ác. Hơn năm mươi ngàn người[1] (đa phần là phụ nữ) đã bị kết tội phù thuỷ, đưa lên dàn hoả hay giết bằng nhiều cách, bởi vì họ bị coi là đầu mối hoặc đã cộng tác với quỷ, để gây ra những tai ương kia. Và đã xẩy ra điều vốn xưa nay vẫn xẩy ra: Trong cuộc chiến chống lại cái gọi là quỷ dữ này chính những kẻ hiền lành đạo đức nhất lại trở thành những tay đồ tể ác độc nhất. Cứ nghĩ là mình làm điều tốt, hoá ra rốt cuộc lại đang cùng nhau lao vào đáy thẳm địa ngục.

Vậy phải chăng con người cần quỷ, để gán cho mọi cái xấu trong thế giới một bô mặt, thay vì bộ mặt của chính mình? Trong bài giảng dịp lễ Chúa Thánh Thần năm 2018 giáo tông Phan-sinh cho biết, ngài tin có quỷ. Ngài gọi nó là „con chó dại bị xích“ và khuyên ta không nên lại gần: „Đừng trò chuyện với quỷ, vì ta sẽ bị nó đánh gục. Nó thông minh hơn ta“ và nó thích gần gũi ta như „một thứ dạng hình sáng láng“.

„Luzifer“ tiếng La-tinh có nghĩa là „kẻ mang ánh sáng“, là một trong nhiều tên gọi của khái niệm sự dữ. Cái tên nghe ra chẳng nguy hiểm, nhưng cho thấy một mặt hay ho của quỷ. Dù trong Kinh Thánh hay trong văn chương, quỷ xuất hiện gần như luôn luôn dưới hình dạng của một kẻ cám dỗ, hay đúng hơn của một tay chuyên „tìm cách lừa người“. Trong các Tin Mừng nó xuất hiện và hứa trao cho đức Giêsu quyền lực và hạnh phúc đỉnh điểm, nếu Người chịu theo nó. Và con người chúng ta ai lại không biết đến sự xung đột nội tâm này: Luôn phải chiến đấu với chính mình trước việc có nên đi theo hay đề kháng lại sự dữ? Nhưng dù quyết định thế nào – chỉ sau đó người ta mới nhìn ra vấn đề rõ hơn. Sau một cám dỗ, ta mới nhìn ra tâm tính, nhìn ra cái Tôi của mình rõ hơn. Như vậy, quỷ đã chiếu ánh sáng vào trong ngõ ngách tăm tối nhất của tâm hồn tôi, để giờ đây tôi nhận ra, kẻ đang đứng trước tấm gương soi kia là ai. Tôi vừa có khả năng làm điều lành vừa dư sức làm điều dữ. Trải nghiệm tâm lí chiều sâu này hẳn là ý nghĩa đàng sau hình ảnh Luzifer, „kẻ mang ánh sáng“.

Một tên gọi khác của sự dữ là „Diabolos“. Từ hi-lạp này có nghĩa: kẻ lường gạt, kẻ vu khống, kẻ tung tin giả [phát tán thuyết âm mưu], người tạo rối loạn. Cái tên này muốn nói: sự dữ có mặt trong bất ổn, trong rối loạn. Là vì, thế giời sẽ ra sao, nếu dối trá tràn lan, tin thật tin giả lẫn lộn? Khi tốt không còn được nói là tốt, xấu không còn được nói là xấu nữa? Khi kẻ làm bậy được đưa lên ghế tổng thống và người chân thật phải chết dần chết mòn trong các trại tù? Bất ổn là cánh cửa dẫn vào đau khổ. Khi con người không còn biết, đâu là chỗ của mình, đâu là chính, đâu là tà, thì mọi thứ sẽ sụp đổ: gia đình, quốc gia, luật pháp. Hậu quả là bất ổn, bất ổn mở đường cho bạo lực trần trụi. Ta nghe như quỷ đang cười hả hê…

Và đấy rốt cuộc cũng chẳng phải là một nhận thức thần học, nhưng mang nặng tính trần tục, được phản chiếu qua tên gọi của sự dữ tối thượng: Rối loạn và vu khống dẫn tới băng hoại. Cả hình ảnh tưởng tượng về quỷ này cũng được hình thành từ kinh nghiệm thực tế của con người. Và cho đến nay ta vẫn có thể theo dõi tác động của những lực xấu đó trên các bản tin truyền thanh truyền hình vào mỗi buổi chiều tối.

Vì thế mới cần những định chế như trường học, đại học, cảnh sát, tư pháp, các giáo hội và các bộ máy hành chính, để kìm giữ những chuyện điên rồ đang được phát tán đầy rẫy trong thế giới. Vì thế những định chế giữ ổn định cần thiết đó phải cần được hỗ trợ. Là vì chẳng ai lại muốn có một chế độ độc tài, để kiểm soát và trấn át sự điên rồ một khi nó đã bộc phát.

Liệu có ai, khi nhìn vào các hành vi của con người – cả hành vi quá khứ lẫn hiện tại – có thể thật sự tin có quỷ? Các nhà tù tra tấn ở Syria, những pháp trường xử người ở Afghanistan, những quần đảo ngục tù ở Nga, những con mắt thần bám dân dày đặc ở Trung Quốc, những dối trá thác loạn không dứt trong cuộc vận động bầu cử ở Mĩ… chẳng phải là những công trình của quỷ. Đó là hành vi của những con người ma mãnh chỉ nghĩ tới quyền lực và quyền lợi riêng mình. Chẳng phải đợi đến lúc các hình ảnh và tường thuật về các trại tập trung của Nazi Đức xuất hiện người ta mới biết được, là mình chẳng cần tới quỷ, để có kẻ mà đổ tội. Satan không phải là kẻ khác hay người xa lạ, chẳng liên hệ gì tới tôi. Không, nó là người như bạn và tôi. Dưới tấm áo của con quái vật khủng nhất chẳng hề ló ra một cái chân hay cái đuôi của chú dê nào cả. Quỷ không hôi mùi lưu huỳnh, nhưng thơm mùi nước hoa. Nó mặc đồ bộ, mang cà-vạt, và đôi khi đi guốc cao gót.

Sự dữ nằm sâu trong mỗi người. Và nó ló mặt cũng như bung ra tuỳ theo tâm tính mỗi người và theo từng hoàn cảnh chính trị, xã hội. Những tay ác độc và man rợ nhất của „Đệ tam thể chế“ vốn trước kia là những đứa trẻ ngoan ngoãn, và sau khi chế độ Tộc-xã (Nazi) sụp đổ, chúng đoàn lũ hàng triệu người cởi áo đồ tể và xuất hiện trở lại như những công dân trung thành của xã hội dân sự. Chúng là những bác sĩ, thương gia, chính trị gia, thẩm phán và thầy cô giáo, trở thành rường cột của một Cộng Hoà Liên Bang Đức dân chủ. Quỷ ở trong tâm của mỗi người. Nó không phải là tên đen đủi nào đó, mon men lại gần và dẫn tôi vào đường bất chính. Chẳng có hành vi nào của tôi là do quỷ cả. Quỷ ẩn núp trong tôi. Hay trong lòng anh/chị. Chỉ việc là đừng để nó có dịp ló đầu ra!

____________

[1] Con số nạn nhân của cuộc truy nã phù thuỷ thiếu nhất quán. Có tài liệu ghi tới hàng trăm ngàn nạn nhân. Nay số liệu các thư khố đã được bạch hoá. Toà án dị giáo của Vatican trong suốt 260 năm đã kết án tử 97 người (trong khi đó Tin Lành ở Zürich, Thuỵ-sĩ, cùng thời đã giết 84 người bị kết là dị giáo). Toà án dị giáo của chính quyền Tây-ban-nha, cơ quan truy nã lớn nhất thời đó, từ năm 1540 tới 1700 đã kết án tử 826 người trên khăp đế quốc tây-ban-nha. Những con số to lớn trên kia hẳn bắt nguồn từ một „Legenda Nera“ (truyền thuyết đen) nhằm chống lại chính quyền tây-ban-nha và cả giáo tông Alexander VI (Borgia), cũng là một người tây-ban-nha và có vấn đề về đạo đức, thời đó (Manfred Lütz, Bluff! Die Fälschung der Welt. Droemer Verlag, 2012, tr. 148t.).

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến