Nguyễn Ngọc Thể
Người ta thường nói: “ Yêu là chết trong lòng một ít.” Có những chuyến đi khác nhau trong cuộc đời: những chuyến đi xa, những chuyến đi gần, đi rồi về, hay đi mà không trở về, đi mãi mãi, đi vĩnh viễn. Nhưng, chuyến đi mãi mãi, đi vĩnh viễn, thì người đi không biết sao tính toán trước được hay không thiết tha gì, nhưng người ở lại, thì mang trong lòng nỗi xót xa, đau đớn khôn tả. Ai đã trải qua những điều này ắt sẽ rõ hơn.
Theo dữ liệu, thì trung bình, mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 385 ngàn em bé chào đời, tức là một năm có độ 140 triệu em sơ sinh. Hiện tại, dân số trên thế giới gia tăng độ 215 ngàn người mỗi ngày [1]. Có sinh thì có tử. Sông có khúc, người có lúc. Con người được sinh ra thì có lúc cũng phải chết. Chết đủ mọi cách. Chết già. Chết trẻ. Chết vì bệnh tật. Chết vì giết nhau, thù hận. Cũng có những cái chết ngoài ý muốn, như chết vì chiến tranh, hỏa hoạn, tai nạn, v.v. Đang khi đó, theo tài liệu của CDC [2] và của viện Guttmacher, dù con số không chính xác và rõ ràng, thì số những em thai nhi bị giết trong bụng mẹ hằng năm, con số ước khoảng từ 600 ngàn cho đến 900 ngàn, tức gần một triệu thai nhi bị giết hằng năm.[3] Tại sao những em chưa được sinh ra mà phải bị giết?
Lòng dạ con người ngày nay chỉ muốn sống ích kỷ, không lo gì cho thế hệ ngày mai. Hãy thử hỏi, có con thú nào, khi đang mang con của chúng lại tìm cách giết con của chúng trong bụng? Trái lại, con người vì thông minh hơn, vì Chúa đã ban cho con người có đầu óc biết tính toán, biết nghĩ suy, biết gian dối, lừa lọc, nên đã tìm cách giết con của mình trước khi cho chúng chào đời. Ngoài ra, sống trong thời đại văn minh, có tự do, nên con người càng đòi hỏi phải có được thứ tự do này, “tự do giết thai nhi”(!), giết ở bất cứ giai đoạn nào, như hiện giờ có những nguòi đã chủ trương, đòi hỏi. Nếu có luật pháp nào cản ngăn, cấm đoán, thì họ lên tiếng phản đối, cho là đối xử bất công, đòi cho bằng được “quyền tự do” này. Giáo hội luôn nhắc nhở, kêu gọi những người con Chúa, hãy bảo vệ sự sống từ trong bào thai cho đến tuổi già, chết tự nhiên. Nếu nhắc lại quán quyết của Roe v. Wade, từ nửa thế kỷ trước cho đến nay (1973-2022), luật cho phép người mang thai có quyền đến các trung tâm phá thai để giết các thai nhi, và con số này, cho đến nay, lên đến cả trăm triệu!
Một em bé được chào đời, có nghĩa là em bé bắt đầu đi vào thế giới. Khi còn bé, em còn nằm trong vòng tay của mẹ. Mẹ cho bú mớm, lo cho em sức khỏe. Theo thời gian, em bắt đầu lớn lên, với một tương lai vô định, mù mờ, nghĩa là chưa biết sẽ ra sao. Khi lớn lên, em sẽ quyết định, chọn cho mình một hướng đi. Khi em đã thực sự trưởng thành, một chân trời mới đang mở ra trước mắt em, một chân trời với bao mộng ước, bao quyến rũ, như khuyến khích mời gọi tiến về phía trước. Một em bé đang và sẽ trưởng thành, như bình minh của một ngày mới đang bắt đầu, với những tia ánh dương ngời sáng, khiến tâm hồn em ngây ngất, hân hoan. Cuộc đời em giờ như ngọn sóng, như sức sống đang trào dâng khắp châu thân. Cuộc sống của con người được hình thành qua các giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử. Qua suốt cuộc hành trình nơi dương thế, mỗi người chúng ta đều phải trải qua biết bao thăng trầm, bao thử thách, sóng gió dập vùi, xen lẫn những đau thương, vui buồn sướng khổ…
Giờ, chúng ta đang sống trong tháng thứ 11 trong năm. Tháng 11, tháng dành riêng để cùng tưởng nhớ đến các linh hồn trong chốn luyện hình. Nói đến đây, mỗi người chúng ta không khỏi liên tưởng và nhớ đến những người thân yêu đã ly trần; trong số đó, có cha mẹ, anh chị em, vợ chồng hay con cái. Những người thân yêu này đang an nghỉ trong Chúa, đang nằm lặng yên, hiu quạnh nơi các nghĩa địa… và chờ ngày sống lại. Chúng ta hãy dành chút thì giờ đến nơi đó để viếng thăm và cầu nguyện.
Thế là chúng ta sắp sửa tiễn biệt năm cũ để bước sang một năm mới, với bao thử thách, bao nỗi buồn vui của cuộc sống, bao sóng gió đang đón chờ. Sự gì sẽ xảy ra trong thời gian tới, nào ai biết chắc được (?)
Chúng ta đang tiến về phía trước hay trở về cội nguồn của cuộc sống. Phía trước của chúng ta chỉ là ngỏ cụt mà thôi. Vậy nên chúng ta phải quay trở về điểm khởi hành của cuộc sống, có nghĩa là, dù muốn dù không, chúng ta ai cũng phải chấp nhận định luật “lá rụng về cội”. Nói đến lá rụng về cội, mỗi người đều nghĩ đến thân phận của con người. Ở bất cứ tuổi nào, thời buổi nào, việc sinh tử, đã, đang, và sẽ xẩy đến là chuyện bình thường mà thôi. Tôi có người em út trong gia đình, được người mẹ thương yêu cách đặc biệt, đang ở tuổi đại học, thì bị động viên vào quân đội, vì cuộc chiến ngày càng khốc liệt, dù anh em chúng tôi có hai người đang phục vụ trong quân đội, và hai người anh khác đang là linh mục và tu sĩ, nhưng vẫn không được miễn hay hoãn dịch. Sau khi được gọi nhập ngũ, được thụ huấn tại quân trường Thủ đức, và khi ra trường, chỉ chưa đầy một tháng sau, thì đã đền nợ nước, ở tuổi đời 20!
Qua cuộc chiến tương tàn, trong 30 năm, bao thanh niên đã nằm xuống, vùi thây nơi các trận mạc. Một số khác thì phải bị tàn phế, sống qua ngày, đoạn tháng với gia đình… Rồi trong khi cuộc chiến chưa ngả ngũ hay chỉ qua một giải pháp chính trị tạm thời, khiến cả triệu người phải rởi bỏ miền Bắc thân yêu để lánh sang miền Nam (1954), nhưng cuộc sống cũng chỉ tạm ổn định, thì họ lại phải ra đi một lần nữa (1975) cùng với nhũng người dân miền Nam, vì nạn cộng sản đã lấn chiếm miền Nam, bất chấp “Hiệp định đình chiến và tái lập hòa bình tại Việt nam” được ký kết giữa hai phe quốc-cộng, ngày 27 tháng 3 năm 1973, tại Paris, Pháp quốc.
Lần này, họ đành chấp nhận cuộc sống tha phương, sống mòn mõi trong vô vọng, nơi đất khách quê người. Ngày hồi hương chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra! Nỗi lòng luôn mong mỏi, tưởng nhớ về nơi cố quốc, mà ở đó, bao người thân yêu còn ở lại, đã yên giấc nơi những nấm mộ hoang tàn, không một ai thăm viếng hay tưởng nhớ qua những lời cầu kinh. Có chăng thì còn lại những người thân, dù đang sống nơi xa xăm, vẫn tưởng nghĩ đến, dâng lễ và cầu nguyện cho.
Ngoài kia, với không gian tĩnh mịch của những ngày thu hiu hắt, với những tia nắng vàng yếu ớt chiếu qua không gian. Nhìn những hàng cây đang trụi lá, với những cành cây khẳng khiu, bao chiếc lá vàng đã vội vã lìa cành, gợi cho chúng ta những phút giây suy tư trầm lắng về cuộc đời, về cuộc sống mau tàn của chính chúng ta. Ngày mai chúng ta sẽ đi về đâu? Ngày mai chúng ta sẽ làm gì? Chỉ trong khoảnh khắc, mỗi người sẽ nhận chân ra rằng, tất cả sẽ đi về cõi hư vô bởi cuộc sống thật hữu hạn, thật ngắn ngủi hay nói cách khác, hữu hình thì hữu hoại, Vật chất đó, hình hài đó, một mai sẽ không còn nữa, sẽ không con mấy ai nhắc tới nữa! Trong cái hữu hoại, cái ngắn ngủi của cuộc sống này, mỗi người chúng ta đã tích lũy được những gì có ích cho cuộc đời mai hậu?
Khi ấy, Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn : đừng ngoại tình, đừng giết người, đùng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ.” Anh ta nói: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuởnhỏ.” Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó, Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” [4]
_________________________
[1] và [3] Wikipedia – [2] Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và phòng ngừa [4] Mc.10:17-23
[3] Mc 10: 17-20
Views: 0