SUY TƯ DÒNG ĐỜI

Kiếp ve sầu – kiếp con người

Nguyễn Ngọc Thể

 

Đối với các em học sinh, ba tháng hè đã trôi qua như chỉ mới trong khoảnh khắc. Suốt mùa hè các em đã làm được hay học được những gì, hoặc nếu gia đình nào đã có chương trình đi chơi đâu đó trong mấy tuần lễ, thì cũng đã quay về nhà để các em lại chuẩn bị quay gót trở lại mái trường cũ, tiếp tục một năm học mới. Có những em thì vừa xong chương trình trung học và bây giờ lại chuẩn bị bước vào một môi trường mới, môi trường đại học. Cuộc sống cứ như thế mà tiến lên và tiến lên không ngừng.

Có những người đã đến tuổi hưu, nay đang nghỉ ngơi, vui hưởng những năm tháng còn lại của cuộc đời. Về hưu, điều mà ai cũng cứ nghĩ là gác bỏ mọi sự sau lưng cùng những công việc bận bịu trước kia để cho đầu óc được thanh thản mà vui hưởng tuổi già. Trái lại, khi về hưu, như quý vị đang tận hưởng và cũng lại có kinh nghiệm, là cảm thấy buồn hơn lúc còn đi làm. Bạn bè thì ít có cơ hội gặp nhau, rồi những ảnh hưởng của bao công việc ngày trước giờ cũng đang lùi dần vào dĩ vãng.

Ngoài kia, tuy những ngày hè nóng bức vẫn còn, dù là những ngày cuối hè, nhưng rồi cũng chóng dịu dần để bước sang một mùa thu đang sắp đến. Tiếng ve sầu, như chúng chúng ta vẫn nghe rỉ rả tại nhiều nơi, rồi cũng lại ngưng hẳn vì chúng không còn. Để thành một con ve bắt đầu cất tiếng hát chỉ trong một mùa hè mà thôi, thì chúng phải trải qua một chu kỳ dài đằng đẵng đến mười mấy năm trời, dưới lòng đất. Khi đến chu kỳ thành con ve thì suốt một mùa hè, nghĩa là sống trên mặt đất hay trên các cành cây, ngày đêm ca hát, nhưng chỉ vỏn vẹn từ 2 đến 6 tuần lễ, rồi con ve ngả lăn ra chết.[1] Nghĩ đến kiếp ve sầu thấy cũng buồn, và lại nghĩ đến kiếp sống con người. Tuy nhiên, con người không qua những chu kỳ khác nhau (giống như thuyết luân hồi của Phật giáo), và cũng không giống như kiếp sầu của con ve.

Kiếp con ve, mà nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp, ông Lã-Phụng-Tiên (La Fontaine, 1621-1695), đã diễn tả và qua nhà văn kiêm dịch thuật Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch từ bài thơ ngụ ngôn “ La cigale et la fourmi” ra tiếng Việt, xin được trích đăng sau đây:

 

“Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng không còn
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Năm ba hạt qua ngày.
Từ nay sang tháng hạ
Em lại xin đem trả,
Trước thu thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời.
Tính kiến ghét vay cậy,
Thói ấy, chẳng hề chi.
Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi ve như vậy?
Ve rằng: luôn đêm ngày
Tôi hát: thiệt gì bác.
Kiến rằng: xưa chú hát,
Nay thử múa coi đây.”
(Nguyễn Văn Vĩnh dịch, 1914)

Qua bài thơ ngụ ngôn nói trên, tác giả La Fontaine đã có ngụ ý nói với chúng ta, sống ở đời, nếu chỉ mãi lo ăn chơi, lêu lổng, không chí thú học hành, làm việc để kiếm sống thì rồi có ngày sẽ thân tàn ma dại, không có gì ăn nên phải đi vay mượn người khác để sống qua ngày. Trong thơ ngụ ngôn của tác giả nói trên (và một số những bài ngụ ngôn khác), thường cho chúng ta những bài học dạy đời thật hay.

Con người được sinh ra ở đời là do Thiên Chúa, vì yêu thương, Ngài đã tạo dựng nên con người chúng ta. Chúng ta được sinh ra ở đời, không có nghĩa là Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta, từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta muốn làm gì thì làm, đến nỗi, có người cũng có thể tự quyết định cái chết cho riêng mình nữa! Chúng ta được sinh ra, được tự do, cho dù chúng ta có tin Chúa hay không, nhưng con người được sinh ra đều đã được Thiên Chúa an bài và tiền định, tức sống hay chết bằng cách nào, đều ở trong chương trình của Chúa.  Dù là đã được tiền định, Thiên Chúa vẫn muốn chúng ta cộng tác với Ngài qua chương trình cứu độ, qua những tháng ngày chúng ta sống trên dương thế, nghĩa là, chúng ta phải vui mừng và hăng hái lên đường, tiếp tay với Thiên Chúa để cũng mang Tin Mừng cứu độ đến cho bao người anh em chưa nhận biết Chúa.

Kiếp ve sầu, như đã diễn tả ở trên, tuy cuộc sống không là bao, nhưng khi bắt đầu thời gian ca hát, ve cũng biết ca hát ngợi khen Thiên Chúa suốt những ngày vắn vỏi trong cuộc sống của chúng. Và qua thánh vịnh 133, chúng ta cùng nhau suy niệm:

            “Hỡi tất cả những người tôi tớ Chúa
ứng trực suốt đêm trong thánh điện,
nào chúc tụng Chúa đi.
“Hãy giơ tay hướng về cung thánh
Mà dâng lên lời chúc tụng Người.
“Cúi xin Đấng tạo thành trời đất
xuống cho bạn muôn vàn phúc cả
từ núi thánh Sion.” (TV 133: 1-3)

Cũng trong tháng 9 này, chúng ta cùng Giáo hội kính nhớ hai ngày lễ của Mẹ: Ngày 8 và 15. Ngày 8, mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ, lễ kính:

Ngày Mẹ sinh như vì sao bắc đẩu,
Sáng rạng ngời mừng Mẹ đã sinh ra,
Như Thiên Chúa đã định đoạt an bài,
Để làm Mẹ Chúa Ngôi Hai giáng thế.
Mẹ đồng trinh Mẹ tinh tuyền chí thánh,
Tấu lạy Bà Mẹ Chúa Cả thiên đình,
Chúc mừng Bà cùng thần thánh quang vinh
Mừng kính Mẹ sinh ra đầy hồng phúc.

“Đức Mẹ Sầu Bi”, ngày 15 tháng 9, lễ nhớ. Với tâm tình sầu buồn cùng Mẹ Maria, khi đứng dưới cây thánh giá, nhìn Con yêu dấu của Mẹ chết trong sầu thảm.

Mẹ đứng đó dưới chân cây thánh giá,
Nhìn Con Mẹ trút hơi thở cuối đời,
Dưới trời chiều tiếng chim buồn buông rơi
Ôi nhân thế sao nỡ lòng giết Chúa!
Suy nghĩ đi hỡi con người phản bội,
Vui mà chi cuộc đời vẫn đeo mang
Bao tháng năm tội lỗi vẫn ngập tràn,
Lòng dạ người sao mãi còn hưởng thụ.
Dừng lại đây nhìn lên thánh giá Chúa,
Từng giọt máu Chúa vẫn còn đổ ra,
Nơi nhà tạm, trên bàn thờ mỗi ngày
Hầu xóa sạch bao nhớp nhơ tội lỗi.

_________________________________________

[1] Wikypedia

[2] Wikypedia

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.